Thạc Sĩ Vận dụng bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) trong đánh giá thành quả hoạt động tại trường Cao đ

Thảo luận trong 'Kinh Tế' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 25/4/12.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    1. Sự cần thiết khách quan của đề tài

    Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, là thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2006 và đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua thì việc lựa chọn chiến lược để tồn tại và phát triển đối với các tổ chức là một vấn đề khó. Nhưng làm thế nào để biến chiến lược thành hành động lại là vấn đề khó hơn và khó nhất là việc đánh giá thành quả hoạt động của tổ chức để khẳng định con đường mà tổ chức đang đi không bị chệch hướng. Những thước đo truyền thống sử dụng trong đánh giá thành quả hoạt động của một tổ chức- chủ yếu là các thông tin tài chính trong quá khứ - đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thời kỳ cạnh tranh thông tin khi mà hoạt động tạo ra giá trị của tổ chức ngày càng chuyển từ sự phụ thuộc vào tài sản hữu hình, tài sản vật chất sang tài sản vô hình, tài sản phi vật chất.

    Để đáp ứng yêu cầu đó, hệ thống Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard-BSC) ra đời giúp các tổ chức chuyển tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu và thước đo cụ thể thông qua việc thiết lập một hệ thống xoay quanh bốn phương diện tài chính, khách hàng, qui trình hoạt động nội bộ và học hỏi và phát triển để đo lường thành quả hoạt động của tổ chức.

    Là một đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo giáo viên mầm non từ năm 1976, trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương TPHCM hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cơ quan chủ quản có sự thay đổi lớn trong quản lý từ chỗ bao cấp, định biên đến giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Lối mòn định mức, chỉ tiêu, biên chế, đánh giá chung theo kiểu thành tích, cách thức phân phối thành quả lao động theo kiểu cào bằng và tâm lý an phận của CBCNV nhà trường cùng môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự ra đời và gia tăng qui mô hoạt động của các trường đào tạo cùng ngành cùng hệ đã tác động sâu sắc đến việc xây dựng chiến lược và đo lường thành quả hoạt động trong nhà trường. Làm thế nào để khẳng định vai trò và vị trí của trường trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, củng cố và nâng cao năng lực của trường để hội nhập với khu vực và thế giới là một câu hỏi lớn đòi hỏi nhà trường phải xây dựng một chiến lược tốt, một kế hoạch triển khai chiến lược khoa học và một hệ thống đo lường thành quả phù hợp.

    Qua thực tế tìm hiểu, tác giả thấy rằng phương pháp Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) là một giải pháp tốt cho vấn đề trên. Phương pháp Balanced Scorecard sẽ giúp Nhà trường chuyển được tầm nhìn và chiến lược thành các mục tiêu và thước đo cụ thể, từ đó cho phép việc đánh giá thành quả hoạt động của nhà trường được thực hiện tốt. Có như vậy, tình trạng đánh giá chung theo kiểu thành tích mới chấm dứt và hiệu quả hoạt động của từng bộ phận mới được nâng cao. Đồng thời, sự đo lường thành quả hoạt động xác đáng, công bằng sẽ khuyến khích không chỉ các bộ phận phát huy năng lực, tăng cường sự hợp tác, mà ngay cả cá nhân từng cán bộ công nhân viên cũng tích cực, ra sức đóng góp để hoàn thành mục tiêu chung của Nhà trường. Từ những lý do trên, tác giả quyết định chọn đề tài “Vận dụng Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) trong đánh giá thành quả hoạt động tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM” để làm luận văn thạc sĩ kinh tế.

    2. Mục tiêu nghiên cứu

    Luận văn được thực hiện nhằm:

    - Giới thiệu Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) như một hệ thống đo lường thành quả hoạt động của một tổ chức để định hướng cho việc ứng dụng lý thuyết này vào thực tiễn.

    - Phân tích thực trạng đánh giá thành quả hoạt động của trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương Thành phố Hồ Chí Minh từ đó thấy được những khó khăn mà Nhà trường đang gặp phải.

    - Vận dụng Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) để đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên của Nhà trường.

    3. Phương pháp nghiên cứu

    Để đạt được mục đích trên, tác giả sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tác giả nghiên cứu các vấn đề trong mối liên hệ phổ biến, trong sự vận động, phát triển và kết hợp đồng bộ với các phương pháp như: quan sát, chọn mẫu, phỏng vấn, thống kê, so sánh, tổng hợp và phân tích, đánh giá.

    4. Phạm vi nghiên cứu

    Vận dụng Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) vào hoạt động thực tiễn ở mỗi tổ chức sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau về mặt đo lường thành quả hoạt động, quản lý chiến lược cũng như trao đổi thông tin. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận văn chỉ dừng lại ở việc vận dụng Balanced Scorecard là một hệ thống đo lường việc đánh giá thành quả hoạt động tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương TPHCM trong năm 2010 dựa trên chiến lược phát triển của nhà trường đến năm 2020 và chỉ ở cấp độ Nhà trường, không đi sâu vào phân tầng Balanced Scorecard ở cấp độ các phòng ban.

    5. Kết cấu luận văn

    Luận văn được thực hiện gồm 80 trang, 13 bảng, 5 sơ đồ và 6 phụ lục. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung luận văn được thiết kế gồm 3 chương:

    Chương 1: Cơ sở lý luận về Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard)

    Chương 2: Thực trạng đánh giá thành quả hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.

    Chương 3: Vận dụng Bảng cân bằng điểm (Balanced Scorecard) để đánh giá thành quả hoạt động tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.
     
Đang tải...