Vận dụng quan điểm tích hợp trong việc phát triển chương trình giáo dục Việt Nam giai đoạn sau 2015

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Cao Thị Thặng
    Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu Giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Điện thoại: 0439424894
    Thư ký đề tài: Phạm Thị Bích Đào; Thành viên: Lương Việt Thái, Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Thị Hồng Vân, Vụ Thị Minh Nguyệt.
    Thời gian thực hiện: Từ 2008 đến 2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn đề xuất việc vận dụng quan điểm tích hợp trong việc phát triển chương trình Giáo dục phổ thông của Việt Nam sau 2015.

    Nội dung nghiên cứu

    - Tổng quan các vấn đề lí luận và thực tiễn về xu thế tích hợp trong trong chương trình giáo dục một số nước trên thế giới;

    - Phân tích thực trạng việc vận dụng quan điểm dạy và học tích hợp trong chương trình giáo dục Việt Nam;

    - Đề xuất giải pháp vận dụng quan điểm tiếp cận tích hợp vào việc phát triển chương trình trường phổ thông Việt nam trong tương lai sau 2015.

    Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu tổng kết lí luận: Nghiên cứu các tài liệu có liên quan trên các ấn phẩm, trên mạng;
    - Phương pháp chuyên gia: Tham khảo, tiếp thu ý kiến góp ý của chuyên gia;
    - Phương pháp tiếp cận thực tiễn.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã làm sáng tỏ một số khái niệm có liên quan, ví dụ: phân hóa trong việc phát triển chương trình, phương pháp dạy học tích cực và dạy học tích hợp, dạy học theo dự án; Phát triển chương trình, năng lực của học sinh phổ thông. Phân hóa có thể hiểu là sự phân chia phân tích cái tổng thể nào đó thành những phần nhỏ riêng biệt theo những tiêu chí nhất định. Phân hóa giúp học sinh tìm hiểu sâu về một lĩnh vực/ môn học cụ thể còn tích hợp giúp học sinh nhìn thấy cái chung cái toàn thể trong một tổng thể chung thống nhất và toàn vẹn. Trong việc phát triển chương trình Giáo dục phổ thông, phân hóa và tích hợp là hai quan điểm có nét trái ngược nhau nhưng bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau để tạo nên một chương trình Giáo dục mang tính toàn diện thống nhất. Tích hợp là sự lồng ghép, sự kết hợp những nội dung các môn học (hoặc các phân môn trong một môn học) theo những cách khác nhau. Có hai cách cơ bản là tích hợp các môn học/ nội dung riêng rẽ thành môn học mới và tích hợp không tạo nên môn học mới.

    Việc hình thành môn học tích hợp trong giáo dục phải dựa vào ba cơ sở: 1/ Cơ sở khoa học: tính thống nhất của thế giới tự nhiên và xã hội; 2/ Cơ sở tâm lý – giáo dục: dạy học theo con đường tích hợp có khả năng tăng cường hiệu quả của quá trình học tập; 3/ Cơ sở xã hội và thực tiễn: Tích hợp làm cho HS gắn kiến thức với thực tiễn, tạo tiềm năng có tính đa dạng cho HS, đào tạo con người có tính đa năng .HS không chỉ cần những kiến thức kĩ năng riêng lẻ mà cần phải được kết hợp tạo ra năng lực hành động.

    Để thực hiện chương trình tích hợp hay dạy học tích hợp cần có một số điều kiện để thực hiện có hiệu quả. Về mặt nội dung, cần xây dựng một chương trình thể hiện quan điểm tích hợp và đồng thời là SGK, SGV và các tài liệu bổ trợ khác. Về chuyên gia, cần có đội ngũ chuyên gia về tích hợp có thể xây dựng chương trình, viết SGK, SGV và các tài liệu tham khảo khác. Về giáo viên, cần có đội ngũ GV được đào tạo đáp ứng được yêu cầu của dạy học tích hợp. Về cơ sở vật chất thiết bị, cần có cơ sở vật chất thiết bị tối thiểu: Phòng học, phòng học môn và các thiết bị cần thiết phục vụ cho dạy học tích hợp.

    Phương pháp dạy và học tích cực không phải là một phương pháp dạy học cụ thể, mà là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật cụ thể khác nhau nhằm phát triển ở người học năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề. Có thể nêu ra các dấu hiệu đặc trưng của phương pháp dạy và học tích cực là dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh; dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường hoạt động học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác; dạy và học chú trọng đến sự quan tâm và hứng thú của học sinh, nhu cầu và lợi ích của xã hội; dạy và học coi trọng hướng dẫn tìm tòi; kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò. Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học hợp tác, dạy học theo hợp đồng, dạy học theo góc và dạy học theo dự án . thể hiện rất rõ dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực chung của người học. Dạy học dự án là phương pháp mang tính phức hợp cao, là một trong những con đường thực hiện tích hợp.

    Năng lực là một khái niệm có liên quan nhiều tới việc tích hợp. Bản thân khái niệm năng lực được coi là sự tích hợp của kiến thức, kĩ năng và thái độ của người học. Năng lực chung cho học sinh phổ thông là tổ hợp nhiều khả năng và giá trị được cá nhân thể hiện thông qua các hoạt động có kết quả.

    Chương trình Giáo dục/ dạy học phổ thông được hiểu là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, chuẩn chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của Giáo dục phổ thông. Phát triển chương trình là quá trình thực hiện thường xuyên do cơ quan phát triển chương trình của các quốc gia thực hiện nhằm đổi mới chương trình dạy học nói chung và chương trình môn học nói riêng đáp ứng với yêu cầu của xã hội và người học sau một giai đoạn nhất định.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tổng quan xu hướng tích hợp trong việc phát triển chương tình của một số nước trên thế giới ở các môn học và ở các cấp học.

    Đối với các môn khoa học tự nhiên, một số nước thể hiện quan điểm tích hợp các môn Khoa học không giống nhau trong việc vận dụng quan điểm tích hợp từ tiểu học đến THPT. Nhóm 1, tích hợp tạo môn học mới (xuyên môn) chỉ thể hiện rõ ở chương trình, sách giáo khoa Tiểu học. Ở các lớp trên thể hiện chủ yếu tích hợp không tạo môn học mới (tích hợp nội dung của các môn khác có liên quan trong môn học truyền thống). Nhóm 2,tích hợp tạo môn học mới (tích hợp xuyên môn) chỉ thể hiện ở chương trình tiểu học. Từ THCS đến đầu cấp THPT thể hiện chủ yếu tích hợp tạo môn học mới (liên môn), ở cuối cấp THCS và THPT thực hiện tích hợp trong nội bộ môn học hoặc tích hợp đa môn. Nhóm 3, tích hợp tạo môn học mới (tích hợp xuyên môn) thể hiện xuyên suốt từ tiểu học đến THCS và THPT. Tuy nhiên, ở cuối cấp THCS đến THPT vẫn có các môn học độc lập, chỉ thực hiện tích hợp trong nội bộ môn học và đa môn. Quan điểm tích hợp thể hiện xuyên suốt từ mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá.

    Với các môn khoa học xã hội, một số nước thể hiện quan điểm tích hợp môn học không giống nhau trong việc xây dựng chương trình tích hợp từ tiểu học đến THPT. Nhóm 1, tích hợp tạo môn học mới (tích hợp xuyên môn) thể hiện rõ ở chương trình, sách giáo khoa tiểu học. Ở các lớp trên thể hiện chủ yếu tích hợp không tạo môn học mới. Nhóm 2, tích hợp xuyên môn thể hiện ở chương trình tiểu học. Từ THCS đến đầu cấp THPT thể hiện chủ yếu tích hợp liên môn, ở cuối cấp THPT thực hiện theo hướng không tạo môn học mới. Nhóm 3, tích hợp tạo môn học mới (tích hợp xuyên môn) thể hiện từ chương trình tiểu học tới đầu cấp THCS, tích hợp liên môn và không tạo môn học mới thể hiện chủ yếu từ cuối cấp THCS đến THPT.

    Ở môn Tiếng, xu hướng tích hợp từ tiểu học đến Trung học phổ thông của các nước trên thế giới là tương đối thống nhất. Tích hợp triệt để các mảng nội dung để dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua việc cho HS tiếp xúc với loại văn bản.

    Còn tại nước ta, tích hợp chưa trở thành nguyên tắc hoặc định hướng chung nhất quán từ đầu trong việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa và định hướng dạy học các môn học ở các cấp học phổ thông. Tích hợp là một trong những định huớng cơ bản xây dựng chương trình tiểu học 2000. Trong chương trình và sách giáo khoa các môn Tự nhiên - Xã hội, môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí, môn Tiếng Việt đã bước đầu thể hiện được tích hợp môn học. Các môn Tự nhiên - xã hội , môn Khoa học, môn Sử - Địa là các môn học mới được xây dựng theo hướng tích hợp liên môn và xuyên môn. Trong môn Tiếng Việt đã thực hiện tích hợp nội dung của 3 phân môn và lồng ghép nội dung của các môn học khác có liên quan. Vấn đề giáo dục môi trường, giáo dục dân số, kĩ năng sống, tiết kiệm năng lượng, an toàn giao thông v.v . được xây dựng trong chương trình tích hợp riêng để hướng dẫn GV thực hiện lồng ghép vào từng môn học cụ thể. Ở cấp trung học cơ sở, việc tích hợp chưa thể hiện rõ định hướng tích hợp trong việc xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa mới đối với các môn học ở trường THCS. Việc vận dụng quan điểm tích hợp trong các môn học trường THCS ở mức độ trong môn học là chủ yếu kết hợp với tích hợp đa môn. Ở cấp trung học phổ thông, tích hợp chưa trở thành định hướng chung trong việc xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa các môn học ở THPT. Chỉ có việc tích hợp các mặt giáo dục dân số, môi trường và vấn đề liên môn được đặt ra. Như vậy cũng đã thực hiện tích hợp trong nội bộ môn học và tích hợp đa môn.

    Định hướng tích hợp chưa trở thành quan điểm chỉ đạo phát triển chương trình Giáo dục phổ thông do đó việc quán triệt định hướng này trong đào tạo cũng có những hạn chế nhất định. Đội ngũ chuyên gia giáo dục và đội ngũ giáo viên đã có nhận thức về tích hợp không tạo môn học mới, thí dụ như tích hợp một số mặt giáo dục trong dạy học môn học, tích hợp trong nội bộ môn học. Tuy nhiên việc xây dựng một số chủ đề tích hợp và dạy học theo dự án thì đã có nhưng còn rất hạn chế.

    Từ thực trạng đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số phương án thực hiện định hướng tích hợp cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nội dung cụ thể, đặc điểm, ưu điểm, hạn chế, điều kiện và lộ trình thực hiện. Các phương án như sau: 1/ Định hướng tích hợp không tạo môn học mới, chủ yếu là tích hợp trong nội bộ môn học, tích hợp theo chủ đề liên môn hoặc xuyên môn hướng tới phát triển một số năng lực chung qua tất cả các môn học; 2/ Định hướng tích hợp có tạo một số môn học mới ở tiểu học và ở THCS kết hợp với tích hợp trong nội bộ môn học và việc xây dựng một số chủ đề liên môn hoặc xuyên môn hướng tới phát triển một số năng lực chung; 3/ Định hướng tích hợp có tạo một số môn học mới nhất quán từ tiểu học đến THCS, kết hợp với tích hợp trong nội bộ môn học và việc xây dựng một số chủ đề liên môn hoặc xuyên môn hướng tới phát triển một số năng lực chung; 4/ Định hướng tích hợp có tạo một số môn học mới xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, kết hợp với tích hợp trong nội bộ môn học và việc xây dựng một số chủ đề liên môn hoặc xuyên môn hướng tới phát triển một số năng lực chung.

    3/ Một số khuyến nghị

    Tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu theo hướng tích hợp ở quy mô rộng hơn, có mẫu điển hình để nghiên cứu, triển khai thử nghiệm một cách đầy đủ hơn nhằm kiểm tra tính khả thi của các phương án đã đề xuất, làm cơ sở vững chắc cho việc xác định phương án tích hợp khả thi trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn sau 2015.

    TỪ KHÓA: 1/ Quan điểm tích hợp; 2/ Phát triển chương trình; 3/ Phát triển chương trình sau 2015.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...