Luận Văn Từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển
    LỜI MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, các từ điển, nhất là từ điển trong các thời kì trước đây, luôn được coi là nguồn tư liệu đáng tin cậy bậc nhất mà chúng ta không thể bỏ qua. Chúng ta đã có An Nam Dịch Ngữ, rồi từ điển Việt – Bồ - La, cùng rất nhiều công trình khác nữa. Trong khoảng những năm 30 xuất hiện Việt Nam Tự Điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo. Cuốn tự điển này là một nguồn tư liệu quí báu để nghiên cứu từ vựng tiếng Việt đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề nghiên cứu từ vựng trong Việt Nam Tự Điển vẫn chưa được ai quan tâm. Nhận thấy vấn đề diện mạo từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển còn bỏ ngỏ, chúng tôi thực hiện khóa luận này với mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc nghiên cứu từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển nói riêng và nghiên cứu vốn từ vựng tiếng Việt nói chung.
    Theo Giáo sư Hoàng Phê, tính đến năm 1998, chúng ta có tới 708 công trình bằng/gồm tiếng Việt thực sự là từ điển được công bố. Điều đó chứng tỏ từ vựng tiếng Việt là mối quan tâm của rất nhiều nhà viết sách.
    Cuốn Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo từ 1923, xuất bản từ 1931 đến 1939 tại nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn - Hà Nội và được tái bản năm 1954 ở Pháp. Như vậy, tính đến nay, công trình này đã ra đời được 76 năm, là cuốn tự điển được biên soạn khá công phu, rõ ràng, có hệ thống sắp xếp theo thứ tự A, B, C của bảng chữ cái. Đồng thời Việt Nam Tự Điển còn là cuốn tự điển phản ánh một khối lượng lớn các mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thông qua các mục từ và giải nghĩa các mục từ. Cần khẳng định ngay rằng theo dòng lịch sử, trong số những tự điển do người Việt Nam biên soạn bằng chữ quốc ngữ theo kiểu tường giải, thì Việt Nam Tự Điển đứng ở vị trí tiếp theo sau Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Đây cũng là cuốn tự điển lấy “từ” làm đơn vị giải thích chứ không phải chỉ có “tự” (chữ). Trong công trình này, các từ khó hiểu đã được giải thích một cách tỉ mỉ và kèm theo những ví dụ (văn liệu) khá phong phú. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam Tự Điển có giá trị như một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử tiếng Việt. Vì vậy, việc nghiên cứu từ vựng trong Việt Nam Tự Điển cần phải được chú ý nhiều hơn nữa để có được những thông tin khái quát về từ vựng tiếng Việt những năm 30.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Thực hiện khóa luận này, mục đích của chúng tôi là tìm hiểu kĩ hơn về từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam tự điển. Cụ thể là chúng tôi sẽ có những khảo sát để chỉ ra một cách khái quát diện mạo các thành phần từ vựng trong công trình tự điển này.
    Mặt khác, nghiên cứu vấn đề từ vựng trong Việt nam Tự Điển, chúng tôi còn mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc nghiên cứu lịch sử phát triển của tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để so sánh vốn từ vựng tiếng Việt những năm 30 của thế kỉ XX với giai đoạn trước nó và cả quá trình phát triển của lịch sử tiếng Việt về sau đó. Kết quả này sẽ là một miêu tả khái quát về một trạng thái từ vựng, giúp tăng thêm được những nhận biết về các trạng thái liên tục hơn của từ vựng tiếng Việt.
    3. Phạm vi nghiên cứu
    Do khả năng và thời gian không cho phép tìm hiểu mọi thành phần từ vựng có mặt trong Việt Nam Tự Điển, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu từ vựng tiếng Việt theo cấu trúc của đơn vị từ vựng, theo nguồn gốc và phạm vi sử dụng. Như vậy, chúng tôi mới chỉ khảo sát và miêu tả được một bộ số bình diện của từ vựng trong Việt Nam Tự Điển, chứ chưa miêu tả được tất cả các mặt của nó.
    4. Bố cục của khóa luận
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung của khóa luận gồm 3 chương sau:
    Chương I: Cơ sở lý luận và phương pháp làm việc
    Chương II: Nghiên cứu từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển theo cấu trúc của đơn vị từ vựng
    Chương III: Nghiên cứu từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển theo nguồn gốc và phạm vi sử dụng
    Phần phụ lục của khoá luận sẽ đưa ra một số thống kê mà chúng tôi thấy cần thiết.
     
Đang tải...