Tiến Sĩ Xác định người lành mang gen bệnh Hemophillia A bằng kỹ thuật Microsatellite DNA

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 27/5/21.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ


    Hemophillia A (HA) là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X, gây nên do đột biến gen FVIII. Gen bệnh nằm trên nhiễm sắc thể X không có allele tương ứng trên nhiễm sắc thể Y, do vậy người mẹ mang gen bệnh có thể truyền bệnh cho 50% con trai và truyền gen bệnh cho 50% con gái của họ [1],[2]. Bệnh có thể di truyền qua nhiều thế hệ và có nhiều người mắc bệnh trong cùng một gia đình. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 6000 người bị bệnh Hemophillia [3],và khoảng 30.000 người mang gen bệnh Hemophillia A. Mặc dù trong thời gian qua, công tác chăm sóc bệnh nhân Hemophillia A tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, số lượng người bệnh được chẩn đoán và quản lí đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên mới chỉ chiếm chưa tới 30%, còn đa số người mang gen bệnh chưa được chẩn đoán và quản lí [4]. Chẩn đoán chính xác và điều trị sớm căn bệnh này có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế tối đa tình trạng chảy máu cũng như giảm thiểu khả năng bệnh nhân trở thành tàn tật,giảm bớt ánh nặng cho gia đình và xã hội.

    Người phụ nữ mang gen bệnh là người có hoạt tính yếu tố VIII trong máu giảm tuy nhiên nhiều trường hợp hoạt tính yếu tố VIII không giảm hoặc giảm ít. Có thể khẳng định chắc chắn người phụ nữ mang gen bệnh, nếu người đó có bố hoặc có hơn 2 con trai bị Hemophillia A . Người phụ nữ có nguy cơ cao mang gen bệnh nếu người đó có 1 con trai bị bệnh Hemophillia A hoặc là con gái của người mẹ mang gen bệnh; hoặc là chị em con dì với người bị bệnh Hemophillia A [2]. Việc phát hiện người lành mang gen bệnh là cơ sở khoa học cho công tác tư vấn di truyền, chẩn đoán trước sinh và chẩn đoán tiền làm tổ (PGD), giúp ngăn ngừa sinh ra những đứa trẻ bị bệnh HA[5], tăng hiệu quả trong tác phòng ngừa bệnh tật đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

    Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về bệnh Hemophillia A như nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, tần suất mắc bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh bằng các chế phẩm thay thế [6],[7],[2],nghiên cứu phát hiện người lành mang gen bệnh bằng phân tích một số yếu tố đông máu; nghiên cứu phát hiện đột biến gen và phát hiện người lành mang gen bệnh sử dụng các kỹ thuật sinh học phân tử... Cho đến nay, khoảng hơn 1000 đột biến trên gen F8 đã được báo cáo. Với nhiều loại đột biến khác nhau như: đột biến điểm, đột biến xoá đoạn, đột biến đảo đoạn…[8].Việc phát hiện người lành mang gen bệnh thường được thực hiện bằng kỹ thuật phát hiện đột biến trực tiếp trên gen F8 dựa vào đột biến chỉ điểm của người bệnh . Tuy nhiên do cấu trúc gen FVIII lớn nên một số trường hợp không phát hiện được hoặc việc phát hiện đột biến chỉ điểm gặp khó khăn, trong khi đó kỹ thuật phân tích gián tiếp lại có thể phát hiện được người lành mang gen dựa vào xác định allele đột biến. Kỹ thuật Microsatellite DNA là một trong các kỹ thuật phát hiện gián tiếp được phát triển dựa trên kỹ thuật PCR cổ điển, bằng việc sử dụng các cặp mồi có gắn huỳnh quang để khuếch đại vùng trình tự lặp lại ngắn STR (short tandem repeat), sản phẩm PCR được điện di trên hệ thống máy giải trình tự gen để phát hiện allele đột biến. Hiện nay ở Việt Nam, phát hiện người lành mang gen bệnh hemophilia A bằng phương pháp gián tiếp sử dụng kỹ thuật Microsatellite DNA vẫn chưa được triển khai. Xuất phát từ thực tế đó đề tài: “Xác định người lành mang gen bệnh Hemophillia A bằng kỹ thuật Microsatellite DNA” được tiến hành với 2 mục tiêu sau:

    1. Xây dựng quy trình xác định người lành mang gen bệnh hemophillia A bằng kỹ thuật Microsatellite DNA.

    2. Xác định người lành mang gen bệnh hemophillia A bằng kỹ thuật Microsatellite DNA trên các thành viên gia đình người bệnh.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...