Sách Xã Hội Mở [Cải Cách Chủ Nghĩa Tư Bản Toàn Cầu]

Thảo luận trong 'Sách Kinh Tế' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Lời giới thiệu

    Bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thứ tám của tủ sách SOS. Cuốn Xã hội Mở [Cải cách Chủ nghĩa tư bản Toàn cầu] của George Soros. Đây là cuốn thứ hai của Soros trong tủ sách.

    Ý kiến về Soros rất khác nhau. Có người lên án ông như kẻ thao túng thị trường chứng khoán, kẻ gây ra khủng hoảng tài chính, kẻ tham gia lật đổ. Nhiều người ca ngợi ông như một thiên tài tài chính, người làm từ thiện lớn nhất hành tinh. Ông cho mình là người duy nhất trên thế giới đi ngăn chặn khủng hoảng một cách có mục đích và có tổ chức. Cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc hiểu kĩ hơn về ông và về các ý tưởng của ông.

    Người ta nói nhiều về hội nhập kinh tế về nền kinh tế toàn cầu. Cơ chế thị trường đã thành công xuất sắc trong giải phóng tài năng kinh doanh và tạo ra của cải. Chủ nghĩa tư bản dựa vào cơ chế thị trường. Nếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm. Và xã hội mở là một xã hội có thể làm được điều đó.

    Khái niệm “Xã hội mở” được Henri Bergson dùng đầu tiên năm 1932, và Karl Popper phát triển và làm cho khái niệm được biết đến rộng rãi trong công trình triết học của ông xuất bản năm 1943. Soros chịu ảnh hưởng mạnh của Karl Popper. Cả trên lĩnh vực thực tiễn và triết lí ông không ngừng cổ vũ cho xã hội mở.

    Theo Bergson, xã hội được tổ chức theo các nguyên lí bộ lạc là xã hội đóng; xã hội được tổ chức theo các nguyên lí phổ quát là xã hội mở. Theo Popper, xã hội mở bị đe doạ bởi tất cả các hệ tư tưởng cho là mình có chân lí cuối cùng. Soros đồng ý. Các hệ tư tưởng bộ lạc không còn được coi là cơ sở để tổ chức xã hội hiện đại, và sau Chiến tranh Thế giới II và nhất là sau 1989, các hệ tư tưởng cho là mình có chân lí cuối cùng đã mất uy tín, chủ nghĩa tư bản hiện đại là biểu hiện bị méo mó về xã hội mở. Xã hội mở, theo Soros, dựa vào sự thừa nhận rằng chân lí cuối cùng là ngoài tầm với của con người, dựa vào tính có thể sai của con người, dựa vào sự thừa nhận là những kiến trúc do con người tạo ra nhất thiết có sai sót một cách cố hữu; nó là một xã hội dựa trên các nguyên lí phổ quát song không bao giờ hoàn hảo, luôn mở ra cho sự cải thiện. Ông phát hiện ra sự không đồng bộ giữa nền kinh tế toàn cầu và dàn xếp chính trị toàn cầu, sự tồn tại của các quốc gia có chủ quyền. Ông kiến nghị lập liên minh xã hội mở để thúc đẩy phát triển xã hội mở ở từng nước và đặt nền móng cho một xã hội mở toàn cầu.

    Cuốn sách có thể bổ ích cho các học giả, các nhà hoạch định chính sách, và tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề chính trị và kinh tế thế giới.

    Bản tiếng Việt khác nguyên bản ở chỗ mọi chú thích của tác giả được đánh lại bằng số (nguyên bản được đánh dấu bằng các kí hiệu khác nhau). Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoạc qua điện thư >[email protected]<script type="text/javascript">
    (function(){try{var s,a,i,j,r,c,l,b=document.getElementsByTagName("script");l=b[b.length-1].previousSibling;a=l.getAttribute(data-cfemail);if(a){s=;r=parseInt(a.substr(0,2),16);for(j=2;a.length-j;j+=2){c=parseInt(a.substr(j,2),16)^r;s+=String.fromCharCode(c);}s=document.createTextNode(s);l.parentNode.replaceChild(s,l);}}catch(e){}})();
    hay >[email protected]<script type="text/javascript">
    (function(){try{var s,a,i,j,r,c,l,b=document.getElementsByTagName("script");l=b[b.length-1].previousSibling;a=l.getAttribute(data-cfemail);if(a){s=;r=parseInt(a.substr(0,2),16);for(j=2;a.length-j;j+=2){c=parseInt(a.substr(j,2),16)^r;s+=String.fromCharCode(c);}s=document.createTextNode(s);l.parentNode.replaceChild(s,l);}}catch(e){}})();


    Hà Nội 4-2004
    Nguyễn Quang A



    Lời cảm ơn

    Đây là lần đầu tiên khung khổ quan niệm mà tôi bắt đầu phát triển từ những ngày sinh viên nhận được sự chú ý phê phán nghiêm túc. Đó là một kinh nghiệm khích lệ và giải thoát theo một cách nào đó. Tôi biết ơn tất cả những người đã quan tâm đến phiên bản trước hay phiên bản hiện thời của cuốn sách này.

    Antole Kaletsky đã thực sự là biên tập của cuốn The Crisis of Global Capitalism: Open Society Endangered [Khủng hoảng của Chủ nghĩa Tư bản Toàn cầu: Xã hội Mở bị lâm nguy], giúp tôi tổ chức nội dung và làm cho nó dễ tiếp cận hơn; Roman Frydman đã giúp đỡ đặc biệt về khung khổ quan niệm; Leon Botstein đã nêu ra nhiều điểm lí thú và chúng tôi đã có vài cuộc thảo luận sôi nổi; Anthony Giddens đã cho ý kiến về nhiều hơn một phiên bản của bản thảo; William Newton-Smith đã làm cho tôi hiểu đúng về một số điểm triết học; và John Gray đã khiến tôi đọc lại cuốn Great Transformation [Biến chuyển Vĩ đại] của Karl Polanyi. Những người khác đã có các ý kiến hữu ích bao gồm Robert Kuttner, John Simon, Jeffrey Friedman, Mark Malloch Brown, Arminio Fraga, Tom Glaessner, Aryeh Neier, Daniel Kahneman, Byron Wien, và Richard Medley.

    Trong chuẩn bị phiên bản này, tôi đã được sự giúp đỡ có giá trị của Adam Posen ở Institute for International Economics [Viện Kinh tế học Quốc tế], mặc dù ông không hề phải chịu trách nhiệm về các quan điểm của tôi. Yehuda Elkana đã tổ chức một nhóm nghiên cứu ở Central European University [Đại học Trung Âu] tại Budapest, và tôi đã nhận được góp ý bằng văn bản từ Lóránd Ambrus-Lakatos, Fabrizio Coricelli, John Gray, János Kis, Mária Kovács, Petr Lom, và István Rév. Katie Jamieson đã tóm tắt biên bản bằng văn phong sáng sủa quen thuộc của cô. Les Gelb đã tổ chức một cuộc thảo luận ở Council on Foreign Relations [Uỷ ban Quan hệ Nước ngoài] tại New York mà từ đó tôi học được rất nhiều. Những người tham dự bao gồm Elizabeth Colagiuri, Morris Goldstein, Nancy Goodman, Roger Kubarych, Lawrence Korb, Michael Mandelbaum, William Luers, Walter Mead, Peter Osnos, David Phillips, Adam Posen, Gideon Rose, Geoff Shandler, Dimitri Simes, Benn Steil, và Fareed Zakaria. Mort Abramowitz, Martti Ahtisaari, Antony Lester, Charles W. Maynes, Aryeh Neier, Stewart Paperin, Alex Rondos, Cornelio Sommaruga, và Joseph Stiglitz đã tham gia một thảo luận cuối tuần tại nhà tôi. Lord Lester đã nêu ra một số vấn đề quan trọng liên quan đến định nghĩa của tôi về xã hội mở mà tôi đã không giải quyết được để ông thoả mãn. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã chịu khó đọc bản thảo ở các giai đoạn khác nhau của sự tiến triển của nó. Họ quá đông để có thể liệt kê, nhưng tôi phải cảm tạ Benjamin Barber, Leon Botstein, Bill Clapp, Jacques de Larosière, Jeffrey Friedman, Roman Frydman, Ekaterina Genieva, Antole Kaletsky, Alex Lupis, Aryeh Neier, Joseph Nye, Andrei Shleifer, John Simon, và F. van Zyl Slabbert, đã gửi góp ý bằng văn bản cho tôi. Justin Leites đã có một vài gợi ý có giá trị ở phút cuối cùng.

    Tôi đã rất hài lòng với Peter Osnos và nhóm của ông ở nhà xuất bản Public Affairs và tôi biết ơn Kris Dahl đã đề nghị ông.

    Yvonne Sheer đã đánh máy đi đánh máy lại bản thảo không biết bao nhiêu lần, đối chiếu các tài liệu tham khảo, và hoạt động như tổng quản lí dự án. Tôi đã không thể làm xong mà không có cô.


    Dẫn nhập

    Đây là một cuốn sách về triết học thực tiễn: Nó cung cấp một khung khổ quan niệm có ý định dùng như một chỉ dẫn cho hành động. Tôi đã được khung khổ đó hướng dẫn trong cả các hoạt động kiếm tiền lẫn từ thiện, và tôi tin rằng nó cũng áp dụng cho xã hội nói chung: Nó cung cấp các nguyên tắc chỉ đạo cho một xã hội mở toàn cầu. Đây là một sự đảm đương đầy tham vọng. Để thực hiện nó, tôi sẽ phải đề cập nhiều lĩnh vực và di chuyển trên nhiều mức: triết học, thực tiễn, công cộng và cá nhân.

    Ở mức thực tiễn, tôi đã thiết lập một mạng lưới các quỹ từ thiện nhằm cổ vũ cho các xã hội mở. Mạng lưới này bao trùm tất cả các nước của đế chế Soviet trước kia và nó đã lan sang những phần khác của thế giới: Nam Phi, mười nước Nam châu Phi, mười sáu nước Tây Phi, Haiti, Guatemala, Miến Điện, và gần đây hơn Indonesia. Cũng có một Viện Xã hội mở [Open Society Institute] ở Hoa Kì. Mỗi quỹ quốc gia có hội đồng quản trị và nhân viên riêng của mình những người quyết định những ưu tiên riêng của họ và chịu trách nhiệm về các hoạt động của quỹ trong nước mình. Chúng hỗ trợ xã hội dân sự; chúng cũng cố gắng làm việc với chính quyền trung ương và địa phương bởi vì một chính phủ dân chủ và hiệu quả là một thành phần cốt yếu của một xã hội mở, nhưng chúng thường bất hoà với chính phủ hoặc với một số hoạt động của nó. Trong một số nước, nổi bật ở Slovakia và Croatia, các quỹ đã thành công trong huy động xã hội dân sự chống lại chế độ áp bức. Ở Belarus và Miến Điện, các quỹ bị cấm và hoạt động từ bên ngoài. Ở Serbia, nó hoạt động trong những hoàn cảnh gieo neo. Ngoài ra, chúng tôi có một mạng lưới các chương trình trong những lĩnh vực mà mạng lưới tham gia tích cực nhất: giáo dục bậc cao và giáo dục phổ thông; thanh niên; pháp trị, tư pháp và hành pháp, bao gồm cả nhà tù; nghệ thuật và các định chế văn hoá; thư viện, xuất bản, và Internet; các phương tiện thông tin; các tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương như những người thiểu năng tâm thần; các sắc tộc thiểu số, với nhấn mạnh đặc biệt đến những người di gan; sức khoẻ cộng đồng, lạm dụng rượu và ma tuý; và vân vân.

    Tôi có được sự công nhận rộng rãi, thực ra bị cường điệu, như một loại guru tài chính nào đó, nhưng những thành tích của tôi do giữ các quan điểm về các vấn đề chính trị và an ninh được công nhận ít rõ hơn. Thực ra, tôi chỉ là một trong nhiều người hành nghề tài chính; song tôi hầu như là người duy nhất thực hành ngăn chặn khủng hoảng một cách có mục đích và có tổ chức.

    Trong cuốn sách này tôi chủ trương rằng các nền dân chủ trên thế giới nên thiết lập một liên minh với mục đích kép, thứ nhất, để cổ vũ cho phát triển các xã hội mở ở riêng từng nước và, thứ hai, để củng cố luật pháp và các định chế quốc tế cần thiết cho một xã hội mở toàn cầu.

    Chúng ta sống trong một thế giới được đặc trưng bởi trao đổi tự do về hàng hoá và dịch vụ và thậm chí còn hơn bởi sự di chuyển tự do của vốn. Kết quả là, lãi suất, tỉ giá hối đoái, và giá cổ phiếu ở nhiều nước khác nhau gắn kết chặt chẽ với nhau, và các thị trường tài chính có ảnh hưởng ghê gớm đến tình hình kinh tế ở mọi nơi. Vốn tài chính có được một vị trí đặc ân. Vốn dễ lưu động hơn các yếu tố sản xuất khác, và vốn tài chính thậm chí còn lưu động hơn các dạng khác của vốn. Toàn cầu hoá các thị trường tài chính đã làm giảm khả năng của các nước riêng biệt để đánh thuế và điều tiết vốn vì nó có thể chuyển sang chỗ khác. Căn cứ vào vai trò quyết định mà vốn tài chính quốc tế đóng trong vận may của các nước riêng biệt, nên không phải không thích hợp để nói về một hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu.

    Chúng ta có thể nói về thắng lợi của chủ nghĩa tư bản trên thế giới, song chúng ta chưa thể nói về thắng lợi của dân chủ. Có một sự không xứng đôi nghiêm trọng giữa tình hình chính trị và kinh tế thịnh hành trên thế giới ngày nay. Chúng ta có một nền kinh tế toàn cầu, song những dàn xếp chính trị vẫn dựa vững chắc vào chủ quyền quốc gia. Làm sao có thể dung hoà nhu cầu của một xã hội toàn cầu với các quốc gia có chủ quyền? Đó là vấn đề cốt yếu đối mặt với chúng ta ngày nay.

    Chủ nghĩa tư bản và dân chủ không nhất thiết gắn bó chặt chẽ với nhau. Có tương quan nào đó: Tăng các tiêu chuẩn sống và sự hình thành một tầng lớp trung lưu có xu hướng tạo áp lực cho quyền tự do và dân chủ; chúng cũng có xu hướng ủng hộ ổn định chính trị lớn hơn. Song mối liên hệ còn xa mới là tự động. Các chế độ áp bức không nới lỏng sự kìm kẹp của chúng về quyền lực một cách tự nguyện, và chúng thường được trợ giúp và tiếp tay bởi các giới kinh doanh, cả nước ngoài và nội địa. Chúng ta có thể thấy điều này ở nhiều nước, đặc biệt ở những nơi dính đến tài nguyên thiên nhiên như dầu hay kim cương. Có lẽ mối đe doạ lớn nhất đối với quyền tự do và dân chủ trên thế giới ngày nay là từ sự hình thành các liên minh tội lỗi giữa chính phủ và giới kinh doanh.

    Đây không phải là hiện tượng mới. Nó thường được gọi là chủ nghĩa phát xít, và nó đặc trưng cho Italy của Mussolini và ở mức độ khác nhau cho nước Đức của Hitler, Tây Ban Nha của Franco, Bồ Đào Nha của Salazar. Ngày nay nó có các hình thức khác nhau, nhưng nó có thể được phát hiện ra ở Peru của Fujimori, Zimbabwe của Mugabe, Miến điện của SPDC, Malaysia của Mahathir, chỉ nhắc tới vài trường hợp. Làm bối rối hơn, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản cũng đã dẫn tới một liên minh tội lỗi giữa giới kinh doanh lớn và chính phủ ở nhiều nước, gồm có Nga. Có thể thấy diện mạo bề ngoài của quá trình dân chủ, song quyền lực nhà nước được hướng trệch làm lợi cho các giới tư nhân. Các nước dân chủ không chú ý nhiều đến tình hình chính trị thịnh hành ở các nước khác: Các ưu tiên khác thường có địa vị cao hơn. Thế nhưng nhân dân sống trong các chế độ áp bức cần sự giúp đỡ từ bên ngoài; nhiều khi đó là cứu tinh duy nhất của họ.

    Chủ nghĩa tư bản rất thành công trong tạo ra của cải, song chúng ta không thể dựa vào nó để đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị. Kinh doanh có động cơ là lợi nhuận; nó không được thiết kế để bảo vệ các nguyên lí phổ quát. Hầu hết những người kinh doanh là các công dân ngay thẳng; nhưng điều đó không làm thay đổi sự thực là kinh doanh được tiến hành vì lợi lộc tư nhân chứ không vì lợi ích công cộng. Trách nhiệm hàng đầu của ban quản lí là với các chủ doanh nghiệp, không phải với một thực thể u mơ nào đó được gọi là lợi ích công cộng - mặc dù các doanh nghiệp thường cố gắng, hoặc ít nhất làm ra vẻ, hoạt động theo cách có tinh thần vì cái chung vì điều đó là tốt cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta chăm nom cho các nguyên lí phổ quát như quyền tự do, dân chủ, pháp trị, chúng ta không thể để chúng cho sự chăm sóc của các lực lượng thị trường; chúng ta phải thiết lập các định chế khác nào đó để bảo vệ chúng.

    Tất cả điều này là quá hiển nhiên để phát biểu, thế mà phải được nói ra vì có tín điều được tin một cách rộng rãi là các thị trường sẽ lo liệu cho mọi nhu cầu của chúng ta. Nó thường được gọi là “laissez-faire” ở thế kỉ thứ mười chín, song tôi đã tìm ra được một từ hay hơn: thuyết thị trường chính thống. Những người theo thuyết thị trường chính thống cho rằng lợi ích công được phục vụ tốt nhất khi người dân được phép theo đuổi tư lợi của riêng họ. Đây là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Các thị trường là thích hợp tuyệt vời cho theo đuổi lợi ích tư nhân, nhưng chúng không được thiết kế để chăm lo đến lợi ích chung. Duy trì bản thân cơ chế thị trường là một lợi ích chung như vậy. Những người tham gia thị trường cạnh tranh không để duy trì cạnh tranh mà để thắng; nếu có thể, chúng sẽ loại bỏ cạnh tranh.

    Bảo vệ lợi ích chung thường là nhiệm vụ của nhà nước quốc gia. Nhưng quyền lực của quốc gia đã co lại do các thị trường vốn toàn cầu được mở rộng. Khi vốn tự do di chuyển, nó có thể bị đánh thuế và điều tiết chỉ với rủi ro xua đuổi nó đi. Vì vốn là thiết yếu cho tạo ra của cải, các chính phủ phải thoả mãn các nhu cầu của nó, thường làm hại đến những cân nhắc khác. Xua đuổi vốn có thể gây hại hơn là đánh thuế và điều tiết có thể gây ra. Điểm này mới đây đã được làm rõ bởi sự thất bại ngoạn mục của Oscar Lafontaine, bộ trưởng tài chính Đức, khi ông thử tăng gánh nặng thuế lên kinh doanh.

    Theo cách nào đấy đó là một sự phát triển đáng thú vị. Doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nhà nước về tạo ra của cải, và cạnh tranh tự do ở qui mô toàn cầu đã dẫn đến một sự gia tốc về năng suất. Hơn nữa, nhà nước thường lạm dụng quyền lực của mình; toàn cầu hoá cho một mức độ tự do cá nhân mà không nhà nước nào có thể cung cấp.

    Nhưng có mặt trái. Năng lực của nhà nước để thực hiện các chức năng mà công dân kì vọng ở nó bị suy yếu. Đây sẽ không phải là một nguyên nhân lo lắng nếu có thể trông mong ở các thị trường tự do để chăm lo mọi nhu cầu, nhưng rõ ràng không phải vậy. Một số nhu cầu tập thể của chúng ta hầu như quá hiển hiên để phải nhắc đến: hoà bình và an ninh, luật và trật tự, quyền con người, bảo vệ môi trường, và yếu tố nào đó về công bằng xã hội. Các giá trị thị trường chỉ bày tỏ cái một người tham gia sẵn lòng trả cho người khác trong trao đổi tự do và không bày tỏ các lợi ích chung của họ. Kết quả là, các giá trị xã hội chỉ được phục vụ bởi những dàn xếp xã hội và chính trị, cho dù chúng ít hiệu quả hơn các thị trường.

    Ngay cả để phục vụ các lợi ích cá nhân, cơ chế thị trường có những hạn chế và khuyết tật nhất định mà những người theo thuyết thị trường chính thống bỏ qua. Một là, các thị trường tài chính là bất ổn định một cách cố hữu. Lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo coi các đường cung và cầu là cho trước một cách độc lập. Nơi hai đường gặp nhau, ta có cân bằng. Nhưng các giả thiết theo đó khái niệm cân bằng được xây dựng hiếm khi được thoả mãn trong thế giới thực tế. Trong lĩnh vực tài chính chúng là không thể đạt được. Các thị trường tài chính tìm cách chiết khấu tương lai mà tương lai lại tuỳ thuộc vào hiện tại nó được chiết khấu ra sao. Căn cứ vào sự hiểu biết không hoàn hảo của những người tham gia, kết quả là không xác định một cách cố hữu. Như thế, ngược với ý tưởng về một cơ chế tự cân bằng, tính ổn định của các thị trường tài chính cần được bảo vệ bằng chính sách công.

    Đáng tiếc, chính sách công cũng không hoàn hảo, và vì thế lịch sử các thị trường tài chính bị ngắt quãng bởi những khủng hoảng. Tuy nhiên, bằng một quá trình thử và sai, các nước công nghiệp tiên tiến đã tạo ra các ngân hàng trung ương và những khung khổ điều tiết rất thành công để giữ sự bất ổn định trong những giới hạn có thể chịu đựng được. Sự sụp đổ lớn lần cuối ở các nước công nghiệp tiên tiến xảy ra vào các năm 1930. Các nước ở ngoại vi của hệ thống tư bản toàn cầu ở vào vị trí không tốt bằng: Khủng hoảng tài chính 1997-1999 gây ra tàn phá ở một số thị trường mới nổi cũng nhiều như Đại Suy thoái của các năm 1930 đã gây ra ở Hoa Kì.

    Hệ thống tài chính quốc tế không còn có thể được điều tiết trên cơ sở quốc gia. Một tập các định chế quốc tế được thiết lập vào cuối Chiến tranh Thế giới II ở Bretton Woods năm 1945, nhưng chúng được thiết kế cho một thế giới không có luân chuyển vốn tự do. Các định chế này đã dũng cảm cố thích nghi với hoàn cảnh thay đổi, thế nhưng chúng đã không có khả năng giữ nhịp với sự phát triển nhanh chóng mới đây của các thị trường tài chính quốc tế. Chúng đã không ngăn được sự lây nhiễm trong khủng hoảng tài chính quốc tế 1997-1999. May thay, các nước ở trung tâm của hệ thống tư bản toàn cầu đã không bị ảnh hưởng (thực ra, họ thậm chí còn được lợi từ tai hoạ ở ngoại vi), và nền kinh tế thế giới đã phục hồi nhanh hơn so với có thể dự kiến ở cao điểm của khủng hoảng. Khả năng mau phục hồi xuất sắc này đã củng cố niềm tin vào năng lực tự hiệu chỉnh của các thị trường tài chính, và thay cho tăng cường Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quyền lực và ảnh hưởng của nó lại bị để cho suy dần. Điều này sẽ để nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn trong khủng hoảng tiếp theo, nếu và khi nó xuất hiện. Nghĩ rằng chúng ta sẽ không có một khủng hoảng khác là đi coi thường lịch sử.

    Yếu điểm trong cấu trúc chính trị quốc tế vượt quá khuyết điểm trong cấu trúc tài chính quốc tế. Thảm kịch của Chiến tranh Thế giới II đã dẫn đến việc thiết lập Liên Hiệp Quốc, được thiết kế để duy trì hoà bình và an ninh trên thế giới. Đáng tiếc, thiết kế không ngang với mục đích cao thượng. Ngay khi Liên Hiệp Quốc ra đời, thế giới vỡ thành hai khối đối chọi nhau; một do Hoa Kì, một do Liên Xô lãnh đạo. Hai bên đã kẹt vào cuộc chiến chí tử, cả về quân sự và ý thức hệ; thế nhưng mỗi bên đều nhận ra rằng nó phải tôn trọng các lợi ích sống còn của bên kia, vì cả hai đều có khả năng phá huỷ bên kia bằng vũ khí hạt nhân. Điều này biến Chiến tranh Lạnh thành một công cụ ổn định dựa vào quan niệm dữ tợn song hùng mạnh về sự đảm bảo huỷ diệt lẫn nhau (MAD).

    Sự cân bằng MAD giữa Đông và Tây chấm dứt với sự sụp đổ nội bộ của đế chế Soviet. Đã có một giây phút lịch sử khi Liên Hiệp Quốc có thể bắt đầu hoạt động như nó được thiết kế ban đầu, thế mà cơ hội đó đã tuột mất khi các nền dân chủ phương Tây đã không thống nhất được với nhau về xử trí khủng hoảng Bosnia ra sao. Hệ thống trở nên bất ổn định.

    Kinh nghiệm của hai cuộc chiến tranh thế giới đã chứng tỏ rằng một hệ thống dựa vào các quốc gia có chủ quyền không đảm bảo hoà bình và ổn định. Vì các nhà nước chủ quyền thường lạm dụng quyền lực của họ, một sự giảm sút về những quyền lực đó phải là một diễn tiến đáng hoan nghênh. Đến điểm này tình cảm ủng hộ thị trường, chống nhà nước là hoàn toàn được biện minh. Nhưng sự yếu đi của nhà nước chủ quyền phải đối ứng với sự tăng cường của các định chế quốc tế. Đây là chỗ mà thuyết thị trường chính thống, phản đối nhà chức trách quốc tế cũng nhiều như nhà chức trách quốc gia, đứng cản đường. Không thể phủ nhận, thuyết thị trường chính thống không phải là thủ phạm duy nhất; niềm tin lâu dài vào chủ quyền quốc gia là thủ phạm khác. Hoa Kì thậm chí gắn bó với chủ quyền của nó mạnh hơn hầu hết các quốc gia khác. Do là siêu cường quân sự duy nhất còn lại và là cường quốc kinh tế mạnh nhất, nó sẵn lòng tham dự vào các dàn xếp, như Tổ chức Thương mại Thế giới, mở cửa các thị trường trong khi lại cung cấp sự bảo hộ nào đó cho các giới thế lực, nhưng nó hết sức chống bất kể vi phạm nào đến chủ quyền của riêng nó trong các lĩnh vực khác. Nó sẵn lòng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác song lại không sẵn sàng phục tùng các qui tắc mà nó tìm cách áp đặt lên người khác.

    Trong khi Hoa Kì coi mình như người giữ vững các nguyên lí cao thượng, những người khác chỉ thấy sự ngạo mạn quyền lực. Có thể gây sốc khi nói, nhưng tôi tin rằng chính thái độ đơn phương của Hoa Kì tạo thành một mối đe doạ nghiêm trọng cho hoà bình và thịnh vượng của thế giới. Thế mà Hoa Kì có thể dễ dàng trở thành một lực lượng hùng hậu cho điều thiện, đơn giản bằng chuyển từ cách tiếp cận đơn phương sang đa phương. Thế giới cần một số qui tắc và tiêu chuẩn ứng xử. Nếu Hoa Kì sẵn sàng tôn trọng các qui tắc, nó có thể dẫn đầu trong việc tạo ra chúng.

    Đáng tiếc, sự không ưa chủ nghĩa đa phương của Hoa Kì không phải không có biện minh. Hầu hết các định chế quốc tế không hoạt động tốt. Đó là vì chúng là các hiệp hội các quốc gia, mà như Hồng y Richelieu đã nói, các quốc gia không có các nguyên lí, chỉ có những lợi ích. Điều này được biểu lộ trong ứng xử của họ trong phạm vi các tổ chức quốc tế. Mọi thiếu sót của một bộ máy quan liêu quốc gia, đều được nhân lên trong bộ máy quan liêu quốc tế. Các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc là không phù hợp để bảo vệ các nguyên lí phổ quát. Điều này có thể thấy trong thành tích bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

    Tôi tin rằng có thể khiến các định chế quốc tế hoạt động tốt hơn chỉ với sự giúp đỡ của xã hội dân sự. Có thể đúng là các quốc gia không có các nguyên lí, nhưng các quốc gia dân chủ đáp ứng lại mong muốn của công dân của mình. Nếu các công dân có các nguyên lí, họ có thể áp đặt chúng lên chính phủ của họ. Đó là vì sao tôi chủ trương một liên minh các quốc gia dân chủ: Nó có thể có sự tham gia tích cực của xã hội dân sự để đảm bảo là các chính phủ vẫn trung thành với các nguyên lí của liên minh. Đó là nơi khó khăn lớn nhất ẩn náu. Như các cuộc biểu tình gần đây ở Seattle và Washington đã chứng tỏ, có thể huy động xã hội dân sự để phản đối các định chế quốc tế; phải tìm được cách để huy động nó ủng hộ chúng.

    Liên minh sẽ có hai mục tiêu: thứ nhất, tăng cường luật quốc tế và các định chế quốc tế; thứ hai, củng cố dân chủ trong phạm vi riêng từng nước. Hai mục tiêu, tất nhiên, gắn với nhau: Sự thúc đẩy dân chủ phải được thực hiện bởi các định chế quốc tế. Không một quốc gia đơn nhất có thể được uỷ thác cho việc bảo vệ các nguyên lí phổ quát. Mỗi khi có xung đột giữa các nguyên lí phổ quát và tư lợi, tư lợi chắc thắng thế. Điểm này đã được những người sáng lập hiểu rõ khi họ nghĩ ra Hiến pháp Hoa Kì.

    Thế mà cổ vũ phát triển dân chủ trên khắp thế giới chính là lợi ích của tất cả các nền dân chủ. Trong xã hội toàn cầu lệ thuộc lẫn nhau ngày nay hầu hết xung đột không xảy ra giữa các quốc gia mà trong nội bộ các quốc gia. Các nền dân chủ không thể dung thứ sự vi phạm nhân quyền qui mô lớn, và sớm hay muộn chúng có thể bị kéo vào các xung đột như vậy, như xảy ra ở Nam Tư. Ngay cả nếu họ từ chối bị kéo vào, họ phải đối mặt với dòng người tị nạn và các hệ quả có hại khác.

    Có sự mâu thuẫn nào đó về áp đặt dân chủ từ bên ngoài. Sự mâu thuẫn có thể được tránh chỉ nếu sự can thiệp mang lại lợi ích và vì vậy được chấp nhận một cách tự nguyện. Ở mức độ lớn nhất có thể, sự can thiệp phải ở dạng những khuyến khích và cam kết xây dựng.

    Một khi một xung đột đã nổ ra, sẽ rất khó giải quyết. Phòng ngừa khủng hoảng không thể bắt đầu đủ sớm. Nhưng trong các giai đoạn đầu khó nhận diện cái gì sẽ dẫn đến khủng hoảng. Đó là vì sao cách tốt nhất để phòng ngừa khủng hoảng là cổ vũ sự phát triển của cái mà tôi gọi là các xã hội mở. Đó là cái mạng lưới các Quỹ Xã hội Mở của tôi cố gắng làm. Bằng tạo ra các xã hội mở, khả năng về khủng hoảng cần can thiệp từ bên ngoài có thể giảm đi rất nhiều. Và nếu can thiệp trừng phạt là không thể tránh khỏi nó được biện minh dễ dàng hơn khi trước đó đã có cam kết mang tính xây dựng.

    Hiện nay chúng ta dựa quá nhiều vào các biện pháp trừng phạt. Liên minh hiệu quả duy nhất của các quốc gia dân chủ là một liên minh quân sự - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng ta phải bổ sung cho NATO bằng một liên minh chính trị. Vì sự phát triển của xã hội mở liên hệ chặt chẽ với sự thịnh vượng kinh tế, liên minh phải hướng tới hành động khẳng định.

    Các ý nghĩ này đặc biệt thích đáng hiện nay, sau can thiệp của NATO ở Kosovo. Tôi tin can thiệp là cần thiết, nhưng nó phải được biện minh bằng đảm bảo một tương lai tốt hơn cho khu vực. Điều này chỉ có thể đạt được nếu Liên hiệp châu Âu có thể đưa các nước trong khu vực đến gần nhau hơn và đưa chúng đến gần châu Âu hơn. Ý tưởng này hiện nay được chấp nhận rộng rãi, và nó được biểu lộ ở Hiệp ước Ổn định cho Đông Nam Âu. Làm cho nó có kết quả phải là ưu tiên cao nhất của Liên hiệp châu Âu. Nó chắc chắn là ưu tiên cao nhất của tôi.

    Đi từ cái cá biệt sang cái chung, tôi chủ trương một nỗ lực có phối hợp bởi các nền dân chủ đã phát triển để cổ vũ cho phát triển dân chủ ở những phần kém phát triển của thế giới. Nó phải có dạng trợ giúp kĩ thuật và khuyến khích kinh tế. Kinh tế học và hoạt động chính trị không thể tách rời nhau. Amartya Sen đã đưa ra lí lẽ thuyết phục rằng phát triển phải được định nghĩa bằng quyền tự do, chứ không bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

    Thành viên của liên minh sẽ bao gồm Hoa Kì và Liên hiệp châu Âu, và một số lượng tới hạn các nước dân chủ từ ngoại vi của hệ thống tư bản – khác đi thì liên minh có thể hoá ra là một công cụ thống trị và bóc lột. Thành viên có vấn đề nhất sẽ là Hoa Kì, vì hiện tại nó không sẵn lòng tuân thủ các qui tắc mà nó tìm cách áp đặt lên người khác. Nó chẳng có gì để sợ loại liên minh mà tôi quan tâm, vì một liên minh như vậy không thể hoạt động mà không có Hoa Kì tham gia; tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi sự định hướng lại triệt để về chính sách của Hoa Kì từ chủ nghĩa đơn phương sang chủ nghĩa đa phương.

    Tôi nhận ra là đề xuất của mình trái với thuyết thị trường chính thống. Viện trợ nước ngoài đã thất bại tệ hại ở châu Phi và gần đây ở Liên Xô và các quốc gia kế vị, và nó cũng đe doạ gây thất bại cho Hiệp ước Ổn định. Sự thực rằng chúng không có kết quả không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ ý tưởng. Đúng hơn, chúng ta phải xem xét các lí do thất bại và nghĩ ra những cách hay hơn. Viện trợ nước ngoài, như nó được quản lí hiện nay, quá thường xuyên được hướng tới thoả mãn nhu cầu của các nhà tài trợ, không phải nhu cầu của những người nhận. Tôi có thể khẳng định, dựa trên những kinh nghiệm của riêng tôi ở các nước như Nga, rằng viện trợ bên ngoài có thể có hiệu quả.

    Hệ thống tư bản toàn cầu đã tạo ra một sân chơi rất không đều. Lỗ hổng giữa giàu và nghèo ngày càng rộng hơn. Điều này là nguy hiểm, vì một hệ thống không đưa ra hi vọng và lợi ích nào đó cho những người thua nhất định bị phá vỡ bởi các hành động tuyệt vọng. Ngược lại, nếu chúng ta đưa ra những khuyến khích kinh tế cho các nước hăng hái tận dụng chúng, chúng ta tạo ra một công cụ hùng hậu để ngăn ngừa khủng hoảng. Các khuyến khích nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế và chính trị; sự thực rằng chúng có thể được rút lại tạo đòn bẩy cái có thể được dùng chống các chính phủ ngoan cố.

    Đáng tiếc, cấu trúc tài chính toàn cầu thịnh hành ngày nay hầu như không tạo sự hỗ trợ nào cho những người kém may mắn. Các xu hướng hiện thời đi theo hướng ngược lại. Sau khủng hoảng tài chính vừa qua, ý định là áp đặt kỉ luật thị trường lớn hơn. Nhưng nếu các thị trường là bất ổn định một cách cố hữu, áp đặt kỉ luật thị trường có nghĩa là áp đặt sự bất ổn định – và xã hội có thể chịu sự bất ổn định đến bao nhiêu?

    Bây giờ chúng ta có các thị trường tài chính toàn cầu, chúng ta cũng cần một ngân hàng trung ương toàn cầu và các định chế tài chính quốc tế khác mà sứ mệnh rõ ràng của chúng là giữ cho các thị trường tài chính vững vàng, không tròng trành. Nhưng bất kể hoạt động của người cho vay cuối cùng nào cũng gây ra hiểm hoạ đạo đức nào đó, và cuộc chiến hiện thời của những người theo thuyết thị trường chính thống là loại trừ hiểm hoạ đạo đức. Kết quả là giảm qui mô IMF. Không nghi ngờ gì, điều đó sẽ giảm nguy cơ cho vay thái quá đối với các thị trường mới nổi, nhưng theo tôi khủng hoảng tiếp theo có khả năng đến từ hướng ngược lại: từ dòng vốn chảy tới các nước chậm phát triển không thoả đáng.

    Uỷ ban Meltzer do Quốc hội Hoa Kì lập ra kiến nghị biến Ngân hàng Thế giới từ một tổ chức cho vay thành một cơ quan cấp trợ cấp cho các nước nghèo nhất thế giới. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng cách mà Uỷ ban Meltzer cố gắng là giảm qui mô Ngân hàng Thế giới và trả lại vốn chưa dùng cho các cổ đông trong một sự chuyển giao lớn nguồn lực từ người nghèo sang người giàu. Tôi tin là vốn chưa được dùng phải được sử dụng có ích hơn bằng cách tăng các hoạt động cho trợ cấp và cấp bảo lãnh của Ngân hàng. Nhưng đó không phải là cái Uỷ ban Meltzer nghĩ tới.
     
Đang tải...