Sách Truyện: Bánh cốm

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Bà Tâm quảy đôi quang gánh đi dọc bờ sông Sài Gòn. Trời có hạt mưa. Bà bước nhanh chân
    tìm chỗ trú. Hai chiếc thúng ở hai bên đầu đòn gánh dập dềnh lên xuống theo nhịp chân tất tả của bà. Mưa Sài Gòn không như mưa miền Trung. Mưa rồi chợt nắng. Hôm nay mưa từng cơn, mưa hoài nên bà bán không được bao nhiêu. Khẽ liếc nhìn đống hàng trên hai mặt thúng bà lẩm nhẩm : Thây kệ ! Đêm nay chịu khó về khuya một chút.
    Bà vào Sài Gòn đã được một tuần. Cả tuần nay bà đi theo người bạn trong phòng trọ để quen dần đường đi nước bước. Họ là người làng cùng ở miền Trung vào, mỗi sáng tập trung lấy hàng một chỗ, một món bánh cốm đặc sản của người Bình Định và chia ra khắp nẻo đường đi bán rong. Tối về cùng ở căn phòng trọ vừa đủ chỗ nằm. Sài Gòn bây giờ đã quen đôi chân của bà. Hôm nay bà tự đi bán một mình, đi chung với nhau bán hàng không chạy lắm. Đi bán một mình bà dễ nhớ đường hơn, cảm thấy thong thả hơn và có dịp nhìn ngắm mọi vật chung quanh. Bà thấy Sài Gòn đẹp quá ! Sài Gòn lớn nhanh từng ngày khác hẳn với ngày xưa . Sài Gòn bây giờ lạ lắm trong con mắt của bà. Mọi thứ hầu như thay đổi. Trong lòng bà cũng rạo rực niềm vui khi nhìn thấy một thành phố vươn mình đổi mới.
    Nhìn đám học sinh đang đi bên đường. Bà chợt nhớ đến con : Thằng Nam không biết giờ này nó đã thuộc đường phố Sài Gòn chưa ?! Nam thi đậu vào Đại học Sư phạm và đã vào nhập học hơn tháng nay. Nó vẫn tưởng giờ này bà vẫn còn ở quê nhà theo đuổi công việc hàng ngày là hết việc đồng áng thì đi làm thuê kiếm sống. Nam không biết rằng : Nếu tiếp tục ở quê nhà, bà không đủ tiền cho nó học đại học. Trước khi nhập học, Nam đã giúp bà làm xong cỏ lúa, mong mẹ ở nhà đỡ vất vả hơn. Làm xong cỏ lúa bà lại nhờ cô em chồng coi ngó ruộng giùm. Trong khi chờ thu hoạch, bà vào Sài Gòn bán hàng rong kiếm thêm tiền cho nó ăn học, với số lúa thu hoạch hằng năm không đủ chu cấp cho Nam. Bà giấu nó để vào đây. Nếu biết bà phải xa làng quê vào đây buôn bán vất vả, nó sẽ nghỉ học. Đó là điều bà không bao giờ muốn. Nam thi đậu vào đại học là niềm sung sướng của bà và cũng là ước nguyện của ông Tâm khi ông còn sống. Hằng đêm, bà van vái ông phù hộ cho con học hành thành tài.
    Thời gian trôi qua thật nhanh ! Thấm thoắt đã ba năm trôi qua. Ba năm nắng mưa, hết việc ruộng đồng bà lại quảy đôi quang gánh trên vai rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn. Đêm về lặng lẽ với manh chiếu trải qua đêm. Vui buồn qua những lá thơ của con gởi về. Nam là nguồn yêu thương và cũng là nguồn sống của bà. Từ khi ông Tâm mất đi bà cứ ngỡ mình không đủ sức nuôi con khôn lớn, thế mà nay nó đã vào đại học. Nhìn con lớn khôn bà thấy sung sướng trong lòng. Nam không biết rằng, những lá thơ của nó viết từ Sài Gòn gởi về cho mẹ ở tận miền Trung xa lắc, lại được chuyển lại vào Nam mới đến tận tay bà. Những lời nhắn kèm theo món tiền nhỏ của bà gởi đến con, lại nhờ một người khác đem đến.
    Trong khi đó, từ chỗ bà ở, bà chỉ mất một ngàn đồng tiền xe buýt nếu bà muốn đến gặp con.
    Ba năm. Bà nhìn con khôn lớn ở mỗi độ xuân về. Mẹ con bà chỉ gặp nhau vào những ngày Tết. Những ngày hè Nam bận làm thêm để chia sớt gánh nặng trên vai mẹ. Dạo này Nam phải đi làm thêm giờ vào ban đêm để có thêm tiền mua sách, mới đây không lâu Nam phải đổi chỗ trọ mới. Vì chỗ cũ chủ nhà đòi tăng tiền nhà. Bà thấy thương con thật nhiều khi biết con vất vả. Có lẽ những món tiền bà gởi cho con không đủ cho nó chi tiêu trang trải trong việc học. Bà buồn lắm ! Thực lòng bà chẳng muốn nó đi làm thêm. Bà bảo nó đừng đi làm thêm, bà sẽ cố gắng lo cho nó. Bà sợ con không có thời gian học hành và nhỡ đau yếu không ai chăm sóc . Không biết nó có nghe lời không?
    Hôm qua nhớ con, bà nhắn người quen đến nói với Nam : bà muốn đến thăm nó vào cuối tháng này nhưng Nam nhắn lại : không muốn mẹ vào Sài Gòn vì sợ bà sẽ đi lạc và đừng lo cho nó, nó vẫn mạnh khoẻ. Nó không biết rằng : có lẽ bà còn thông thạo đường hơn nó. Nén lòng, bà lấy hình ra nhìn con cho đỡ nhớ. Tấm hình chụp cuối năm lớp mười hai, trông nó ốm và cao như cây sậy nhưng nụ cười tươi tắn làm sao !
    Bà Tâm trở vai, quảy đôi quang gánh đi dọc theo hè phố, vừa đi vừa ngẫm nghĩ : Còn một năm nữa thằng Nam ra trường. Bà mong chờ ngày đó đến thật nhanh. Nam viết thư về bày tỏ ý định cho bà biết : Khi ra trường nó sẽ trở về quê nhà và dạy học ở đó. Bà mỉm cười với hạnh phúc nhỏ nhoi vừa len lỏi đến trong lòng. Lúc đó bà cũng sẽ bỏ đôi quang gánh và trở về với quê nhà, ngày ngày vui với ruộng đồng và chờ con đi dạy về bên mâm cơm nóng hổi. Quê bà đẹp lắm ! Ruộng vườn xanh thắm . Hơn ba năm mẹ con không gần gũi với nhau bà thấy thời gian đã dài lắm. Bà đã hy sinh và chịu đựng rất nhiều khi phải dằn lòng không gặp với con, để con yên tâm việc sách đèn. Có những đêm bà đi ngang ngõ nhà con ở trọ nhìn vào, thấp thoáng bóng con đó nhưng không dám gọi, thấy con mạnh khoẻ bà mừng ở trong lòng. Đêm về thương con, thương cả thân mình. Bỗng dưng bà thấy cay cay trong mắt. Phố xá đã lên đèn, người đông hơn, tấp nập hơn. Suốt một dãy phố toàn những cửa hiệu sang trọng, những người ở đây họ không dùng những loại bánh bà đang bán. Hôm nay hàng bán cũng ế. Bà lê đôi chân mỏi nhừ, đôi thùng như nặng hơn thường ngày làm đôi vai bà trễ xuống, bước chân muốn chậm hơn. Mỏi mệt, bà ghé lại ngồi đại bên lề đường, trước một quán ăn. ở đây mọi người vô ra ăn uống, bà nhìn những bước chân nọ nối bước chân kia trong lòng tự hỏi : Sao họ giàu quá và sao mình nghèo quá nhỉ ?! Mình cũng lao động quanh năm suốt tháng sao cuộc sống mình không chút thảnh thơi ? Bà nhẩm tính: Một năm bà phải bán một tấn hai lúa, ngót ngét khoảng một triệu tám đồng đó là tất cả những gì bà làm trong một năm được mùa, để đưa cho con vào dịp đầu năm học, chưa kể những số tiền bà gởi thêm cho con vào những dịp trong năm. Nếu năm nào vụ mùa thất thoát buộc lòng bà phải vay mượn thêm, suy ra người nông dân như bà muốn cho con vào đại học là chuyện rất khó khăn và vất vả. Vì thế thằng Nam phải vừa học vừa đi làm thêm. Bà lắc đầu không muốn nghĩ tiếp nữa. Trong làng có người bảo : con bà trèo cao nhưng bà lại nghĩ khác. Nó nói với bà : Con muốn vươn lên. Phải ! Sống thì phải biết vươn lên ! Vì thế bà không ngại vất vả nuôi con ăn học, bà sẵn sàng hỗ trợ nó hết sức của bà, miễn sao nó biết quyết định đúng hướng cho tương lai của nó.
    Mùi thơm của thức ăn làm bà nôn nao thấy đói bụng. ước gì mình có tiền dẫn thằng Nam vào đây ăn một bữa ! Chắc nó thích lắm. Bà ngậm ngùi . Nếu nó được ăn uống đầy đủ, nó sẽ cao lớn và đẹp trai lắm. Bà lấy một miếng bánh cốm gạo ra ăn cho đỡ đói. ở đây chẳng bán được gì, nãy giờ khách qua lại chỉ tò mò nhìn vào những chiếc bánh cốm nhưng chẳng ai hỏi lấy một câu, mặc dù bà cố chào mời. Uống vội hớp nước bà sắp đặt lại những món hàng bày trên hai mặt thúng cho vừa ý, rồi định bụng đi tiếp. Một giọng nói cất lên:
    - Này bà bán hàng bánh!
    Nghe tiếng người kêu hàng. Bà mừng rỡ nhìn lên nhưng bà vội vàng cúi xuống kéo nón che mặt lại. Người phục vụ bàn nói :
    - Bà ơi ! Đi chỗ khác bán nhé. ở chỗ này cháu phải bày thêm bàn cho khách.Ngồi đây không được đâu.
    - .
    - Bà có nghe cháu nói không ?
    Bà vội vàng đứng lên kéo đôi dây thúng quàng vào đầu đòn gánh nhưng lúng túng rớt một đầu dây, chiếc thúng nghiêng qua một bên làm rơi những chiếc bánh trên thúng xuống mặt đường. Anh phục vụ cúi xuống nhặt những chiếc bánh cốm vương vãi để lại trên mặt thúng cho bà.
    - Bánh cốm miền Trung ! Khuya khuya rồi sao bà chưa về nghỉ ? Tay bà run quá. Bà có sao không ?
    Bà Tâm im lặng, tất tả quảy đôi quang gánh trên vai đi không ngừng. Lòng thổn thức theo nhịp chân đi. Để lại sau lưng người thanh niên ngỡ ngàng nhìn theo ngờ ngợ như bóng dáng của mẹ mình nhưng anh cố xua đi suy nghĩ vì mẹ mình đang ở quê nhà.
    Sáng nay là ngày lễ phát bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm của Nam. Tối hôm qua bà định đến nhà trọ gặp Nam. Bà nấn ná đến ngày hôm nay vì muốn dự buổi lễ tốt nghiệp của Nam, xem người ta phát bằng cho con mình thế nào. Đây là cái ngày trọng đại nhất trong đời con bà và của cả cho chính mình, bà mỉm cười nghĩ thế. Sau đó hai mẹ con sẽ cùng nhau mua vé về Quy Nhơn. Bà đã nhờ con chị chủ nhà dẫn bà đi may bộ áo bà ba mới. Bà muốn nói với con bà rằng bà đã ở đây nhưng rụt rè không dám nói.
    Sáng nay bà lại đứng đây, bên kia đường trước cổng sân trường Đại học Sư phạm. Tần ngần với đôi thúng trên vai, bà hết đứng lại ngồi hàng giờ ngắm nhìn từng đoàn sinh viên lũ lượt vào sân trường và mong sao thấy được bóng dáng con. Bà nghĩ mình dại quá. Biết vậy tối hôm qua bà nói với Nam thì bây giờ bà đã ở trong kia để chứng kiến buổi lễ trao bằng của con rồi nhưng bà lại chặc lưỡi. Biết đâu người ta lại không cho bà vào, với lại bà quê mùa thế này . Bà đứng đó với ngổn ngang suy nghĩ, buồn ít vui nhiều. Bà tưởng tượng ra hình ảnh con mình đang đứng nhận bằng tốt nghiệp mà trong lòng tràn ngập niềm vui . Chợt một chiếc xe tải nhỏ trờ tới, hai người đàn ông nhảy xuống lấy đôi thúng chất lên xe thật nhanh, khiến bà không kịp phản ứng. Bà cuống cuồng chạy theo níu lại nhưng người sĩ quan cảnh sát ngồi bên cạnh tài xế bảo bà muốn lấy lại đến phường họ giải quyết ; bà vi phạm buôn bán trái phép trên lòng lề đường. Ngỡ ngàng nhìn theo chiếc xe xa dần mà trong lòng ngổn ngang sự bực dọc pha lẫn nỗi lo lắng sợ hãi. Bà phải lấy lại đôi thúng, gánh vì bà đã hứa cho cô Lan ở cùng phòng trọ. Bà quyết định đi lần theo hướng người ta chỉ đến trụ sở phường.
    Bà ngồi đó cầm tờ giấy người cảnh sát trao và chờ được giải quyết. Anh cảnh sát lấy lại tờ giấy còn y nguyên như lúc mới trao cho bà, chưa có chữ điền vào. Ngạc nhiên anh hỏi :
    - Sao bà không điền vào đây ?
    Nhưng bà không nghe thấy. Bà đang mải mê nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường
    Anh cảnh sát gọi thêm lần nữa :
    - Này bà !
    - Ờ . chú ! Giờ này người ta làm lễ phát bằng chưa chú ?
    - Bằng gì ?
    - Con tui . Con tui hôm nay tốt nghiệp Đại học Sư phạm.
    Anh cảnh sát trẻ ngỡ ngàng nhìn bà. Anh chợt hiểu sáng nay anh hốt hàng của bà bên kia đường, trước cổng sân trường đại học.
    - Bà có muốn vào đó không?
    Bà cười.
    Bà ngồi bên cạnh anh cảnh sát trẻ ở cuối hội trường, nhìn con đứng trên bục cao nhận bằng mà rưng rưng nước mắt. Nam đã thực hiện được ước mơ của mình bằng tất cả sự nỗ lực của chính bản thân trong hoàn cảnh khó khăn. Chợt nhớ đến ông Tâm, bà cảm thấy như có ông ở đâu đây mà trong lòng thanh thản yên vui.
    Cuối buổi lễ tiếng micro vang lên :
    - Sinh viên Nguyễn Văn Nam khoa Toán xuống cuối hội trường có người nhà gặp.
    Anh cảnh sát ngoái nhìn hai mẹ con lần nữa và bước đi. Chung quanh anh những gương mặt trẻ hớn hở, bừng sáng. Ngoài kia nắng như vàng hơn, rực rỡ hơn.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...