Xây dựng và thử nghiệm bộ công cụ nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-03NCS (Đề tài cấp Viện của Nghiên cứu sinh)
    Chủ nhiệm đề tài: NCS. Bùi Thế Hợp
    Các thành viên tham gia: ThS. Ngô Thị Kim Thoa
    ThS. Lê Thị Tố Uyên
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: Tháng 08 năm 2010 / tháng 08 năm 2011
     
    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Thực tiễn dạy học ở nước ta đã xuất hiện hiện tượng nhiều học sinh học hết cấp tiểu học vẫn không biết đọc và hiện tượng này đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gây nhiều chú ý trong dư luận. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về đánh giá khả năng đọc của học sinh có khó khăn về đọc và nghiên cứu về chiến lược dạy học giúp khắc phục hiện tượng này.

    Ở nước ta, đã có một số công trình nghiên cứu về dạy học và đánh giá khả năng đọc của học sinh đại trà. Ngoài ra, một số nghiên cứu và tài liệu chuyên môn của Trung tâm Giáo dục trẻ có tật - Viện Khoa học Giáo dục (1991) có đề cập đến trẻ em có rối loạn đọc viết và coi đó như một phân nhóm của khuyết tật ngôn ngữ. Tuy vậy, hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu riêng đánh giá thực trạng hiện tượng khó khăn về đọc ở học sinh và cách khắc phục phù hợp với đặc điểm tiếng Việt và quá trình dạy học môn học này ở nhà trường Việt Nam.

    Đề tài nghiên cứu Xây dựng và thử nghiệm bộ công cụ nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học là một nghiên cứu thành phần trong Luận án tiến sĩ Dạy đọc cho trẻ khó khăn về đọc dựa trên vật liệu lời nói của trẻ. Đề tài được thực hiện thành công sẽ góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc đánh giá khả năng đọc, nhận biết học sinh khó khăn về đọc và cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc đề ra chiến lược và kỹ thuật dạy học đọc cho các học sinh này, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập của các em.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Xây dựng và thử nghiệm bộ công cụ nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học, giúp giáo viên và các nhà chuyên môn sử dụng để phát hiện khó khăn này ở học sinh, cung cấp thông tin cho việc tìm kiếm biện pháp phù hợp hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn đặc thù.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Hồi cứu tài liệu trong và ngoài nước để làm rõ khái niệm công cụ và các vấn đề liên quan làm cơ sở lý luận của đề tài.

    - Xây dựng các tiêu chí và bộ công cụ giúp đánh giá khả năng đọc và phát hiện khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học.

    - Thử nghiệm bộ công cụ nhằm kiểm nghiệm độ tin cậy, độ hiệu lực và tiến hành khảo sát trên một mẫu nhất định nhằm đánh giá thực trạng khả năng đọc, nhận diện các học sinh có khó khăn về đọc, mức độ phổ biến của khó khăn về đọc cũng như một số đặc điểm khả năng đọc của các HS này.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    - Trong quá trình hồi cứu tư liệu, chúng tôi sử dụng các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

    - Các trẻ em khó khăn về đọc được nghiên cứu không bao hàm các trẻ em có các khuyết tật về trí tuệ, thính giác, thị giác hay vận động và đựơc giới hạn trong nhóm học sinh từ cuối lớp 1 đến lớp 5.

    - Trong thử nghiệm bộ công cụ và tiến hành khảo sát thực tiễn, mẫu nghiên cứu giới hạn ở khoảng 250 học sinh thuộc một số trường phổ thông cấp tiểu học ở miền Bắc và miền Nam.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài gồm: Hồi cứu tài liệu; Phương pháp điều tra - sàng lọc; Phương pháp chuyên gia; Thống kê toán học.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 phần

    Phần1. Cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu
    1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
    1.2. Khái niệm đọc và khó khăn về đọc
    1.3. Nguyên nhân và phân loại khó khăn về đọc
    1.4. Hệ thống âm vị và chữ viết tiếng Việt trong mối liên quan đến khó khăn về đọc ở trẻ em
    1.5. Sách tiếng Việt lớp 1 phổ thông hiện hành trong mối liên hệ với việc dạy trẻ khó khăn về đọc

    Phần 2. Bộ công cụ nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học và việc sử dụng trong khảo sát thực tiễn
    2.1. Xây dựng bộ công cụ
    2.2. Kiểm nghiệm bộ công cụ
    2.3. Khảo sát thực tiễn bộ công cụ đã kiểm nghiệm

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Các khái niệm công cụ của đề tài, bao gồm khái niệm khó khăn về đọc ở HS tiểu học, được làm rõ. Đặc biệt, lần đầu tiên một bộ công cụ nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học được xây dựng và thử nghiệm đảm bảo độ tin cậy và độ hiệu lực.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Hiện tượng trẻ em có khó khăn về đọc ở các mức độ khác nhau, cho dù đã trải qua quá trình học đọc ở trường và không bị thiệt thòi về cơ hội học tập, cũng không phải do khuyết tật trí tuệ hay giác quan, là một thực tế khách quan. Giả thuyết về sự thiếu nhạy cảm âm vị được thừa nhận rộng rãi và đóng vai trò trung tâm trong giải thích cho sự thất bại học đọc của các trẻ em này.

    Trong trường hợp tiếng Việt, mối quan hệ âm vị - chữ viết về cơ bản mang tính giản dị và trong suốt, dù còn một số ít trường hợp bất quy tắc, song không quá khó học. Mặt khác chương trình và sách giáo khoa dạy đọc cho học sinh tiểu học được thiết kế chặt chẽ theo tiếp cận âm. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những học sinh thất bại trong học đọc.

    Một bộ công cụ 70 items với 6 tiểu thang đo để đánh giá khả năng đọc và nhận biết khó khăn về đọc ở học sinh tiểu học đã được xây dựng có tin cậy và độ hiệu lực cần thiết đã được xây dựng.

    Nghiên cứu khảo sát bộ công cụ đươc xây dựng trên 223 học sinh thuộc 4 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4, giai đoạn cuối năm học đã giúp các giáo viên và các nhà chuyên môn nhận diện những khó khăn về đọc ở những học sinh này.

    Khuyến nghị

    Cần có sự phổ biến giải thích khoa học để nhận thức được và chấp nhận hiện tượng có những trẻ em gặp khó khăn và thất bại trong học đọc ở trường như một thực tế khách quan; thay vì sự nhận thức giản đơn và hướng dư luận vào việc chỉ trích giáo viên và nhà trường trong việc không đảm bảo chất lượng dạy học các trẻ em này như trong dư luận xã hội hiện nay.

    Bản thân giáo viên và nhà trường cũng cần nhận thức được đặc điểm của những học sinh khó khăn về đọc để tránh sự chỉ trích hoặc đổ lỗi lười học cho các em này hoặc lỗi thiếu quan tâm của gia đình.

    Cần có nghiên cứu trường diễn (5 năm) với mẫu ngẫu nhiên đơn giản có kích thước đủ lớn để có những chỉ số khách quan và đầy đủ hơn về khả năng đọc của HS tiểu học, qua đó có phân loại mức độ khả năng về đọc của học sinh chính xác hơn.

    Cần có thêm những nghiên cứu xây dựng các công cụ cho phép sàng lọc sớm những trẻ khó khăn về đọc ngay từ giữa lớp 1, thậm chí sớm hơn để có biện pháp hỗ trợ giáo dục cá nhân phù hợp và hiệu quả.

    Có thể sử dụng các sản phẩm nghiên cứu của đề tài như một nguồn tham khảo và sử dụng được trong tập huấn bồi dưỡng giáo viên dạy học hòa nhập học sinh tiểu học có khó khăn về đọc. Bộ công cụ được xây dựng có thể dùng được trong đánh giá, nhận diện các HS khó khăn về đọc ở tiểu học nhằm cung cấp thông tin cho quá trình đề ra các chiến lược và giải pháp kĩ thuật hỗ trợ giáo dục phù hợp, giúp các em vượt qua khó khăn đặc thù để học tập đạt hiệu quả.

    Từ khóa: 1/ Học sinh tiểu học; 2/ Khó khăn về đọc; 3/ Bộ công cụ.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...