Sách Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Sách Chính Trị' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" 13:05 | 26/05/2009

    (ĐCSVN) - Để giúp bạn đọc có cái nhìn về tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên đã cho ra đời cuốn sách “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.

    Nội dung chủ yếu của cuốn sách là sự kết hợp những vấn đề lý luận với thực tiễn trong công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế của Hồ Chí Minh.

    Cuốn sách được chia làm bốn chương:

    Chương I: Nguồn gốc và quá trình hình thành tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

    Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trên nền tảng ấy, với những phẩm chất và trí tuệ được hình thành từ thời thơ ấu, tôi luyện trong quá trình lao động, học tập, tranh đấu qua các chặng đường tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, đã hình thành nên nhân cách ngoại giao – văn hoá Hồ Chí Minh. Các tố chất căn bản đó đã được phát huy cao độ nhờ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận mácxit.

    Ngoại giao truyền thống Việt Nam là nền ngoại giao có bản sắc. Đó là những đặc trưng ổn định và bền vững, có nguồn gốc xuất xứ từ bản sắc dân tộc và văn hoá dân tộc Việt Nam, đồng thời là kết quả của hoạt động giao lưu quốc tế của Đại Việt với các nước láng giềng, của quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc và phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, phát triển quốc gia – dân tộc. Đực trưng của ngoại giao truyền thống Việt Nam là hoà hiếu, nhu viễn, trong đế ngoài vương, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc .

    Chương II: Những nội dung chủ yếu

    Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là hệ thống những nguyên lý, quan điểm, quan niệm về các vấn đề thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Tư tưởng này còn thể hiện trong hoạt động đối ngoại thực tiễn của Hồ Chí Minh và của Đảng, nhà nước Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là vấn đề mang tính thời đại, một luận điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này tổng hợp những quan điểm chiến lược có ý nghĩa chỉ đạo đối với lý luận, nhận thức và hoạt động thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Nó là cốt lõi của các nội dung khác của tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường giải phóng đúng đắn phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam và xu thế thời đại.

    Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến vấn đề độc lập tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; hoà bình và chống chiến tranh xâm lược .Đặc biệt Hồ Chí Minh coi ngoại giao là một mặt trận, là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập. Vì vậy trong quá trình đấu tranh với đế quốc, Người kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền độc lập tự chủ về ngoại giao .

    Bước sang thời kỳ hiện đại, hoạt động ngoại giao của Việt Nam có sự hiện diện của nhân dân trong nước và nhân dân thế giới. Ngoại giao cũng không còn là công việc của riêng các nhà ngoại giao chuyên nghiệp mà đã có sự tham gia của các cơ quan ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, Quốc hội, các ngành, các cấp của tổ chức chính trị, xã hội trung ương và địa phương .

    Chương III: Phương pháp, phong cách và nghệ thuật

    Theo Lênin, chính trị vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Vì vậy, chỉ có phương pháp đúng đắn mới có thể thực hiện thành công các mục tiêu chính trị. Trong lĩnh vực ngoại giao, phương pháp, phong cách và nghệ thuật của Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng của Người, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra.

    Cách nghĩ, cách đi tìm đường cứu nước, cách học tập, cách sống và hoạt động cách mạng, cách lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh rất tinh tế, thể hiện cả lòng yêu nước và yêu thương con người, trí tuệ và bản lĩnh, tình cảm và lý trí, tài năng và ý chí tôi luyện. Trải qua quá trình lịch sử, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển, nâng phong cách ngoại giao truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại, làm vẻ vang non sông đất nước. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở truyền thống thì chưa đủ để giải quyết các mối quan hệ phức tạp, đa phương, đa tầng trong thời kỳ hiện đại. Chính phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên những thành công rực rỡ về đối ngoại của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Phong cách đó bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử trong đối ngoại.

    Phương pháp và phong cách của Hồ Chí Minh trong hoạt động ngoại giao liên quan chặt chẽ với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng chỉ đạo hành động, còn phương pháp và phong cách ngoại giao nhằm biến tư tưởng, đường lối, chính sách đối ngoại thành hiện thực và hiệu quả.

    Trong hoạt động chính trị, ngoại giao là một "nghệ thuật của các khả năng ". Trong chương này, tác giả để cập tới nghệ thuật ngoại giao chính là phương pháp và phương cách vận dụng chiến lược, sách lược đối ngoại một cách nhạy bén, uyển chuyển và sáng tạo, đạt được hiệu quả có lợi nhất trên cơ sở tương quan lực lượng và điều kiện cụ thể tại những thời điểm lịch sử nhất định .

    Chương IV: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh

    Chương này, tác giả nêu lên một số suy nghĩ và ý kiến của mình về việc vận dụng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới và sự cần thiết phải từng bước tiến tới xây dựng một hệ thống lý luận ngoại giao và trường phái ngoại giao Việt Nam đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đối ngoại ngày càng cao cuả đất nước.

    Nhân dân ta đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới còn nhiều đổi thay nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi và tiếp tục là ánh sáng soi đường cho nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đậm đà tính nhân văn, bản sắc dân tộc và tình hữu nghị với nhân dân thế giới. Đó là mục tiêu cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đồng thời là hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

    Các từ khóa theo tin:
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...