Tiểu Luận tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước

Thảo luận trong 'TT Hồ Chí Minh' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ BÀI



    Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước nói chung và về quyền làm chủ của nhân dân nói riêng là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử, là kết quả của sự kết hợp giữa tư tưởng thân dân truyền thống ở phương Đông và quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng trong học thuyết Mác- Lênin. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý luận và thực tiễn – Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng dân chủ lên một tầm cao mới vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng ta sẽ cùng nhau đi nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước để từ đó đặt nền móng cho việc xây dựng một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc: nhà nước của dân, do dân và vì dân.


    THÂN BÀI



    I/ Cơ sở và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước

    1. Nghiên cứu lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh tiếp thu kinh nghiệm xây dựng nhà nước trong lịch sử Việt Nam

    Có thể nói, tư tưởng xây dựng nhà nước ở Việt Nam đã được phản ánh trong các bộ sử lớn của dân tộc: Đại Việt sử kí toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí trong cả những bộ luật nổi tiếng như Bộ luật Hồng Đức (đời Lê) Hơn thế nữa, trong Quốc sử diễn ca mà Người viết, Người cũng đã đề cập đến các triều đại ở Việt Nam trong lịch sử. Do Việt Nam là một quốc gia hình thành nhà nước từ rất sớm, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cha ông ta đã tích lũy được biết bao kinh nghiệm quý báu về xây dựng nhà nước, cũng như khái niệm trị nước. Đặc biệt, những yếu tố tiếp thu được của nhà nước, nhân dân thời kì phong kiến hưng thịnh trong lịch sử dân tộc có giá trị trường tồn, đó là những hành trang đầu tiên mà Hồ Chí Minh mang theo trên con đường cứu nước và tìm kiếm một mô hình nhà nước tiến bộ cho đất nước ta.

    2. Hồ Chí Minh nghiên cứu các kiểu nhà nước trong lịch sử

    Từ cuối thế kỉ XIX, Việt Nam và nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới đã trở thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa bằng việc vạch trần bản chất vô nhân đạo, của cái gọi là “công lý” mà thực dân đế quốc thi hành ở các xứ “bảo hộ”. Toàn bộ các bản chất thực sự của nhà nước thực dân đế quốc được Hồ Chí Minh bóc trần và lên án gay gắt, đó là hình thức nhà nước cần phải bị lật đổ. Nhưng lật đổ nhà nước đó bằng cách nào và lấy gì để thay thế nó? Câu hỏi đó đã thôi thúc Người đi tìm hiểu, khảo sát mô hình nhà nước trên thế giới để lựa chọn cho Việt Nam một kiểu nhà nước mới.

    Trên hành trình cứu nước, Người đã khảo sát mô hình nhà nước tư sản ở Mỹ, Pháp, Anh. Người nhận rõ, đằng sau những lời lẽ hoa mỹ “quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776 là sự bất bình đẳng, nghèo đói, nạn phân biệt chủng tộc và biết bao sự tàn bạo, bất công khác nhất là đối với người da đen. Người không bị cái vẻ hào nhoáng bề ngoài của các cuộc tư sản đánh lừa. Người thấy rõ cách mạng tư sản là cách mạng không “đến nơi, đến chốn”, tiếng là cộng hòa dân chủ, kì thực ở trong là bóc lột công nông, ở ngoài thì áp bức thuộc địa. Chính quyền vẫn nằm trong tay một số ít người_một xã hội bất bình đẳng.

    Một mô hình nhà nước mà Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao đó là mô hình nhà nước Xô Viết. Người gọi nhà nước Xô Viết là kết quả của cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Đó là một cuộc cách mạng “đến nơi” đã “phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, ra sức tổ chức kinh tế mới ”.

    Hơn thế nữa, Người còn nghiên cứu vấn đề nhà nước trong chủ nghĩa Mác – LêNin về vấn đề nhà nước, bản chất của nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa.

    Như vậy, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước kiểu mới, một nhà nước của dân, do dân và vì dân là sự phát triển qua từng nấc thang nhận thức, là kết quả của một quá trình khảo nghiệm, tìm tòi trong hơn ba mươi năm hoạt động cách mạng trên thế giới.

    II/ Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước

    1. Sự lựa chọn mô hình nhà nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam

    Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã khảo sát toàn bộ mô hình nhà nước trong lịch sử nhân loại, từ nhà nước chủ nô đến nhà nước phong kiến, rồi đến nhà nước tư sản. Theo Người, tất cả các kiểu nhà nước đó đều được dựng lên từ “những cuộc cách mạng chưa đến nơi” vì cách mạng rồi mà quyền vẫn ở trong tay một bọn ít người, dân chúng vẫn bị áp bức, bóc lột, trong xã hội vẫn còn bất bình đẳng, bất công, nghèo đói và phân biệt đối xử. Thậm chí trong tuyên ngôn của các nhà tư sản, các khái niệm: tự do, bình đẳng, bác ái đã được ghi một cách trang trọng, song chỉ là những lời hoa mỹ. Đằng sau những lời hoa mỹ ấy là một hiện thực xã hội bất bình đẳng, bất công và nghèo đói.

    Năm 1911 Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy con đường cách mạng vô sản. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng lựa chọn xây dựng một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, khác về bản chất so với nhà nước thực dân phong kiến. Người đã cho rằng, sau khi cách mạng thành công, phải lập một chính quyền của số đông người, vì Người nhận thức rõ rằng, tất cả các chính quyền nhà nước trước cách mạng vô sản đều chỉ là chính quyền của một số ít người, đó là chính quyền của giai cấp bóc lột. Vì thế, Hồ Chí Minh trong cuốn “Đường cách mệnh” đã viết: “Chúng ta đã hi sinh làm cách mạng, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người”.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước kiểu mới từng bước được hình thành và phù hợp với những giai đoạn phát triển khác nhau của cách mạng Việt Nam. Điều đó, chứng tỏ ở Người có một sự nhạy cảm chính trị cao độ. Từ năm 1919, trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, Hồ Chí Minh đã đề nghị “thay chế dộ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Chế dộ cai trị bằng cách đạo luật đã phản ánh trong tư tưởng về một hình thức nhà nước dân chủ của Hồ Chí Minh.

    Một bước tiến trong nhận thức của Hồ Chí Minh về lựa chọn kiểu nhà nước “nhà nước công nông binh”. Trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” tháng 2 năm 1930, khi đề cập đến phương diện chính trị Hồ Chí Minh viết: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập và dựng ra chính phủ công nông binh”. Thực chất, đây là kiểu nhà nước Xô Viết mà Hồ Chí Minh đánh giá rất cao, Người viết: “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Trong tư tưởng của Người, mô hình nhà nước Xô Viết công nông binh trong tương lai sẽ được áp dụng ở Việt Nam.

    Sống trong phong trào cách mạng thế giới, lại là người thường xuyên quan sát, đúc rút kinh nghiệm và luôn coi trọng đạo đức, bối cảnh của Việt Nam nên Hồ Chí Minh đã chuyển sang nhận thức mới: xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân. Tư tưởng này cũng được phản ánh tại Nghị quyết của Hội nghị trung ương 8 (5/1941), trong Chương trình Việt Minh, về vấn đề chính quyền, Hồ Chí Minh chỉ rõ: trong tình hình hiện tại, không nên nói công nông binh liên hiệp và lập chính quyền Xô Viết vì nếu vẫn giữ quan điểm lập Xô Viết công nông binh thì không thể đoàn kết được mọi lực lượng dân tộc. Trên thực tế, công và binh đều từ nhân dân mà ra và còn mang nặng đặc điểm tiểu nông. Do vậy, “Sau khi đánh đuổi được đế quốc phátxít Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do quốc dân đại hội cử lên ”

    Tháng 10 năm 1944, trước tình thế khẩn trương của cách mạng, Hồ Chí Minh nhận thấy: trước hết cần phải có một chính phủ đại biểu cho sự chân thành và đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân, gồm tất cả các đảng phái cách mệnh, các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra – đó là Nhà nước đại đoàn kết toàn dân. “Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và uyi tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”. Từ hình thức nhà nước công nông binh chuyển sang hình thức nhà nước đại biểu cho khối đoàn kết của toàn thể quốc dân là một bước chuyển sáng suốt của Hồ Chí Minh, phán ánh được nét đặc thù của thực tiễn dân tộc và phù hợp với sự chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam.

    Sau cách mạng tháng tám năm 1945, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khi các thành viên chính phủ là đại biểu Quốc dân Đảng và các đảng phái khác đã không có khả năng đảm đương những nhiệm vụ lịch sử của dân tộc, lần lượt bỏ chạy khỏi những vị trí được dân tộc trao cho, trốn ra nước ngoài, thì hình thức nhà nước được Hồ Chí Minh lựa chọn cho cách mạng Việt Nam là Nhà nước Dân chủ nhân dân. Với nhiệm vụ lịch sử là đưa nước nhà đến độc lập và chủ nghĩa xã hội. Đó là chính quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Thông qua việc tiếp xúc với chủ nghĩa Mác – LêNin Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt trong việc lựa chọn mô hình nhà nước phù hợp với thực tiễn cách mạng ở Việt Nam. Trải qua các giai đoạn phát triển của cách mạng với các hình thức nhà nước, từ nhà nước dân chủ đến nhà nước Xô Viết công nông binh, nhà nước đại đoàn kết toàn dân và cuối cùng là nhà nước dân chủ nhân dân_ đây là hình thức nhà nước phù hợp với giai đoạn đầu của thực tiễn cách mạng nước ta.

    2. Quan niệm về làm chủ trong nhà nước kiểu mới của Hồ Chí Minh

    a) Quan niệm của Hồ Chí Minh về “dân chủ”

    Thứ nhất, Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ là gì?

    Nhân dân là lực lượng xây dựng đất nước, là lực lượng hợp thành nuôi dưỡng, bảo vệ các tổ chức chính trị. Do đó, Hồ Chí Minh đã viết: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. “Dân chủ” là một phạm trù chính trị - xã hội rộng lớn, trong nhà nước dân chủ, Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. “Là chủ”- điều đó cho thấy nhân dân trở thành chủ nhân thực sự của đất nước, chủ thể xã hội. Trong xã hội, địa vị cao nhất là nhân dân.

    Và vì sao nhân dân lại có quyền hạn to lớn đến như vậy? Người đã giải thích như sau:

    +) Dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra để bảo vệ, do vậy dân là chủ đất nước.

    +) Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những con người ưu tú nhất, lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ Đảng. Dân như nước, cán bộ như cá. Cá không thể sinh tồn hay phát triển được nếu như không có nước. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Do vậy, nếu không có dân, sự tồn tại của Đảng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ và các quần chúng cũng vậy.

    Chính vì thế, quan niệm của Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tất cả các nhà tư tưởng tiền bối và nâng người dân từ vị trí thần dân không chỉ lên địa vị công dân, mà còn lên địa vị chủ nhân của đất nước, của xã hội.

    Thứ hai, quan niệm về “Làm chủ” ở đây vừa thể hiện quyền làm chủ của xã hội , vừa thể hiện bổn phận và trách nhiệm của chủ thể ấy. Người nói: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân ”. Như V.I.Lênin đã nói: “Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động”. Muốn tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân thấm nhuần về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, để nhân dân thực hiện tốt, thì phải tạo điều kiện cho họ học tập, hiểu biết. Chỉ khi có trình độ nhận thức nhất định, nhân dân mới “biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”, “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân .”. Tức là, phải làm cho dân hiểu được chống tham nhũng vừa là nhiệm vụ, lại vừa là hành động bảo vệ quyền lợi của chính mình, khi đó lực lượng nhân dân sẽ trở thành lực lượng xung kích, đi đầu trên trận tuyến “chống giặc nội xâm”. Điều quan trọng ở đây là làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nghĩ, dám nói, dám làm.

    b) Quan niệm của Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân lao động

    Theo Hồ Chí Minh, nhân dân lao động là chủ thể của xã hội và có quyền làm chủ. Trong chế độ xã hội mới, quyền lực trực tiếp và cao nhất thuộc về nhân dân. Quyền lực đó nảy sinh trên cơ sở và sự liên hợp tự nguyện giữa họ và nằm trong sức mạnh đoàn kết của họ, chứ không do ai ban phát cho. Theo đó, quyền làm chủ luôn thể hiện tính chủ động của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống và vận mệnh của mình. Do đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân không có nghĩa là ban ơn, bao biện, làm thay mà cần phải phát động được sức mạnh của từng cá nhân, của tập thể, của đông đảo quần chúng để làm nên sự nghiệp cách mạng.

    Với tư cách của người chủ, nhân dân lao động cần phải tự giác phát huy tính chủ động sáng tạo và những khả năng sẵn có của mình để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Còn cán bộ Đảng và Nhà nước là những người giúp đỡ, hướng dẫn tạo điều kiện để nhân dân có thể biến những khả năng của mình thành hiện thực.

    Nhân dân không những thực hiện quyền làm chủ của mình đồi với riêng bản thân mỗi cá nhân, mỗi con người mà còn thể hiện quyền làm chủ trong lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa – tư tưởng.

    Thứ nhất, trong lĩnh vực chính trị, nhân dân lao động làm chủ thông qua việc thực hiện các quyền bầu cử, ứng cử và quyền bãi miễn những đại biểu do mình bầu lên không làm tròn trách nhiệm và các quyền tự do, dân chủ khác. Như quyền làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ về thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Họ còn có quyền làm chủ các đoàn thế, các tổ chức chính trị xã hội thông qua bầu cử và bãi miễn. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân với đại biểu của mình”. Điều này, khác hẳn so với các quy định trong Hiến pháp của nhiều nước tư bản. Ở nhiều nước tư bản hiện đại, Hiến pháp quy định nghị sỹ sau khi đã trúng cử, không có trách nhiệm gì trong mối quan hệ với cử tri đã bầu mình ra. Họ chỉ chịu trách nhiệm với cử tri trước khi bầu cử. Còn ở nước ta, trong tư tưởng về xây dựng một nhà nước kiểu mới, Hồ Chí Minh luôn luôn tiến hành tới mối liên hệ về trách nhiệm giữa đại biểu Quốc hội đối với cử tri, đại biểu Quốc hội phải luôn luôn lắng nghe ý kiến của cử tri, tổng hợp, lựa chọn và phản ánh ý kiến cử tri với Quốc hội. Muốn vậy, đại biểu Quốc hội phải luôn luôn gần dân, nắm được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

    Thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế, nhân dân lao động có quyền làm chủ các tư liệu sản xuất chủ yếu, làm chủ việc quản lý, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm.

    Thứ ba, trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là như thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi, cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Để chiến thắng các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng- văn hoá, hơn lúc nào hết và trước hết phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đó là việc làm sống còn để không chỉ giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, để đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã dạy, mà còn tạo nên động lực của mọi động lực đưa đất nước cập bến mục tiêu do Đảng đã đề ra. Làm theo và thực hiện thành công tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là chúng ta đã tìm ra đáp số cho bài toán vĩ đại đó.

    Khái niệm “Làm chủ” còn bao hàm cả mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Mối quan hệ đó thể hiện trên hai nguyên tắc: “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” và “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới đã đặt nền móng trong lịch sử dân tộc về xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định rất rõ phương hướng đổi mới nhà nước hiện nay, đó là: Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phải phát huy được trí tuệ, sức mạnh của từng cá nhân, của tập thể và đông đảo cán bộ và nhân dân để làm nên sự nghiệp cách mạng.


    KẾT BÀI


    Hồ Chí Minh là một chính trị gia, một kiến trúc sư tài ba trong việc xây dựng một nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, là một nhà văn hóa kiệt xuất, Người đặt toàn bộ sự nghiệp xây dựng nhà nước ở một tầm văn hóa văn hóa mới. Chính vì vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước góp phần chỉ đạo sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...