Thạc Sĩ Vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp trong điều

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 15/7/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    #1 Phí Lan Dương, 15/7/15
    Last edited by a moderator: 2/9/15
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Sự cần thiết của đề tài nghiên cứu
    Báo cáo tài chính (BCTC) là sản phẩm của kế toán tài chính, là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán. Mục đích của BCTC là cung cấp thông tin tài chính hữu ích về doanh nghiệp cho các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, người cho vay và các chủ nợ khác trong việc đưa ra quyết định về việc cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp (IASB, 2010a). BCTC là nguồn thông tin quan trọng cho các giao dịch về vốn của doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Việc hoàn thiện BCTC không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc đáp ứng một cách phù hợp nhu cầu thông tin đa dạng trong quá trình phát triển không ngừng của các nền kinh tế. Trên phương diện lý thuyết, những kết quả của dự án hội tụ giữa IASB và FASB về việc xây dựng một khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày BCTC là sản phẩm của một vấn đề được tranh luận tích cực, từ việc xác định cách tiếp cận, mục đích, đặc điểm chất lượng, cho đến các nguyên tắc chi phối việc soạn thảo và trình bày BCTC (Choi and Meek, 2011). Trên phương diện thực tiễn, các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đang trong quá trình đổi mới để hướng đến một bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu, chất lượng cao (a high quality, global accounting standards), phục vụ cho thị trường vốn.
    Ở Việt Nam, sau hơn 35 năm kể từ khi thống nhất đất nước, hệ thống kế toán và BCTC doanh nghiệp hiện nay về cơ bản đã được xây dựng theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, có sự cải cách, khá đầy đủ và có tính hệ thống. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán mạnh mẽ như hiện nay, tính hữu ích của thông tin kế toán không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, các tiêu chuẩn chất lượng và công bố thông tin phải được tiếp cận theo thông lệ quốc tế, hệ thống BCTC hiện nay đã bộc lộ những tồn tại chưa được giải quyết, từ những vấn đề cụ thể như đo lường, ghi nhận, đến việc củng cố các luận cứ khoa học, làm cơ sở vững chắc, ổn định cho việc ban hành các chuẩn mực kế toán, đánh giá chất lượng BCTC. Cơ sở định giá, đặc điểm chất lượng và nguyên tắc lập BCTC chưa được quy định đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; hệ thống BCTC mang tính khuôn mẫu, thiếu sự linh hoạt; hệ thống báo cáo, một số nội dung, khoản mục trên BCTC chưa đầy đủ, hoặc chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; chưa đề cập hoặc quy định việc ghi nhận và trình bày nguồn lực tri thức, trách nghiệm xã hội doanh nghiệp trên báo cáo Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, ảnh hưởng đáng kể đến tính hữu ích và quá trình hội nhập quốc tế của hệ thống BCTC.
    Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu liên quan đến BCTC, cũng như việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với hệ thống BCTC tại các quốc gia. Tuy nhiên, hầu như chưa có một nghiên cứu có hệ thống liên quan trực tiếp đến việc đánh giá và hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán.
    Ở Việt Nam, gần đây, có một số nghiên cứu chuyên sâu về BCTC doanh nghiệp. Nghiên cứu của Nguyễn Phúc Sinh (2008) đã tiếp cận với các luận điểm về hệ thống BCTC doanh nghiệp của IASB, FASB nhằm đưa ra giải pháp nâng cao tính hữu ích của hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Cúc (2009) đã nhận định lại về khung pháp lý cho việc lập và trình bày BCTC doanh nghiệp, tương thích với quy mô và cơ cấu tổ chức của các loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu của Nguyễn Đình Hùng (2010) đề cập đến việc kiểm soát sự minh bạch thông tin tài chính công bố của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Các nghiên cứu của Võ Thị Ánh Hồng (2008), Phạm Đức Tân (2009) đề xuất một số giải pháp nâng cao tính hữu ích của thông tin kế toán phục vụ việc ra quyết định của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Liên Hương (2010) mô tả sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế và ảnh hưởng của nó đến thông tin trình bày trên BCTC và quyết định của nhà đầu tư .
    Bên cạnh đó, Vũ Hữu Đức và Trình Quốc Việt (2009) đã đề nghị áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng,ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm. Tăng Thị Thu Thủy (2009) đề xuất hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế trên cơ sở những đặc điểm của Việt Nam. Nguyen &Tran (2012) đề cập đến những khó khăn của việc tồn tại song song hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán trong quá trình hòa hợp kế toán quốc tế Các nghiên cứu này đã đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tính hữu ích của hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế trong việc củng cố luận cứ khoa học và kinh nghiệm cho việc ban hành các chuẩn mực, chế độ kế toán, quy định soạn thảo và đánh giá chất lượng BCTC trên cơ sở vận dụng chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, chưa được làm rõ. Giải pháp dài hạn và lộ trình cho sự phát triển, hội nhập của hệ thống BCTC chưa được phác họa. Các nghiên cứu cũng chưa đề cập hoặc giải quyết các nội dung mang tính toàn cầu hiện nay trong soạn thảo và trình bày BCTC, chẳng hạn, vấn đề sử dụng giá trị hợp lý trong định giá, trình bày nguồn lực tri thức hay trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trên BCTC.
    Luận án này kế thừa các nghiên cứu trước đây, góp phần giải quyết các vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nêu trên.

    2. Mục tiêu nghiên cứu
    Mục tiêu nghiên cứu của luận án là xác lập quan điểm, phương hướng, đề xuất các giải pháp ngắn hạn, giải pháp dài hạn hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cao tính hữu ích của BCTC, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
    Các quan điểm, phương hướng và giải pháp được xây dựng trên cơ sở đã phân tích, tổng hợp, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về hệ thống BCTC doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với hệ thống BCTC tại các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cũng như trên cơ sở nhận diện các đặc điểm về môi trường kế toán tại Việt Nam, ưu điểm, hạn chế và các vấn đề cần giải quyết đối với hệ thống BCTC doanh nghiệp hiện hành.
    3. Phạm vi, nội dung nghiên cứu
    Phạm vi nghiên cứu của luận án được xác định trong khuôn khổ BCTC riêng của các loại hình doanh nghiệp, không bao gồm các ngân hàng và các tổ chức tài chính tương tự.
    Phạm vi chuẩn mực kế toán quốc tế được vận dụng để hoàn thiện hệ thống BCTC bao gồm các IAS/IFRS liên quan trực tiếp đến trình bày và công bố thông tin BCTC, không bao gồm toàn bộ các IAS/IFRS hiện có.
    Luận án tập trung vào các nội dung sau:
    (1) Lý luận về hệ thống BCTC doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế;
    (2) Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với hệ thống BCTC tại các quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam;
    (3) Quá trình phát triển của hệ thống BCTC Việt Nam qua các thời kì;
    (4) Đánh giá thực trạng hệ thống BCTC Việt Nam hiện hành trên cơ sở đối chiếu hệ thống BCTC theo quy định của Việt Nam với hệ thống BCTC theo quy định của IASB, ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia về hệ thống BCTC doanh nghiệp, các nhân tố môi trường kế toán, cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
    (5) Quan điểm, phương hướng, mục tiêu hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam;
    (6) Các giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn mang tính khoa học và khả thi, trên cơ sở vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nhằm phát triển, hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp, nâng cao tính hữu ích của BCTC, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Định hướng về nội dung và phương pháp đo lường giá trị hợp lý, báo cáo nguồn lực tri thức, báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trên BCTC.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Về định tính, tác giả phân loại, đánh giá và chọn lọc nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước, khai thác các thông tin thứ cấp có liên quan đến BCTC để phân tích, lý giải, đánh giá các đối tượng nghiên cứu theo các chủ điểm về nội dung và mục tiêu nghiên cứu đã được thiết kế. Tác giả đã thực hiện việc phỏng vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về kế toán và BCTC doanh nghiệp, sử dụng kết hợp với các thông tin đáng tin cậy khác để lý giải, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp.
    Về định lượng, tác giả sử dụng phiếu câu hỏi điều tra, khảo sát ý kiến của một số doanh nghiệp và nhà đầu tư về hệ thống BCTC, kết hợp với sử dụng các dữ liệu định lượng khác để diễn giải, so sánh, phân tích, nhằm tạo ra cơ sở tham khảo hữu ích cho những nhận định, đánh giá hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam trong mối quan hệ với đặc điểm, yêu cầu của quá trình phát triển.
    Về phương pháp nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu cụ thể, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp chuyên gia; phương pháp điều tra. Phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp tư duy cũng được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp theo từng nội dung và mục tiêu cụ thể của luận án.
    - Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tác giả phân loại, đánh giá, và chọn lọc nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước, các quy định, thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của các quốc gia và các thông tin thứ cấp có liên quan đến BCTC doanh nghiệp để tiến hành phân tích, tổng hợp, làm rõ những vấn đề lý luận về hệ thống BCTC doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; mô tả, lý giải, làm rõ những vấn đề tồn tại của hệ thống BCTC hiện hành và xác định vấn đề cần phải giải quyết, phương hướng và giải pháp thực hiện.
    - Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp tư duy đã được sử dụng kết hợp theo từng nội dung và mục tiêu cụ thể của luận án. Theo đó, phương pháp phân tích, tổng hợp đã được sử dụng để hệ thống hóa cơ sở lý luận, đưa ra nhận xét về hệ thống BCTC doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế và quá trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại các quốc gia, kinh nghiệm cho Việt Nam. Phương pháp so sánh được sử dụng để đối chiếu hệ thống BCTC theo quy định của Việt Nam với hệ thống BCTC theo quy định của IASB, giữa thực trạng hệ thống BCTC với những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Phương pháp tư duy được sử dụng phối hợp
    với phương pháp chuyên gia, phương pháp tổng hợp để xác định vấn đề cần giải
    quyết, xây dựng phương hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống BCTC.
    - Phương pháp chuyên gia: Tác giả tiến hành phỏng vấn để thu thập ý
    kiến các chuyên gia về kế toán và BCTC doanh nghiệp. Các ý kiến trả lời được
    tổng hợp, lý giải, làm cơ sở hoặc củng cố cho nhận định về hệ thống BCTC
    doanh nghiệp Việt Nam.
    - 7 -
    - Phương pháp điều tra: Tiến hành khảo sát bằng các phiếu điều tra đối với
    một số doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thang đo Likert được sử dụng để đo lường
    các mức độ đánh giá. Thực hiện thống kê mô tả kết quả điều tra và phân tích
    phương sai Anova một yếu tố để kiểm tra về sự khác biệt trong kết quả đánh giá
    giữa các nhóm đối tượng. Kết hợp kết quả với những dữ liệu thứ cấp khác để
    diễn giải, so sánh, nhằm tạo ra cơ sở tham khảo hữu ích cho những nhận định,
    đánh giá.
    Như vậy, phương pháp định tính, với những tổng hợp, lý giải, đánh giá các
    thông tin, là phương pháp được sử dụng chủ yếu, nhằm diễn giải hoặc quy nạp
    theo các chủ điểm về nội dung và mục tiêu đã được thiết kế của luận án. Các
    phân tích và đánh giá được thực hiện bằng những lý luận khách quan, theo các
    chủ điểm đã được thiết kế. Các biểu hiện cụ thể của các phương pháp nghiên cứu
    sẽ được thể hiện trong các nội dung của luận án.
    Ở một góc độ khác, khi xác định phương hướng hoàn thiện hệ thống
    BCTC doanh nghiệp, trên quan điểm lịch sử, cụ thể, luận án đã xuất phát từ sự
    vận động và phát triển của các điều kiện môi trường kế toán, gắn với các yêu cầu
    của quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán ở Việt Nam.
    5. Những đóng góp chính của luận án
    (1) Phân tích, tổng hợp, đánh giá, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về hệ
    thống BCTC doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, trong đó
    có những vấn đề còn khá mới ở các quốc gia, như: đo lường giá trị hợp lý; báo
    cáo nguồn lực tri thức; báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
    (2) Phân tích thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với hệ
    thống BCTC tại các quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam.
    (3) Làm rõ tính tất yếu của quá trình cải cách hệ thống kế toán và BCTC
    doanh nghiệp Việt Nam. Đánh giá thực trạng hệ thống BCTC doanh nghiệp
    - 8 -
    Việt Nam hiện hành, nhận diện vấn đề tồn tại cần giải quyết.
    (4) Xác lập một cách khoa học và phù hợp quan điểm, mục tiêu và
    phương hướng hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp, trên cơ sở nhận diện
    những điều kiện và bối cảnh mà hệ thống kế toán Việt Nam đang tồn tại và phát
    triển.
    (5) Đề xuất các giải pháp ngắn hạn, đặc biệt là các giải pháp dài hạn, mang
    tính khoa học và khả thi, xác định lộ trình phù hợp, nhằm phát triển và hoàn thiện
    hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao tính hữu ích của BCTC, đáp
    ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Luận án đã định hướng về nội dung và phương
    pháp những vấn đề mang tính đột phá ở Việt Nam liên quan đến định giá và trình
    bày thông tin trên BCTC, như: đo lường giá trị hợp lý; báo cáo nguồn lực tri
    thức; báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
    6. Kết cấu luận án
    Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, luận án có 3 chương:
    - Chương 1 : Cơ sở lý luận về Báo cáo tài chính doanh nghiệp.
    - Chương 2 : Đánh giá thực trạng hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp
    Việt Nam.
    - Chương 3 : Giải pháp hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp
    Việt Nam.
    Ngoài ra, luận án còn có 17 Phụ lục để minh họa hoặc mô tả chi tiết một số
    nội dung của luận án.

    MỤC LỤC
    Lời cam đoan
    Mục lục
    Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt
    Danh mục Bảng
    Danh mục Hình
    PHẦN MỞ ĐẦU 1
    Chương 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ
    BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
    1.1. Bản chất của Báo cáo tài chính
    1.1.1. Khái niệm Báo cáo tài chính
    1.1.2. Mục đích của báo cáo tài chính
    1.1.2.1. Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.1.2.2. Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ
    1.1.3. Vai trò của báo cáo tài chính
    1.2. Đặc điểm chất lượng và các nhân tố tác động đến Báo cáo tài chính
    1.2.1. Đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính
    1.2.1.1. Các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích
    1.2.1.2. Nhận xét về đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích
    1.2.2. Các nhân tố tác động đến báo cáo tài chính
    1.2.2.1. Các nhân tố tác động đến báo cáo tài chính
    1.2.2.2. Nhận xét về các nhân tố tác động đến báo cáo tài chính
    1.3. Nội dung Báo cáo tài chính
    1.3.1. Các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính
    1.3.1.1. Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.3.1.2. Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ
    1.3.2. Nội dung của báo cáo tài chính
    1.3.2.1. Báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.3.2.2. Báo cáo tài chính doanh nghiệp tại Mỹ, Pháp và Trung Quốc
    1.3.3. Nhận xét về Nội dung báo cáo tài chính
    1.4. Áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế đối với báo cáo tài chính tại các quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam
    1.4.1. Tóm tắt quá trình phát triển và khái quát nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.4.1.1.Tóm tắt quá trình phát triển chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.4.1.2. Khái quát nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế
    1.4.2. Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với báo cáo tài chính tại các quốc gia
    1.4.2.1. Đối với Mỹ
    1.4.2.2. Đối với Pháp và các nước Liên minh Châu Âu
    1.4.2.3. Đối với Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á
    1.4.3. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế
    Chương 2 : ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
    2.1. Tóm tắt quá trình phát triển của hệ thống Báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    2.1.1. Giai đoạn trước năm 1995
    2.1.2. Giai đoạn từ năm 1995 đến nay
    2.2. Hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam hiện hành
    2.2.1. Đặc điểm của các nhân tố tác động đến hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp ở Việt Nam
    2.2.2. Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc soạn thảo báo cáo tài chính
    2.2.3. Kết cấu, nội dung hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp hiện hành
    2.3. Đánh giá thực trạng và vấn đề cần giải quyết đối với hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    2.3.1. Đối chiếu một số nội dung của hệ thống báo cáo tài chính theo quy định của Việt Nam với IASB
    2.3.1.1. Các nội dung tương đồng
    2.3.1.2. Các nội dung khác nhau
    2.3.2. Một số ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia về hệ thống báo cáo tài chính hiện hành
    2.3.2.1. Ý kiến của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư
    2.3.2.2. Ý kiến của chuyên gia
    2.3.3. Đánh giá thực trạng hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    2.3.3.1. Ưu điểm
    2.3.3.2. Hạn chế
    2.3.4. Nhận diện những vấn đề cần giải quyết đối với hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam hiện nay 112
    Chương 3 : GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
    3.1. Quan điểm, phương hướng hoàn thiện hệ thống Báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    3.1.1. Quan điểm hoàn thiện
    3.1.2. Phương hướng hoàn thiện
    3.2. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    3.2.1. Các giải pháp trong ngắn hạn để khắc phục hạn chế của hệ thống báo cáo tài chính hiện hành
    3.2.1.1. Hoàn thiện các quy định về khung lý thuyết cho Báo cáo tài chính
    3.2.1.2. Điều chỉnh, bổ sung kết cấu, nội dung hệ thống Báo cáo tài chính hiện hành
    3.2.1.3. Xây dựng hệ thống báo cáo tài chính linh hoạt trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
    3.2.2. Các giải pháp dài hạn phát triển, hoàn thiện hệ thống Báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    3.2.2.1. Định hướng sử dụng Giá trị hợp lý trong định giá các yếu tố của báo cáo tài chính
    3.2.2.2. Định hướng ghi nhận và báo cáo nguồn lực tri thức doanh nghiệp trên báo cáo tài chính
    3.2.2.3. Định hướng ghi nhận và báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trên báo cáo tài chính
    3.2.3. Lộ trình thực hiện các giải pháp hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính
    3.3. Một số kiến nghị hỗ trợ cho việc hoàn thiện hệ thống Báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
    3.3.1. Đối với Nhà nước, cơ quan chức năng quản lý về kế toán kiểm toán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
    3.3.2. Đối với các tổ chức nghề nghiệp và cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán
    3.3.3. Đối với các doanh nghiệp
    KẾT LUẬN 181
    CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHỤ LỤC
     
Đang tải...