Luận Văn Vai trò của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐỀ TÀI
    VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA
    TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH
    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và được thể chế hóa trong những văn bản pháp luật hiện hành. Thực hiện quyền khiếu nại, khiếu nại hành chính nói riêng là một hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước.
    Giải quyết khiếu nại hành chính là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Giải quyết tốt khiếu nại hành chính của công dân, nhằm bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của công dân, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh chống biểu hiện quan liêu, cửa quyền, thiếu dân chủ, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước; góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
    Trong hoạt động quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc quản lý nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khó tránh khỏi những mâu thuẫn giữa quyền, lợi ích của công dân, tổ chức với nhà nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất đồng giữa cá nhân, tổ chức với Nhà nước dẫn đến khiếu nại. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại. Mặt khác khi chuyển đổi cơ chế mà trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhiều quy định pháp luật không còn phù hợp, nhiều quan hệ phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời do đó nảy sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật với thực tiễn pháp luật chưa đầy đủ cũng nảy sinh khiếu nại.
    Giải quyết khiếu nại hành chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan thanh tra nhà nước. Trách nhiệm này đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật như Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính.
    Cơ quan thanh tra nhà nước trong những năm qua luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã tin cậy giao cho. Mỗi năm, thanh tra các cấp, các ngành đã giải quyết và tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết hàng chục nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo, tiến hành được hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó giúp Đảng và Nhà nước phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật, thu hồi cho ngân sách nhà nước, khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân với một số lượng lớn tài sản có giá trị cũng như pháp luật của Nhà nước. Kết quả thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành thanh tra đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy quyền dân chủ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
    Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính có những hạn chế nhất định, không ít vụ việc khiếu nại không được giải quyết dứt điểm, việc thực hiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa nghiêm, dẫn tới hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu nại thấp, khiếu nại vượt cấp tăng lên. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân quan trọng là các quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại còn có những hạn chế và đã bộc lộ nhiều bất cập như quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền, thủ tục trong giải quyết khiếu nại dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh không giải quyết dẫn đến không đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì vậy để khắc phục nguyên nhân trên, Luật Khiếu nại đã đang được xây dựng nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đang được đặt ra hiện nay. Một số vấn đề lý luận về vai trò của các cơ quan thanh tra cũng cần tiếp tục được làm rõ. Do đó việc nghiên cứu để khẳng định vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc giải quyết các khiếu nại hành chính là cần thiết.
    2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    - Mục đích của luận văn
    Luận văn luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn để xác định vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại hành chính.
    Đề xuất những giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính thông qua việc đổi mới hoạt động thanh tra, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính.
    - Nhiệm vụ của luận văn
    Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn xác định vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính.
    Đánh giá thực trạng việc thực hiện vai trò (thông qua nhiệm vụ) của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính.
    Đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính.
    3. Tình hình nghiên cứu
    - Tình hình nghiên cứu trong nước
    Từ trước tới nay đã có một số đề tài khoa học và luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ nghiên cứu ở mức độ nhất định về vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu những quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Ví dụ: Nghiên cứu việc giải quyết khiếu nại của công dân trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có các cơ quan thanh tra nhà nước khi thiết lập Tòa án hành chính ở Việt Nam; nghiên cứu về việc cải cách thủ tục hành chính trong tổ chức tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước; nghiên cứu các quy định của pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát hiện những quy định bất hợp lý, chưa phù hợp để từ đó đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam , đặc biệt đã có đề tài nghiên cứu về vai trò của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính, tuy nhiên những đề tài này nghiên cứu khi chưa sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005 và tiến tới là dự thảo Luật Khiếu nại đang được triển khai. Vì vậy có những quy định mới theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và dự thảo Luật Khiếu nại mới chưa được đề cập và nghiên cứu.
    - Các đề tài luận văn đã được nghiên cứu
    + Việc giải quyết khiếu nại của công dân trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước khi tòa án hành chính được thành lập. (Đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm đồng chí Lê Đình Đấu Vụ trưởng Vụ xét khiếu tố Thanh tra Nhà nước, nghiệm thu năm 1996)
    + Cải cách thủ tục hành chính trong tổ chức tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm đồng chí Lê Đình Đấu Vụ trưởng Vụ xét khiếu tố Thanh tra Nhà nước, nghiệm thu năm 1999).
    + Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước. (Đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm đồng chí Trần Đức Lượng, Vụ trưởng Vụ thanh tra kinh tế II Thanh tra Nhà nước, nghiệm thu năm 1996).
    + Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng. (Đề tài nhánh của đề tài độc lập cấp Nhà nước: Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. (chủ nhiệm đề tài: Phạm Văn Khanh, Tổng Biên tập Tạp chí thanh tra, nghiệm thu năm 2002).
    + Hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. (Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ luật học; Mã số: 5.05.01 – Thạc sỹ Mai Thị Chung).
    + Một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. (Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ luật học – Thạc sỹ Phạm Văn Long).
    + Hoàn thiện sự điều chỉnh pháp luật về thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam (Luận văn Thạc sỹ luật học, Mã số 601.01 – Ngô Mạnh Toan)
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Nghiên cứu vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính, là nghiên cứu vai trò của Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện, cấp Bộ, cấp sở trong giải quyết các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.
    - Nghiên cứu những vấn đề lý luận về vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính thể hiện trong các văn kiện của Đảng, quy định của các văn bản pháp luật của Nhà nước; qua thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại hành chính của các cơ quan thanh tra trên phạm vi cả nước, trong thời gian từ năm 1998 đến nay (kể từ khi có Luật Khiếu nại, tố cáo)
    - Giới hạn nghiên cứu vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc giải quyết các khiếu nại hành chính trong giai đoạn giải quyết ở các cơ quan hành chính nhà nước, còn việc giải quyết trong giai đoạn xét xử tại tòa án không đề cập đến.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    - Việc nghiên cứu đề tài dựa trên phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời dựa trên trên quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước và pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
    - Vận dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, điều tra xã hội học, tổng kết thực tiễn để xem xét, giải quyết các vấn đề cụ thể về lý luận và thực tiễn.
    6. Những nội dung mới của luận văn
    Trong thời gian vừa qua đã có một số đề tài, luận văn nghiên cứu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, về công tác thanh tra. Nhưng thông qua việc nghiên cứu đề tài này, tác giả mong muốn đưa ra những kết luận khoa học về vai trò của cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính dựa trên những văn bản ra đời sau Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005, dự thảo gần đây đang được Quốc hội thảo luận là Luật Khiếu nại tách ra từ Luật Khiếu nại, tố cáo và thực tiễn về vai trò của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính những năm qua. Từ đó, đề xuất những kiến nghị nhằm khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan này trong giải quyết khiếu nại hành chính (đổi mới về tổ chức, phương pháp chỉ đạo điều hành trong giải quyết khiếu nại hành chính; sửa đổi, bổ sung, các quy định pháp luật cho phù hợp).
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia làm 3 chương:
    Chương 1: Cơ sở lý luận về giải quyết khiếu nại hành chính và vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính
    Chương 2: Thực trạng hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại hành chính
    Chương 3: Phương hướng, giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại hành chính
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...