hữu cơ giữa Hiến pháp và NNPQ. Hiến pháp là bản văn ghi nhận ý chí của nhân dân, xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Chính vì lẽ đó mà Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định các vấn đề cơ bản nhất như chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN). Sự hiện diện của Hiến pháp là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm cho các yếu tố cơ bản của NNPQ được tạo lập. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng chỉ là một văn bản giới hạn, không thể quy định đầy đủ, chi tiết mọi vấn đề liên quan đến chế độ dân chủ, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền, nghĩa vụ của công dân Do đó, trên cơ sở những quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp, các đạo luật sẽ thực hiện chức năng của mình để điều chỉnh các vấn đề có liên quan. Cũng cần đề cập đến các quan điểm xung quanh mối quan hệ giữa Hiến pháp và các đạo luật. Quan điểm thứ nhất cho rằng, các đạo luật là văn bản thể chế hóa các quy định của Hiến pháp; quan điểm thứ hai cho rằng, các đạo luật điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội được xây dựng dựa trên cơ sở tuân thủ và tôn trọng các quy định trong Hiến pháp, có thể được ban hành theo quy định của Hiến pháp nhưng không phải là thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Chẳng hạn khi Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật”, có nghĩa là Hiến pháp ủy quyền cho các CQNN quy định về quyền tự do cư trú của công dân và các CQNN có trách nhiệm phải ban hành các quy định để bảo đảm công dân có thể thực hiện quyền tự do này. Chúng tôi cho rằng, loại quan điểm thứ hai là phù hợp với quy luật nói chung cũng như sự phát triển trình độ lập pháp ở nước ta hiện nay. Bởi vì, Hiến pháp không thể quy định mọi vấn đề liên quan đến đời sống xã hội mà chỉ nên quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, nên các đạo luật điều chỉnh các mối quan hệ cụ thể dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Hơn nữa, nếu quan điểm các đạo luật là các văn bản thể chế hóa các quy định của Hiến pháp sẽ dẫn tới hệ quả là các nội dung không được đề cập đến trong Hiến pháp thì các đạo luật sẽ không được phép quy định. Trong khi, các quan hệ xã hội luôn ở trạng thái động, phát sinh từng ngày, từng giờ đòi hỏi các đạo luật cũng phải có sự vận động sao cho phù hợp. Ở một góc độ khác, Hiến pháp luôn đòi hỏi tính ổn định và bền vững một cách tương đối. Làm rõ mối quan hệ giữa Hiến pháp và các đạo luật cũng như xác định rõ tính thứ bậc trong hệ thống pháp luật sẽ góp phần làm rõ được vị trí, vai trò quan trọng của Hiến pháp và các đạo luật trong NNPQ XHCN ở Việt Nam, cụ thể như sau: 1.1. Vị trí, vai trò của Hiến pháp và các đạo luật trong việc xác định và quy định bản chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Cái gốc của chế độ NNPQ là xác lập dân chủ, tức là thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân. Mọi vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều phải được xác lập dựa trên cơ sở ý chí của nhân dân, chủ thể của quyền lực. Nói cách khác, việc ghi nhận của Hiến pháp và các đạo luật về tổ chức quyền lực nhà nước, việc thực thi quyền lực nhà nước, các thiết chế bảo đảm thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm thực thi các quyền dân chủ của nhân dân đều phải được phản ánh trong Hiến pháp và các đạo luật. Bởi vì, trong phương thức tổ chức quyền lực ở nước ta, mặc dù không theo chế độ tam quyền phân lập, không có sự đối trọng nhau giữa các nhánh quyền lực nhưng vẫn có sự phân công, phân nhiệm giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Và nhìn từ góc độ phân công, phân nhiệm này thì Quốc hội (cơ quan lập pháp) là chủ thể trực tiếp do nhân dân bầu ra. Nhân dân thực hiện quyền lực thông qua cơ quan đại diện trực tiếp của mình là Quốc hội. Như vậy, Hiến pháp và các đạo luật xét từ tính thứ bậc cũng như từ nguồn gốc, bản chất của nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là các văn bản có giá trị cao nhất ghi nhận nguyên tắc cơ bản của một nền dân chủ XHCN là xây dựng một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mặc dù lời văn và câu chữ khác nhau nhưng về cơ bản, tư tưởng chủ đạo của nguyên tắc này được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay. Điều 1 Hiến pháp 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà”, “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đều tiếp tục khẳng định nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Năm 2001, với những sửa đổi bổ sung cơ bản quy định tại Điều 2, Hiến pháp 1992 đã chính thức thừa nhận chủ trương xây dựng NNPQ XHCN với nội dung: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các CQNN trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc xác định bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nền tảng được ghi nhận trong Hiến pháp. Xuất phát từ nguyên tắc mang tính nền tảng này, nhân dân với tư cách là người chủ của quyền lực không chỉ tạo lập nên Nhà nước của mình, trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện cho mình thực thi quyền lực, mà còn thông qua các hình thức và các quy định khác để tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước bằng các quy định cụ thể, chẳng hạn như: