Xây dựng tiêu chí trường mầm non chất lượng cao trong xu thế hội nhập quốc tế

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Bùi Thị Kim Tuyến
    Đơn vị công tác: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Thư ký đề tài: ThS. Nguyễn Thị Quyên; Thành viên: TS. Trần Thị Ngọc Trâm, TS. Lê Minh Hà, ThS. Lương Thị Bình.
    Thời gian thực hiện: Từ 06/2008 đến 06/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Xây dựng các tiêu chí trường mầm non chất lượng cao phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

    Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc xây dựng tiêu chí trường mầm non chất lượng cao (MNCLC) trong xu thế hội nhập;

    - Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí trường MNCLC trong xu thế hội nhập;

    - Xây dựng tiêu chí trường MNCLC trong xu thế hội nhập.

    Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu lý luận, phương pháp chuyên gia, phương pháp điều tra, phương pháp toán thống kê.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã đưa ra một số khái niệm cơ bản, bao gồm: tiêu chí, chỉ báo, chất lượng, chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những quan điểm về chất lượng giáo dục mầm non. Theo đó, chất lượng giáo dục mầm non là tổng hòa những tính năng và đặc điểm của các nhân tố mà khi triển khai chúng trong quá trình giáo dục sẽ có tác động thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, bảo vệ sức khỏe và chuyển tiếp trẻ một cách thành công sang giai đoạn tuổi tiếp theo. Chất lượng giáo dục phải đảm bảo, đáp ứng sự mong chờ và yêu cầu của xã hội. Chất lượng của cơ sở giáo dục mầm non được đánh giá trên chín nội dung như sau: tỷ lệ trẻ đến lớp trong độ tuổi, sự phát triển toàn diện của trẻ, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, chương trình giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ, quản lý cơ sở giáo dục mầm non, nguồn tài chính, cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục. Việc xây dựng tiêu chí trường mầm non chất lượng cao cần phải dựa trên ba cơ sở khoa học là cơ sở tâm – sinh lý, cơ sở giáo dục học và cơ sở kinh tế.

    Tác giả cũng đã đưa ra một số thời cơ, thách thức đối với giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Những thách thức mà đề tài tập trung đề cập là: 1/ Thực hiện được những cam kết về giáo dục trong khuôn khổ của GATS, đồng thời phải đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia, thực hiện mục tiêu cơ bản của giáo dục; 2/ “Tư duy chậm đổi mới, chưa thích ứng với nền kinh tế thì trường xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập”; 3/ Các trường công lập đang bị “bó” bởi nhiều cơ chế quản lý; 4/ Thiếu hệ thống kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, thu hút sự hỗ trợ trong nước, ngoài nước; 5/ Trên thực tế sự phát triển dịch vụ giáo dục trình độ cao, chất lượng cao còn chậm về tiến độ và hạn chế về cấp độ, nghèo nàn về loại hình, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, và còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.

    2/ Về thực tiễn

    Một số kinh nghiệm quốc tế đã được tổng quan thông qua nghiên cứu các trường mầm non chất lượng cao của một số nước trên thế giới (cụ thể là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Tiểu bang Queensland – Úc, Trung Quốc). Các tiêu chí của các nước đều tập trung vào mối quan hệ giữa các yếu tố đảm bảo chất lượng và chất lượng giáo dục mầm non thể hiện trên trẻ.
    Ở Việt Nam, ngay từ những năm của thập kỷ 80, để đáp ứng yêu cầu của xã hội, bậc học mầm non đã tập trung vào định hướng nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trẻ. Đã có nhiều văn bản đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành học và nâng cao cơ sở giáo dục mầm non, phù hợp với yêu cầu phát triển và xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và trong văn kiện đại hội Đảng IX đã chỉ rõ nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo bước vào thế kỷ 21 là “phải tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong phát triển giáo dục, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học”.

    Với mục tiêu nghiên cứu thực trạng phát triển giáo dục mầm non chất lượng cao và trung cầu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến trường mầm non chất lượng cao trong xu thế hội nhập quốc tế, đề tài đã tiến hành khảo sát hơn 250 cán bộ quản lý giáo dục mầm non Sở và phòng, hiệu trưởng trường mầm non, giáo viên mầm non, phụ huynh, và thông tin thu được như sau: 1/ Số lượng trường mầm non có chất lượng tại các địa phương khảo sát có chiều hướng tăng, tăng nhiều nhất là ở Thái Nguyên; 2/ Điểm mạnh của trường mầm non trọng điểm và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các tỉnh khảo sát là điều kiện cơ sở vật chất tốt, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao và có kinh nghiệm trong quản lý và chỉ đạo, đội ngũ giáo viên có tỷ lệ đạt chuẩn cao, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, trường có thương hiệu và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và phụ huynh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và thực hiện; 3/ Một số hạn chế của trường mầm non trọng điểm và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các tỉnh khảo sát là hầu hết các trường có số trẻ/ nhóm và lớp vượt quá quy định, kinh phí nhà nước đầu tư còn ít, quy định thu chi không được chủ động, chế độ với giáo viên còn bất cập, giáo viên không có thời gian nghiên cứu đổi mới phương pháp, trình độ ngoại ngữ của cán bộ quản lý và giáo viên còn thấp, tiến trình thực hiện quy hoạch cho trường mầm non còn thấp, hiệu trưởng không được tham gia trong quá trình thiết kế và xây dựng trường, còn một bộ phận lãnh đạo địa phương chưa quan tâm thường xuyên; 4/ Phần lớn đối tượng tham gia khảo sát cho rằng các tiêu chuẩn trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là phù hợp, song có một số tiêu chí cần có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; 5/ Một số đặc điểm của các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là số trẻ trên lớp ít và tỷ lệ giáo viên cao, có hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và một người phụ trách kinh doanh, sử dụng chương trình giáo dục cấp quốc tế, cơ sở vật chất tốt, nhà trường phát huy tính chủ động mọi mặt, môi trường giáo dục có tính thẩm mỹ cao và có tính định hướng, phụ huynh tham gia vào hội đồng giáo dục nhà trường.

    Từ những thực trạng trên, đề tài đã tiến hành xây dựng bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non chất lượng cao trong xu thế hội nhập quốc tế với ba mục đích chính. Một là làm cơ sở cho việc đề ra chủ trương, chính sách phát triển giáo dục mầm non chất lượng cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Hai là cung cấp các tiêu chuẩn định hướng cho các phòng giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ trong việc xây dựng trường mầm non nhằm đảm bảo cơ sở giáo dục có chất lượng. Ba là cung cấp cho những người lập kế hoạch với sự linh hoạt tối đa trong việc đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ mầm non.

    Bộ tiêu chí trên được hình thành dựa trên các căn cứ như sau: 1/ Trường mầm non chất lượng cao cần thực hiện hiệu quả các chính sách, quy trình giáo dục, duy trì nguồn nhân lực, nguồn tài chính mạnh và quản lý tốt để trẻ và gia đình, giáo viên được hưởng những dịch vụ chất lượng cao; 2/ Trường mầm non chất lượng cao cần có một mội trường an toàn và lành mạnh cung cấp môi trường vật chất bên ngoài và bên trong một cách thích hợp và được bảo quản tốt; 3/ Nhà trường tuyển dụng và hỗ trợ giáo viên có trình độ, có kiến thức về giáo dục và tận tâm với nghề để thúc đẩy trẻ phát triển, hỗ trợ các nhu cầu và mối quan hệ với gia đình trẻ; 4/ Kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non với các mục tiêu thúc đẩy sự phát triển trẻ trong các lĩnh vực; 5/ Nhà trường đẩy mạnh dinh dưỡng, sức khỏe trẻ em, đề phòng bệnh tật và chấn thương cho trẻ em và các nhân viên; 6/ Nhà trường thiết lập và duy trì mối quan hệ cộng tác với mỗi gia đình của trẻ để thúc đẩy sự phát triển của trẻ trên mọi mặt.

    Dựa vào mục đích và các căn cứ, đề tài đề xuất nội dung tiêu chí trường mầm non chất lượng cao trong xu thế hội nhập quốc tế. Nội dung được cụ thể hóa bởi bảy lĩnh vực sau: 1/ Chiến lược, kế hoạch và hoạt động giáo dục của nhà trường; 2/ Tổ chức và quản lý; 3/ Đội ngũ giáo viên và nhân viên; 4/ Cơ sở vật chất, thiết bị trường lớp; 5/ Kế hoạch, phương pháp và kết quả giáo dục; 6/ Tổ chức các hoạt động giáo dục; 7/ Mối quan hệ giữa nhà trường với cha mẹ trẻ và cộng đồng. Mỗi lĩnh vực lại gồm các tiêu chí xác định tiếp ý nghĩa và giá trị về chất lượng của lĩnh vực đó. Trong từng tiêu chí có các chỉ báo cần thiết và cụ thể, có thể đo lường và quan sát được. Số lượng tiêu chí và chỉ báo trong các lĩnh vực là khác nhau.

    3/ Một số khuyến nghị

    Tiếp tục tổ chức nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá các trường MNCLC

    Nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng các cơ sở GDMN để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường; ban hành các văn bản xác định rõ cơ chế thẩm định để việc liên kết, hợp tác với nước ngoài của các cơ sở GDMN được thực hiện dễ dàng;

    Cần có một số cơ chế, chính sách mới như ưu tiên, tạo điều kiện cho các trường đã được phê duyệt đề án đào tạo chất lượng cao được làm thủ tục xin cấp hoặc thuê đất để xây dựng trường; ưu tiên đầu tư ban đầu về tài chính để các trường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, xây dựng chương trình,

    Có cơ chế cho phép một số trường mầm non công lập có chất lượng tốt, cân đối và điều chỉnh mức học phí sao cho phù hợp với các quy định chung và bảo đảm được hoạt động của các trường trong tình hình mới, trường có nguồn vốn để nâng cấp trường đó thành trường có chất lượng cao;

    Có quy định khi xây dựng trường mầm non, hiệu trưởng được tham gia giám sát quá trình xây dựng, nhằm đảm bảo trường được xây dựng theo các yêu cầu quy định; lãnh đạo địa phương quan tâm để cơ sở vật chất các trường đã đạt chuẩn được tu sửa thường xuyên, chống bị xuống cấp;

    Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa GDMN, khuyến khích thành lập trường tư thục chất lượng cao để giảm tải cho trường công lập; dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non; cải tạo nâng cao quỹ nhà, cơ sở hạ tầng thuộc Nhà nước quản lý để chuyển giao cho các cơ sở công lập tự chủ về tài chính, hoặc chuyển giao cho các cơ sở ngoài công lập được thuê dài hạn với giá ưu đãi.

    TỪ KHÓA: 1/ Trường mầm non chất lượng cao; 2/ Hội nhập quốc tế; 3/ Thực trạng; 4/ Tiêu chí.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...