Thạc Sĩ Tư tưởng trị nước thời Lê Sơ và ý nghĩa lịch sử của nó

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 25/8/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Tư tưởng về đường lối trị nước, hay còn gọi là tư tưởng trị nước là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Mặt khác, nó đóng vai trò chỉ đạo thực hiện các chủ trương quản lý xã hội, quản lý nhà nước về mọi mặt đời sống xã hội của một thể chế chính trị nhất định. Nghiên cứu tư tưởng trị nước, theo chúng tôi, xuất phát từ hai yêu cầu cơ bản sau đây:
    Thứ nhất, yêu cầu về mặt lý luận, coi tư tưởng trị nước là sự phản ánh ý chí, chủ trương của các triều đại phong kiến trong lịch sử, đồng thời quyết định sự tồn vong của mỗi triều đại. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng trị nước được hình thành và phát triển cùng với sự thiết lập và hoàn thiện của bộ máy nhà nước phong kiến. Ngoài sự phái sinh từ tồn tại xã hội, sự phản tư triết học với tư cách ý thức xã hội bao giờ cũng có tính độc lập tương đối, tính vượt trước, nhờ đó mà thể chế chính trị xác định đường lối phát triển đất nước trong các thời đoạn tiếp theo. Mặt khác, tư tưởng trị nước cũng có thể được kế thừa biện chứng từ các học thuyết chính trị - xã hội vốn có từ trước trong lịch sử, từng là công cụ hệ tư tưởng của nhiều triều đại phong kiến. Chính vì vậy nghiên cứu tư tưởng trị nước trong một giai đoạn cụ thể không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử hào hùng đó của dân tộc mà còn thấy được ở đó tư tưởng của các giai đoạn trước đó.
    Nhờ có sự kế thừa những hạt nhân hợp lý, đồng thời tích hợp các hạt nhân đó từ một số học thuyết mà nhà Lê Sơ đã hình thành nên đường lối trị nước khá phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của một đất nước vừa mới được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của nhà Minh suốt hơn 20 năm, với những nhiệm vụ vô cùng cấp bách trong việc xây dựng vương triều cũng như khôi phục và phát triển đất nước. Những thành tựu mà nhà Lê Sơ đã đạt được về các mặt chính trị, văn hóa, giáo dục và kinh tế là nhờ đường lối trị nước dựa trên sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị. Đường lối trị nước đó chính là kho tàng lý luận vô cùng quý báu của dân tộc ta, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được khai thác triệt để. Mặt khác những kết quả nghiên cứu sẽ là luận cứ khoa học đóng góp vào lĩnh vực khoa học xã hội nói chung và lĩnh vực lịch sử tư tưởng nói riêng.
    Thứ hai, yêu cầu về mặt thực tiễn từ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta hiện nay. Đó là làm thế nào để xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh". Nghiên cứu tư tưởng về đường lối trị nước trong lịch sử theo tinh thần "ôn cố nhi tri tân" để rút ra những bài học cụ thể cho sự nghiệp to lớn đó của đất nước, tức là làm rõ không chỉ những giá trị mang tính trường tồn và phổ biến từ các học thuyết chính trị - xã hội, mà cả những hạn chế cần phải khắc phục, theo chúng tôi, rõ ràng là có ý nghĩa cấp thiết.
    Chúng ta đang xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vốn chưa có tiền lệ trong lịch sử, thì việc đánh giá lại những kinh nghiệm trị nước, cách thức tổ chức và quản lý xã hội để khắc phục những hạn chế và tiếp thu những kinh nghiệm tiến bộ của cha ông là việc làm cần thiết. Việc làm sao để hiện thực hóa được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh" tránh được các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước luôn là vấn đề quan tâm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà là của tất cả những ai có ý thức trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Ở Trung Quốc cũng có những vấn đề tương tự được đề cập trong tài liệu "25 vấn đề lý luận cán bộ và quần chúng quan tâm" do Cục Lý luận Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản gần đây có hai vấn đề liên quan trực tiếp đến biện pháp lãnh đạo và quản lý xã hội là: "Trị quốc theo pháp luật, xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa" (vấn đề thứ 12) và "kết hợp trị quốc theo pháp luật với trị quốc bằng đạo đức" (vấn đề thứ 13). Trong đó các nhà nghiên cứu không quên nhắc lại tư tưởng của các triết gia Trung Quốc như Khổng Tử, Quản Trọng, Hàn Phi về tư tưởng trị nước, trong đó "chủ trương của Khổng Tử đã gợi mở cho chúng ta rằng tự giác đạo đức và ràng buộc pháp luật liên hệ với nhau, là điều không thể thiếu trong quá trình trị quốc" [xem:15, tr. 148]. Về vấn đề này Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín khóa IX của Đảng ta cũng đã chỉ ra:
    Điều làm cho nhân dân còn bất bình và lo lắng nhiều là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân, suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến. Thực trạng trên đây cùng với tình trạng buông lỏng kiểm tra đánh giá là điều bức xúc nhất hiện nay và đang hạn chế việc phát huy những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được [31, tr. 72].
    Có thể nói, đó là những vấn đề muôn thuở của chính trị học mà việc giải quyết nó không thể thiếu kinh nghiệm lịch sử mà thời Lê Sơ đã để lại cho chúng ta ngày nay. Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, chúng tôi lựa chọn đề tài "Tư tưởng trị nước thời Lê Sơ và ý nghĩa lịch sử của nó" với hy vọng góp phần nhỏ bé của mình vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam cũng như sự nghiệp đổi mới về mọi mặt đời sống chính trị - xã hội của đất nước ta hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
    * Mục đích:
    Luận án trình bày những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành và nội dung cơ bản của tư tưởng trị nước thời Lê Sơ, trên cơ sở đó chỉ ra những giá trị và bài học lịch sử của tư tưởng đó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
    * Nhiệm vụ:
    Để đạt được mục đích nói trên, luận án cần giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
    Một là, trình bày một cách khái quát và có hệ thống các điều kiện, tiền đề cho sự hình thành và thực hiện tư tưởng trị nước của thời Lê Sơ.
    Hai là, làm rõ nội dung và thực chất của tư tưởng trị nước thời Lê Sơ, sự cụ thể hóa tư tưởng đó trong đời sống hiện thực của xã hội, từ đó đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của nó.
    Ba là, làm rõ vai trò và rút ra những bài học lịch sử của tư tưởng trị nước thời Lê Sơ đối với việc lãnh đạo và quản lý đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
    3. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
    * Cơ sở lý luận:
    Để xác định đúng những giá trị và hạn chế của tư tưởng trị nước trong các triều đại phong kiến, đồng thời khẳng định những giá trị có thể kế thừa vận dụng vào quản lý xã hội hiện đại, trong việc nghiên cứu tư tưởng trị nước thời Lê Sơ, luận án xuất phát từ quan niệm duy vật về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội biểu hiện qua sự tác động tích cực của nó đối với tồn tại xã hội và sự tương tác giữa các hình thái ý thức xã hội làm cơ sở lý luận chủ yếu. Ngoài ra, chúng tôi có dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để đánh giá về tính hạn chế và tích cực của tư tưởng trị nước thời Lê Sơ làm cơ sở để rút ra ý nghĩa và bài học lịch sử từ tư tưởng trị nước thời này.
    * Phương pháp nghiên cứu:
    Để thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng các phương pháp của lịch sử triết học mácxít, chủ yếu là phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, thống nhất giữa tính lịch sử cụ thể và lôgíc, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
    * Đối tượng nghiên cứu:
    Tư tưởng về đường lối trị nước của triều đại Lê Sơ (1428 - 1527) và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng đó đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
    * Phạm vi nghiên cứu:
    Luận án khảo cứu tư tưởng trị nước trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam thông qua các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần; đồng thời đối chiếu, so sánh tư tưởng trị nước của các triều đại đó với triều đại Lê Sơ. Trên cơ sở đó, bước đầu đưa ra những đánh giá khái quát những mặt tích cực và hạn chế của tư tưởng trị nước thời Lê Sơ, chỉ ra những bài học lịch sử hữu ích có thể kế thừa, vận dụng trong công tác quản lý xã hội, quản lý đất nước ta giai đoạn hiện nay.
    5. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
    Luận án là công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, trình bày một cách hệ thống và phân tích chuyên sâu tư tưởng trị nước của triều đại Lê Sơ dưới góc độ lịch sử tư tưởng triết học. Cụ thể luận án có những điểm mới sau:
    - Luận án khẳng định những tư tưởng, quan điểm và cách lựa chọn đường lối trị nước của triều đại Lê Sơ (1428 - 1527) là sản phẩm nảy sinh từ tồn tại xã hội hiện thực của thế kỷ XV - XVI, trên cơ sở có sự kế thừa những học thuyết, quan điểm trị nước của Trung Hoa và các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó.
    - Luận án hệ thống hóa và phân tích những quan điểm trị nước cũng như cách thức trị nước của triều đại Lê Sơ để khẳng định tính qui định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, cụ thể là tính tất yếu của đường lối cai trị dựa trên sự kết hợp đức trị với pháp trị đương thời.
    - Luận án chỉ ra những giá trị tích cực và hạn chế trong tư tưởng trị nước của triều đại Lê Sơ, đồng thời rút ra những bài học lịch sử về chính sách an dân bằng đề cao nhân nghĩa, trọng dân; trị nước bằng sự kết hợp đức trị với pháp trị nhưng không kém phần nhân bản, nhân văn; bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ v.v . đối với việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
    * Về mặt lý luận:
    Luận án là công trình có ý nghĩa trong việc hệ thống hóa các quan điểm trị nước của các học thuyết trong lịch sử phong kiến Trung Hoa và Việt Nam; làm rõ sự phát triển của tư tưởng trị nước trong chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và của triều đại Lê Sơ nói riêng; bước đầu đánh giá những mặt hạn chế và tích cực của tư tưởng trị nước trong giai đoạn này. Kết quả nghiên cứu của luận án là sự đóng góp cho kiến thức lý luận về lịch sử, lịch sử tư tưởng, tư tưởng chính trị và quản lý xã hội, góp thêm luận cứ khoa học cho thực tiễn quản lý xã hội ở nước ta hiện nay cũng như cho sự phát triển của khoa học lịch sử tư tưởng ở Việt Nam.
    * Về mặt thực tiễn:
    Luận án có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam cũng như cho các đối tượng làm công tác quản lý xã hội muốn tìm hiểu kinh nghiệm trị nước trong lịch sử.
    7. Kết cấu của luận án
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 4 chương, 13 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...