Luận Văn Việc làm và chính sách tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay

Thảo luận trong 'Lao Động' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mở đầu


    1. Tính cấp thiết của đề tài


    Ngày nay, vấn đề việc làm đã trở thành một trong những vấn đề có tính toàn cầu, là mối quan tâm lớn của toàn nhân loại cũng như của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề việc làm cho người lao động, chính sách tạo việc làm và chống thất nghiệp là một trong những tiêu chí bảo đảm định hướng XHCN, góp phần bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định: "Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân"[10, tr.216].

    Hải Dương là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở vị trí có nhiều hướng tác động mang tính liên vùng; do đó, có vai trò quan trọng làm cầu nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng, thành phố du lịch Hạ Long; cung cấp sản phẩm hàng hóa quan trọng và là địa bàn tham gia vào quá trình trung chuyển hàng hóa giữa hệ thống cảng biển và các thành phố, các tỉnh trong vùng và cả nước. Chính vì vậy, Hải Dương vừa đóng vai trò là một trong những động lực phát triển, vừa phải đối mặt với các thách thức trong cạnh tranh khai thác và phát triển các ngành hàng có cùng lợi thế. Trong triển vọng, Hải Dương sẽ phải trở thành trọng điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch thương mại, giải quyết việc làm để giảm áp lực cho các thành phố lớn và trở thành một trong các đô thị lớn trong vùng.

    Với vị trí địa lý thuận lợi, những năm gần đây, các khu công nghiệp ở Hải Dương phát triển rất mạnh, thu hút lực lượng lao động các địa phương về Hải Dương làm việc, góp phần giải quyết việc làm ở Hải Dương. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở Hải Dương còn thấp kém, kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng, chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, cung- cầu về lao động mất cân đối, dẫn đến bức xúc ngày càng lớn về việc làm ở Hải Dương hiện nay.

    Nhằm đánh giá chung đúng thực trạng việc làm và việc thực thi chính sách tạo việc làm để từ đó đưa ra những giải pháp giải quyết việc làm ở Hải Dương, tác giả luận văn đã chọn đề tài: "Việc làm và chính sách tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay".

    2. Tình hình nghiên cứu

    Trong những năm gần đây, có một số tác giả đã đề cập đến các khía cạnh mà đề tài nghiên cứu quan tâm. Trong số đó có:

    - PTS. Nguyễn Hữu Dũng, PTS. Trần Hữu Trung (chủ biên):"Về Chính sách giải quyết việc làm ở Việt Nam" Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997. Các tác giả đã trình bày tổng quát về phương pháp luận và phương pháp tiếp cận chính sách việc làm; làm rõ thực trạng vấn đề việc làm ở Việt Nam hiện nay. Từ đó khuyến nghị định hướng một số chính sách cụ thể về việc làm trong công cuộc CNH, HĐH.

    - TS. Nguyễn Bá Ngọc, KS. Trần Văn Hoan (chủ biên), "Toàn cầu hoá: cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam", Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội 2002. Các tác giả đã trình bày tổng quan tác động của toàn cầu hoá đến lao động và các vấn đề xã hội của Việt Nam, những xu hướng vận động của nguồn nhân lực, lao động và việc làm Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hoá kinh tế, phân tích những cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Từ đó đề ra các giải pháp đối với lao động Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế.

    - Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương: "Thị trường lao động Việt Nam: Định hướng và phát triển", Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội, 2002. Tác giả đi từ việc phân tích các luận cứ cơ bản định hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam, sự hình thành và phát triển của thị trường lao động Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp định hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2001- 2010.

    - Các bài viết "Lao động việc làm thời kỳ 1991- 2000 và phương hướng giai đoạn 2001- 2010" của TS. Lê Duy Đồng, Tạp chí Lao động và xã hội, số III- 2001; "WTO và vấn đề tạo việc làm cho người lao động" của TS. Đinh Trọng Thịnh, Tạp chí Kinh tế và phát triển, 6/2005. Trong đó các tác giả đi sâu vào các vấn đề như: Kết quả giải quyết việc làm, những mặt yếu kém và bất cập, phương hướng giải quyết việc làm, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế .

    Tuy nhiên, cho đến nay chưa có đề tài nào đi sâu nghiên cứu vấn đề tạo việc làm ở Hải Dương dưới góc độ kinh tế chính trị.

    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

    + Mục đích:

    Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về lao động việc làm, quan niệm về việc làm và những nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm, luận văn phân tích thực trạng tạo việc làm ở Hải Dương, chỉ ra xu hướng tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp chủ yếu để tạo việc làm ở Hải Dương trong thời gian tới.

    + Nhiệm vụ:

    - Làm rõ quan niệm về việc làm, chính sách tạo việc làm, những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tạo việc làm.

    -Tập trung phân tích thực trạng: Số lượng, cơ cấu, chất lượng lao động ở Hải Dương, thực trạng tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay.

    -Bước đầu nêu ra những giải pháp để tạo việc làm ở Hải Dương.

    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    - Luận văn đề cập tới vấn đề tạo việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động do Trung ương cũng như do tỉnh quản lý đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, có chú trọng bàn đến nhiều hơn vấn đề tạo việc làm cho lao động do tỉnh trực tiếp quản lý.

    - Bối cảnh lịch sử và thực tiễn chính mà luận văn khai thác là Hải Dương thời kỳ đổi mới, cụ thể là từ 1996 đến nay.

    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

    - Cơ sở lý luận:

    Luận văn trình bày dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc làm. Đồng thời, luận văn có sử dụng kết quả nghiên cứu của một số công trình khoa học đã được công bố có liên quan đến đề tài.

    - Phương pháp nghiên cứu:

    Luận văn sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp kết hợp logic với lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá khoa học. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, điều tra xã hội học.

    6. Những kết quả đạt được của luận văn

    - Luận văn làm rõ một số vấn đề lý luận chung về việc làm, chính sách tạo việc làm.

    - Đánh giá đúng thực trạng tạo việc làm ở Hải Dương, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm tạo việc làm, thu hút lao động ở Hải Dương hiện nay.

    7. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

    - Luận văn cung cấp những vấn đề lý luận và thực tiễn về tạo việc làm ở Hải Dương để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

    - Góp phần cung cấp thêm những cơ sở khoa học cho các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tham khảo trong quá trình hoạch định các chính sách nhằm tạo việc làm trên địa bàn tỉnh.

    8. Kết cấu của luận văn

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được kết cấu thành 3 chương, 8 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...