Xây dựng mô hình tư vấn học đường trong nhà trường trung học cơ sở

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2013-02NV
    Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hồng Thuận
    Các thành viên tham gia: TS. Hoàng Gia Trang
                                                  ThS. Đặng Thị Minh Hiền
                                                  ThS. Đỗ Thị Kim Liên
                                                  CN. Phạm Thu Hằng
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 9 năm 2013/ tháng 9 năm 2014

    2. Tính cấp thiết

    Chương trình giáo dục hiện hành của nước ta tuy đã có sự cố gắng nhưng còn cần bổ sung thêm nhiều yếu tố để được hoàn chỉnh, nhằm cân đối giữa giáo dục tri thức và giáo dục nhân cách. Một trong những vấn đề bức thiết hiện nay chính là thành lập một đơn vị tư vấn trong nhà trường, để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đã đặt ra, đồng thời có thể giải quyết kịp thời các “vấn đề” nảy sinh trong thực tiễn giáo dục phổ thông.

    Sự thay đổi về nhiều mặt trong đời sống xã hội, gia đình và nhà trường đã tạo nên những sức ép đối với học sinh, dẫn đến tình trạng chán học, rối nhiễu tâm lý - trầm cảm, hoặc có những hành vi lệch chuẩn ngày càng gia tăng. Đối với học sinh THCS, đây là thời kỳ phát triển “bùng nổ” về tâm lý, thể chất, quan hệ xã hội, . nên các “vấn đề” nảy sinh khá phong phú và phức tạp. Vậy các nhà giáo dục cần biết các em gặp khó khăn gì, ở mức độ nào? Các em đã làm gì để giải quyết khó khăn đó? Chính vì vậy, học sinh cần được tham vấn về cách nhìn đúng đắn, thái độ tích cực đối với cuộc sống.

    Do đó, mô hình “phòng tư vấn tâm lý học đường” cũng đã được hình thành ở một số cơ sở giáo dục, chủ yếu ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các cơ sở này cũng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và bất cập và việc phát triển mô hình này trong hệ thống các trường công lập cũng đang gặp khó khăn do chưa có cơ chế rõ ràng.
    Vì vậy, việc nghiên cứu để đề xuất Khung lý thuyết về hệ thống TVHĐ trong nhà trường phổ thông trên các lĩnh vực: tâm-sinh lý, sư phạm, kinh tế-xã hội, sẽ là một đóng góp quan trọng, nhằm đến 04 mục tiêu cơ bản, đó là: 1/ Đưa cơ sở khoa học vào thực tiễn nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn học đường; 2/ Phát triển và làm nên nét mới trong văn hóa nhà trường; 3/ Nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; 4/ Đáp ứng nhu cầu của xã hội.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đề xuất khung mô hình tư vấn học đường trong nhà trường THCS.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Xây dựng cơ sở lý luận của đề tài: 1/ Hệ thống khái niệm cơ bản; 2/ Tổng quan các tài liệu lý luận, quan niệm và mô hình khác nhau
    - Xác định căn cứ thực tiễn của đề tài: 1/ Xác định nhận thức và nhu cầu tư vấn học đường của học sinh, gia đình học sinh, giáo viên và CBQL trường THCS ở Việt Nam; 2/ Nhận định về nội dung, hình thức tư vấn học đường và những bất cập còn tồn tại trong thực tiễn giáo dục phổ thông Việt Nam; 3/ Kinh nghiệm quốc tế về triển khai mô hình tư vấn học đường trong trường phổ thông
    - Xác lập mô hình tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam (ở cấp THCS), gồm: Cơ cấu và quy mô; Chức năng, nhiệm vụ; Nội dung và hình thức hoạt động; Các điều kiện và cơ chế hoạt động.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    - Về nội dung: Mô hình TVHĐ trong nhà trường THCS, bao gồm: Cơ cấu và quy mô tổ chức; Chức năng và nhiệm vụ; Nội dung hoạt động; Hình thức hoạt động; Các điều kiện và cơ chế hoạt động
    - Về địa bàn: Khảo sát hoạt động TVHĐ tại một số trường THCS
    - Khảo sát ý kiến (chuyên gia, CMHS, HS, CB-GV, )
    - Nghiên cứu TVHĐ của một số nước phát triển và đang phát triển.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn, phương pháp thống kê và phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương:

    Chương 1. Cơ sở lý luận về mô hình TVHĐ trong trường THCS

    1.1. Các khái niệm cơ bản
    1.2. Tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông
    1.3. Đặc điểm học sinh và nhà trường THCS

    Chương 2. Cơ sở thực tiễn của mô hình TVHĐ trong trường THCS

    2.1. Quan điểm chỉ đạo
    2.2. Thực trạng hoạt động TVHĐ trong nhà trường THCS
    2.3. Thực trạng đào tạo cán bộ TVHĐ ở Việt Nam
    2.4. Kinh nghiệm quốc tế về TVHĐ trong nhà trường phổ thông

    Chương 3. Mô hình TVHĐ trong trường THCS

    3.1. Chức năng, nhiệm vụ TVHĐ
    3.2. Quy mô, cơ cấu
    3.3. Nhân sự
    3.4. Nội dung TVHĐ
    3.5. Hình thức TVHĐ
    3.6. Điều kiện hoạt động TVHĐ trong trường THCS
    3.7. Cơ chế hoạt động TVHĐ

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Trước bối cảnh kinh tế - xã hội và giáo dục ở trong nước và quốc tế hiện nay; đồng thời căn cứ vào đặc điểm thực tế của học sinh và nhà trường trung học cơ sở ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy việc thiết lập mô hình hoạt động Tư vấn học đường trong mỗi nhà trường THCS, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục là hết sức cấp thiết.
    Nhu cầu TVHĐ trong nhà trường THCS hết sức đa dạng, về: mục tiêu tư vấn, nội dung tư vấn, hình thức tư vấn, đối tượng tư vấn, thời điểm tư vấn, phương tiện và điều kiện tư vấn, . Do đó, mô hình TVHĐ trong trường THCS cần hết sức linh hoạt, mềm dẻo, chuyên nghiệp và phải toàn diện trên các mặt: Tâm-sinh lý học sinh THCS, hoạt động dạy và học, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục đặc biệt, các vấn đề xã hội khác nảy sinh trong nhà trường,

    Hoạt động TVHĐ chỉ có thể hiệu quả khi đảm bảo được các yêu cầu sau đây: 1/ Cán bộ TVHĐ được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm thực hành nghề; 2/ Có phòng tác nghiệp riêng ở vị trí yên tĩnh; 3/ Có sự hợp tác giữa các lực lượng liên quan (CBQL nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, CMHS, HS, chuyên gia, ); 4/ Có cơ chế hoạt động và chế độ đãi ngộ rõ ràng (nên theo phương thức xã hội hóa – các bên cùng tham gia).

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Với những nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tư vấn học đường trong trường THCS, đề tài đã khuyến nghị:

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

    - Cần có những chỉ thị và phối hợp với các Sở giáo dục và các ban ngành kiên quan để ban hành các văn bản pháp quy nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TVHĐ trong nhà trường phổ thông nói chung và trường THCS nói riêng. Cụ thể là: Ban hành quy chế hoạt động TVHĐ, cấp mã nghề, mã ngành đào tạo TVHĐ, giao biên chế cán bộ TVHĐ cho các nhà trường, . Vì trong thực tiễn, những vấn đề nêu trên đang là những rào cản chủ yếu đối với việc phát triển mô hình TVHĐ trong các nhà trường phổ thông;

    - Cần có chính sách đầu tư và huy động đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động của phòng TVHĐ trong các trường phổ thông (gồm THCS và THPT). Bởi vì, khả năng huy động sự ủng hộ, đóng góp một cách tự nguyện của Hội PHHS là có tính khả thi do nhu cầu được TVHĐ của các đối tượng: HS, PHHS và nhà trường là rất lớn. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp tích cực để có sự hợp tác mật thiết giữa nhà trường và PHHS, không chỉ trong lĩnh vực học tập mà còn nhằm giúp giải quyết những khó khăn của các em, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

    Đối với các trường đại học: Các trường Đại học cần thực hiện ngay các hoạt động sau: 1/ Xây dựng và chuẩn hóa Chương trình đào tạo chuyên viên TVHĐ; 2/ Lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu TVHĐ cho hệ thống các trường THCS và THPT trên cả nước; 3/ Lồng ghép một số chuyên đề hoặc môn học tự chọn vào chương trình đào tạo giáo viên thuộc các bộ môn khoa học cơ bản để sinh viên, sau khi ra trường có thể tham gia hoạt động TVHĐ trong quá trình tác nghiệp tại trường phổ thông.

    Đối với nhà trường THCS: 1/ Nâng cao chất lượng hoạt động TVHĐ tại cơ sở bằng cách: Liên tục cải tiến cách thức tổ chức, cách làm việc để đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và đáp ứng nhu cầu của thân chủ; Đa dạng hóa nội dung, các hình thức, thời điểm, phương pháp TVHĐ để kích hoạt nhu cầu được tư vấn của các đối tượng và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ; 2/ Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên trong trường THCS phải là một 'nhà' tư vấn. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn nền tảng liên quan đến TVHĐ đã được trang bị khi học ở trường sư phạm, trong quá trình công tác, lực lượng này luôn được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực tư vấn, tạo sự 'cộng hưởng' trong hoạt động tư vấn của nhà trường; 3/ Tạo sự đồng thuận và sẵn sàng hợp tác giữa cán bộ TVHĐ (chuyên trách) với các cán bộ, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, học sinh, CMHS, cộng đồng để hoạt động tư vấn được triệt để và đạt hiệu quả cao.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...