Tiến Sĩ Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một trường diễn ngôn

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 1/3/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
    NĂM 2014


    MỤC LỤC
    Trang

    MỞ ĐẦU 1
    1. Lí do chọn đề tài 1
    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2
    3. Phương pháp nghiên cứu 3
    4. Nhiệm vụ và ý nghĩa của luận án 3
    5. Bố cục của luận án 4
    Chương 1. TỔNG QUAN 5
    1.1. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 5
    1.2. Tình hình nghiên cứu diễn ngôn 13
    1.2.1. Trên thế giới 13
    1.2.2. Ở Việt Nam 16
    Chương 2. TRUYỆN NGẮN NHƯ MỘT TRƯỜNG DIỄN NGÔN 23
    2.1. Diễn ngôn và các thẩm quyền diễn ngôn 23
    2.2. Khái niệm trường diễn ngôn 28
    2.3. Trường diễn ngôn truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 32
    2.3.1. Những yếu tố chi phối sự hình thành, vận động của trường diễn ngôn
    truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1975 32
    2.3.2. Các bộ phận tâm và biên trong trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 42

    Chương 3. DIỄN NGÔN TRUNG TÂM TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM 1945 – 1975 54
    3.1. Thẩm quyền sáng tạo 54
    3.1.1. Nguyên tắc truyền bá, nêu gương 54
    3.1.2. Khung truyện định sẵn 60
    3.2. Thẩm quyền của cái được biểu đạt 65
    3.2.1. Thế giới được lưỡng cực hoá 65
    3.2.2. Bức tranh của những chức phận 69
    3.2.3. Không gian cộng đồng và thời gian lịch sử 85
    3.3. Thẩm quyền tiếp nhận 88
    3.3.1. Lớp ngôn từ, lời văn được đại chúng hóa, quân sự - chính trị hóa 88
    3.3.2. Giọng điệu thể hiện lập trường kháng chiến, cách mạng 94

    Chương 4. DIỄN NGÔN NGOẠI BIÊN TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM 1945 – 1975 100
    4.1. Thẩm quyền sáng tạo 100
    4.1.1. Nguyên tắc phản tư với sáng tác tuyên truyền 100
    4.1.2. Vượt khung truyện định sẵn 107
    4.2. Thẩm quyền của cái được biểu đạt 113
    4.2.1. Thế giới được đa diện hóa 113
    4.2.2. Bức tranh cuộc đời muôn mặt 116
    4.2.3. Không gian cá thể và thời gian thế tục 127
    4.3. Thẩm quyền tiếp nhận 131
    4.3.1. Ngôn từ, lời văn ẩn ý, đa nghĩa 131
    4.3.2. Giọng điệu thể hiện ý thức phê phán và tinh thần nhân bản 134

    KẾT LUẬN 146
    CÁC BÀI BÁO ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
    ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151
    THƯ MỤC THAM KHẢO 152
    PHỤ LỤC 162


    MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài

    1.1. Trong những năm 1945 – 1975, cả dân tộc Việt Nam huy động mọi sức mạnh vật chất và tinh thần có thể vào sự nghiệp chống xâm lược, bảo vệ và dựng xây đất nước. Trên mặt trận văn hoá nghệ thuật, truyện ngắn là thể loại xung kích, có nhiều đóng góp, phát triển đều, “ở chặng nào cũng có những truyện hay” [68;134]. Chính vì vậy, từ lâu, truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 đã trở thành đối tượng khảo sát của nhiều công trình phê bình, nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến nay, đối tượng này chủ yếu được nghiên cứu trong phạm vi lời nói nghệ thuật và phần nhiều dựa vào lí thuyết phản ánh. Đó là cách nghiên cứu theo hướng thi pháp lí thuyết, tách thể loại ra khỏi ngữ cảnh văn học cực kì phức tạp làm nên đời sống đích thực của chúng, hướng tới khái quát những đặc điểm chính yếu, tiêu biểu. Các thành tựu nghiên cứu, phê bình mấy chục năm qua về truyện ngắn nói riêng cũng như về văn học 1945 – 1975 nói chung thường tập trung khẳng định tính thống nhất, ít chú ý phân tích, lý giải các phạm vi, yếu tố khác biệt tồn tại, vận động trong chỉnh thể văn học giai đoạn này. Tiếp cận đối tượng theo hướng như vậy tưởng như là đã nghiên cứu triệt để, khó có thể phát hiện thêm điều gì mới về truyện ngắn Việt Nam 30 năm kháng chiến chống xâm lược. Chúng tôi cho rằng nếu vận dụng lí thuyết diễn ngôn, xem xét đối tượng trong sự tồn tại và vận động chỉnh thể, đa chiều, ta có thể nhận thức đầy đủ, đánh giá toàn diện hơn về truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
    1.2. Hướng sự quan tâm đến phương thức ngôn ngữ tạo tác nên hiện thực, ngôn ngữ luận là khuynh hướng lý thuyết ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều ảnh hưởng trong khoa học xã hội hiện đại. Trong ngôn ngữ luận, lí thuyết diễn ngôn là khu vực rất nổi trội.
    Khác với các hướng nghiên cứu văn học theo phản ánh luận, bản thể luận, nghiên cứu văn học từ góc độ lí thuyết diễn ngôn xác định đối tượng tìm hiểu không chỉ là “thế giới nghệ thuật” mà còn là cách thức, mục đích của việc kiến tạo nên thế giới nghệ thuật đó. Tiếp cận văn học từ góc nhìn diễn ngôn không chỉ hướng tới giải đoán ý nghĩa của văn bản được nghiên cứu, mà còn xác định, tái tạo, mô tả những nguyên nhân, điều kiện, quy tắc để tạo ra văn bản và ý nghĩa ấy. Nghiên cứu thể loại văn học như một hình thức diễn ngôn và trong thực tiễn diễn ngôn của nó, khảo sát lời nghệ thuật trên cùng một dãy với các thể loại lời nói ngoài nghệ thuật, nghiên cứu đối tượng trong môi trường đa ngữ theo tinh thần lí thuyết của M. Bakhtin, có thể đem lại cách nhìn và nhận thức mới về những vấn đề tưởng như đã xong xuôi của đời sống văn học, đặc biệt là về thời đại văn học và đặc trưng của thể loại trong tương tác diễn ngôn của thời đại.
    1.3. Nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một trường diễn ngôn là hướng tìm hiểu đặc trưng của thể loại truyện ngắn dưới góc nhìn mới, có thể mang lại sự nhìn nhận và đánh giá toàn diện, khách quan hơn về truyện ngắn dân tộc giai đoạn này. Cùng với điều đó, luận án góp phần làm sáng rõ hơn bản chất của diễn ngôn và diễn ngôn văn học – những vấn đề ngày càng được quan tâm thảo luận, vận dụng trong nghiên cứu văn học tại Việt Nam. Với những ý nghĩa ấy, nghiên cứu đề tài có thể góp thêm một tài liệu tham khảo thiết thực với những người quan tâm đến lý luận, phê bình văn học, những người dạy – học văn học trong nhà trường các cấp.
    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    2.1. Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 với các bộ phận tâm và biên của nó, từ đó xác lập quan niệm và nhận thức về diễn ngôn, trường diễn ngôn văn học, trường diễn ngôn thể loại gắn với lịch sử xã hội.
    2.2. Phạm vi nghiên cứu
    Với đối tượng nghiên cứu được xác định như trên, phạm vi nghiên cứu của luận án bao gồm: cơ sở lí thuyết diễn ngôn đối với nghiên cứu văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng; trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 với các bộ phận cấu thành của nó; các thẩm quyền và chiến lược thực thi thẩm quyền của diễn ngôn trung tâm và diễn ngôn ngoại biên trong truyện ngắn 1945 – 1975.
    Trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù của dân tộc, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 gồm nhiều bộ phận. Làm nên diện mạo chính yếu của văn học dân tộc giai đoạn này là bộ phận văn học cách mạng (văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc; văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954 - 1964). Ngoài ra, còn có các bộ phận văn học trong vùng tạm chiếm những năm 1946 – 1954, văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975 và văn học của người Việt ở nước ngoài. Trong khuôn khổ luận án, ứng với đối tượng và phạm vi nghiên cứu được xác định như trên, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát những truyện ngắn thuộc bộ phận văn học cách mạng giai đoạn 1945 – 1975 bởi chúng cùng nằm trong một trường diễn ngôn (có chung hoàn cảnh lịch sử, xã hội, cùng chịu sự chi phối của một cơ chế quyền lực, có chung môi trường sáng tác, chung đối tượng tiếp nhận, chung điều kiện lưu hành ). Những tác phẩm thuộc bộ phận này có thể khác nhau về quan điểm nghệ thuật, phương pháp sáng tác nhưng chúng có giao tiếp, có quan hệ với nhau. Những truyện ngắn thuộc các bộ phận khác tuy thuộc giai đoạn 1945 – 1975 nhưng không cùng nằm trong một trường diễn ngôn được đặt ra ngoài phạm vi khảo sát của luận án này.
    3. Phương pháp nghiên cứu
    Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài việc kết hợp sử dụng các thao tác chung của nghiên cứu văn học như phân tích, tổng hợp, thống kê, phân loại .v.v, chúng tôi chú ý sử dụng các phương pháp: phương pháp loại hình, phương pháp nghiên cứu liên ngành và phương pháp so sánh.
    - Phương pháp loại hình: Nhận diện, phân loại các hình thái cấu thành trường diễn ngôn truyện ngắn giai đoạn 30 năm chiến tranh trên cơ sở chứng minh các nhóm hiện tượng giống nhau về những phương diện nào đó.
    - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Đặt đối tượng vào môi trường văn hóa mà nó sinh thành, vận động, xác định bối cảnh lịch sử, xã hội, những cơ chế quyền lực cụ thể chi phối chiến lược kiến tạo các loại diễn ngôn trong trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975.
    - Phương pháp so sánh: So sánh các loại hình diễn ngôn thuộc trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 với nhau và với các diễn ngôn văn học khác cùng thời đại để có cái nhìn sáng rõ về đặc thù lịch sử của truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975.
    4. Nhiệm vụ và ý nghĩa của luận án
    4.1. Từ thực tế nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một trường diễn ngôn, luận án xác lập và làm rõ khái niệm trường diễn ngôn văn học, cụ thể ở đây là một trường diễn ngôn thể loại.
    4.2. Chỉ ra tính chất phức tạp trong cấu trúc chỉnh thể của hiện thực truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1975, những tác động của trường tri thức và quyền lực tới sự hình thành các thành phần tạo nên cấu trúc đó cũng như tác động trở lại của các thành phần đó tới đời sống văn hóa, xã hội, chính trị giai đoạn này.
    4.3. Phân tích tổng thể các thẩm quyền, chiến lược thực thi các thẩm quyền của diễn ngôn khu vực trung tâm và khu vực ngoại biên trong trường diễn ngôn truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975, từ đó có cái nhìn toàn diện về truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975.
    5. Bố cục của luận án
    Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, Thư mục tham khảo và Phụ lục, phần Nội dung chính của luận án được triển khai thành 4 chương:
    Chương 1. Tổng quan
    Chương 2. Truyện ngắn như một trường diễn ngôn
    Chương 3. Diễn ngôn trung tâm trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975
    Chương 4. Diễn ngôn ngoại biên trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975
     
Đang tải...