Tài liệu Về khái niệm dân tộc và chủ nghĩa dân tộc

Thảo luận trong 'Triết Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Trong bài viết này, tác giả đã phân tích, lý giải để làm rõ thêm các khái niệm dân tộc và chủ nghĩa dân tộc. Theo tác giả, dân tộc là cộng đồng những người cùng chung một lịch sử, nói chung một ngôn ngữ, sống chung trên một vùng lãnh thổ và có chung một nền văn hoá. Chủ nghĩa dân tộc là ý thức của mỗi người về cội nguồn dân tộc, ý thức về quyền dân tộc, về phẩm giá dân tộc, Chủ nghĩa dân tộc có nhiều loại khác nhau, song chỉ có chủ nghĩa dân tộc của nhân dân lao động là chủ nghĩa dân tộc chân chính. Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc của nhân dân lao động, luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.


    Dân tộc là tên chỉ cộng đồng người hình thành và phát triển trong lịch sử, sau khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp và xuất hiện nhà nước. Trong xã hội nguyên thuỷ đã có thị tộc, rồi bộ lạc. Những thành viên trong thị tộc gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống. Bộ lạc bao gồm những người cùng họ và những người khác họ, cùng sinh sống trên một địa bàn. Sản xuất phát triển thì bản thân con người cũng phát triển theo, cùng với những đặc trưng như ngôn ngữ, văn hoá vật chất (thể hiện trong phương thức sản xuất, phương thức sinh hoạt) và văn hoá tinh thần (thể hiện thành ý thức và các hình thái ý thức). Hình thức của cộng đồng người cũng có sự tiến hoá: từ phân tán đến tập trung, từ thấp đến cao, kết quả là hình thành nên những tộc người và những dân tộc khác nhau như chúng ta thấy hiện nay. Có thể quan niệm dân tộc là cộng đồng những người cùng chung một lịch sử (lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc), nói chung một ngôn ngữ, sống chung trên một lãnh thổ, có chung một nền văn hoá hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, tiêu biểu cho trình độ văn minh đã đạt được. Văn hoá của các dân tộc có những nét chung giống nhau (thí dụ như đều trải qua nền văn minh nông nghiệp tiến lên nền văn minh công nghiệp), nhưng cũng có những nét đặc thù gọi là tính cách dân tộc hay bản sắc dân tộc (các phong tục, tập quán sinh hoạt và ứng xử, các nếp tâm lý và tư duy, các ưu thế phát triển về mặt này hay mặt khác) tạo ra tính đa dạng, vô cùng phong phú của văn hoá nhân loại.


    Về mặt xã hội, khái niệm dân tộc không phải bao giờ cũng trùng hợp với khái niệm quốc gia theo nghĩa là một cộng đồng chính trị - xã hội được quản lý bằng bộ máy nhà nước. Có quốc gia chỉ gồm một dân tộc (hiếm có, như trường hợp Triều Tiên trước khi bị chia cắt), song phần lớn là những quốc gia nhiều dân tộc (nhiều dân tộc nhỏ quy tụ xung quanh một dân tộc chủ yếu, thường là đông hơn và phát triển hơn trong lịch sử). Cũng có tình hình là những người cùng một dân tộc nhưng sống phân tán ở những quốc gia khác nhau. Trong lịch sử, các dân tộc hình thành và phát triển rất không đồng đều cả về thời gian, quy mô, sức sống lẫn trình độ phát triển. Đã có tình hình nhiều dân tộc tự phát liên kết với nhau, hoà nhập vào nhau hoặc đồng hoá, thôn tính lẫn nhau. Xu thế lịch sử của dân tộc là cần có nhà nước để bảo vệ lãnh thổ của mình. Ý thức về chủ quyền lãnh thổ phát triển thành ý thức quốc gia dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước. Bản thân nhà nước, đến lượt nó, lại có tác động trở lại củng cố sự đoàn kết dân tộc, sự thống nhất nhiều dân tộc trong biên giới của mình. Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền của nhà Tần ở Trung Quốc chẳng hạn, khi ban hành những pháp luật thống nhất trong cả nước, bắt mọi người cùng viết một kiểu chữ, cùng đi một cỡ xe (thư đồng văn, xa đồng quỹ) đã đẩy nhanh sự cố kết của dân tộc Hán ngay từ trước Công nguyên.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...