Xác định mô hình dạy học phân hóa trong giáo dục phổ thông giai đoạn sau 2015

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: B2011-37-06NV
    Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Đào Thái Lai
    Thời gian bắt đầu/ kết thúc: tháng 01 năm 2011/ tháng 06 năm 2013

    2. Tính cấp thiết

    Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: 'Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông đế áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc sau 2015, vận dụng phù hợp ở các địa phương, tích hợp ở lớp dưới, phân hóa mạnh ở những lớp trên nhằm xây dựng nền tảng học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực, định hướng nghề nghiệp cho người học, phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức giáo dục của các vùng, miền'. Để có cơ sở tiến hành nhiệm vụ mới trên, hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng đề án 'Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015' đệ trình chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện chiến lược giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn pháp triển mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Một trong những yêu cầu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông được nêu ra là 'Bảo đảm tính thống nhất của Chương trình giáo dục phổ thông trong phạm vi cả nước, và đồng thời có thể vận dụng cho phù hợp với đặc điểm các vùng, miền, nhà trường và các nhóm đối tượng học sinh', và trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi đối tượng cần 'tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của học sinh'. Đó chính là việc thực hiện trong phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

    Thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cho thấy việc thực hiện quan điểm phân hóa trong dạy học chưa thực sự hiệu quả ở tất cả các cấp học, nhất là việc tổ chức dạy học phân ban kết hợp với tự chọn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đặc biệt, việc thực hiện phân hóa bằng hình thức dạy học tự chọn ở cấp THPT khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới còn nhiều bất cập từ khâu quản lý, chỉ đạo đến việc xây dựng tài liệu, tổ chức dạy học, .

    Ở Việt Nam, đã có những đề tài nghiên cứu về vấn đề phân hóa trong giáo dục phổ thông và việc thực hiện trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, cần có những nghiên cứu sâu về dạy học phân hóa, đặc biệt ở cấp THPT, đáp ứng với mục tiêu phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Xác định mô hình dạy học phân hóa ở cấp THPT Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

    4. Phạm vi nghiên cứu

    Nhiệm vụ tập trung nghiên cứu và triển khai vấn đề phân hóa trong giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015 ở các lĩnh vực:

    - Cấp độ phân hóa: tập trung vào cấp độ phân hóa vĩ mô;
    - Phương thức phân hóa: tập trung vào nghiên cứu dạy học phân hóa theo hướng tự chọn;
    - Cấp học: tập trung vào cấp THPT (là cấp học thể hiện rõ nhất phân hóa vĩ mô theo định hướng phát triển năng lực người học).

    5. Phương pháp nghiên cứu

    - Nghiên cứu lý luận: nghiên cứu cơ sở lý luận về giáo dục phân hóa trong giáo dục phổ thông Việt Nam, đi sau vào hình thức dạy học tự chọn.
    - Nghiên cứu thực tiễn: tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước về vấn đề phân hóa trong giáo dục phổ thông, các mô hình phân hóa theo hường dạy học tự chọn.
    - Phương pháp chuyên gia: lấy ý kiến chuyên gia về phương thức tổ chức phân hóa trong giáo dục phổ thông Việt Nam.
    - Phương pháp khảo nghiệm: tổ chức khảo nghiệm một số yếu tố cơ bản của mô hình trong một vài trường THPT cụ thể.

    6. Kết cấu của đề tài

    Đề tài gồm có 03 chương:

    Chương 1. Cơ sở lý luận về dạy học phân hóa

    1.1. Quan niệm về dạy học phân hóa
    1.2. Đánh giá mức độ đảm bảo phân hóa khi xem xét một chương trình giáo dục

    Chương 2. Tổ chức dạy học phân hóa của một số nước trên thế giới và Việt Nam

    2.1. Tổng quan về kinh nghiệm tổ chức dạy học phân hóa của một số nước trên thế giới
    2.1.1. Xu thế dạy học phân hóa
    2.1.2. Khái quát về chương trình giáo dục từ góc nhìn phân hóa
    2.2. Về tổ chức dạy học phân hóa trong chương trình giáo dục của Việt Nam

    Chương 3. Đề xuất mô hình dạy học phân hóa trong giáo dục THPT của Việt Nam sau 2015

    3.1. Về một số mô hình dạy học phận hóa cấp THPT
    3.2. Đề xuất cải tiến phương thức phân ban
    3.3. Đề xuất phương án tổ chức dạy học tự chọn
    3.3.1. Mô tả phương án
    3.3.2. Đề xuất các chuyên đề tự chọn cấp THPT
    3.3.3. Khảo nghiệm phương án đề xuất

    Kết luận và khuyến nghị

    7. Những đóng góp của đề tài

    Nhiệm vụ tập trung nghiên cứu và triển khai vấn đề phân hóa trong giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015 theo cấp độ phân hóa vĩ mô, nhằm xác định phương án dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở cấp THPT đáp ứng năng lực, sở thích và nhu cầu nghề nghiệp của người học.

    8. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về dạy học phân hóa, trong đó tập trung vào phân hóa vĩ mô. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức dạy học phân hóa, căn cứ vào điều kiện Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hai nhóm giải pháp về phương thức dạy học phân hóa ở THPT để Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

    Phương án dạy học phân hóa được thiết kế theo hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, ở đó giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (09 năm) và giai đoạn giáo dục sau cơ bản (03 năm). Giai đoạn giáo dục cơ bản đảm bảo mỗi học sinh có được học vấn cơ bản, có đủ các năng lực, phẩm chất để có thể tham gia lao động sản xuất ngoài xã hội, tiếp tục học lên ở các cấp bậc học cao hơn. Giai đoạn giáo dục sau cơ bản chú ý tiếp tục phát triển các năng lực cốt lõi, đồng thời tập trung phát triển các năng lực chuyên biệt cho học sinh, tiếp cận với xu hướng nghề nghiệp của học sinh, đảm bảo sự liên thông giữa giáo dục phổ thông và sau phổ thông. Với các phương án tổ chức dạy học phân hóa đã đề xuất, nhóm nghiên cứu cho rằng phương án tổ chức dạy học tự chọn 1a là phương án phù hợp trong điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn lực về cơ sở vật chất và giáo viên hiện nay.

    Vấn đề giáo dục hướng nghiệp là hết sức quan trong và có ý nghĩa quyết định tới sự thành bài của chương trình THPT. Giáo dục hướng nghiệp phải được thực hiện từ cấp THCS để có thể đảm bảo phân luồng học sinh sau THCS, tăng tỉ lệ học sinh theo các trường đào tạo nghề dau khi học xong lớp 9. Ở THPT, giai đoạn ở lớp 10 cần tiếp tục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp một cách nghiêm túc, nhằm giúp học sinh tìm hiểu được đặc điểm, sự vận hành các các ngành nghề; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, về phẩm chất năng lực của mỗi ngành nghề đối với người lao động, nhu cầu của thị trường nghề nghiệp trong tương lai gần. Học sinh ý thực được sự phù hợp của năng lực bản thân với các ngành nghề nhất định. Từ đó, các em cần xây dựng kế hoạch hướng tới nhóm nghề và nghề cụ thể, tiếp tục rèn luyện nâng cao năng lực bản thân ở lớp 11 và lớp 12. Vì vậy, cần có thời lượng thích đáng để triển khai các hoạt động hướng nghiệp ở lớp 10.

    Chương trình phải được xây dựng theo hướng mở theo hai khía cạnh. Một là mở the nghĩa có sự bổ sung phù hợp của địa phương, nhà trường và giáo viên. Hai là mở theo nghĩa do điều kiện Việt Nam còn hạn chế về kinh tế, nguồn lực giáo dục, nên những nội dung ban đầu sẽ còn 'khiêm tốn' do với các nước phát triển như Hàn Quốc, Phần Lan, nhưng cách thức cấu trúc chương trình mới cho phép hoàn thiện và phát triển.

    Phương án thi tốt nghiệp có thể thực hiện như sau: thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và Ngoãi ngữ 1, và ba môn tự chọn. Phương án thi đại học cần thiết kế phư hợp với việc dạy học tự chọn ở THPT. Nếu trường nào thi tuyển riêng thì nội dung thi tuyển cũng nằm trong phạm vi môn học , các chuyên đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đê dạy học tự chọn ở THPT.

    Để triển khai thành công phương thức dạy học tự chọn, cần có hướng dẫn cụ thể cho đội ngũ cán bộ quản lý về cách thức tổ chức dạy học tự chọn như thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, quản lý học tập thông qua cách quản lý của giáo viên chủ nhiệm, xây dựng thời khóa biểu, sắp xếp phòng học, tổ chức kiểm tra, thi cử, đánh giá, . Cần chú trọng tới giáo viên sẽ đảm nhiệm một số môn tự chọn có nội dung mới.

    Công tác đào tạo và bồi dưỡng sư phạm cần phải được đi trước. Cần có đào tạo kịp thời cho các khóa sinh viên sư phạm, đồng thời xây dựng một chương trình mới giúp sinh viên sư phạm có thể đảm dương chương trình giáo dục phổ thông theo phương thức dạy học tự chọn. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt giúp giáo viên trong biên chế có thể dảm đương hầu hết các môn tự chọn/ chuyên đề có nội dung mới. Ngoài ra, cần có các phương án đào tạo linh hoạt khác. Việc sử dụng đào tạo từ xa thông qua hệ thống e-learning là hết sức có ích để thực hiện nhiệm vụ này.

    Hiện nay, giữa các vùng miền, thậm chí giữa các trường trong cùng một vùng miền, còn có sự khác biệt. Khó có thể thực hiện đại trà phương án này cho tất cả các trường THPT ngay từ năm học đầu tiên. Vì vậy, cần có lộ trình triển khai dần dần.

    Khuyến nghị

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

    - Đề nghị chấp nhận phương án 1a cảu nhóm giải quyết về dạy học tự chọn. Cần đưa phương án này vào nội dung đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 của Bộ.
    - Cho phép triển khai ngay các công việc liên quan tới triển khai phương thức đề xuất: xác định cụ thể các môn học bắt buộc và tự chọn, phác thảo chương trình cho các môn học này, xây dựng danh mục các chuyên đề tự chon và đề cương các chuyên đề này, viết tài liệu cho mộ số chuyên đề tự chọn ở lớp 10 và 11, xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý trường THPT theo phương thức dạy học tự chọn.
    - Tổ chức ngay các nghiên cứu về việc tổ chức thực hiện thí điểm phương án này ở một vài trường THPT cụ thể để có được một mô hình trên thực tiễn. Trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện phương án dạy học tự chọn ở THPT, có lộ trình mở rộng dần theo hình thức 'vết dầu loang'.
    - Có kế hoạch cho hoạt động đi trước cho các trường đào tạo sư phạm nhằm chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để tiếp cận với chương trình dạy học phân hóa, đặc biết đến các môn học/ chủ đề mới trong chương trình lớp 11, 12.

    Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo:

    - Nghiên cứu kỹ phương án, chú ý tới những ngành nghề địa phương và chuẩn bị đội ngũ thiết kế chương trình và tài liệu hỗ trợ các chuyên đề có nội dung nghề ở địa phương.
    - Chuẩn bị cơ sở vật chất và những điều kiện cần thiết để có thể triển khai phương án dạy học tự chọn.

    Đối với các trường THPT:

    - Nghiên cứu phương án dạy học tự chon, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và các điều kiện phù hợp để tổ chức dạy học tự chọn có hiệu quả.
    - Có sự liên kết giữa các cụm trường trong địa bàn để phối hợp tổ chức dạy học một số chuyên đề tự chọn.

    Đối với các trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên:

    - Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng sinh viên, giáo viên để dạy học tự chọn trong những năm trước mắt.
    - Xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới để thực hiện dạy học tự chọn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.
    - Triển khai các nội dung và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong quá trình thực hiện dự án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa 2015.
     

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...