Xu hướng nghiên cứu giáo dục hiện nay của một số nước trên thế giới

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Vương Thanh Hương
    Đơn vị công tác: Trung tâm Thông tin-Thư viện, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 04 39423943
    Thành viên: ThS. Phạm Thị Kim Phượng, ThS. Vũ Hồng Khanh, ThS. Bùi Đức Thiệp, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Nguyễn Công Giáp
    Thời gian thực hiện: Từ 6/2009 – 6/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Nghiên cứu tổng quan các xu hướng và điều kiện đảm bảo cho nghiên cứu giáo dục ở một số nước lựa chọn để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm cho phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

    Nội dung nghiên cứu

    - Xác định vấn đề nghiên cứu và các yếu tố liên quan. Một số khái niệm cơ bản: nghiên cứu giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục (KHGD), nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hệ thống nghiên cứu giáo dục quốc gia

    - Xu hướng nghiên cứu giáo dục của một số nước. Phân tích dựa trên các xu thế và minh họa từ các nước lựa chọn cụ thể: Các xu hướng nghiên cứu giáo dục nói chung; Các hướng nghiên cứu giáo dục mang tính đặc thù của một số nước lựa chọn.

    - Một số nhận định và bài học kinh nghiệm tham khảo cho phát triển nghiên cứu KHGD ở Việt Nam: Nhận định chung về xu hướng nghiên cứu giáo dục hiện nay trên thế giới; Định hướng nghiên cứu giáo dục đặc thù của một số nước lựa chọn.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp nghiên cứu so sánh; phương pháp chuyên gia.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã trình bày các khái niệm then chốt liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Các quan niệm, cách hiểu về giáo dục, khoa học, khoa học giáo dục, nghiên cứu giáo dục, hệ thống nghiên cứu và phát triển quốc gia .

    Xu hướng nghiên cứu giáo dục được hiểu trong đề tài này là tìm hiểu các hướng nghiên cứu, phát triển chủ đạo về khoa học giáo dục những năm cuối thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21 để tham khảo và học hỏi cho phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục phù hợp thực tiễn Việt Nam.

    Đề tài cũng trình bày quan niệm về nghiên cứu lý luận, nghiên cứu ứng dụng và một số hệ thống tiêu chuẩn phân loại giáo dục trên thế giới hiện nay.

    2/ Về thực tiễn

    Bối cảnh quốc tế: 1/Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH và CN) làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức; 2/Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa là quá trình hợp tác để phát triển vừa là quá trình đấu tranh của các nước đang phát triển để bảo vệ quyền lợi quốc gia; 3/Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội và đặc biệt trong giáo dục.

    Nghiên cứu các xu hướng nghiên cứu giáo dục trên thế giới:

    + Nghiên cứu giáo dục so sánh: Giáo dục so sánh đã hình thành như một lĩnh vực nghiên cứu khoa học từ một thế kỷ qua với những tác phẩm rất có giá trị của nhà thơ nổi tiếng thời Nữ hoàng Victoria, đồng thời là một học giả Anh, Matthew Arnold (1861, 1882, 1888, 1892). Ông đã công bố các kết quả nghiên cứu về giáo dục ở Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan và Đức. Vào khoảng năm 1854, Carl johan Fogh đã có một công trình nghiên cứu về các trường ở Đan Mạch dưới cách nhìn của người Mỹ và William Denison (1862) đã công bố một công trình nghiên cứu có tên là Về các Hệ thống Giáo dục. Trong thế kỷ qua, đã có ba giai đoạn chính trong quá trình phát triển của lĩnh vực khoa học mới mẻ này. Giai đoạn đầu: So sánh miêu tả các hệ thống giáo dục. Giai đoạn hai: Sự hình thành phát triển giáo dục quốc tế. Giai đoạn ba và là giai đoạn hiện nay: Toàn cầu hóa và vượt lên trên những vấn đề của nhà nước quốc gia.

    + Nghiên cứu về chính sách giáo dục: một trong những chủ đề giáo dục được tập trung nghiên cứu trong những năm gần đây ở nhiều quốc gia, đó là lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách giáo dục. Nghiên cứu về chính sách giáo dục được chú trọng các vấ đề sau đây: 1/ lý luận về chính sách; 2/ xây dựng chính sách; 3/ các thành tố trong phân tích chính sách giáo dục.

    + Nghiên cứu về giáo dục đại học: Đề tài đi sâu nghiên cứu 7 vấn đề: 1/Toàn cầu hóa và giáo dục đại học (GD ĐH); 2/Nghiên cứu về Tư nhân hóa giáo dục đại học; 3/Nghiên cứu về Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học; 4/Nghiên cứu và phát triển (R&D) trong GD ĐH; 5/Nghiên cứu về quản trị và quản lý GD ĐH; 6/Nghiên cứu về Xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới (World Class University); 7/Nghiên cứu về đổi mới quản lí tài chính GD ÐH.

    + Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giáo dục: Khái niệm ICT được hiểu theo nghĩa rộng hiện nay liên quan đến khoảng 20 vấn đề được miêu tả ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục như: Giảng dạy thông qua Internet, học tập nhờ công nghệ tiên tiến, giáo dục dựa trên Website, giáo dục trực tuyến, giao tiếp thông qua máy tính (CMC), học tập điện tử, lớp học ảo, trường học ảo, môi trường truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), giao tiếp trực tuyến qua máy tính, học tập mở và từ xa (ODL), giáo dục từ xa (distance education), học tập được hỗ trợ phân bổ, các khóa học hỗn hợp, tài liệu khóa học điện tử, các khóa học lai ghép, giáo dục số hóa, học tập cơ động và học tập được hỗ trợ công nghệ

    Bước sang thế kỷ 21, người ta nhắc nhiều đến “Giáo dục số hóa trong nền kinh tế tri thức – Education for a digital world”. Việc ứng dụng ICT trong giáo dục những năm đầu thế kỷ 21 được coi là cuộc cách mạng thứ 3 liên quan đến việc sử dụng ICT trong tiếp nhận và phân bổ thông tin.

    Các nghiên cứu ứng dụng ICT trong giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới giai đoạn hiện nay tập trung vào các hướng chính sau đây:

    - Thư viện điện tử
    - Học liệu mở
    - Các chương trình đào tạo kết hợp ứng dụng ICT và phương pháp truyền thống trong giảng dạy và học tập
    - Hiệu quả của ứng dụng ICT trong giảng dạy và học tập
    - ICT như một công cụ hiệu quả trong nghiên cứu khoa học
    - Nhân lực và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên về ứng dụng ICT trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
    - Xây dựng các nguồn lực trực tuyến và đa phương tiện;
    - Xây dựng các kĩ năng ICT cho cả giáo viên và học sinh;
    - Xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên môn liên quan tới chương trình để hỗ trợ cho việc tích hợp công nghệ tin học vào thực tiễn dạy và học ở tất cả các cấp bậc học từ mầm non đến sau đại học.

    + Giáo dục đặc biệt: Các hướng nghiên cứu trong giáo dục đặc biệt xuất phát từ các quan điểm về người học có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Trong giáo dục dặc biệt đang có các quan điểm cơ bản sau :

    i/ Người có nhu cầu đặc biệt cần phải được trợ giúp để khắc phục những mặt “Yếu”, “Hạn chế” của bản thân để hội nhập với xã hội. Xã hội về bản chất sẽ không thể thay đổi để “Theo”, “Đáp ứng” những nhu cầu riêng biệt của từng người được. Do đó người có nhu cầu đặc biệt cần được giáo dục riêng, nhanh chóng khắc phục những “Yếu điểm” để có thể tham gia hoạt động giáo dục, sinh hoạt chung.

    ii/ Không có người có nhu cầu đặc biệt mà chỉ có xã hội cần phải thay đổi. Mỗi cá nhân trong xã hội là thành phần không thể tách rời tạo nên toàn xã hội. Vì vậy khi có người có nhu cầu riêng thì bản thân xã hội đã bị thay đổi. Do đó quan điểm của họ là xã hội cần thay đổi để phù hợp với thành viên mới chứ không phải là thành viên này phải thay đổi. Nghĩa là, các cơ sở giáo dục, xã hội phải làm mọi cách để những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt có thể tham gia.

    iii/ Mọi người đều bình đẳng trong xã hội và xã hội là của mọi người. Vì vậy, mỗi thành viên trong xã hội đều cần được bảo đảm để hưởng mọi thành quả trong sự phát triển của xã hội và cần phải tự hoàn thiện, phát triển và đóng góp vì sự phát triển chung của toàn xã hội.

    Dựa vào các quan điểm chính này mà hiện tại trên thế giới vẫn có ba hướng nghiên cứu chính trong giáo dục đặc biệt là : 1/ Nghiên cứu về giáo dục chuyên biệt (Người học có cùng nhu cầu hoặc nhóm nhu cầu giáo dục đặc biệt) học riêng; 2/ Nghiên cứu về cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, phương tiện, đồ dùng học tập, sinh hoạt phù hợp cho người có nhu cầu đặc biệt; 3/ Nghiên cứu xây dựng, cải tạo môi trường theo hướng thân thiện, phù hợp với người có nhu cầu đặc biệt đồng thời với nghiên cứu các cách thức hỗ trợ giúp bản thân các cá nhân có nhu cầu đặc biệt tự khắc phục mặt “Hạn chế”, tự phát triển để có thể tham gia hoạt động chung trong xã hội.

    + Các nghiên cứu về phát triển chương trình giáo dục hiện đại: Các nghiên cứu về phát triển chương trình giáo dục thể hiện xu thế đổi mới giáo dục ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Những nghiên cứu này mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đối phó với sự bùng nổ tri thức, khoa học và công nghệ, sự phát triển của kinh tế – xã hội và nhu cầu hoàn thiện tri thức của cá nhân người học ở mọi cấp, bậc học khác nhau. Các hướng nghiên cứu về phát triển chương trình giáo dục trên thế giới thể hiện chủ yếu ở các lĩnh vực sau: 1/ Cơ sở lý luận về chương trình giáo dục; 2/ Các nghiên cứu về cải cách chương trình giáo dục; 3/ Thời lượng thực hiện chương trình giáo dục; 4/ Nghiên cứu về chuẩn chương trình giáo dục.
    Một số nhận định về nghiên cứu giáo dục trên thế giới hiện nay:

    + Nghiên cứu giáo dục đang đóng góp những hiểu biết mới, sâu sắc và một nền tri thức chung trong giáo dục. Vấn đề quan trọng là phải đánh giá được các hệ thống nghiên cứu giáo dục với vai trò như một phương tiện hữu hiệu trong việc hình thành, so sánh và phân bổ tri thức theo những vấn đề mà nhà thực hành, hoạch định giáo dục đưa ra. Nếu phân tích hệ thống nghiên cứu giáo dục quốc gia như một hệ thống quản lý tri thức, thì mục đích cơ bản của nghiên cứu giáo dục là xây dựng, tổ chức và phổ biến thông tin và kiến thức nhằm làm sáng tỏ những hiểu biết sâu rộng về các quá trình giáo dục chính yếu.

    + Hiện nay có hai xu hướng phát triển chung yêu cầu nghiên cứu và thông tin nhiều hơn về giáo dục trong các quốc gia OECD: Thứ nhất, các chính phủ tăng cường điều hành hệ thống giáo dục thông qua các mục tiêu, các chuẩn hơn là qua các điều lệ và nguyên tắc. Ðiều này khiến người ta cần các thông tin nghiên cứu giáo dục về các kết quả thực tiễn và chính sách giáo dục cấp vùng miền, quốc gia và quốc tế. Theo đó, người ta sử dụng rộng rãi Chương trình Ðánh giá Sinh viên Quốc tế của OECD (PISA). Thứ hai, một số chính phủ đẩy mạnh việc hoạch định chính sách “dựa trên dẫn chứng. Ðiểm cốt yếu của phương pháp này là các sáng kiến chính sách cần dựa trên chứng cứ và thông tin/kết quả nghiên cứu càng nhiều càng tốt. Ví dụ, trong sáng kiến quốc gia đầu tiên về Quản lý của tổng thống Bush, việc tái phân bổ quyền lực trong Luật Giáo dục Tiểu học và Trung học, với tiêu đề ‘Không trẻ em nào bị bỏ rơi’. Ðạo luật này đã đề cập tới ’khoa học dựa trên nghiên cứu’ 110 lần. Vì vậy, theo luật này, khoa học dựa trên nghiên cứu được xem như là cơ sở trong một số chương trình giáo dục.
    Những tham khảo cho phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục của Việt Nam

    + Xây dựng khung nghiên cứu hay các định hướng nghiên cứu giáo dục phù hợp. Khung nghiên cứu này phải đảm bảo tính kế thừa, có tính linh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và giáo dục đồng thời đảm bảo hợp lý giữa nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển.

    + Quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu giáo dục so sánh và vận dụng sáng tạo các kết quả nghiên cứu giáo dục đã có vào thực tiễn Việt Nam. Nhiều chủ đề, hướng nghiên cứu giáo dục đã được thực hiện ở nhiều nước. Cần tận dụng thành tựu, kết quả của các công trình nghiên cứu này và ứng dụng vào thực tiễn phát triển giáo dục Việt Nam.

    + Tăng cường tích lũy và phổ biến tri thức nghiên cứu khoa học giáo dục. Ðể vận dụng tốt nhất các kết quả nghiên cứu giáo dục trong hoạch định chính sách và thực hành giảng dạy cần chú ý 3 vấn đề. Thứ nhất, liệt kê và phổ biến đầy đủ các nghiên cứu trước đây. Thứ hai, bản thân nghiên cứu sẽ bị thiếu hụt nếu nghiên cứu mới không dựa trên nền tảng kết quả nghiên cứu trước đây. Thứ ba, để sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hạn hẹp, cần tập trung hợp lí vào các nghiên cứu theo định hướng người sử dụng và không chỉ là theo định hướng nhà tài trợ. Vì vậy, công tác quản lí nghiên cứu thành công nên đề ra các điều kiện, khung các vấn đề nghiên cứu chủ chốt để các nhà nghiên cứu và quản lý có thể tập trung vào tính hữu dụng của các đề tài nghiên cứu khi phê duyệt và thực hiện.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đối với Bộ GD&ĐT:

    - Coi trọng vai trò nghiên cứu khoa học giáo dục trong hoạch định chiến lược, chính sách giáo dục. Các quyết định giáo dục ban hành cần dựa trên các nghiên cứu thực tiễn và coi trọng thực tiễn.

    - Đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục của Viện KHGDVN. Nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục thường được tiến hành tại các Viện nghiên cứu, trường đại học lớn và được nhà nước đầu tư vì không dễ thị trường hóa.

    - Đầu tư có trọng điểm, có mục đích, có chất lượng cho các chuyến tham quan học tập tại nước ngoài với qui trình tuyển chọn nghiêm ngặt để lựa chọn đúng đối tượng đi nghiên cứu.

    Đối với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:

    - Hoàn thiện định hướng/khung nghiên cứu khoa học giáo dục của Viện đến 2020 trên cơ sở kế thừa các thành quả nghiên cứu đã có, tham khảo các nghiên cứu giáo dục quốc tế và định hướng phát triển nghiên cứu giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

    - Sáng suốt, đổi mới cơ chế tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học theo “Định hướng người sử dụng” để các sản phẩm này thực sự đóng góp hữu ích cho phát triển giáo dục Việt Nam.

    - Tăng cường phổ biến tri thức nghiên cứu giáo dục thông qua các ấn phẩm định kỳ, giới thiệu sách, công trình nghiên cứu có giá trị được tuyển chọn hàng năm. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của trang tin điện tử (Website) của Viện như một công cụ giới thiệu, chia sẻ và phổ biến thông tin về khoa học giáo dục của Viện.

    - Đầu tư nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong Viện. Có khen thưởng xứng đáng cho các hướng nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu có chất lượng, có ứng dụng cao trong thực tiễn.

    TỪ KHÓA: 1/Nghiên cứu giáo dục ; 2/ Nghiên cứu khoa học giáo dục ; 3/ Giáo dục đại học
     
    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...