Tài liệu Vai trò và ý nghĩa của những phát minh lớn về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc

Thảo luận trong 'Kế Toán - Kiểm Toán' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài

    Trung Quốc là quốc gia có lịch sử lâu đời - một trong những phát minh lớn của nền văn minh nhân loại. Là một nước lớn ở miền Đông châu Á, nền văn minh Trung Quốc là một trong những nền văn minh xưa nhất trong số các nền văn minh của thế giới cổ đại. Nó tồn tại và phát triển liên tục mấy ngàn năm trên một lãnh thổ rộng lớn và có ảnh hưởng nhiều mặt đối với văn minh thế giới, đặc biệt là khu vực Bắc Á và Đông Nam Á.

    Kế thừa những di sản văn hóa cổ đại, đến thời trung đại, trên cơ sở những điều kiện kinh tế xã hội mới và sự giao lưu văn hóa với bên ngoài, nhân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra những thành tựu về văn hóa rất rực rỡ, như: Chữ viết, văn học, sử học, nghệ thuật Trong đó nổi bật nhất là về lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

    Kỹ thuật của Trung Quốc rất phát triển. Với tài sáng tạo phi thường kết hợp với một nhận thức sắc bén về tự nhiên, Trung Quốc đã đưa nền văn minh nước mình vượt xa hơn các nền văn minh khác. Nổi bật đó là “tứ đại phát minh”: giấy, nghề in, la bàn, thuốc súng. Những phát minh này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn minh loài người. Tác động sâu sắc và to lớn của chúng có lẽ đã vượt xa những khám phá khác. Ngoài ra, những phát minh này cũng đóng một vai trò “chiếc cầu nối” giữa Trung Quốc và lịch sử nhân loại. Như nhà triết học Anh Francis Bacon (1561-1626) cho rằng: “Có bốn phát minh đã có công lao nhiều hơn bất kỳ một đức tin tôn giáo nào, bất kỳ một ảnh hưởng nào của các thiên thể trong vũ trụ hoặc bất kỳ một thành tích nào của các nhà chinh phục trong việc làm biến đổi hoàn toàn thế giới hiện đại và đẩy nó vĩnh viễn rời xa hẳn thời Cổ đại và Trung cổ”.

    Với những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: “Vai trò và ý nghĩa của những phát minh lớn về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc”.


    2. Lịch sử vấn đề

    Vai trò và ý nghĩa của bốn phát minh lớn này đã được đề cập nhiều đến trong nhiều tác phẩm trước đó, như:

    - Vũ Dương Ninh (chủ biên): Lịch sử văn minh thế giới , NXB Giáo dục, 2007 đã khái quát về sự ra đời của “tứ đại phát minh” và ảnh hưởng của nó đối với lịch sử nhân loại (Trang 122-125)

    - Almanach những nền văn minh thế giới, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1996 đề cập đến sự phát triển sớm của Khoa học kỹ thuật Trung Quốc và là cơ sở cho sự phát triển của Khoa học hiện đại (Trang 719-722).

    - Mai Ngọc Chừ (chủ biên): Giới thiệu văn hóa Phương Đông, NXB Hà Nội, 2007 nói đến bốn phát minh lớn này, đó là những cống hiến nổi bật nhất về lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở đời Tống (Trang 760).

    - Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La: Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo dục, 2007 đã khẳng định bốn thành tựu kỹ thuật này góp phần “làm cho Trung Quốc trở thành một trung tâm văn minh quan trọng ở Viễn Đông và trên thế giới” (Trang 272-274).

    Ngoài ra còn một số công trình khác nữa.

    3. Mục đích nghiên cứu

    Nghiên cứu đề tài này chúng tôi nhằm tìm hiểu về vai trò và ý nghĩa của những phát minh lớn về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc ở thời Trung đại, từ đó hiểu thêm về tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung.

    4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

    4.1. Khách thể nghiên cứu

    Những phát minh lớn về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc.

    4.2. Đối tượng nghiên cứu

    Vai trò và ý nghĩa của những phát minh lớn về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc.

    5. Nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

    5.1. Nhiệm vụ

    Để đạt được mục đích nghiên cứu, đề tài phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

    - Nghiên cứu về những thành tựu của văn minh Trung Quốc, nổi bật là “tứ đại phát minh” về kỹ thuật.

    - Nghiên cứu tác dụng và ý nghĩa về kỹ thuật của văn minh Trung Quốc.

    5.2. Phạm vi nghiên cứu

    Chúng tôi chỉ nghiên cứu vai trò và ý nghĩa của những phát minh lớn này về mặt kỹ thuật của nền văn minh Trung Quốc thời Trung đại.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:

    Phương pháp phân loại.

    Phương pháp phân tích, chứng minh.

    Phương pháp so sánh, đối chiếu.

    Phương pháp tổng hợp, khái quát hóa.

    7. Cấu trúc của đề tài

    Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung chính của tiểu luận được triển khai như sau:

    Chương 1: Khái quát chung về văn minh Trung Quốc

    Chương 2: Những thành tựu lớn của văn minh Trung Quốc

    Chương 3: Vai trò và ý nghĩa của bốn phát minh lớn






    PHẦN NỘI DUNG


    Chương 1

    Khái quát chung về văn minh Trung Quốc


    1.1. Một số khái niệm cơ bản

    1.1.1. Văn hóa

    Văn hóa theo nghĩa rộng là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử . Nói khác đi, tất cả những cái gì không phải tự nhiên thì là văn hóa. Văn hóa là cái đối lập với tự nhiên (tự nhiên với nghĩa nguyên thô ).

    Với cách hiểu này, văn hóa được hợp thành bởi hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần, văn hoá vật thể và văn hóa phi vật thể hay còn gọi là văn hóa hữu thể và văn hóa vô hình.

    Theo nghĩa hẹp thì văn hóa là những hiện tượng xã hội thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần. Đó là những hình thái ý thức xã hội, phản ánh xã hội.

    Tóm lại, văn hóa là toàn bộ những giá trị mà loài người sáng tạo từ khi ra đời.

    1.1.2. Văn minh

    Văn minh - civilization là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hóa. Trái với văn minh là dã man.

    Thuật ngữ “civilization” còn có nghĩa là “hoạt động khai hóa làm thoát khỏi trạng thái nguyên thủy”.

    Như vậy, văn minh và văn hóa có mối quan hệ rất gần gũi với nhau, văn minh xuất hiện muộn hơn văn hóa, theo quan niệm của UNESCO thì “Văn minh là tổng thể văn hóa”. Tuy nhiên hai khái niệm này cũng có sự khác biệt rõ rệt, cần phân biệt để nhận thức được sự vận động của đời sống xã hội.

    Văn minh là khái niệm chỉ trình độ hiện thực hóa khả năng con người thành sức mạnh vật chất và tinh thần để khám phá, chiêm nghiệm và đánh giá thế giới. Do đó khi đánh giá văn minh của một cộng đồng nào đó là đánh giá trình độ phát triển của cộng đồng đó. Văn minh mang tính chất động (biến đổi của lịch sử) - cái chuyển biến, đổi mới, sáng tạo còn văn hóa mang tính tĩnh (bảo tồn thông qua tất cả những biến động). Văn minh mang tính quốc tế: Mọi thành tựu của sự sáng tạo về nguyên tắc đều có thể được truyền bá, thâm nhập phổ biến từ cộng đồng này sang cộng đồng khác; văn hóa được gìn giữ, bảo tồn tôn vinh bản sắc của mỗi chủ thể, dân tộc, cộng đồng. Văn hóa gắn với đặc trưng, bản sắc của từng cộng đồng, là cái được bảo tồn và giữ gìn và thông qua tất cả mọi nấc thang phát triển thăng trầm của lịch sử mỗi cộng đồng còn văn minh trừ xuất đi tất cả những gì là sắc thái riêng, độc đáo để hướng sự chú ý vào trình độ phát triển của từng cộng đồng trong tương quan với các cộng đồng khác. Nói khác đi, cái được coi là văn minh phải là cái được chấp nhận ở đa số các cộng đồng khác (khác văn hóa). Văn hóa và văn minh đều là những giá trị. Những giá trị tiêu cực của văn minh là những giá trị phát sinh chứ không phản giá trị tự thân. Các giá trị văn minh mang tính trung hòa, khách quan đã trở thành tiêu chí hàng đầu cho việc đánh giá trình độ của mỗi xã hội. Cho nên các tiêu chuẩn về văn minh đóng vai trò là cơ sở để xuất hiện những khái niệm “Các nước phát triển”, “Các nước đang phát triển”.

    1.1.3. Vai trò

    Vai trò thường là từ chỉ tính chất của sự vật, sự việc, hiện tượng, dùng để nói về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của sự vật, sự việc trong một hoàn cảnh, bối cảnh và mối quan hệ nào đó.

    1.1.4. Ý nghĩa

    Ý nghĩa là nội dung chứa đựng trong một hình thức biểu hiện bằng ngôn ngữ, văn tự hoặc bằng một ký hiệu nào đó; cũng có nghĩa là giá trị và tác dụng.

    1.2. Khái quát về nền văn minh Trung Quốc

    1.2.1. Cơ sở hình thành

    Là nước nằm ở vùng Đông Bắc Á, lãnh thổ rộng mênh mông, Trung Quốc có diện tích đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Canada. Trên lãnh thổ Trung Quốc có hai con sông lớn chảy qua, đó là Hoàng Hà (dài 5,464 km) ở phía Bắc và Trường Giang (dài 6.300 km) ở phía Nam.

    Khi mới thành lập nước (vào khoảng thế kỷ XXI TCN) địa bàn Trung Quốc chỉ mới là một vùng nhỏ ở trung lưu lưu vực Hoàng Hà. Từ đó lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng dần, nhưng cho đến thế kỷ III TCN, tức là đến cuối thời cổ đại, phía Bắc của cương giới Trung Quốc chưa vượt quá dãy Vạn lý trường thành ngày nay, phía Tây mới đến Đông nam tỉnh Cam Túc và phía Nam chỉ bao gồm một dải đất nằm dọc theo hữu ngạn Trường Giang mà thôi.

    Từ cuối thế kỷ III TCN Trung Quốc trở thành một nước phong kiến thống nhất. Từ đó nhiều triều đại của Trung Quốc đã chinh phục các nước xung quanh, do đó có những thời kỳ cương giới của Trung Quốc được mở ra rất rộng. Đến thế kỷ XVIII, lãnh thổ Trung Quốc về cơ bản được xác định như hiện nay.

    1.2.2. Lịch sử phát triển

    Trung quốc là một trong những nơi từ rất sớm đã có loài người cư trú. Năm 1929, ở khu Khẩu Điếm giới khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện được xương hóa thạch của một loại người vượn sống cách đây khoảng 400.000 năm. Những xương hóa thạch của người vượn được phát hiện sau đó trên lãnh thổ Trung Quốc đã cung cấp những niên đại xưa hơn, đặc biệt người vượn Nguyên Mưu phát hiện năm 1977 có niên đại đến 1.700.000 năm.

    Dưới thời quân chủ, ở Trung Quốc tên nước được gọi theo tên triều đại. Đồng thời, từ thời cổ đại, người Trung Quốc cho rằng nước họ là một quốc gia văn minh ở giữa, xung quanh là các tộc lạc hậu gọi là Man, Di, Nhung, Địch, vì vậy đất nước của họ còn được gọi là Trung Hoa hoặc Trung Quốc. Tuy vậy, các danh từ này chỉ dùng để phân biệt với các vùng xung quanh chứ chưa phải là tên nước chính thức. Mãi đến năm 1912 khi triều Thanh bị lật đổ, quốc hiệu Đại Thanh bị xóa bỏ, cái tên Trung Hoa mới trở thành tên nước chính thức nhưng thông thường người ta quen gọi là Trung Quốc.

    1.3. Những thành tựu chủ yếu của nền văn minh

    Trung Quốc là một nước lớn do một dân tộc chủ thể là dân tộc Hoa (sau gọi là dân tộc Hán) lập nên và tồn tại liên tục lâu dài trong lịch sử. Kể từ khi dựng nước về sau, nhân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra một nền văn hóa vô cùng rực rỡ so với thế giới đương thời mà sau đây là những thành tựu chủ yếu.

    1.3.1. Chữ viết

    Gồm có chữ giáp cốt (chữ tượng hình) được khắc trên mai rùa và xương thú, có từ thời nhà Hạ nhưng phổ biến là từ thời nhà Thương. Thời Chu: Chữ viết được ghi trên chuông, đỉnh gọi là “Kim đỉnh văn”. Thời Chiến quốc: chữ ghi trên thẻ tre gọi là chữ “Tiểu triện”. Chữ Hán (chữ Nho) vẫn là chữ tượng hình nhưng đã được cải tiến trên cơ sở chữ Lệ có từ đời Tần Thủy Hoàng. Chữ Hán sau này phát triển thành chữ Trung Quốc hiện đại.

    1.3.2. Văn học

    Thời kỳ cổ trung đại, Trung Quốc có một nền văn học rất phong phú. Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, văn học Trung Quốc đã bắt đầu phát triển. Đến thời Tây Hán tư tưởng Nho gia được đề cao. Nho gia là trường phái rất coi trọng việc học tập, vì vậy từ đời Hán về sau những người có thể cầm bút viết văn trong xã hội Trung Quốc. Đến thời Tùy, Đường chế độ khoa cử bắt đầu ra đời, trong đó văn học Trung Quốc ngày càng có những thành tựu lớn lao. Văn học Trung Quốc thời kỳ này có nhiều thể loại như thơ, từ, phú, kịch, tiểu thuyết , trong đó tiêu biểu nhất là Kinh Thi, thơ Đường và tiểu thuyết Minh – Thanh.

    Văn học Trung Quốc là một nền văn học rất phong phú và đa dạng, phát triển linh hoạt qua mỗi thời, phản ánh chân thực mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi vương triều.

    1.3.3. Sử học

    Trung Quốc là một nước rất coi trọng lịch sử , bởi vậy sử học ở Trung Quốc phát triển rất sớm và Trung Quốc có một kho tàng sử sách rất phong phú.

    1.3.4. Nghệ thuật

    Hai lĩnh vực lớn đạt được nhiều thành tựu là kiến trúc và hội họa. Đặc biệt là lĩnh vực kiến trúc thu được nhiều thành tựu độc đáo mang tầm quốc tế, tiêu biểu là các công trình: cố đô Bắc Kinh, Di Hòa Viên, Định lăng, Vạn lý trường thành.

    1.3.5. Khoa học tự nhiên

    Thiên văn học: Ra đời từ rất sớm và đạt được nhiều tiến bộ ở thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221TCN). Đó kà sự ghi chép lại các lần nhật thực, các vì tinh tú. Bảng ghi chép các hành tinh của người Trung Quốc – “Cam Thạch Tinh” có từ thời Xuân Thu được coi là bảng ghi chép các vì sao xưa nhất trên thế giới. Thế kỷ VII TCN, người Trung Quốc đã biết sử dụng một cái “cọc” để đo bóng mặt trời, qua đó đã xác định được ngày hạ chí và đông chí làm cho cách tính lịch ngày càng chính xác.

    Lịch: Yêu cầu của hoạt động nông nghiệp đã làm cho người Trung Quốc biết làm lịch từ rất sớm. Đên đời Thương họ đã phát minh ra lịch – âm lịch.

    Y học: Biết giải phẫu cơ thể người, biết nội tạng và bộ máy tuần hoàn của người; chuẩn đoán bệnh qua bắt mạch; châm cứu, sắc thuốc để chữa bệnh.

    1.3.6. Tư tưởng

    Lĩnh vực tư tưởng của Trung Quốc rất phong phú, đạt thành tựu rất cao, trong đó quan trọng nhất là các phái, các nhà: Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia. Và trong bốn phái này nổi bật nhất là hệ tư tưởng Nho gia.






    Chương 2

    Vai trò và ý nghĩa của bốn phát minh lớn về kỹ thuật


    2.1. Những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến nền văn minh:

    Với tài sáng tạo phi thường kết hợp với một nhận thức sắc bén về tự nhiên Trung Quốc đã đưa nước mình vượt xa hơn các nền văn minh khác, do đó đã đạt được những thành tựu lớn về khoa học kỹ thuật. Những yếu tố như: Điều kiện tự nhiên, lịch sử, dân tộc có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến nền văn minh Trung Quốc thời kỳ Trung đại.

    2.1.1. Điều kiện tự nhiên

    Lãnh thổ Trung Quốc thời cổ đại nhỏ hơn bây giờ nhiều. Địa hình Trung Quốc đa dạng, phía Tây có nhiều núi và cao nguyên, khí hậu khô hanh, phía Đông có các bình nguyên châu thổ phì nhiêu, thuận lợi cho việc làm nông nghiệp. Trung Quốc có rất nhiều sông trong đó có hai con sông quan trọng nhất là Hoàng Hà và Trường Giang (hay sông Dương Tử). Hai con sông này đều chảy theo hướng Tây - Đông. Những con sông này chảy qua đồng bằng làm cho đất đai phì nhiêu, tạo cơ sở cho kinh tế nông nghiệp sớm phát triển. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hai hồ lớn là hồ Động Đình ở Hồ Nam và hồ Thái Hồ ở Giang Tô, cũng góp phần cung cấp nước tưới tiêu nông nghiệp. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc.

    2.1.2. Lịch sử

    Thời tiền sử (bắt đầu từ thiên niên kỷ X đến giữa thiên niên kỷ II TCN), xã hội nguyên thủy hình thành và phát triển trên chặng đường tiến hóa tới các xã hội văn minh . Bước vào thời kỳ cổ đại, triều đại mở đầu thời kỳ chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc là nhà Hạ. Kinh tế chưa phát triển, các tri thức mới ở giai đoạn phôi thai. Lúc cường thịnh nhất, nhà Hạ đã thống trị cả một vùng đất đai rộng lớn ở vùng trung lưu sông Hoàng Hà. Để bảo vệ quyền lợi của giai cấp quý tộc, bộ máy quan lại, nhà tù, quân đội đã được thiết lập tuy rất đơn giản. Mặc dù vậy, tổ chức thiết chế xã hội của triều Hạ đã là một bước tiến lớn, là một tiêu chí để đánh dấu xã hội Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn “dã man” sang giai đoạn văn minh. Đến triều nhà Thuơng hay còn gọi là nhà Ân, nhà nước trung ương tập quyền được tổ chức chặt chẽ, vua được đề cao. Các vua nhà Thương mở rộng lãnh thổ bằng việc chinh phục các bộ lạc xung quanh. Dưới triều Thương, kinh tế, văn hóa bắt đầu phát triển, xã hội đã có sự phân hóa rõ rệt.

    Vào thời nhà Chu (XI-221 TCN) gắn với hai giai đoạn: giai đoạn Tây Chu (XI-VIII TCN) và giai đoạn Đông Chu (VIII-221 TCN). Xã hội cổ đại Trung Quốc thời Tây Chu đạt đến sự phát triển rất lớn. Lãnh thổ mở rộng ra toàn bộ phía Đông Trung Quốc.Thời Chiến Quốc (thế kỷ V đến cuối thế kỷ III TCN) là thời chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã ở Trung Quốc, chế độ phong kiến hình thành. Nhìn chung thời kỳ này Trung Quốc suy yếu, xã hội rối loạn. Các quan hệ xã hội rối loạn, nhưng cũng chính thời kỳ này, văn hóa – tư tưởng đạt được những thành tựu rực rỡ có đóng góp rất lớn đối với nền văn minh Trung Quốc.

    Bắt đầu từ thời nhà Tần (221 TCN) đến năm 1911, Trung Quốc đã trải qua rất nhiều các giai đoạn triều đại, đặc biệt là ở thời phong kiến thịnh trị bao gồm các triều Tần (221-206 TCN), Hán (202 TCN-220), Tùy (581-618), Đường (618-906), Tống (960-1279) và Nguyên (1279-1368). Đây là giai đoạn văn minh Trung Quốc tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho nền văn minh nhân loại bởi những thành tựu rực rỡ, nổi bật là về khoa hoc kỹ thuật.

    2.1.3. Dân tộc

    Con người có mặt ở Trung Quốc từ rất sớm (50-60 vạn năm trước đây), do điều kiện địa lý thuận lợi. Các bộ tộc Hạ, Thương, Chu là những chủ nhân của vùng châu thổ Hoàng Hà, cũng chính là tổ tiên của dân tộc Hán - người tạo ra nền văn minh Hoa Hạ cổ kính. Dân tộc Hán đã cùng với các dân tộc khác ở Trung Quốc đã sáng tạo ra nền văn minh Trung Quốc rực rỡ và độc đáo.

    2.2. Vai trò và ý nghĩa của bốn phát minh lớn về kỹ thuật

    Qua những tiền đề trên cho thấy rõ sự phát triển từ rất sớm của văn minh Trung Quốc. Trải qua một quá trình không ngừng sáng tạo khoa học kỹ thuật Trung Quốc đã đạt được những thành tựu vượt bậc, có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, nổi bật nhất là “Tứ đại phát minh” : Giấy, nghề in, la bàn và thuốc súng.

    2.2.1. Giấy

    2.2.1.1. Sự ra đời

    Hiện vẫn chưa rõ ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng chuyển những suy nghĩ trong đầu thành ngôn ngữ viết. Có ba giả thuyết cho ý tưởng này hoặc là thuộc về người Sumerian ở Mesopotamia, hoặc là người Harappa ở khu vực Afghanistan ngày nay, hoặc là người Kemite ở Ai Cập. Ngôn ngữ viết xuất hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 5 ngàn năm, còn nếu tính luôn cả những tranh vẽ trong hang động thì thời gian mà ý tưởng được chuyển thể thành ngôn ngữ ký tự thậm chí còn sớm hơn rất nhiều. Và khi chữ viết xuất hiện, con người đã biểu đạt những ý nghĩ của mình lên bất cứ thứ gì có thể nằm yên đủ lâu cho họ viết. Những cái bàn bằng đất sét, những thanh tre, thanh giấy cói, và đá là những thứ mà người ta dùng để viết sớm nhất. Mãi đến thời Tây Hán, người Trung Quốc vẫn dùng thẻ tre, lụa để ghi chép. Đến khoảng thế kỷ II TCN, người Trung Quốc đã phát minh ra phương pháp dùng xơ gai để chế tạo giấy. Ngày nay ở nhiều nơi tại Trung Quốc đã phát hiện được giấy làm từ thời Tây Hán. Tuy nhiên giấy của thời kỳ này còn xấu, mặt không phẳng, khó viết, nên chủ yếu là dùng để gói.

    Hình mẫu bước đầu của giấy xuất hiện vào năm 100 trước công nguyên. Theo sử sách ghi chép, nhà Hán Trung Quốc xuất hiện một loại giấy làm bằng bông tơ, vì công nghệ làm giấy này rất phức tạp và giá đắt nên loại giấy này chưa được sử dụng thực tế. Đến thời Đông Hán, năm 105, viên hoạn quan tên là Thái Luân đã thay đổi triệt để cục diện này. Thái luân sinh vào năm 61 công nguyên, là nhà khoa học thời nhà Hán. Thái Luân xuất thân trong một gia đình nông dân, năm 15 tuổi được chọn làm tùy tùng của vua, từng làm quan văn cấp cao trong thời gian dài. Lúc đó, Thái luân nhìn thấy mọi người viết chữ không tiện lắm, thẻ tre và ván quá nặng, tơ lụa quá đắt, giấy bông tơ không thể sản xuất nhiều và đều có khiếm khuyết bất cập. Thái Luân bèn bắt đầu nghiên cứu biện pháp cải tiến kỹ thuật làm giấy.

    Thái Luân tổng kết kinh nghiệm làm giấy của thế hệ trước, dẫn nhiều thợ dùng vỏ cây, vải gai, vải rách, lưới rách nát để làm giấy. Trước tiên họ cắt hoặc thái vỏ cây, vải gai, vải rách và lưới rách nát thành từng miếng vụn rồi ngâm lâu trong nước, giã thành dịch nhuyễn, trải qua nấu hấp, đổ thành lớp mỏng trên chiếu, phơi khô dưới ánh sáng mặt trời, như vậy làm thành giấy. Loại giấy làm bằng biện pháp này có đặc điểm nhẹ và mỏng, rất thích hợp viết chữ, nhận được sự hoan nghênh của mọi người. Nhà vua khen ngợi Thái Luân về việc cải tiến kỹ thuật làm giấy.

    2.2.1.2. Quá trình phát triển

    Từ khi giấy được phát minh ra toàn quốc đều bắt đầu dùng biện pháp làm giấy. Vì vậy, loại giấy này được gọi là “Giấy tước hầu Thái ”. Thái Luân từng phụ trách công tác hiệu đính sách trong hoàng cung, hiệu đính xong phải chép bản sao cho các quan chức địa phương, như vậy cần nhiều giấy. Nhu cầu của xã hội thúc đẩy sản xuất, sự tích lũy không ngừng của thực tiễn sản xuất lại khiến kỹ thuật và trình độ làm giấy không ngừng được nâng cao. Chính vì Thái Luân ra sức thúc đẩy, kỹ thuật làm giấy của Trung Quốc ngày càng được hoàn thiện Từ đó giấy được dùng để viết một cách phổ biến thay thế cho các vật liệu được dùng trước đó. Do công lao ấy, năm 114, Thái luân được vua Đông Hán phong tước “Long Đình hầu”. Nhân dân thì tôn ông làm tổ sư của nghề làm giấy.

    Vào khoảng thế kỷ III nghề làm giấy truyền sang Việt Nam, khoảng thế kỷ IV truyền sang Triều Tiên, thế kỷ V truyền sang Nhật Bản, thế kỷ VII truyền sang Ấn Độ.

    Giữa thế kỷ VIII, xảy ra cuộc chiến giữa nhà Đường và các Vương Quốc Arập. Trong trận chiến này do tướng Cao Tiên Tri thống lãnh và bị thua cuộc. Trong số tù binh bị Arập bắt có thợ làm giấy. Để đổi lấy tự do, người Trung Quốc đã truyền lại nghề làm giấy. Người Arập biết làm giấy từ đó và cách làm giấy được lan tràn nhanh chóng trong dân Arập. Vào thế kỷ thứ X, người Arập dùng bông vải để chế giấy để có loại giấy mỏng tốt. Khoảng năm 1100, Ý và Espagne đuổi dân Arập đi nhưng ngành sản xuất giấy được giữ vững. Tại Ý, tài liệu cổ xưa nhất được viết trên giấy năm xưa nhất đã được dâng lên vua Roger của Sicile, ghi năm 1102. Năm 1150, người Arập lại truyền nghề làm giấy sang Tây Ban Nha. Đến năm 1189, xưởng làm giấy đầu tiên được dựng lên tại Pháp và từ của ngõ này, kỹ thuật làm giấy nở rộ khắp các châu lục. Sau đó, nghề làm giấy lần lượt truyền sang Ý (1276), Đức (1820), Hà Lan (1323), Anh (1460). Sau khi nghề làm giấy được truyền bá rộng rãi, các chất liệu dùng để viết trước kia như lá cây ở Ấn Độ, giấy papirut ở Ai Cập, da cừu ở châu Âu đều bị giấy thay thế.

    2.2.1.3. Vai trò

    Trước khi phát minh ra giấy, hầu hết sách vở đều viết bằng thẻ tre nên rất nặng và cồng kềnh. Vài quyển sách được viết trên lụa nhưng quá đắt. Vì thế nên các công việc ghi chép cũng như việc học hành của các sĩ tử rất hạn chế, đặc biệt là các công việc của chính quyền hành chính rất khó để hoàn thành được. Sự ra đời của giấy đã mang một không khí mới vào nền văn hóa Trung Quốc, giấy được sáng chế không phải chỉ để dùng cho việc viết lách như người ta vẫn thường nghĩ lâu nay. Ở Trung Quốc, trước hết nó được dùng rộng rãi trong nghệ thuật trang trí, trong tế lễ và hội hè là phương tiện tín dụng và tiền tệ, được dùng làm đồ trang sức và vật trang hoàng nhà cửa, trong vệ sinh y tế và trong các trò chơi giải trí. Có lẽ đến đầu thế kỷ thứ I CN, giấy mới được dùng cho việc viết lách và mãi đến thế kỷ thứ III CN nó mới hoàn toàn thay đổi thay thế những thẻ gỗ tre nặng nề cồng kềnh để làm sách vở.

    Vốn xưa chưa có giấy, viết chữ lên thẻ tre hoặc lụa viền trắng. Lụa đắt tiền, thẻ tre nặng, cả hai đều không tiện dụng. Và với nguyên liệu đơn giản như vỏ cây, vải gai, lưới rách nát Giấy rất gần gũi với đời sống nhân dân lại rất dễ làm nên vừa đỡ tốn kém, vừa nhẹ, tiện dùng cho tất cả mọi hạng người giàu cũng như nghèo.

    Với công việc phụ tác hiệu đính sách trong hoàng cung khi hiệu đính xong phải chép bản sao cho các quan chức địa phương nên cần rất nhiều giấy. Vì thế sự ra đời của giấy đã đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi đó của xã hội Trung quốc. Nhờ có giấy mà các triều đại của Trung Quốc có thể dễ dàng ban hành các luật pháp một cách cụ thể và dễ dàng hơn.

    Trước khi phát minh ra giấy, hầu hết sách vở đều viết bằng thẻ tre nên rất nặng và cồng kềnh. Vài quyển sách được viết trên lụa nhưng quá đắt. Vì thế nên các công việc ghi chép cũng như việc học hành của các sĩ tử rất hạn chế, đặc biệt là các công việc của chính quyền hành chính rất khó để hoàn thành được. Sự ra đời của giấy đã mang một không khí mới vào nền văn hóa Trung Quốc, giấy được sáng chế không phải chỉ để dùng cho việc viết lách như người ta vẫn thường nghĩ lâu nay. Ở Trung Quốc, trước hết nó được dùng rộng rãi trong nghệ thuật trang trí, trong tế lễ và hội hè trong giao dịch thương mại như là phương tiện tín dụng và tiền tệ, được dùng làm đồ trang sức và vật trang hoàng nhà cửa, trong vệ sinh y tế và trong các trò chơi giải trí. Có lẽ đến đầu thế kỷ thứ I CN, giấy mới được dùng cho việc viết lách và mãi đến thế kỷ thứ III CN nó mới hoàn toàn thay đổi thay thế những thẻ gỗ tre nặng nề cồng kềnh để làm sách vở.

    Với công việc phụ tác hiệu đính sách trong hoàng cung khi hiệu đính xong phải chép bản sao cho các quan chức địa phương nên cần rất nhiều giấy. Vì thế sự ra đời của giấy đã đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi đó của xã hội Trung quốc. Nhờ có giấy mà các triều đại của Trung Quốc có thể dễ dàng ban hành các luật pháp một cách cụ thể và dễ dàng hơn.

    Ở phương Tây, trước khi giấy ra đời người ta dùng sách viết trên giấy da làm bằng da cừu hay da bò con. Sau đó loại giấy papyrus được người Hy Lạp, La Mã ưa chuộng. Tuy nhiên giấy da hay giấy papyrut đều quá đắt. Vì thế nên giấy ra đời đã giúp các nước phương Tây cải thiện được tình hình đó. Một số lượng lớn sách vở hay những tài liệu khác viết bằng giấy ngày nay được chế tạo quá rẻ và nhiều cũng là nhờ sự hiện hữu của giấy.

    2.2.1.4. Ý nghĩa

    Đóng góp của Thái Luân được coi là một trong các sáng chế quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Nó đã cho phép Trung Quốc phát triển nền văn minh của mình nhanh hơn trước đây khi còn dùng tre hay trúc để lưu chữ viết và nó cũng kích thích sự phát triển của châu Âu khi kỹ thuật giấy đến đây vào khoảng thế kỷ XII hay thế kỷ XIII. Với phát minh này, Thái Luân đã được xếp hạng thứ 7 trong danh sách 100 người quan trọng nhất lịch sử của Michael H. Hart.

    Thế kỷ thứ II, văn minh Trung Quốc tiến triển thua các nước phương Tây. Trong một ngàn năm kế tiếp kỹ thuật của Trung quốc vượt qua các nước Tây Âu và trong một khoảng 7-8 thế kỷ, văn minh Trung hoa được xem như tiêu chuẩn đối với các nước tân tiến trên thế giới. Bởi vì chắc chắn là các cuộn papyrus của phương Tây hơn hẳn là sách làm bằng thanh tre hay gỗ ở Trung Quốc. Chính sự việc này đã chướng ngại cho sự phát triển nền văn minh Trung quốc trước khi có sự phát minh ra giấy. Bởi vậy mà sau khi phát minh ra giấy, văn minh Trung quốc tiến bộ nhanh chóng, chỉ trong năm thế kỷ đã vượt qua các nước Tây Âu. Chính Marco Polo cũng đã xác nhận rằng ngay cả ở thế kỷ thứ 13, Trung quốc phồn thịnh hơn Âu châu nhiều. Từ đó cho thấy rằng giấy viết ra đời đã đưa nền văn minh Trung Quốc vượt xa hơn các nền văn minh khác trên thế giới. Thành tựu lớn về kỹ thuật này đã được các nước học hỏi và tiếp nhận từ đó có những bước cải tiến ngày càng hoàn chỉnh hơn. Nhu cầu của xã hội thúc đẩy sản xuất, sự tích lũy không ngừng của thực tiễn sản xuất lại khiến kỹ thuật và trình độ làm giấy không ngừng được nâng cao.

    Như vậy giấy viết ra đời đóng góp rất lớn vào việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho nghề in ra đời.

    2.2.2. Nghề in

    2.2.2.1. Sự ra đời

    Nghề in bắt nguồn từ việc khắc chữ cái trên các con dấu đã có trước từ thời Tần. Thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, Đạo giáo đã in nhiều bùa chú để trừ ma.

    Hiện chưa xác minh được kỹ thuật in bắt đầu ra đời từ bao giờ, nhưng điều chắc chắn là đến giữa thế kỷ VII (đầu đời Đường), kĩ thuật in đã xuất hiện. Sử sách chép lúc bấy giờ nhà sư Huyền Trang đã cho in một số lượng lớn tượng Phổ Hiền để phân phát bốn phương. Năm 1966, ở Hàn Quốc đã phát hiện được kinh Đàlani in vào khoảng năm 704-751. Đây là ấn phẩm cổ nhất trên thế giới đã phát hiện được.

    Kỹ thuật in khi mới ra đời là in bằng ván khắc. Đây là một phát minh rất quan trọng giúp người ta có thể in nhiều bản trong một thời gian ngắn, công nghệ khắc đơn giản, ít tốn, vì vậy cách in bằng ván khắc này đã được sử dụng rất lâu dài. Tuy vậy, cách in này cũng có mặt chưa được tiện lợi lắm vì nếu không cần in nữa thì ván khắc sẽ vô dụng.

    Để khắc phục nhược điểm đó, đến thập kỷ 40 của thế kỷ XI, một người dân tên là Tất Thăng đã phát minh ra cách in chữ rời bằng đất sét nung. Là một người bình dân sống và làm việc tại một xưởng điêu bản, thông qua nhiều lần thực tiễn đã phát minh ra loại kỹ thuật in hoạt tự, ông dùng chữ khắc lên bùn (loại bùn dùng để đóng gạch), mỗi chữ một miếng, đem nung cho khô. Sau đó chuẩn bị một khay sắt, trên khay sắt đó có rắc hương tùng, sáp nến, tro giấy , bốn cạnh của khay sắt được nẹp bởi một khung sắt, trong khay sắt đó xếp cho kín chữ đã được khắc, đem nung trên lửa, dùng một tấm kim loại bằng phẳng để nén các chữ trong khay xuống.

    Để nâng cao năng suất thường chuẩn bị hai khay sắt để khay này in hết đã có khay khác để in. Không chỉ vậy, mỗi chữ đều được chuẩn bị mấy hoạt tự, những chữ hay dùng sẽ khắc nhiều hoạt tự hơn. Sau khi in xong đem gỡ các hoạt tự ra để lần sau dùng. Loại in hoạt tự này đã khắc phục được những điểm yếu của nghề in . Điêu bản vừa thuận tiện lại vừa kinh tế lại tiết kiệm được thời gian, vì vậy đây được coi là quá trình đại cải cách trong lịch sử nghề in của Trung Quốc, về sau người đời gọi Tất Thăng là thủy tổ của ngành in.

    2.2.2.2. Quá trình phát triển

    Phát minh của Tất Thăng tuy là một tiến bộ nhảy vọt của nghề in nhưng nó vẫn còn một số nhược điểm như chữ hay mòn, khó tô mực, chữ không được sắc nét. Để khắc phục nhược điểm đó, từ thế kỷ XI, Thẩm Quát đã thử dùng chữ gỗ thay chữ đất sét nung nhưng chưa có kết quả. Đến thời Nguyên, Vương Trinh mới cải tiến thành công việc dùng con chữ rời bằng gỗ. Sau đó người ta còn dùng chữ rời bằng thiếc, đồng, chì, nhưng chữ rời bằng kim loại khó tô mực nên không được sử dụng rộng rãi.

    Từ đời Đường, kỹ thuật in ván khắc của Trung Quốc đã truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Philippin, Arập rồi truyền dần sang châu Phi, châu Âu.

    Sự lan tỏa rộng khắp của nghề làm giấy mà đến năm 1150, khi được truyền tới Tây Ban Nha và đến thời Gutenberg đã có nhiều xưởng làm giấy tại châu Âu. Nghề làm giấy mãi đến năm 1800 mới được cơ khí hóa khi chiếc máy làm giấy đầu tiên được một người Pháp tên là Nicolas Louis Robert sáng chế cho nhà máy giấy Didot tại Essonnes gần Paris. Máy chạy bằng dây cuaroa và mỗi lần sản xuất được một tờ giấy. Năm 1805, một kỹ sư người Anh tên là Joseph Bramah sáng chế một chiếc máy có ống quay, thủy tổ của kỹ thuật sản xuất giấy cuộn.

    2.2.2.3. Vai trò

    Phát minh ra kỹ thuật in của Tất Thăng vào đời Tống là một tiến bộ nhảy vọt của nghề in. Nhờ đó mà một số lượng lớn về sách được in lại và lưu giữ. Vì chữ Trung Quốc bao gồm một lượng con chữ rất lớn cho nên mãi tới gần đây, việc in sách người ta vẫn thường in bằng ván khắc nhiều hơn là in bằng chữ rời. Khắc ván in đơn giản, rẻ tiền hơn lại dễ bảo quản để sử dụng cho việc tái bản. Chữ rời hầu như chỉ được dùng để in những bộ sách lớn và in với số lượng lớn. Cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, nghề in tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và lưu hành sách với số lượng lớn và giá rẻ. Chữ chì giá thành rẻ, có thể nấu lại sau khi đã sử dụng, có nghĩa là cùng một khối nguyên liệu ấy có thể dùng đi dùng lại mãi mãi khiến cho kỹ thuật này chiếm một vị trí vững bền trong ngành in qua bao nhiêu thế kỷ.

    Nghề in ra đời đã trang bị đầy đủ cho người dân Trung Quốc có kiến thức, kỹ năng hoàn chỉnh trong cuộc sống. Từ đó kinh tế từng hộ gia đình nói riêng và trong nước nói chung ngày càng có nhiều tiến bộ vượt bậc.

    Việc in ấn ra đời đã tăng cường khả năng bảo tồn các văn bản. Không chỉ có thế, việc phổ cập các ấn phẩm và diện quần chúng độc giả thế tục được mở rộng - các luật sư, thương gia, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công trở thành những người tiêu thụ sách quan trọng. Từ đó tầm hiểu biết về luật pháp của các tầng lớp nhân dân ngày càng được mở rộng và nhà nước dễ dàng quản lý, theo dõi mọi hoạt động diễn ra trong nước.

    Từ kỹ thuật in của Trung Quốc mà phương Tây đã phát minh ra những công nghệ mới. Cuối thế kỷ XIV, ở Đức đã biết dùng phương pháp in bằng ván khắc để in trang ảnh tôn giáo và sách ngữ pháp. Điển hình là sau phát minh của Gutenberg ở thế kỷ XV tìm ra một phương pháp in bằng chữ rời, các thao tác cơ bản trong quá trình in – đúc chữ, sắp chữ rồi in bằng máy thủ công – đều thực hiện bằng tay trong hơn 400 năm. Và Gutenberg dùng chữ rời bằng hợp kim và dùng mực dầu để in kinh thánh. Việc đó đã đặt cơ sở cho việc in chữ rời ngày nay.

    Kỹ thuật in bằng ván khắc được áp dụng đầu tiên ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ VIII, còn kỹ thuật in bằng văn chữ rời thì đã được ứng dụng ở đây từ nhiều thế kỷ trước Gutenberg. Ngay cả loại mực không phai được phương Tây gọi bằng một cái tên chính xác là “mực Tàu” đã có ở Trung Quốc từ một thời kỳ rất xa xưa. Chính nhờ sự kết hợp giữa những phát minh này nên mới có việc sản xuất hàng loạt và phổ biến rộng rãi các văn bản viết.

    2.2.2.4. Ý nghĩa

    Nghề in ra đời đã hỗ trợ cho việc phát triển ngôn ngữ và văn học dân tộc, tăng cường ý thức dân tộc, dân chủ hóa việc giáo dục học hành, xóa nạn mù chữ và các hàng rào xã hội.

    Việc in ấn hàng loạt đã tăng cường khả năng bảo tồn lâu dài các văn bản, lưu truyền cho các thế hệ đời sau, giảm bớt nguy cơ mất mát tiêu vong bởi sự thờ ơ quên lãng hoặc do các sưu tập riêng lẻ bị phát tán. Nhưng không chỉ có thế. Việc phổ cập các ấn phẩm và diện quần chúng độc giả thế tục được mở rộng – các thương gia, người buôn bán nhỏ, luật sư, thợ thủ công đã là những người tiêu thụ sách quan trọng – đã là sự tuyên chiến độc quyền về tri thức của giới giáo sĩ. Đồng thời, văn chương tôn giáo cho tới tới lúc đó vẫn chiếm vị trí ưu thế, đã dần dần bị thay bởi sách của các tác giả mang tư tưởng nhân văn trước sự hoan nghênh của các đọc giả mới mẻ. Độc giả mới, đề tài mới, tất cả những cái đó đã thúc đẩy người có học dễ dàng phát hiện ra những chỗ mâu thuẫn trái ngược với các văn bản tôn giáo, từ đó nảy sinh sự thẩm duyệt lại các quan điểm cũ, mở đường cho những tiến bộ mới trong tri thức.

    Với việc phổ cập giáo dục và thanh toán nạn mù chữ đã gắn bó rất chặt chẽ với sự tiến bộ của nghề in. Sách bán giá rẻ và dễ kiếm sẽ cho phép đông đảo người đọc tìm đến với những kiến thức đã được in ra, và điều này cũng sẽ tác động nhân sinh quan của họ đối với thế giới xung quanh và vị trí của họ trong xã hội. Và lẽ tự nhiên, ấn phẩm đẽ kiếm sẽ làm tăng thêm số người biết chữ, và ngược lại nhu cầu đối với sách vở cũng từ đó mà tăng thêm lên.

    Cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ VXI, nghề in tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và lưu hành sách với số lượng giá rẻ, do đó đã gây được ảnh hưởng đáng kể đối với tư tưởng và đời sống xã hội ở châu Âu. Nó góp phần phổ biến và cổ vũ tinh thần “Phục hưng” và “Cải cách” và qua đó cũng đẩy mạnh việc sản xuất giấy và các nguyên vật liệu cho ngành in, cuối cùng đưa tới sự phồn thịnh của nghệ thuật ấn loát.

    Nhìn chung thấy rằng, nghề in đã phát triển rầm rộ vào đầu thế kỷ XVI ở tất cả các nước châu Âu, đã hỗ trợ cho nhiều đổi thay mạnh mẽ và căn bản trong lĩnh vực tư tưởng và xã hội.

    2.2.3. La bàn

    2.2.3.1. Sự ra đời

    Có từ rất sớm, khoảng vào thời Tây Chu. Thời này người Trung Quốc đã biết được từ tính và tính chỉ hướng của đá nam châm. Lúc bấy giờ Trung Quốc phát minh ra một dụng cụ chỉ hướng gọi là “tư nam”. Tư nam làm bằng đá thiên nhiên, mài thành hình cái thìa để trên một cái đĩa có khắc các phương hướng, cán thìa sẽ chỉ hướng nam. Như vậy tư nam chính là tổ tiên của kim chỉ nam. Tuy nhiên, tư nam còn có nhiều hạn chế như khó mài, nặng, lực ma sát lớn, chuyển động không nhạy, chỉ hướng không được chính xác nên chưa được áp dụng rộng rãi.

    Thời chiến quốc (cuối thời Đông Chu), người Trung Quốc đã tìm ra nam châm (từ thạch), dùng nam châm thiên nhiên mài giũa mà thành và được đặt trên một địa bàn hình vuông. Bốn mặt xung quanh địa bàn có 24 hướng, tức là 8 căn Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quý và 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Thềm có 4 duy: Càn, Khôn, Tốn, Cấn. Kim chỉ nam được gọi là la bàn từ thời đó. Lúc cân bằng mũi kim sẽ chỉ về phương Nam. Sử sách chép lại rằng: Cửa ra vào của cung A phòng của Tần Thủy Hoàng có gắn một thanh nam châm rất lớn, ai mang vũ khí đi qua sẽ bị hút lại.

    2.2.3.2. Quá trình phát triển

    Đến thời Đường thì la bàn khá hoàn chỉnh (phát hiện ra thêm tính chất sắt nhiễm từ). Vào đời Tống, các thầy phong thủy đã phát minh ra kim nam châm nhân tạo. Họ dùng kim sắt, mài mũi kim vào đá nam châm để thu từ tính, rồi dùng kim đó để làm la bàn. La bàn lúc đầu còn rất thô sơ: xâu kim nam châm qua cọng rơm sợi bấc đèn rồi thả nổi trên bát nước gọi là “thủy la bàn”, hoặc treo kim nam châm bằng một sợi tơ ở chỗ kín gió. Thời Nguyên: la bàn đã hoàn chỉnh (được Crixtop Colomb sử dụng) sau đó truyền sang châu Âu.

    La bàn được các thầy phong thủy sử dụng đầu tiên để xem hướng đất. Khoảng nửa sau thế kỷ XII, la bàn do đường biển truyền sang Arập rồi truyền sang châu Âu. Người châu Âu cải tiến thành “la bàn khô” tức là la bàn có khắc các vị trí cố định. Nửa sau thế kỷ XVI la bàn khô lại truyền trở lại Trung Quốc.

    2.2.3.3. Vai trò

    Sự xuất hiện của la bàn đã mang một luồng không khí mới cho sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc, từ những nghề kiếm sống quen thuộc như: nông nghiệp, thủ công thì nay người dân có thể chinh phục đại dương bao la với nghề đi biển, phát hiện và đánh bắt được những loại hải sản quý hiếm. Và cũng từ đó ngàng hàng hải của Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ.

    La bàn ra đời tạo điều kiện cho nghề đi biển được thúc đẩy và ngày càng phát triển mạnh mẽ, là điều kiện để giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm giữa các dân tộc trong từng vùng, miền cũng như các nước trên thế giới với nhau. Nhờ đó quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia ngày càng bền vững và thân thiện hơn tạo điều kiện ổn định tình hình trong nước, là điều kiện rất quan trọng để phát triển kinh tế và ổn định chính trị trên toàn thế giới.

    2.2.3.4. Ý nghĩa

    Những vùng đại dương bao la dần dần được con người chinh phục và làm chủ. Và các tài nguyên hải sản được người dân Trung Quốc phát hiện và đánh bắt, từ đó cải thiện đời sống hằng ngày.

    Chính nhờ hệ thống la bàn này mà người châu Âu mới thực hiện được những cuộc phát kiến địa lý, tìm ra được các vùng đất mới, mở rộng lãnh thổ.

    2.2.4. Thuốc súng

    2.2.4.1. Sự ra đời

    Thuốc súng là một phát minh ngẫu nhiên của những người luyện đan thuộc phái Đạo gia. Theo những ghi chép trong sử sách, thời kỳ Chiến Quốc, ở nước Yên phía bắc đã có rất nhiều người theo thuật luyện đan. Đến thời Tần, Hán thuật luyện đan đã tiến bộ thêm một bước, các đạo sĩ thi nhau xây lò luyện đan và tìm ra một số khoáng vật, thực vật để tu luyện đan dược.

    Từ rất sớm ở Trung Quốc đã có những trước tác nghiên cứu về luyện đan. Cuối thời Đông Hán, Ngụy Bá Dương viết cuốn “Chu Dịch tham đồng khế”, chuyên nói về thuật luyện đan, là cuốn sách nói về luyện đan cổ nhất ở Trung quốc. Cuốn sách này đã đề cập đến một số khoáng vật dùng cho luyện đan, trong đó có lưu huỳnh.

    Thời kỳ Ngụy Tấn, Nam Bắc triều là thời kỳ thuật luyện đan thịnh hành nhất. Đạo sĩ Cát Hồng – nhà luyện đan nổi tiếng thời Đông Tấn – đã viết một bộ sách về luyện đan rất hoàn chỉnh, có tên “Bão Phác tử”. Bộ sách gồm nhiều phần nội thiên 20 cuốn và ngoại thiên 50 cuốn. Trong đó, phần nội thiên chuyên nói về luyện đan. Qua tác phẩm của ông có thể thấy trong các nguyên liệu để luyện đan có lưu huỳnh và diêm tiêu. Đầu thời Đường, nhà dược vật học, danh y Tôn Tư Mạo cũng là một người luyện đan. Ông đã viết bộ “Đan kinh”, trong đó có nói đến một phép gọi là “Nội phục lưu huỳnh pháp”, cụ thể là: dùng lưu huỳnh 2 lạng, diêm tiêu 2 lạng, nghiền thành bột, bỏ vào hũ cát. Sau đó đào một hố trên mặt đất, để hũ vào hố sao cho miệng hũ ngang bằng mặt đất, nhồi đất chặt xung quanh hũ. Rồi đốt 3 quả bồ kết, bỏ vào hũ khiến lưu huỳnh và diêm tiêu bốc cháy. Đợi lửa tắt thì lại dùng 3 cân than hoa để đốt, khi đã cháy 1/3 thì lấy hỗn hợp còn nóng đó ra, gọi là “phục hỏa”. Lưu huỳnh và diêm tiêu sau khi nghiền thành bột, đốt qua thì có tác dụng như thuốc súng, nhưng chưa thể là thuốc súng được mà phải thêm vào than hoa theo tỷ lệ thích hợp mới thành được.

    Vào đời đường, Đạo giáo rất thịnh hành. Phái đạo gia tin rằng, người ta có thể luyện được thuốc trường sinh bất lão hoặc luyện được vàng, do đó thuật luyện đan rất phát triển. Trong quá trình luyện thuốc tiên thường xảy ra các vụ cháy làm bỏng tay, bỏng mặt, cháy nhà và thế là họ tình cờ phát minh ra thuốc súng. Trong sách “Thái Bình quảng ký” bộ sách soạn đầu thời Tống, có chép một như sau: đầu thời Tùy, có một người tên là Đỗ Tử Xuân đến thăm một đạo sĩ luyện đan. Tối đến, vị đạo sĩ giữ Tử Xuân ở lại. Nửa đêm, anh ta chợt tỉnh giấc thấy trong lò luyện đan bỗng nhiên bốc lửa lớn, tia lửa vươn tới tận mái nhà khiến căn phòng bị thiêu rụi. Ghi chép này cho thấy từ trước Tôn Tư Mạo đời Đường có thể đã có một vài nhà luyện đan phát hiện ra thuốc súng.

    Trải qua bao nhiêu lần bạo tác, phát hỏa, trải qua nhiều lần mạo hiểm thử nghiệm cuối cùng hẳn đã có người tìm ra được một tỷ lệ thích hợp, đem lưu huỳnh, diêm tiêu và than hoa phối hợp với nhau để tạo ra thuốc súng.

    2.2.4.2. Quá trình phát triển

    Đến đầu thế kỷ X, thuốc súng bắt đầu được dùng để làm vũ khí. Những vũ khí đầu tiên này được gọi là tên lửa, cầu lửa, quạ lửa, pháo, đạn bay Đến đời Tống, vũ khí làm bằng thuốc súng không ngừng được cải tiến. Trong cuộc chiến Tống – Kim, quân Tống đã dùng một loại vũ khí gọi là “chấn thiên lôi”, tiếng nổ to như sấm, sức nóng tỏa ra hơn nửa mẫu đất, người và da bò nát vụn không còn dấu vết. Năm 1132, Trung Quốc đã phát minh ra loại vũ khí hình ống gọi là “hỏa thương”. Lúc đầu hỏa thương làm bằng ống tre to, phía trong nạp thuốc súng, khi đánh nhau thì đốt ngòi, lửa sẽ phun ra thiêu cháy quân địch. Năm 1259 lại có người phát minh ra súng đột hỏa. Loại súng hỏa ma trước đây chỉ có giá trị đốt cháy còn loại đột hỏa mai sau này có thể bắn ra “tử khoa” (tổ chết) để sát hại người. Đây là phát minh quan trong trên con đường chế tạo vũ khí thuốc nổ. Tất nhiên, cả người Kim và người Nguyên đều chú trọng đến chế tạo vũ khí thuốc nổ. Trông đợt tiến công Kỳ Châu (nay là Kỳ Xuân, Hồ Bắc, Trung Quốc) của quân Kim năm 1221 súng bắn đá và bắn “thiết hỏa pháo” được sử dụng khá nhiều. Năm 1232, quân Kim bao vây Khai Phong Phủ, quân Tống bắn ra những bình sắt chứa đầy thuốc nổ (thiết quan trang hỏa dược) gọi là “chấn thiên lôi” (sấm đông) phá vây, đẩy lùi quân Kim. Vào thời Nguyên, súng hỏa mai đã thay thế súng ống trúc. Loại lớn nhất là súng.

    Vào thế kỷ XIII, trong quá trình tấn công Trung Quốc, người Mông Cổ đã học tập được cách làm thuốc súng của Trung Quốc. Sau đó, người Mông Cổ chinh phục Tây Á, do đó đã truyền thuốc súng sang Arập. Người Arập lại truyền thuốc súng và súng vào châu Âu qua con đường Tây Ban Nha.

    2.2.4.3. Vai trò

    Vì thuốc súng là phát minh ngẫu nhiên của những người luyện đan thuộc phái Đạo gia nên sự hình thành thuốc súng gắn liền với sự phát triển của Đạo giáo. Những nguyên liệu dùng để làm thuốc súng như diêm tiêu, lưu huỳnh và than gỗ bước đầu rất gần gũi, quen thuộc với cuộc sống đời thường của người dân Trung Quốc.

    Đến đầu thế kỷ X, thuốc súng bắt đầu được dùng để làm vũ khí, và đến đời Tống thì được ứng dụng rộng rãi vào lĩnh vực quân sự. Đó là dùng thuốc súng để chế tạo các vũ khí thô sơ như tên lửa, cầu lửa, pháo, đạn bay Việc sử dụng thuốc súng làm động lực đẩy vật gây sát thương chỉ bắt đầu vào thế kỷ XII – XII dưới dạng các hỏa khí hình ống làm bằng giấy bồi hoặc ống tre. Từ đó vũ khí ngày càng được cải thiện và nâng cao dần thay thế những vũ khí thô sơ ban đầu.

    Thuốc súng giữ vai trò rất lớn trong quân sự. Người châu Âu đã nhanh chóng tiếp thu và sử dụng phát minh này của Trung Thuốc một cách hữu hiệu để làm súng trường, hỏa mai và thuốc súng còn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc phát kiến địa lý của châu Âu.

    2.2.4.4. Ý nghĩa

    Sự phát triển không ngừng của thuốc súng đã giúp Trung Quốc giữ vững được lãnh thổ, bảo tồn và phát huy được những giá trị dân tộc. Và với sự ra đời này, những cuộc xâm lược lãnh thổ để mở rộng bờ cõi ngày càng được tiến hành, kéo theo đó là sự thay đổi lớn về trật tự xã hội.

    Từ đó người dân Trung Quốc ngày càng hãnh diện và tự hào về nên chủ quyền của dân tộc. Đặc biệt họ đã đẩy lùi những cuộc xâm lược của các nước lớn, bảo toàn trọn vẹn lãnh thổ.

    Thứ vũ khí này đã góp phần phá vỡ nên tảng nên tảng phong kiến ở châu Âu, đẩy nhanh quan hệ tư bản chủ nghĩa vì vhir có dùng thuốc nổ mới phá được lâu đài của phong kiến.








    PHẦN KẾT LUẬN


    Như vậy, suốt thời kỳ cổ trung đại nền văn minh Trung Quốc phát triển rực rỡ, đặc biệt là về khoa học kỹ thuật. Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực này đã làm cho Trung Quốc trở thành một trung tâm văn minh quan trọng ở vùng Viễn Đông và trên thế giới.

    Qua “Tứ đại phát minh” về khoa học kỹ thuật này đã góp phần giải phóng sức lao động, tạo điều kiện cho con người phát hiện, khám phá những bí ẩn của thiên nhiên, của môi trường sống, sự hiểu biết để thích nghi với thiên nhiên, lợi dụng các quy luật của thiên nhiên để chế ngự và tận dụng nó phục vụ cuộc sống của mình. Nhờ đó, điều kiện lao động ngày càng được cải thiện, năng suất lao động ngày càng cao, của cải ngày càng nhiều, mức sống ngày càng thay đổi. Điều đó chứng tỏ năng lực sáng tạo của con người là vô tận và sự đòi hỏi cuộc sống là vô cùng. Hai mặt đó tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau tạo nên những thành tựu lớn lao, những bước ngoặt quan trọng, những cống hiến vĩ đại trong lịch sử loài người. Những thành tựu văn minh Trung Quốc cổ trung đại là nền tảng của văn minh khoa học ngày nay. Đó là niềm tự hào của con người Trung Quốc nói riêng và đối với thế giới nói chung. Có thể nói rằng ngay từ khi xuất hiện con người Trung Quốc đã có một trí tuệ, một trí óc sáng tạo tuyệt vời, họ đã đặt một nền móng lớn cho văn minh nhân loại.

    Các nước đã tiếp thu và học hỏi khả năng sáng tạo cũng như thành tựu lớn về kỹ thuật mà nhân dân Trung Quốc đạt được, từ đó không ngừng tìm tòi, sáng tạo hơn nữa để tạo nên những thành quả mà ngày nay chúng ta được hưởng thụ và đang cố gắng phát triển đạt được tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, mỗi khi những thành tựu được nâng lên cao, cuộc sống của con người lên một bước thì những mặt trái của nó đồng thời cũng xuất hiện. Do vậy, loài người trong khi ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để làm cho cuộc sống ngày càng tiến gần đến cái chân, cái thiện, cái mĩ đồng thời phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng hủy hoại sinh thái, nguy cơ can kiệt tài nguyên. Vì thế phải giữ sao cho hành tinh này, ngôi nhà chung của tất cả mọi người được trong lành, của cải thiên nhiên được khai thác hợp lý, sức khỏe và tuổi thọ được đảm bảo. Và những thành tựu khoa hoc kỹ thuật được sử dụng vào việc chế tạo những vũ khí giết người nguy hiểm. Các phương tiện chiến tranh là một phần sản phẩm văn minh được sử dụng để hủy hoại ngay chính nền văn minh đã sinh ra nó. Vì thế, đấu tranh cho một xã hội công bằng, bảo vệ cuộc sống hòa bình vững chắc trên một nền tảng văn minh hiện đại chính là mục tiêu mà mọi người đều phải quan tâm, đều phải phấn đấu.





    TÀI LIỆU THAM KHẢO


    1. Đồ Đình Hãng: Những nền văn minh rực rỡ cổ xưa, Tập II; Văn minh Trung Quốc, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1993.

    2. Đổng Tập Minh: Sơ lược lịch sử Trung Quốc, NXB Ngoại văn Bắc Kinh, 1963.

    3. Lê Phụng Hoàng (chủ biên): Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, 1999.

    4. Lương Ninh (chủ biên): Lịch sử Văn hóa thế giới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 203.

    5. Mai Ngọc Chừ (chủ biên): Giới thiệu văn hóa Phương Đông, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

    6. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội 2001.

    7. Nguyễn Đình Vỳ (chủ biên): Lịch sử thế giới cổ trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003.

    8. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Vân Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La: Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998.

    9. Vũ Dương Ninh (chủ biên): Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, 2007.

    10. Almanach những nền văn minh thế giới, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1996.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...