Luận Văn Từ những bài văn hay của học sinh lớp 4, 5, tìm hiểu năng lực văn của học sinh Tiểu học

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mục lục

    Phần mở đầu 1
    1. Lí do chọn đề tài 1
    2. Lịch sử vấn đề 3
    3. Mục đích nghiên cứu 6
    4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu 6
    5. Nhiệm vụ nghiên cứu 7
    6. Phương pháp nghiên cứu 7
    8. Cấu trúc của khóa luận 8
    Phần nội dung 9
    Chương 1: Cơ sở lý luận 9
    1.1. Năng lực người 9
    1.2. Năng lực văn 11
    1.3. Khái niệm văn miêu tả và đặc trưng của văn bản miêu tả 14
    Chương 2: Khảo sát một số bài văn hay của học sinh lớp 4, 5, Từ đó đánh giá năng lực văn của học sinh tiểu học 18
    2.1. Khảo sát 18
    2.2. Đánh giá 42
    Chương 3: Biện pháp nâng cao năng lực làm bài văn miêu tả cho học sinh tiểu học 47
    3.1. Khắc phục tình trạng học sinh không có ý thức học tập tốt 47
    3.2. Trong quá trình dạy Luyện từ và câu, giáo viên chú ý cung cấp vốn từ, mở rộng vốn từ cho học sinh 47
    3.3. Những việc làm của giáo viên giúp học sinh viết được bài văn có sức hấp dẫn, tư duy sáng tạo và mang màu sắc cá nhân 47
    3.4. Đọc tài liệu tham khảo có liên quan đến phân môn Tập làm văn 74
    Kết luận 75
    Phụ lục 77
    Tài liệu tham khảo 87
    Phần mở đầu
    1. Lí do chọn đề tài
    Môn Tiếng Việt nhằm cung cấp cho học sinh những kĩ năng sử dụng tiếng Việt và qua đó các em nắm bắt được những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ tiếng Việt. Điều học sinh Tiểu học thấy khó nhất là làm cách nào có thể cảm nhận được đoạn văn, đoạn thơ, nhận ra cái hay, cái đẹp trong đoạn văn, đoạn thơ và làm thế nào để có thể viết được một bài văn hay. Thực tế cho thấy, cảm thụ được cái hay của đoạn văn, đoạn thơ, viết được bài văn hay không phải là việc mà học sinh không thể làm được. Điều quan trọng là các em cần biết mình nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu làm việc ấy như thế nào; các em cần phải chuẩn bị làm những gì để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của một đoạn văn, đoạn thơ, để viết được một bài văn hay.
    Tập làm văn là phân môn đòi hỏi ở người học khả năng tổng hợp và sử dụng được kiến thức học trong nhà trường, kiến thức trong cuộc sống một cách linh hoạt; biết sáng tạo trong tạo lập văn bản và thường in đậm dấu ấn cá nhân. Bài văn (văn bản) có thể coi là một trong những sản phẩm làm căn cứ đánh giá kết quả học tiếng Việt của học sinh. Một bài văn hay sẽ làm thước đo năng lực về văn học - tiếng Việt, vốn sống, vốn hiểu biết, năng lực tư duy, kỹ năng tạo lập văn bản của học sinh.
    Chương trình Tập làm văn lớp 4, 5 có nhiều loại như: Miêu tả, kể chuyện, viết thư, . trong đó văn miêu tả là khó nhất. Nó có tính chất thực hành, toàn diện, tổng hợp và sáng tạo. Nó là kết quả, là thành tựu của nhiều phân môn Tiếng Việt, do đó nó huy động vốn kiến thức nhiều mặt, sử dụng nhiều loại kỹ năng để sản sinh văn bản.
    Văn miêu tả được dạy cho học sinh Tiểu học vì nó phù hợp với đặc điểm tâm lí trẻ thơ: ưa quan sát, thích nhận xét, sự nhận xét thiên nhiên về cảm tính . Văn miêu tả góp phần bồi dưỡng và phát triển tâm hồn các em, tăng cường mối quan tâm của các em với thiên nhiên, khêu gợi ở các em lòng yêu cái đẹp, khả năng phát triển ngôn ngữ, khả năng sáng tạo. Thực tiễn dạy học cho thấy, học sinh thích học văn miêu tả song chất lượng bài văn của các em chưa cao, năng lực văn của các em còn có hạn.
    Song không phải tất cả học sinh Tiểu học đều không thể viết được bài văn miêu tả hay. Ngược lại đã có rất nhiều bài làm đặc sắc, được đánh giá cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp được tuyển chọn và in trong những cuốn sách tham khảo như: Những bài văn mẫu, Những bài văn chọn lọc, Những bài văn đạt giải Quốc gia cấp Tiểu học, . Đó là những bài văn hoàn chỉnh, mang đậm dấu ấn cá nhân, là tập hợp những cách nhìn nhận của trẻ thơ về thế giới xung quanh - thế giới của thiên nhiên tràn đầy hương sắc và luân chuyển vĩnh hằng, thế giới của những con người thương mến với những sinh hoạt gần gũi và bình dị trong cuộc sống hằng ngày. Các em đã khám phá thế giới ấy bằng con mắt non tơ, bỡ ngỡ và kì thú và đã để lại cho chúng ta bằng những giọng điệu trìu mến đầy cảm xúc. Những bức tranh miêu tả thiên nhiên và con người của các em thường êm dịu và thơ mộng. Đôi lúc với trí tưởng tượng thơ ngây và phong phú các em đã làm cho những bức tranh miêu tả của mình có những nét gần gũi với tư duy cổ tích, tư duy huyền thoại. Vạn vật chợt bừng lên rực rỡ trong mối giao cảm giữa chúng với nhau và giữa chúng với con người. Tâm hồn của các em hết sức mẫn cảm với cái đẹp, tinh tế trong cảm nhận và luôn luôn rộng mở. Đọc văn miêu tả của các em, chúng ta có cảm giác thú vị như khi được nhìn qua ống kính vạn hoa. ở đó, những màu sắc, đường nét, hình khối cứ lung linh biến hóa không dứt. ở đó, chúng ta sẽ gặp những sự bất ngờ ngay trong những gì tưởng như đã quá quen thuộc . Để viết được những bài văn như thế, các em phải thực hành, luyện tập thật nhiều.
    Thực tế việc dạy Tập làm văn nói chung và dạy văn miêu tả nói riêng, giáo viên chưa có sự đầu tư công sức tìm tòi, sáng tạo về phương pháp mà chỉ dựa vào giáo trình, hướng dẫn sách giáo khoa nên học sinh không thể viết được một bài văn hay. Vì vậy cần phải tìm ra giải pháp rèn kỹ năng làm văn cho học sinh nhằm nâng cao năng lực văn cho các em và một trong những giải pháp đó là học tập từ những bài văn mẫu, sản phẩm làm văn của chính học sinh. Học tập theo mẫu là phương pháp quen thuộc với học sinh Tiểu học.
    Thực hiện đề tài “Từ những bài văn hay của học sinh lớp 4, 5, tìm hiểu năng lực văn của học sinh Tiểu học”, chúng tôi đi sâu nghiên cứu năng lực văn của học sinh Tiểu học qua những bài văn miêu tả hay của học sinh lớp 4, 5. Trên cơ sở đó giáo viên sẽ xây dựng được hệ thống bài tập và biện pháp nâng cao năng lực văn cho học sinh đồng thời giúp các em có thể học tập được cái hay, cái tốt cũng như biết cách khắc phục những hạn chế trong các bài văn của bạn để từ đó các em có thể tạo được những “sản phẩm” của chính các em do chính các em làm.
    2. Lịch sử vấn đề
    Nói đến “năng lực” chúng ta thường nghĩ đến khái niệm thuộc bộ môn Tâm lý học. ở đây, người viết muốn đề cập bàn tới năng lực văn mà cụ thể hơn là năng lực văn của học sinh Tiểu học thông qua việc khảo sát một số bài văn hay của các em.
    Năng lực văn cùng với hệ thống kỹ năng văn và biện pháp nâng cao năng lực văn cho học sinh đã được một số tác giả đề cập đến trong các cuốn sách, các bài viết của mình. Tác giả Phan Trọng Luận nghiên cứu về “Phương pháp dạy học văn”, khẳng định: “Muốn tăng cường tính thực hành của giờ làm văn, một điều cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định là xác định được hệ thống năng lực và kỹ năng văn học cho học sinh, tương ứng với nó là hệ thống bài tập”. Theo đó, tác giả đã phân chia hệ thống kỹ năng của năng lực văn thành các nhóm (nhóm kỹ năng chiếm lĩnh tác phẩm văn chương, nhóm kỹ năng chiếm lĩnh kiến thức và tác phẩm, nhóm kỹ năng sáng tác). Ông cũng cho rằng: “Năng lực văn và bài tập rèn luyện năng lực văn là vấn đề còn mới mẻ ở nước ta”. Tác giả Đỗ Ngọc Thống trong bài viết “Thế nào là một học sinh giỏi văn” in trong Tạp chí Dạy và học, tháng 1 năm 2006, đã xác lập những tiêu chuẩn để đánh giá năng lực văn của một học sinh giỏi. Ông còn chỉ ra rằng: “Năng lực văn học của học sinh không chỉ thể hiện ở khả năng và trình độ tiếp nhận văn học mà còn bộc lộ ở khả năng sản sinh văn bản. Đó là khả năng biết tạo được một loại văn bản đúng quy cách, đúng yêu cầu văn chương học đường”.
    Có thể khẳng định, các tác giả đó mới chỉ dừng lại ở việc xác định hệ thống kỹ năng văn và đề ra nhiệm vụ phải nâng cao năng lực văn cho học sinh còn nâng cao bằng cách nào thì chưa được xem xét cụ thể. Có chăng cũng chỉ đề cập đến một loại năng lực bộ phận trong hệ thống năng lực tiếp nhận cùng giải pháp để rèn luyện và nâng cao năng lực ấy ví như năng lực cảm thụ văn học chẳng hạn. Đây là trường hợp của tác giả Trần Mạnh Hưởng với cuốn sách “Luyện tập về cảm thụ văn học ở Tiểu học” của mình,
    Cũng quan tâm đến một loại năng lực, một thể loại văn cụ thể, văn miêu tả và phương pháp dạy học văn miêu tả đã được nhiều tác giả quan tâm, nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Trí với cuốn “Văn miêu tả và phương pháp dạy học văn miêu tả ở Tiểu học”, tác giả Đặng Mạnh Thường với cuốn Tập làm văn 4 và Luyện tập làm văn 5 Đó là những cuốn sách có tính chất giáo trình hướng dẫn. Cách thức, phương pháp làm bài văn miêu tả. Đặc biệt trong cuốn Tập làm văn 4 và Luyện tập làm văn 5, tác giả Đỗ Mạnh Thường đã viết rất tỉ mỉ và trình bày rất khoa học về mục đích yêu cầu, hình thức luyện tập, mức độ cần luyện tập, cách hướng dẫn để học sinh làm được bài tập trong sách giáo khoa của từng tiết học trong đó có các tiết học về thể loại văn miêu tả. Ngoài ra tác giả còn mở rộng vấn đề, trình bày thêm về lý thuyết và cách thức giảng dạy. Nó là tài liệu rất bổ ích cho giáo viên, học sinh khi dạy và học phân môn Tap làm văn nói chung và văn miêu tả nói riêng.
    Bên cạnh những cuốn sách mang tính chất giáo trình, hướng dẫn thì một số tác giả quan tâm đến trẻ thơ đã viết những cuốn sách nói về kinh nghiệm viết văn của mình. Tác giả nhắc nhở các em những việc cần làm để viết được bài văn miêu tả hay. Đó là nhà văn Tô Hoài với “Sổ tay viết văn”, nhóm nhà văn Vũ Tú Nam - Phạm Hổ - Bùi Hiển - Nguyễn Quang Sáng với: “Văn miêu tả và kể chuyện”, tác giả Chu Thị Phượng với bài “Để dạy học sinh viết được bài văn hay” - Tạp chí Giáo dục số 159, năm 2004 Những kinh nghiệm ấy quả là vô cùng quý báu để các em có thể viết được bài văn miêu tả hay, trở thành người viết văn miêu tả giỏi. “Miêu tả giỏi là khi đọc những gì chúng ta viết, người đọc như thấy những cái đó hiện ra trước mắt mình: một con người, một con vật, một dòng sông Người đọc còn có thể nghe được cả tiếng nói, tiếng kêu, tiếng nước chảy. Thậm chí còn ngửi thấy được mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi hương hoa hay mùi rêu, mùi ẩm mốc v.v Nhưng đó mới chỉ là miêu tả bên ngoài. Còn có sự miêu tả bên trong nữa, nghĩa là miêu tả về tâm trạng vui, buồn, yêu ghét của con người, con vật và cả cỏ cây nữa” (Văn miêu tả và kể chuyện - Phạm Hổ).
    Cùng với sự phong phú của các loại sách tham khảo dành cho học sinh Tiểu học, đã từ lâu các bài văn hay trong đó có những bài văn miêu tả của học sinh lớp 4, 5 trên khắp mọi miền của đất nước được tuyển chọn từ những bài kiểm tra trên lớp, trên các báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi như: Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong , trong các kì thi học sinh giỏi các cấp, được một số tác giả tập hợp và in thành các cuốn sách với các tên gọi khác nhau đó là: Những bài làm văn mẫu lớp 4, Những bài văn mẫu lớp 5, 162 bài văn chọn lọc lớp 4, 162 bài văn chọn lọc lớp 5, Những bài văn đạt giải Quốc gia cấp Tiểu học, Những cuốn sách này được các em coi thân như “người bạn đồng hành nhỏ” không thể thiếu được trong các giờ học Tập làm văn. Thậm chí, nhiều em “tôn trọng bạn” đến nỗi sẵn sàng học thuộc một bài, một đoạn văn mẫu để sao chép biến thành bài của mình. Với cách làm ấy, các em không quan tâm đến đối tượng miêu tả, không quan sát và không có cảm xúc gì về chúng. Việc áp dụng sai phương pháp chẳng những không phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động chiếm lĩnh tri thức của học sinh mà còn không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở Tiểu học.
    Tóm lại đề tài “Từ những bài văn hay của học sinh lớp 4, 5, tìm hiểu năng lực văn của học sinh Tiểu học”, đi sâu phân tích một số bài văn mẫu của học sinh lớp 4, 5 để đánh giá năng lực văn của các em đồng thời qua đó giúp các em học cái hay, cái tốt, phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ sáng tạo bằng việc khắc phục những hạn chế từ bài làm của bạn, đề xuất một số biện pháp nâng cao năng lực làm bài văn miêu tả cho học sinh là một đề tài có tính chất cụ thể và khá mới mẻ.
    3. Mục đích nghiên cứu
    Việc chọn và nghiên cứu đề tài này nhằm:
    3.1. Giúp giáo viên có những định hướng mới, sáng tạo trong dạy Tập làm văn thông qua các biện pháp nâng cao năng lực làm bài văn miêu tả cho học sinh.
    3.2. Tạo cơ sở để giáo viên có thể xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh.
    3.3. Giúp học sinh có hướng tư duy sáng tạo, viết được những bài văn miêu tả sinh động để các em thấy được làm văn miêu tả không phải là công việc khó khăn mà đó là công việc kích thích trí tưởng tượng của các em phát triển với những khám phá và phát hiện mới mẻ về thế giới xung quanh.
    4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
    4.1 Đối tượng nghiên cứu
    Đề tài có đối tượng nghiên cứu sau:
    a) Những bài văn hay của học sinh được in trong cuốn sách Học văn qua mẫu 5 của các tác giả: Xuân Thị Nguyệt Hà, Phạm Thị Thanh Hà, Lê Ngọc Tường Khanh, Nguyễn Thị Bích, Nxb Hà Nội, năm 2006 và cuốn Những bài văn đạt giải Quốc gia cấp Tiểu học của các tác giả: Tạ Thanh Sơn, TS Nguyễn Trung Kiên, TS Nguyễn Việt Nga, TS Phạm Đức Minh, Nxb Đại học Sư phạm, năm 2006.
    b) Kinh nghiệm và một số biện pháp làm văn miêu tả của các nhà văn và một số tác giả
    4.2. Phạm vi nghiên cứu
    Tập trung vào trình độ của học sinh lớp 4, 5 - Bậc Tiểu học.
    5. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Thực hiện nghiên cứu đề tài “Từ những bài văn hay của học sinh lớp 4, 5, tìm hiểu năng lực văn của học sinh Tiểu học”, tôi giải quyết các nhiệm vụ sau đây:
    Thứ nhất: hệ thống hóa những vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài.
    Thứ hai: xây dựng hệ thống các loại bài tập để rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh.
    6. Phương pháp nghiên cứu
    Khi nghiên cứu đề tài này, tôi đã sử dụng phối hợp các phương pháp sau:
    6.1. Phương pháp tổng hợp lí luận
    6.2. Phương pháp thống kê
    6.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
    7. Đóng góp của của khóa luận
    7.1. Đóng góp về lí luận
    Việc tìm hiểu những bài văn hay của học sinh đã góp phần làm sáng tỏ hơn tiềm năng văn của học sinh Tiểu học. Vì vậy tạo tiền đề cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những giải pháp khoa học để khai thác và phát triển những tiềm năng ấy nhằm nâng cao chất lượng học tập cho các em.
    7.2. Đóng góp về thực tiễn
    - Với giáo viên: Tạo cơ sở để xây dựng hệ thống bài tập rèn kỹ năng cho học sinh một cách hợp lý.
    - Với học sinh: Gây hứng thú học tập cho các em khi học Tập làm văn vì giờ học Tập làm văn không phải là giờ học gò bó nặng nề mà đó là học của sự vui thích, hiểu biết và sáng tạo.
    8. Cấu trúc của khóa luận
    Khoá luận gồm 3 phần: Phần mở đầu, Phần nội dung, Kết luận. Trong đó phần nội dung khoá luận đi vào giải quyết các vấn đề chính sau:
    Chương 1: Cơ sở lý luận
    1.1. Năng lực người
    1.2. Năng lực văn
    1.3. Văn miêu tả và đặc trưng của văn miêu tả
    Chương 2: Khảo sát một số bài văn hay của học sinh lớp 4, 5. Từ đó đánh giá năng lực văn của học sinh Tiểu học
    2.1. Khảo sát
    2.2. Đánh giá
    Chương 3: Biện pháp nâng cao năng lực làm bài văn miêu tả cho học sinh Tiểu học
    3.1. Khắc phục tình trạng học sinh không có ý thức học tập tốt
    3.2. Trong quá trình dạy Luyện từ và câu, giáo viên chú ý cung cấp vốn từ, mở rộng vốn từ cho học sinh
    3.3. Những việc làm của giáo viên giúp học sinh viết được bài văn có sức hấp dẫn, tư duy sáng tạo và mang màu sắc cá nhân
    3.4. Đọc tài liệu tham khảo có liên quan đến phân môn Tập làm văn
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...