Thạc Sĩ Việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở thành phố Đà Nẵng

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 3/12/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa (ĐTH) đất nước tất yếu sẽ dẫn đến quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng một bộ phận diện tích đất nông nghiệp sang phục vụ quá trình phát triển đô thị và các khu - cụm công nghiệp, khu kinh tế. Vì vậy, có hàng chục vạn hộ gia đình nông nghiệp, nông thôn phải hy sinh những quyền lợi cơ bản của mình là nhường đất - tư liệu sản xuất quan trọng nhất của người nông dân cho các dự án để tái định cư ở những nơi ở mới, dẫn đến sẽ có hàng triệu lao động nông nghiệp buộc phải chuyển đổi nghề do bị mất đất sản xuất. Điều đó đã tác động đến toàn bộ hoạt động KT - XH của đối tượng dân cư phải nhường đất để đến các khu tái định cư. Nhưng tác động lớn nhất là người nông dân rơi vào trạng thái bị động và thiếu các điều kiện đảm bảo cuộc sống khi họ bị mất việc làm (VL) và buộc phải chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án phục vụ sự nghiệp CNH, ĐTH thời gian qua cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, lao động nông nghiệp mất VL truyền thống và khó chuyển đổi nghề nghiệp, cách thức đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường .Trong đó, vấn đề tạo VL để ổn định đời sống cho người lao động sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp nổi lên như một hiện tượng vừa mang tính khách quan của quá trình CNH, ĐTH, vừa mang tính đặc thù của một nước nông nghiệp như nước ta.
    Đối với thành phố Đà Nẵng, từ năm 1997 đến năm 2013, để xây dựng và phát triển, thành phố đã triển khai hơn 3000 dự án. Đồng thời với quá trình đó có gần 100 ngàn hộ gia đình phải di dời đến các khu tái định cư, hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, làm cho nguồn thu nhập quan trọng nhất của người nông dân trong nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy rằng, chính quyền thành phố đã có nhiều cách thức hỗ trợ các đối tượng này có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan đến nay nhiều lao động bị mất đất vẫn chưa ổn định nơi ăn, chốn ở, chưa thể tìm ra cho mình một cách mưu sinh ổn định lâu dài. Thực tiễn sự nghiệp CNH, ĐTH thời gian qua cho thấy, một trong các khó khăn khi tiến hành CNH, ĐTH là việc tạo công ăn, VL cho người lao động ở các vùng bị thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT).
    Thực tế nêu trên đang gia tăng áp lực trong tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất phục vụ sự nghiệp CNH, ĐTH. Đây là một vấn đề cấp bách nếu nhìn cả trước mắt và lâu dài xét trên phương diện phát triển. Bởi lẽ, nếu vấn đề VL cho người lao động nói chung, nông dân bị thu hồi đất nói riêng không được giải quyết tốt sẽ rất khó khăn trong thực hiện các mục tiêu phát triển và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp khó lường. Do đó, đề tài: “Việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở thành phố Đà Nẵng" được lựa chọn làm đề tài luận án tiến sĩ là cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
    2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
    2.1. Mục đích nghiên cứu
    Mục đích nghiên cứu của luận án là trên cơ sở những vấn đề lý luận và thực tiễn về VL cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH ở thành phố Đà Nẵng, đề xuất các giải pháp chủ yếu về tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    - Hệ thống hóa cơ sở lý luận VL cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH. Phân tích kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết việc làm (GQVL) cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH ở một số tỉnh trong nước và rút ra bài học kinh nghiệm cho thành phố Đà Nẵng.
    - Phân tích thực trạng VL cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH ở thành phố Đà Nẵng. Chỉ ra những kết quả đạt được và những mặt hạn chế, yếu kém trong tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng.
    - Đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Đối tượng nghiên cứu của luận án là VL cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH dưới góc độ kinh tế chính trị.
    - Phạm vi nghiên cứu:
    + Về không gian: Nghiên cứu vấn đề tạo VL cho nông dân bị thu đất hồi trong quá trình CNH, ĐTH ở thành phố Đà Nẵng.
    + Về thời gian: Nghiên cứu được xác định từ năm 2001 đến 2013, các giải pháp đề xuất đến năm 2020.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    - Sử dụng các phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hóa khoa học để nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về VL cho nông dân bị thu hồi đất; phương pháp thống kê, phân tích, lôgíc kết hợp với lịch sử, tổng kết, đánh giá quá trình GQVL cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng.
    - Sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu điều tra và phỏng vấn chuyên sâu 150 hộ nông dân tại một số địa điểm mang tính đại diện có đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc quận Cẩm Lệ để làm kết quả nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, để làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến luận án, tác giả có sử dụng phương pháp chuyên gia, phỏng vấn sâu 20 nhà lãnh đạo thành phố, quận, huyện, phường.
    5. Đóng góp của luận án
    - Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về việc làm, phương thức tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ĐTH.
    - Trên cơ sở phân tích, đánh giá phương thức tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng, tác giả đưa ra những nhận định khách quan về thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế trong quá trình tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng.
    - Tác giả luận án đưa ra năm quan điểm, đề xuất ba nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả tạo VL cho nông dân bị thu hồi đất ở thành phố Đà Nẵng.
    6. Kết cấu của luận án
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, kết cấu nội dung luận án gồm 4 chương, 10 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...