Thạc Sĩ Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp phường, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nộ

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 16/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn dài 137 trang gồm 2 chương, 5 tiết.
    MỞ ĐẦU​​
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Cán bộ là khâu then chốt, trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Vị trí của công tác cán bộ gắn liền với vai trò của đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta đã nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" [46, tr. 269], "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" [46, tr. 273]. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt hơn 76 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi cán bộ và công tác cán bộ là những nhân tố quyết định sự thành, bại của cách mạng. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều đánh dấu những bước trưởng thành, tiến bộ của đội ngũ cán bộ của Đảng ta. Vì thế, Đảng ta luôn chú trọng tới yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, toàn diện, đặc biệt tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt (CBCC), coi đây là vấn đề mấu chốt, quyết định toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
    Phường là nơi tuyệt đại bộ phận nhân dân cư trú, sinh sống. Hệ thống chính trị (HTCT) và CBCC của HTCT ở phường có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng của HTCT ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã xác định: xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn là một trong ba vấn đề cơ bản và bức xúc cần tập trung giải quyết, trong đó yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân, trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở [32, tr. 167-168].
    Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ cấp xã, phường nói chung và đội ngũ CBCC cấp phường nói riêng đã có bước phát triển về chất lượng. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn bộc lộ những yếu kém, bất cập về kiến thức, năng lực, trình độ trước những yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Vì vậy, một số cán bộ gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí va vấp, vi phạm trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một bộ phận CBCC cấp phường suy thoái về phẩm chất đạo đức, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vi phạm dân chủ, tham nhũng, lãng phí . bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử theo pháp luật. Những điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời đặt ra đòi hỏi bức thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ CBCC ở phường.
    Thanh Xuân là một quận mới được thành lập của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Nam thành phố. Là một quận mới, ở ven nội, địa bàn giáp ranh nhiều, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với nhiều dự án, công trình trọng điểm, khu đô thị mới, đặt ra hàng loạt các nhiệm vụ nặng nề, phức tạp về xây dựng và quản lý qui hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, quản lý dân cư, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội .
    Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên, quận Thanh Xuân phải có một đội ngũ CBCC nói chung, đội ngũ CBCC cấp phường nói riêng vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, phương pháp, phong cách công tác tốt, nhạy bén, năng động, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới.
    Tác giả luận văn chọn công tác cán bộ, vấn đề then chốt của nhiệm vụ then chốt "xây dựng, chỉnh đốn Đảng", với quan điểm "hướng về cơ sở" của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX "Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn", đồng thời xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển quận Thanh Xuân hiện nay để nghiên cứu đề tài: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp phường, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay" làm luận văn Thạc sĩ Khoa học chính trị, chuyên ngành Xây dựng Đảng.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
    Vấn đề cán bộ nói chung, CBCC nói riêng là nội dung được nhiều nhà lãnh đạo, các cấp ủy đảng và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong số các bài viết đã đăng trên các tạp chí, các đề tài, công trình nghiên cứu, các luận văn, luận án đã công bố, liên quan đến các vấn đề cán bộ; nhiều công trình, bài viết đã có những đóng góp, những lý giải, những kiến nghị hết sức sâu sắc, có giá trị thực tiễn cao. Ví dụ như:
    - Nhóm đề tài về những yêu cầu đối với cán bộ cơ sở: Học viện Nguyễn Ái Quốc: "Mẫu hình và con đường hình thành người cán bộ lãnh đạo chính trị chủ chốt cấp cơ sở", 1992; Tiến sĩ Phan Văn Tích (chủ biên): "Xác định cơ cấu và tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn)", Nhánh đề tài KT-XH.05-11-06, 1993; Bùi Đình Phong: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và sự thống nhất giữa đức và tài", Tạp chí Lý luận chính trị, số 1/2003; Trần Văn Phòng: "Tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ lãnh đạo chính trị hiện nay", Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2003 .
    - Nhóm đề tài về nội dung, phương pháp, cách thức xây dựng đội ngũ CBCC cấp cơ sở:Hồ Bá Thâm: "Nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã hiện nay", Luận án Tiến sĩ Triết học, 1994; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Sầm chủ biên: "Xác định cơ cấu và tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị thời kỳ đổi mới", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998; Phạm Công Khâm: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long hiện nay", Luận án tiến sĩ Triết học, 2000; Trần Duy Hưng: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp huyện ở thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay", Luận văn thạc sĩ Lịch sử, 2002; Nguyễn Mậu Dựng: "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ các cấp ở Tây Nguyên hiện nay", Luận án tiến sĩ Lịch sử, 2000; Nguyễn Căn Côi: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay", Luận văn thạc sĩ lịch sử, 2002; Phan Thị Thúy Vân: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp phường ở thành phố Cần Thơ hiện nay - Thực trạng và giải pháp", Luận văn thạc sĩ khoa học chính trị, 2005; Vĩnh Trọng: "Qui hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cơ sở", Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1 và 2/2004; Trần Trung Trực: "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt hệ thống chính trị cấp xã ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay", Luận văn thạc sĩ khoa học chính trị, 2005 .
    Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có luận văn, luận án nào nghiên cứu về đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường, quận Thanh Xuân trong giai đoạn hiện nay, từ đó, đưa ra những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới. Vì vậy, tác giả luận văn chọn nghiên cứu đề tài này trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các công trình trên nhằm hệ thống lại những kiến thức đã học và góp phần nhỏ bé, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và phát triển quận Thanh Xuân.
    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    - Mục đích:
    Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của công tác xây dựng đội ngũ CBCC cấp phường, góp phần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường, quận Thanh Xuân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay.
    - Nhiệm vụ:
    + Nghiên cứu và luận chứng nhằm làm rõ hơn những căn cứ lý luận về xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân trong giai đoạn hiện nay.
    + Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và những kinh nghiệm của quá trình xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân giai đoạn 1997 - 2005.
    + Đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân trong giai đoạn hiện nay.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Đối tượng nghiên cứu:
    Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đội ngũ CBCC và công tác xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
    - Phạm vi nghiên cứu:
    + Về lý luận: Luận văn không trình bày toàn bộ các vấn đề lý luận về cán bộ và công tác cán bộ mà tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến vai trò của đội ngũ cán bộ và những quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ CBCC cấp cơ sở.
    + Về thực tiễn: Luận văn tập trung phân tích thực trạng đội ngũ CBCC và công tác xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân (bao gồm các chức danh theo quan điểm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, Nghị định 114/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn). (Khảo sát từ năm thành lập quận 1997 đến năm 2005).
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp lôgíc và lịch sử kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học, đặc biệt coi trọng phương pháp tổng kết thực tiễn.
    6. Đóng góp của luận văn
    - Góp phần làm rõ thêm cơ sở khoa học, quan điểm và quan niệm về xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường hiện nay.
    - Đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu, thiết thực, khả thi góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ CBCC của HTCT cấp phường ở quận Thanh Xuân trong giai đoạn hiện nay.
    -Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) quận, các đoàn thể chính trị của quận; cho đảng ủy, UBND, các đoàn thể chính trị cấp phường ở quận Thanh Xuân trong công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và xây dựng HTCT. Luận văn còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và xây dựng HTCT cấp phường ở các trung tâm bồi dưỡng cán bộ cấp quận và Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong của Hà Nội.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...