Xây dựng để trường tồn và Từ tốt đến vĩ đại là hai cuốn sách kinh doanh nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của mạng Amazon.com trong gần 10 năm qua, với hàng triệu bản đã được bán ra trên thế giới. Với những giá trị bền vững theo thời gian của hai cuốn sách, NXB Trẻ mong muốn rằng hai cuốn sách này sẽ là món quà quý dành tặng doanh nhân trong Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay. Từ tốt đến vĩ đại nói về cách chuyển kết quả tốt thành kết quả vĩ đại; Xây dựng để trường tồn nói về cách chuyển những kết quả vĩ đại thành một công ty vĩ đại và trường tồn theo thời gian. Bạn - nhà lãnh đạo hay nhân viên trong một công ty mới thành lập hay có lịch sử lâu đời - nên áp dụng những phát hiện trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại để tạo ra kết quả vĩ đại bền vững, sau đó áp dụng những phát hiện trong quyển sách Xây dựng để trường tồn và giữ những kết quả vĩ đại đó giúp công ty vĩ đại trường tồn. Dưới đây là phần giới thiệu XÂY DỰNG ĐỂ TRƯỜNG TỒN - Các thói quen thành công của những tập đoàn vĩ đại và hàng đầu thế giới “Đây không phải là cuốn sách viết về các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, có sức thu hút lớn. Cũng không phải là cuốn sách về các sản phẩm, các khái niệm sản phẩm hay những thấu hiểu về thị trường mang tính chất có tầm nhìn xa. Cuốn sách này cũng không trình bày về các hoài bão của một doanh nghiệp. Mà đây chính là cuốn sách viết về cái gì đó quan trọng, trường tồn hơn nhiều - những công ty hàng đầu, có tầm nhìn xa, hoài bão lớn”. Đó chính là lời của hai đồng tác giả Jim Collins và Jerry Porras trong Xây dựng để trường tồn - cuốn sách chấn động đã đập tan những huyền thoại và suy nghĩ sai lầm, cung cấp những cách nhìn và thấu hiểu, đồng thời đưa ra những hướng dẫn thực tế cho những ai có mong muốn xây dựng nên những công ty vĩ đại và trường tồn theo thời gian. Dựa trên một dự án nghiên cứu kéo dài 6 năm tại trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, các tác giả lập ra một danh sách gồm 18 công ty vĩ đại và trường tồn (có “độ tuổi” trung bình gần 100 năm và có lợi nhuận cổ phần vượt hơn thị trường chung khoảng 15 lần kể từ năm 1926), sau đó nghiên cứu và so sánh từng công ty với một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ. Nghiên cứu và so sánh được tiến hành trong suốt chiều dài lịch sử của các công ty, từ lúc khởi nghiệp đến khi đạt quy mô trung bình, rồi quy mô cỡ lớn. Trong suốt quá trình đó, các tác giả lặp đi lặp lại câu hỏi: “Cái gì đã tạo ra sự khác biệt giữa những công ty vĩ đại và trường tồn này với những công ty khác?”. Cụ thể hơn, cái gì đã khiến những “đại gia” như General Electric, 3M, Merck, Wal-Mart, Hewlett-Packard, Walt Disney và Philip Morris vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh? Bằng cách nào mà Procter & Gamble, vốn có khởi đầu hoàn toàn thua sút Colgate, cuối cùng đã vượt lên như là một công ty dẫn đầu ngành của họ? Bằng cách nào mà Motorola có thể phát triển từ một tiệm sửa chữa pin nhỏ bé sang nhiều lĩnh vực khác như bán dẫn và điện thoại di động, trong khi đối thủ Zenith mãi chỉ có thế mạnh trong mặt hàng tivi mà thôi? Tương tự, làm sao Boeing có thể thay thế McDonnell Douglas ở vị trí hãng sản xuất máy bay dân dụng hàng đầu thế giới - Boeing có phẩm chất gì mà đối thủ không có? Bằng việc trả lời những câu hỏi này, Collins và Porras đã vượt qua được hàng loạt những ngôn từ và khái niệm quản trị thời thượng đầy rẫy hiện nay để khám phá ra những phẩm chất bất biến theo thời gian, những phẩm chất tạo nên những công ty vĩ đại và trường tồn nhất trong thế giới kinh doanh. Các tác giả cũng “đập tan” quan niệm sai lầm (nhưng lại rất phổ biến) rằng chỉ có các nhà lãnh đạo vĩ đại, tạo sức hút lớn mới có thể xây dựng nên những công ty vĩ đại mà thôi. Cuốn sách được trình bày với hàng trăm ví dụ cụ thể, sinh động, sắp xếp trong một khung mẫu rõ ràng, nhất quán của các khái niệm thực tế, tạo điều kiện dễ dàng áp dụng cho các nhà quản trị và nhà kinh doanh ở mọi cấp độ khác nhau. “Xây dựng để trường tồn” - như tên gọi của nó - thực sự là một bản kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng các tổ chức phát triển và thành công trong thế kỷ XXI và xa hơn nữa! Về hai tác giả của cuốn sách JIM COLLINS vừa là người học, vừa là người dạy tại các công ty vĩ đại và trường tồn: ông học tập, nghiên cứu và giảng dạy cách thức các công ty này tăng trưởng, đạt thành tích cao, chuyển mình và nhảy vọt từ “tốt” đến “vĩ đại”. Ông là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great), cùng nhiều bài viết trên các tạp chí uy tín như Fortune, The Economist, USA Today và Harvard Business Review. JERRY I. PORRAS là Giáo sư về Hành vi và Thay đổi trong tổ chức tại trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, nơi ông là phó chủ nhiệm phụ trách học thuật, giảng dạy thường xuyên về giáo dục quản trị. Ông nghiên cứu các cách liên kết công ty quanh mục tiêu và giá trị cốt lõi nhằm hướng tới thành tích cao và bền vững trong kinh doanh. Xây dựng để trường tồn bên ngoài phạm vi doanh nghiệp Do đã giới hạn việc nghiên cứu trong phạm vi các tổ chức kinh tế (hoạt động vì lợi nhuận), chúng tôi đã không lường trước được những ảnh hưởng của công trình đối với những người bên ngoài giới doanh nhân. Sau khi xuất bản, chúng tôi nhận thấy tác phẩm này không chỉ là một cuốn sách kinh doanh, mà còn là một cuốn sách về việc xây dựng các tổ chức trường tồn thuộc bất kỳ loại hình nào khác! Rất nhiều người không nằm trong giới doanh nhân đã tìm thấy ở đây những khái niệm rất có giá trị. Những người này bao gồm từ các tổ chức như Hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) đến các trường học phổ thông và cao đẳng, đại học, nhà thờ, các đội nhóm, các Chính phủ, thậm chí nhiều gia đình và các cá nhân. Chẳng hạn như rất nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe đã thấy được tầm quan trọng của việc phân biệt các giá trị cốt lõi với các thực hành và chiến lược; điều này giúp họ duy trì được ý thức nhiệm vụ mang tính xã hội của tổ chức trong lúc vẫn có thể điều chỉnh cho phù hợp với các thay đổi và cạnh tranh từ thế giới bên ngoài. Một cách tương tự, một thành viên HĐQT của một trường đại học cũng phân biệt giá trị cốt lõi, bất biến của tự do trí thức với những cách thực hành giảng dạy cụ thể. Ông giải thích: “Sự phân biệt này là rất quan trọng, giúp tôi thực hiện những thay đổi cần thiết đối với hệ thống giảng dạy đã trở nên cũ kỹ mà vẫn giữ được những tư tưỏng cốt lõi của nhà trường”. Một khái niệm khác, khái niệm “tạo đồng hồ” (clock building) cho các tổ chức có nền văn hóa mang tính nghi thức cao, giúp các tổ chức này vượt qua sự lệ thuộc vào hình ảnh các nhà sáng lập ban đầu, cũng đã giúp ích cho nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Một trong số đó là City Year, một chương trình dịch vụ cộng đồng khuyến khích hàng trăm thanh niên tham gia một năm vào các dự án cải thiện các thành phố ở Mỹ - một đội quân “gìn giữ hòa bình” tại địa phương. Giống như nhiều tổ chức xã hội khác, City Year có nguồn gốc từ người sáng lập với những động cơ phục vụ xã hội mạnh mẽ. Alan Khazei, một trong những nhà sáng lập, mong muốn rằng tinh thần, nhiệt huyết phục vụ sẽ trở nên đặc tính của bản thân tổ chức này, không phụ thuộc vào hình ảnh bất cứ ai, kể cả chính ông ta. Ông ta đã chuyển từ việc xây dựng hình ảnh xã hội sang việc xây dựng một tổ chức với mục tiêu xã hội dài hạn – tức là chuyển từ “người báo giờ” (time teller) sang thành “người tạo đồng hồ” (clock builder). Các tổ chức mang tính xã hội thường bắt đầu hình thành để giải quyết một vấn đề nào đó, cũng như đa số các công ty thường bắt đầu từ một ý tưởng kinh doanh hoặc một cơ hội thị trường nhất định. Nhưng, cũng giống như việc mọi ý tưởng to tát đến mấy, mọi cơ hội thị trường cuối cùng đều cổ hủ lỗi thời, mục tiêu thành lập của một tổ chức xã hội có thể được thực hiện hoặc trở nên không còn phù hợp nữa. Như vậy, việc tìm ra một mục đích sâu sắc và trường tồn, vượt trên mục đích ban đầu, sẽ là quan trọng sống còn để xây dựng một tổ chức tồn tại lâu dài. Về mặt khái niêm, chúng tôi không thấy có mấy khác biệt giữa các doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu. Cà hai đều cần vượt lên khỏi sự phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo hay một ý tưởng cụ thể, dù là to lớn đến thế nào đi nữa. Cả hai đều phụ thuộc, dựa vào một bộ giá trị cốt lõi, lâu dài, một mục tiêu dài hạn vượt lên mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần. Cả hai đều cần thay đổi trong một thế giới đang thay đổi, nhưng vẫn phải giữ gìn những giá trị cốt lõi và mục tiêu cơ bản. Cả hai đều được hưởng lợi từ một nền văn hóa tổ chức có tính nghi thức cao và sự quan tâm đến việc lập kế hoạch cho sự kế thừa. Cả hai đều cần có những cơ chế để phát triển: các mục tiêu lớn, những thử nghiệm và bản lĩnh doanh nghiệp, sự liên tục tự hoàn thiện. Cả hai đều cần tạo ra sự liên kết nhất quán, vững chắc trong nội bộ để gìn giữ các giá trị và mục tiêu cốt lõi, và để thúc đẩy sự tiến bộ. Tất nhiên, cấu trúc, chiến lược, động lực cạnh tranh là rất khác nhau giữa hai loại tổ chức trên. Nhưng bản chất của việc làm thế nào để xây dựng nên một tổ chức, thể chế trường tồn, vĩ đại thì lại hoàn toàn không khác nhau. Chúng tôi cũng bắt đầu xem xét cách thức áp dụng những khái niệm trong “Xây dựng để trường tồn” ở mức độ xã hội / Chính phủ. Ví dụ: Nhật và Israel là hai quốc gia đã rất có ý thức xây dựng các xã hội kết dính với các ý thức về giá trị và mục tiêu cốt lõi, với các cơ chế liên kết, và các mục tiêu to lớn, táo bạo mang tầm quốc gia (national BHAG). Nhà sử học Barbara Tuchman, trong cuốn sách “Thực hành lịch sử” đã viết: “Với tất cả những vấn đề của mình, Israel có một lợi thế: ý thức về mục tiêu. Người Israel có thể không giàu có, dư giả, hay có một cuộc sống êm ả, nhưng họ có cái mà sự dư giả đã bóp nghẹt, đó là động cơ”. Động cơ này không phụ thuộc vào sự hiện diện của một lãnh tụ vĩ đại nào đó, mà nó nằm ngay trong cấu trúc của xã hội Israel, được tăng cường mạnh mẽ bởi những cơ chế liên kết như nghĩa vụ quân sự toàn dân. Một ký giả hàng đầu người Israel đã nói: “Không giống như đa số các quốc gia khác, chúng tôi có một mục tiêu lâu dài mà mọi người dân đều biết: đó là tạo nên nơi định cư an toàn cho mọi người Do Thái trên thế giới”. Ở Mỹ, chúng ta có một hệ thống các giá trị cốt lõi, được phát biểu rõ ràng và đẹp đẽ trong bản Tuyên ngôn độc lập và Diễn văn Gettysburg, nhưng vẫn cần tìm hiểu rõ hơn về những mục tiêu cơ bản. Trong lúc đại đa số công dân Israel có thể trả lời bạn tại sao Israel tồn tại, chúng tôi e rằng không thể tìm thấy sự kết dính tương tự ở xã hội Hoa Kỳ ngày nay. Có lẽ đa số dân Mỹ sẽ bối rối khi phân biệt giá trị cốt lõi, bất biến theo thời gian của đất nước này với những thực hành, cấu trúc và chiến lược của họ Chẳng hạn, việc không kiểm soát súng trong dân cư là một giá trị cốt lõi hay chỉ là một biện pháp thực hành? Hành động khẳng định là một giá trị cốt lõi hay chỉ là một chiến lược? Ở tầm quốc gia, chúng ta cần áp dụng quan niệm “Giữ gìn cái cốt lõi, khuyến khích sự tiến bộ” nhằm phân biệt các giá trị cốt lõi với các thực hành và chiến lược,nhằm tạo ra những thay đổi có lợi trong khi vẫn giữ được các lý tưởng quốc gia. Cuối cùng và có lẽ là hấp dẫn nhất, chúng tôi được biết rằng có rất nhiều người cảm thấy các khái niệm cơ bản của cuốn sách rất hữu dụng đối với cá nhân và gia đình họ Nhiều người đã áp dụng các khái niệm Âm-Dương trong “Gìn giữ cái cốt lõi, khuyến khích sự tiến bộ” vào các vấn đề nhân sinh cơ bản như tự định hình và làm mới bản thân. “Tôi là ai? Tôi đại diện cho cái gì? Mục tiêu của tôi là gì? Làm các nào giữ được cái tôi trong một thế giới hỗn loạn và không thể dự đoán ngày nay? Làm cách nào tôi có thể truyền ý nghĩa vào cuộc sống và công việc của tôi? Làm cách nào để tôi có thể luôn luôn đổi mới, cống hiến và có cảm hứng?” Những câu hỏi ngày nay thách thức chúng ta hơn bao giờ hết. Khi sự ổn định về công việc là không thể đảm bảo, khi thay đổi liên tục xảy ra, khi thế giới ngày càng phức tạp, mơ hồ, thì những ai quá phụ thuộc vào môi trường bên ngoài trong việc tìm kiếm sự ổn định và liên tục sẽ gặp rủi ro rõ ràng, họ có thể trở nên bơ vơ, lạc lõng. Nguồn gốc duy nhất để có sự ổn định chính là các giá trị cốt lõi bên trong mạnh mẽ cộng với sự sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với bất cứ điều gì, trừ những cái cốt lõi. Trong một thế giới bất ổn và không thể đoán trước, người ta không thể biết trước họ sẽ đi về đâu, cuộc đời sẽ ra sao! Những người lập nên lập nên các doanh nghiệp hàng đầu đã khôn ngoan hiểu được rằng: tốt hơn là nên hiểu rõ bạn là ai hơn là hiểu bạn sẽ đi về đâu- vì hướng đi chắc chắn sẽ thay đổi. Đó chính là một bài học cho cả cá nhân chúng ta cũng như cho các công ty hàng đầu trên thế giới. Việc nghiên cứu và học hỏi tiếp theo Từ lần xuất bản này chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều, và chúng tôi còn rất nhiều điều phải học hỏi nữa. Chúng tôi biết rằng những “người báo giờ” có thể trở thành những “người tạo đồng hồ”, và chúng tôi học cách giúp họ thực hiện sự chuyển đổi đó. Chúng tôi học được rằng chúng tôi đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự liên kết, và chúng tôi đã học được rất nhiều về cách tạo ra sự liên kết trong tổ chức. Chúng tôi cũng thấy rằng mục đích (khi được quan niệm đúng đắn) có ảnh hưởng rất lớn lên tổ chức (bên cạnh sự ảnh hưởng của các giá trị cốt lõi), vì thế các tổ chức nên nỗ lực hơn trong việc xác định mục đích của họ. Chúng tôi biết rằng việc sát nhập và mua lại đưa tới những vấn đề đặc biệt cho các công ty hàng đầu, chúng tôi biết được cách giúp các tổ chức xem xét về những điều này trong khuôn khổ “Xây dựng để trường tồn”. Chúng tôi đã học được cách áp dụng các ý tưởng của cuốn sách vào các nền văn hóa khác nhau và trong các môi trường phi doanh nghiệp. Các công ty hàng đầu của thế kỷ 21 cần có những cấu trúc, chiến lược và thực hành cũng như cơ chế khác biệt cơ bản so với thế kỷ 20, nhưng những khái niệm cơ bản trong cuốn sách này vẫn sẽ rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn, chúng được xem như là một khung mẫu để thiết kế các tổ chức của tương lai. Chúng tôi có một động lực từ bên trong về việc dạy và học, động lực ấy không chấm dứt với quyển sách này, nó mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi tiếp tục điều tra, nghiên cứu để hiểu rõ hơn, phát triển các khái niệm và ý tưởng mới, tạo ra các công cụ ứng dụng có thể có ích. Jim lập ra một phòng nghiên cứu ở Boulder, Colorado nhằm mục đích tiếp tục nghiên cứu và làm việc với các tổ chức. Jerry tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học Stanford, nơi ông đã lập ra một khóa học mới về các công ty hàng đầu. Để hình thành các nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi mong nhận được các thông tin từ độc giả chia sẻ các kinh nghiệm và quan sát với cuốn sách này, hoặc đặt các câu hỏi, các vấn đề mà chúng tôi sẽ xem xét trong tương lai. Chúng tôi rất mong nhận được thông tin từ các bạn. Xây Dựng Để Trường Tồn - Các Thói Quen Thành Công Của Những Tập Đoàn Vĩ Đại Và Hàng Đầu Thế Giới: "Đây không phải là cuốn sách viết về các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, có sức thu hút lớn. Cũng không phải là cuốn sách về các sản phẩm, các khái niệm sản phẩm hay những thấu hiểu về thị trường mang tính chất có tầm nhìn xa. Cuốn sách này cũng không trình bày về các hoài bão của một doanh nghiệp. Mà đây chính là cuốn sách viết về cái gì đó quan trọng, trường tồn hơn nhiều - những công ty hàng đầu, có tầm nhìn xa, hoài bão lớn". Đó chính là lời của hai đồng tác giả Jim Collins và Jerry Porras trong "Xây dựng để trường tồn" - cuốn sách chấn động đã đập tan những huyền thoại và suy nghĩ sai lầm, đồng thời đưa ra những hướng dẫn thực tế cho những ai có mong muốn xây dựng nên những công ty vĩ đại và trường tồn theo thời gian. Dựa trên một dự án nghiên cứu kéo dài 6 năm tại trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, các tác giả lập ra một danh sách gồm 18 công ty vĩ đại và trường tồn (có "độ tuổi" trung bình gần 100 năm và lợi nhuận cổ phần vượt hơn thị trường chung khoảng 15 lần kể từ năm 1962), sau đó nghiên cứu và so sánh từng công ty và với một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ. Nghiên cứu và so sánh được tiến hành trong suốt chiều dài lịch sử cuả các công ty, từ lúc khởi nghiệp đến khi đạt quy mô trung bình, rồi quy mô cỡ lớn. Trong suốt quá trình đó, các tác giả lặp đi lặp lại câu hỏi: "Cái gì đã tạo ra sự khác biệt giữa những công ty vĩ đại và trường tồn này với những công ty khác?" . Bằng việc trả lời những câu hỏi này, Collins và Porras đã vượt qua hàng loạt những ngôn từ và khái niệm quản trị thời thượng đầy rẫy hiện nay để khám phá ra những phẩm chất bất biến theo thời gian, những phẩm chất tạo nên những công ty vĩ đại và trường tồn nhất trong thế giới kinh doanh. Cuốn sách được trình bày với hàng trăm ví dụ cụ thể, sinh động, sắp xếp trong một khuân mẫu rõ ràng, nhất quán của các khái niệm thực tế, tạo điều kiện dễ dàng áp dụng cho các nhà quản trị và nhà kinh doanh ở mọi cấp độ khác nhau. "Xây dựng để trường tồn" - như tên gọi của nó - thực sự là một bản kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng các tổ chức phát triển và thành công trong thế kỷ XXI và xa hơn thế nữa! Mục lục: Lời cảm ơn Lời nói đầu Lời giới thiệu Chương 1: Cái tốt nhất trong những cái tốt nhất Chương 2: Không chỉ là "người báo giờ", mà phải "tạo ra đồng hồ" Chương 3: Hơn cả lợi nhuận Chương 4: Giữ gìn cái cốt lõi - thúc đẩy sự tiến bộ Chương 5: Các mục tiêu đầy tham vọng và thách thức (BHAG) Chương 6: Nền văn hoá công ty mang tính nghi thức cao Chương 7: Thử nhiều cách và giữ lại những gì phù hợp Chương 8: Phát triển đội ngũ quản lý từ nội bộ Chương 9: Không bao giờ hài lòng với thành quả đạt được