Luận Văn VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG PHÂN PHỐI THU NHẬP (94 trang)

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG PHÂN PHỐI THU NHẬP (94 trang)
    LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC​​​TRONG PHÂN PHỐI THU NHẬP​​​1.1. Một số vấn đề lý luận chung về phân phối
    Từ trước đến nay vấn đề phân phối giữ vai trò quan trọng trong lý luận kinh tế. Từ các nhà kinh tế học cổ điển Anh như A. Smith tới C. Mác đều nghiên cứu sâu sắc vấn đề phân phối, thậm chí. D.Ricardo cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của kinh tế chính trị học là tìm ra quy luật chi phối sự phân phối. Tầm quan trọng của vấn đề phân phối không chỉ ở chỗ nó nói lên quan hệ về lợi ích kinh tế trong nền kinh tế, mà còn phản ánh những nguyên tố quyết định ẩn dấu đằng sau các quan hệ lợi ích đó, giúp ta hiểu được quá trình vận động kinh tế; đặc biệt là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phân phối và vai trò của nhà nước đối với phân phối.
    1.1.1. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về phân phối
    Lý luận phân phối trong chủ nghĩa xã hội và trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bắt nguồn từ học thuyết kinh tế của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin.
    C. Mác và Ph. Ăng ghen lúc đương thời đã nghiên cứu một cách có hệ thống chế độ phân phối của phương thức sản xuất TBCN. Các ông đã vạch rõ bản chất của phương thức phân phối này và cho rằng chế độ phân phố TBCN là bất công; nó dựa trên cơ sở quan hệ bóc lột của giai cấp tư sản và địa chủ đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì trong thế kỷ XIX, CNXH vẫn chưa ra đời nên nhiệm vụ lý luận thực tế nhất, bức thiết nhất không phải là chú trọng trình bày và thiết kế chế độ và nguyên tắc phân phối thu nhập trong CNXH, mà là vạch trần bản chất và phê phán phương thức phân phối TBCN, đồng thời còn phê phán và đấu tranh với mọi sự xuyên tạc của chủ nghĩa cơ hội đối với CNXH. Tuy nhiên, trong quá trình đó, C. Mác và Ph. Ăng ghen đã nêu lên được quan điểm và nguyên tắc cơ bản về phân phối trong xã hội tương lai. So với lý luận của tất cả các nhà kinh tế trước đó, thì lý luận phân phối của C. Mác và Ph. Ăng ghen đã thật sự đặt nền tảng và là khởi nguyên cho lý luận phân phối thu nhập trong CNXH.
    Kế thừa và tiếp nối tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng ghen, trong lãnh đạo xây dựng CNXH ở Nga, Lênin đã làm rõ hơn và cụ thể hoá các quan điểm và nguyên tắc phân phối trong CNXH. Theo Lênin, để xây dựng thành công CNXH hiện thực, thì nhiệm vụ có ý nghĩa trọng đại hơn cả là xây dựng kinh tế. Trong nhiệm vụ đó, nếu nhà nước không tiến hành kiểm kê, kiểm soát toàn diện đối với sản xuất và phân phối các sản phẩm, thì chính quyền của những người lao động, nền tự do của họ sẽ không thể nào duy trì được và nhất định họ sẽ phải sống trở lại dưới ách thống trị của CNTB [11, tr 244] "không có chế độ kế toán và kiểm soát trong sự sản xuất và phân phối sản phẩm, thì những mầm mống của XNXH sẽ bị tiêu diệt ." [11, tr 225]. Từ ý nghĩa của vấn đề nêu trên, Lênin đã xây dựng hệ thống lý luận về phân phối trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
    Dưới đây là những vấn đề chủ yếu trong lý luận phân phối của chủ nghĩa Mác - Lênin.
    a. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vị trí của phân phối
    * Vị trí của phân phối trong tái sản xuất xã hội
    Quá trình tái sản xuất bao gồm 4 khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi tiêu dùng của cải vật chất. Phân phối là một trong 4 khâu đó, nó là một mắt xích trung gian trong quá trình tái sản xuất. Trong quá trình tái sản xuất, sản xuất bao giờ cũng giữ vai trò quyết đinh. Quy mô, cơ cấu và trình độ phát triển của sản xuất quy định quy mô và cơ cấu của phân phối. Phân phối không thể vượt quá trình độ hiện có của lực lượng sản xuất xã hội. Ngược lại, nếu phân phối phù hợp với sự phát triển của sản xuất, có lợi cho việc động viên tính tích cực của người lao động sản xuất, thì sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, còn nếu không phù hợp thì nó sẽ cản trở sự phát triển của sản xuất.
    Phân phối và trao đổi có quan hệ mật thiết với nhau. Trao đổi là sự tiếp tục của phân phối. Trong kinh tế thị trường, phân phối được thực hiện dưới hình thức giá trị (tiền tệ). Người nhận được thu nhập tiền tệ đó sẽ biến thành thu nhập thực tế bằng việc mua hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Với một thu nhập danh nghĩa nhất định sẽ chuyển thành khối lượng hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào giá cả thị trường. Đó cũng chính là quá trình phân phối.
    Phân phối còn quan hệ mật thiết với tiêu dùng. Việc tăng hoặc giảm sản phẩm phân phối đều có tác động trực tiếp đến mức độ tiêu dùng. Ngược lại, cơ cấu, phương thức và trình độ của tiêu dùng có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm sự tăng trưởng của phân phối.
    Như vậy, phân phối là một khâu độc lập tương đối trong quá trình tái sản xuất, nó luôn có tác động qua lại một cách biện chứng với các khâu khác của quá trình tái sản xuất xã hội. Trong mọi phương thức sản xuất đều diễn ra sự phân phối sản phẩm xã hội, tức là nó là một phạm trù kinh tế chung cho mọi xã hội.
    * Vị trí của phân phối trong quan hệ sản xuất xã hội
    Phân phối là một mặt của quan hệ sản xuất và do quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất quyết định. C.Mác đã nhiều lần nêu rõ quan hệ phân phối cũng bao hàm trong phạm vi quan hệ sản xuất " quan hệ phân phối về thực chất cũng đồng nhất với quan hệ sản xuất nhất định, nó cấu thành mặt sau của quan hệ sản xuất ấy [5, Tr 634]. Theo Ph. Ăng ghen thì " Trên những nét chủ yếu của nó, phân phối luôn luôn là kết quả tất nhiên của những quan hệ sản xuất và trao đổi trong một xã hội nhất định" [9, Tr 261].
    Vì vậy, mỗi phương thức sản xuất nhất định có quy luật phân phối tương ứng với nó. Quan hệ sản xuất như thế nào, thì quan hệ phân phối cũng như thế ấy. Cơ sở của quan hệ phân phối là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất và quan hệ trao đổi hoạt động cho nhau. Khi lực lượng sản xuất biến đổi và do đó quan hệ sản xuất biến đổi, khi quan hệ phân phối cũng biến đổi. C. Mác viết " Mỗi một hình thái phân phối đều biến đổi cũng một lúc với phương thức sản xuất nhất định tương ứng với hình thái phân phối ấy và đã đẻ ra hình thái phân phối ấy" [8, Tr 373]. Và chỉ rõ " phương thức tham gia nhất định vào sản xuất quy định hình thái đặc thù của phân phối, quy định hình thái theo đó người ta tham dự vào phân phối" [ 7, Tr 870]. Phân phối là hình thức thực hiện về mặt kinh tế của quan hệ sở hữu và quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất.
     
Đang tải...