Thạc Sĩ Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay

Thảo luận trong 'CNXH Khoa Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU1. Tính cấp thiết của đề tài Hệ thống chính trị cơ sở là một bộ phận cấu thành HTCT xã hội chủ nghĩa ở nước ta. HTCTCS có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. HTCTCS trực tiếp lãnh đạo, quản lý và huy động mọi nguồn lực ở cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tổ chức và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tạo ra tiềm lực vật chất, chính trị tinh thần, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc bộ, có vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ thời Hùng Vương, Phong Châu (Phú Thọ) đã được chọn làm nơi đóng đô của Nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khu công nghiệp Việt Trì là khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng trên miền Bắc XHCN. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước và địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp đầu tư xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế; trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao của vùng trung du miền núi Bắc bộ; là đầu mối giao thông quan trọng nội vùng, liên vùng, là thành phố lễ hội về nguồn của dân tộc Việt Nam, là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực cũng như của cả nước. Để phát triển Phú Thọ một cách bền vững cần phát huy mạnh mẽ nội lực, truyền thống của địa phương đồng thời tranh thủ sự đầu tư giúp đỡ của Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, củng cố, xây dựng HTCTCS vững mạnh là giải pháp quan trọng hàng đầu, trực tiếp quyết định đến chất lượng hiệu quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, phát huy dân chủ trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhận rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng đó, từ khi giành được chính quyền cho đến nay, HTCTCS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn luôn được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước ở cơ sở. Phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, tham gia tích cực vào việc quản lý xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, HTCTCS của tỉnh Phú Thọ nhất là ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, quản lý, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam, lợi dụng những vấn đề nhạy cảm đang nảy sinh trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, kích động nhằm vô hiệu hoá vai trò của HTCTCS . Những vấn đề trên cho thấy, việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, đề xuất những giải pháp chủ yếu để xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ là một yêu cầu mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tác giả lựa chọn vấn đề “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay” làm đề tài của luận văn thạc sỹ khoa học chính trị, chuyên ngành Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài Hệ thống chính trị nói chung và HTCTCS nói riêng là một vấn đề lớn, được Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều công trình khoa học, luận án, luận văn, bài viết đề cập về vấn đề này. Ngay từ đầu những năm 90, để phục vụ cho đổi mới chính trị, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước (KX.05) nghiên cứu về “Hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 1993- 1996 do Giáo sư Nguyễn Đức Bình làm chủ nhiệm. Đây là công trình khoa học nghiên cứu rất cơ bản và toàn diện về HTCT ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Công trình khoa học này đã hệ thống hóa các đặc trưng, quan điểm, nguyên tắc xây dựng và hoạt động của HTCT, đồng thời đề xuất mô hình tổng thể và mô hình cụ thể của HTCT ở một số cấp. Đáng lưu ý là chương trình đã làm rõ khái niệm HTCT, phân biệt HTCT xã hội chủ nghĩa với HTCT của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, luận giải chỉ ra những yếu tố có thể gây mất ổn định chính trị ở nước ta gồm: sự phát triển chưa vững chắc về kinh tế; tình trạng phân hóa giàu nghèo đang gia tăng; nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu và những tệ nạn xã hội khác; vấn đề sắc tộc và tôn giáo; hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam của các lực lượng phản động. Quá trình đổi mới HTCT và nhất là từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”(3/2002), đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách được xuất bản đề cập đến lý luận và thực tiễn về HTCT và xây dựng HTCT nói chung ở nước ta theo tinh thần đổi mới. Tiêu biểu là hai đề tài khoa học cấp nhà nước: “Các giải pháp đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” và “ Nghiên cứu một số vấn đề nhằm củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của nước ta hiện nay” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện. Cùng với đó là sự ra đời các cuốn sách: “ Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới” do tập thể các tác giả Nguyễn Đức Bình, Trần Ngọc Hiên, Đoàn Trọng Tuyến, Nguyễn Văn Thảo và Trần Xuân Sầm biên soạn; “Hệ thống chính trị cơ sở, đặc điểm, xu hướng và giải pháp” của Vũ Hoàng Công; “Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay” do Hoàng Chí Bảo chủ biên; “HTCTCS - thực trạng và một số giải pháp đổi mới” của Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước- Bộ Nội vụ (Chu Văn Thành chủ biên). Các công trình nghiên cứu trên đã góp phần thiết thực vào giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản về hệ thống chính trị, HTCTCS và xây dựng HTCTCS ở nước ta. Đặc biệt đã luận giải làm rõ khái niệm HTCT, HTCTCS, phân tích đặc điểm và tình hình hoạt động của HTCTCS, đồng thời dự báo những xu hướng biến đổi, phát triển của HTCTCS trong thời gian tới dưới tác động của điều kiện kinh tế- xã hội, của yêu cầu xây dựng và thực thi nền dân chủ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các kết quả nghiên cứu trên đã thống nhất khẳng định một vấn đề cơ bản: bản chất, mục tiêu của đổi mới và nâng cao chất lượng của HTCT là nhằm thực hiện và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. HTCTCS là nơi quan hệ trực tiếp với dân, xây dựng HTCTCS giữ vai trò then chốt trong xây dựng, đổi mới HTCT ở nước ta hiện nay. Từ năm 1998, khi Quy chế dân chủ ở cơ sở ra đời, đã có nhiều công trình khoa học tập trung nghiên cứu về vai trò của HTCTCS trong việc thực hiện quy chế dân chủ cũng như tác dụng, giá trị của quy chế đối với xây dựng, củng cố HTCTCS. Trong đó, quá trình hoàn thiện HTCT nói chung được xem như một tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội và việc thực thi quy chế dân chủ ở cơ sở đến lượt nó cũng trở thành một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng góp phần xây dựng và hoàn thiện HTCT ở nước ta trong giai đoạn hiện nay mà trước hết là ở cơ sở và từ cơ sở. Tiêu biểu có các cuốn sách: “Hệ thống chính trị cấp cơ sở và dân chủ hóa đời sống xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta” do Nguyễn Quốc Phẩm chủ biên; “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay- một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Nguyễn Cúc chủ biên; “Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay” do Phan Xuân Sơn chủ biên; thực hiện quy chế dân chủ và xây dựng chính quyền cấp xã ở nước ta hiện nay” do Nguyễn Văn Sáu và Hồ Văn Thông đồng chủ biên. Từ cách tiếp cận HTCTCS dưới góc độ là một thể chế chính trị, nội dung của các cuốn sách đã đi sâu phân tích vai trò của từng tổ chức thành viên đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trình bày những yêu cầu cụ thể để xây dựng từng tổ chức và HTCTCS nói chung nhằm phát huy ngày càng tốt hơn dân chủ XHCN trong đời sống xã hội hiện nay. Trong đó, có cuốn sách đã đi sâu khảo sát đặc điểm và thực trạng HTCTCS vùng nông thôn, miền núi- là vùng chiếm phần lớn diện tích trong địa bàn cơ sở, nơi còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, vừa có tính phổ quát, đại diện cho HTCTCS ở nước ta, vừa có điểm tương đồng với đặc thù địa bàn tỉnh Phú Thọ; nghiên cứu vai trò, hoạt động của HTCTCS gắn với quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v. Vì thế, những kết quả nghiên cứu của các công trình trên có ý nghĩa to lớn đối với việc vận dụng nghiên cứu xây dựng HTCTCS ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay. Trực tiếp nghiên cứu về xây dựng HTCTCS ở các tỉnh miền núi, đáng chú ý có hai cuốn sách: “Giải pháp đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” của các tác giả Tô Huy Rứa, Nguyễn Cúc, Trần Khắc Việt đồng chủ biên và “Một số vấn đề về xây dựng HTCT ở Tây Nguyên” do Phạm Hảo và Trương Minh Dục đồng chủ biên được hình thành trên cơ sở chọn lọc các bài tham luận tại hội thảo của đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay”. Trong đó, trên cơ sở nghiên cứu bản chất, đặc trưng chủ yếu của HTCT Việt Nam, những thành tựu đạt được của HTCT các tỉnh miền núi trong thời kỳ đổi mới, các bài viết đã đề cập những đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng HTCT ở Tây Nguyên, đánh giá tổng quát thực trạng và những vấn đề đặt ra liên quan đến tổ chức và hoạt động của HTCT các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Ngoài ra, tác giả Trương Minh Dục còn có cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên”. Trong cuốn sách này, trên cơ sở phân tích tác động ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đến đời sống các dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc Tây Nguyên, tác giả đã trình bày những đặc trưng của việc tổ chức quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên; đánh giá thực trạng, chỉ ra yêu cầu xây dựng HTCTCS ở Tây Nguyên trong thời kỳ mới. Tác giả đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, coi đó là nhân tố then chốt để tiến tới bình đẳng dân tộc và tăng cường đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN. Các công trình nghiên cứu trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2001- 2003, là thời điểm mà ở địa bàn cơ sở của Tây Nguyên đã có những biến động phức tạp do sự chống phá của các thế lực thù địch, cũng là lúc HTCTCS ở các tỉnh Tây Nguyên bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém. Vì vậy, kết quả nghiên cứu trong các công trình đó đã phản ánh sát thực tình hình mọi mặt của Tây Nguyên, cung cấp thêm những tư liệu thực tiễn sinh động về thực trạng tổ chức và hoạt động của HTCTCS đồng thời đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong xây dựng HTCT CS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ hiện nay. Trong tất cả các công trình đã được công bố, chưa có công trình nào nghiên cứu về xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ, nhưng đó là những tư liệu quý giá để tác giả tham khảo, nghiên cứu. 3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu * Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp chủ yếu xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay. * Nhiệm vụ nghiên cứu - Làm sáng tỏ một số vấn đề cơ bản về HTCTCS và xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ. - Đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra một số kinh nghiệm xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ. - Xác định phương hướng, yêu cầu và đề xuất những giải pháp chủ yếu xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay. * Đối tượng nghiên cứu Xây dựng HTCTCS vững mạnh ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay là đối tượng nghiên cứu của luận văn. * Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn, đề xuất những giải pháp chủ yếu xây dựng HTCTCS cấp xã, phường, thị trấn của tỉnh Phú Thọ. Các tư liệu, số liệu điều tra, khảo sát thực tiễn được giới hạn từ năm 2006 đến năm 2010. Phương hướng giải pháp xác định đến năm 2016. 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu của luận văn * Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng HTCT xã hội chủ nghĩa. Luận văn còn kế thừa những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan. * Cơ sở thực tiễn: Cơ sở thực tiễn của luận văn là các chủ trương, biện pháp và hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng HTCTCS các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Phú Thọ từ năm 2006 đến 2010. * Phương pháp nghiên cứu: Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu của khoa học liên ngành và chuyên ngành. Trong đó, tập trung sử dụng một số phương pháp cụ thể như: kết hợp lô gíc và lịch sử; phân tích, tổng hợp; điều tra, khảo sát, thống kê; tổng kết thực tiễn và tham khảo ý kiến chuyên gia. 5. ý nghĩa của luận văn Kết quả nghiên cứu của luận văn cung cấp thêm cơ sở khoa học cho cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội các cấp ở tỉnh Phú Thọ xác định chủ trương, biện pháp xây dựng HTCTCS vững mạnh đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đề tài còn được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy ở các học viện, trường sỹ quan trong quân đội; các trường chính trị tỉnh, thành phố và trung tâm giáo dục chính trị của huyện, thị xã. 6. Kết cấu của luận văn Luận văn gồm phần mở đầu, 2 chương (4 tiết), kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...