Thạc Sĩ Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong luật hình sự việt nam

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 24/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Tóm tắt luận văn thạc sĩ năm 2012
    Đề tài: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong luật hình sự việt nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh hà nam giai đoạn 2005-2010
    Định dạng file word

    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Trong những năm qua, tội phạm về ma túy có sự thay đổi về lượng và chất với xu hướng gia tăng số vụ, số đối tượng, số lượng ma túy. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2005 các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy trong cả nước bắt giữ 11.772 vụ, 17.712 đối tượng phạm tội về ma túy (trong đó có 9.023 vụ, 12.089 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy) thu 287,72kg hêrôin, 59,1kg thuốc phiện, 3.368kg cần sa khô và hơn 3 tấn cần sa tươi, 1,46 kg và 210.826 viên ma túy tổng hợp. Năm 2010 bắt giữ 14.828 vụ, 21.874 đối tượng, thu 211,927kg hêrôin, 18.011kg thuốc phiện, 8.623,2kg cần sa tươi, 177,44kg cần sa khô, 15,987kg và 46.803 viên ma túy tổng hợp.
    Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô, với nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua. Bên cạnh đó, Hà Nam lại là tỉnh nằm trên tuyến buôn bán ma túy Quảng Trị - Hà Nội, liền kề với tuyến Tây Bắc, tiếp giáp với 6 tỉnh đều phức tạp về ma túy. Với đặc điểm gần 80% dân số sống ở nông thôn, đời sống khó khăn, có thời điểm một lượng lớn lao động đã đi làm thuê xa, nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Trong số họ nhiều người đã mắc nghiện, mỗi khi về địa phương lại vận chuyển ma túy về để sử dụng và bán kiếm lời, từ đó móc nối với tội phạm ma túy ở các tỉnh hình thành đường dây vận chuyển về Hà Nam tiêu thụ. Điều đó dẫn tới tình hình tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt ma tuý ở Hà Nam những năm qua diễn ra phức tạp. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam, năm 2005 Tòa án hai cấp ở Hà Nam đã xét xử sơ thẩm 60 vụ với 67 bị cáo phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tới năm 2010 con số này tăng gần 3 lần với 145 vụ, 192 bị cáo bị xét xử. Sự gia tăng của tội phạm này đã kéo theo sự gia tăng của nhiều tội phạm khác, làm cho tình hình hình trật tự an toàn xã hội ở tỉnh Hà Nam có thời điểm rất phức tạp.
    Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã tập trung lực lượng xử lý tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy và đã đạt nhiều kết quả tốt, số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tăng, nhiều đường dây buôn bán ma tuý bị triệt phá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma tuý trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn có những hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề này ở Hà Nam cần được nghiên cứu, tổng kết một cách toàn diện, có hệ thống. Thông qua việc nghiên cứu sẽ xác định được các nguyên nhân làm hạn chế công tác điều tra, truy tố, xét xử tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này.
    Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 vào năm 2009, có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, điều đó cho thấy xung quanh tội này còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu cả về mặt lý luận và về mặt thực tiễn để hoàn thiện hơn nữa tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
    Với những lý do trên, đề tài "tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010" có tính cấp thiết trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm này tại Hà Nam hiện nay.
    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Dưới góc độ khoa học pháp lý, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy đã có một số công trình khoa học nghiên cứu liên quan đến tội phạm này. Dựa trên tính chất, mức độ nghiên cứu ta có thể chia ra ba nhóm:
    Nhóm thứ nhất: (các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ luật học, đề tài khoa học): 1) Nguyễn Lương Hoà (2004), Đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội; 2) Đặng Thị Thảo Lan (2005), Đấu tranh phòng chống tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các chất ma túy ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; 3) Trần Văn Luyện (1999), Phát hiện và điều tra các tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân; 4) Vũ Quang Vinh (2003), Hoạt động phòng ngừa các tội phạm về ma túy của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân; 5) Đề tài cấp bộ: Những giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án về ma túy - cơ sở lý luận và thực tiễn, của Tòa án nhân dân tối cao, do Thạc sĩ Nguyễn Quang Lộc làm chủ nhiệm đề tài, 2002
    Nhóm thứ hai (các sách chuyên khảo, tham khảo): 1) Trần Văn Luyện (1998), Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma túy, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; 2) PGS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, TS. Trần Văn Luyện (2002), Hiểm họa ma túy và cuộc chiến mới, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội; 3) ThS. Đinh Văn Quế (2002), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 - Phần tội phạm, Tập IV: Các tội phạm về ma túy, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh; 4) Vũ Hùng Vương (chủ biên) cùng tập thể tác giả (2007) trong bộ sách Phòng, chống ma túy - cuộc chiến cấp bách của toàn xã hội, Nxb Lao Động, Hà Nội. 5) TS. Trần Minh Hưởng (chủ biên) và tập thể tác giả (2010), Chương XVIII: Các tội phạm về ma túy, trong sách: Tìm hiểu Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Lao động, Hà Nội
    Nhóm thứ ba (sách giáo trình, bài viết): 1) PGS.TS Lê Thị Sơn (2003), Chương X: Các tội phạm về ma túy - Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm) do GS.TSKH Lê Cảm chủ biên, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; 2) TS. Phạm Văn Beo (2010), Bài 10: Các tội phạm về ma túy, trong sách: Luật hình sự Việt Nam (Quyển 2 phần tội phạm), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Ngoài ra còn có một số bài viết đi sâu vào nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về ma túy cũng như kinh nghiệm thực tiễn áp dụng: 1) Nguyễn Thị Mai Nga (2008), Bàn về quy định xử lý tội phạm ma túy của Bộ luật hình sự trong thời kỳ hội nhập, Tạp chí Kiểm sát (số 12/2008); 2) Nguyễn Ngọc Anh, Bàn về việc sửa đổi, bổ sung Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999, Tạp chí Kiểm sát (số 4/2009); 3) Đỗ Văn Kha, Bàn về công tác phối hợp trong việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án ma tuý, Tạp chí Kiểm sát (số 18/2010)
    Tuy nhiên, qua nghiên cứu các công trình trên cho thấy: một số công trình có phạm vi nghiên cứu rộng, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy chỉ là một phần nhỏ trong nội dung nghiên cứu của tác giả nên chưa được phân tích sâu về mặt lý luận và thực tiễn; có công trình xem xét tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với ý nghĩa là một tội phạm để bình luận các dấu hiệu pháp lý hình sự và hình phạt; hoặc chỉ xem xét dưới góc độ tội phạm học - phòng ngừa cả nhóm tội phạm ma túy; có công trình nghiên cứu tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng đã được tiến hành cách đây khá lâu, do vậy giá trị về lý luận và thực tiễn không cao.
    Đối với tỉnh Hà Nam, cho tới nay chưa có một công trình nào nghiên cứu về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy gắn với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Do đó việc nghiên cứu tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010 ở cả góc độ luật hình sự và tội phạm học là một đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho địa bàn tỉnh Hà Nam.
    3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
    Mục đích của luận văn là nghiên cứu về lý luận tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam, kinh nghiệm một số nước; cùng với đó là xem xét, đánh giá thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở Hà Nam. Qua đó tìm ra những nguyên nhân, hạn chế để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này.
    Để đạt được những mục đích nghiên cứu, luận văn có nhiệm vụ:
    1) Nghiên cứu một số vấn đề lý luận của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; nghiên cứu kinh nghiệm một số nước; nghiên cứu thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này tại Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010.
    2) Phân tích làm sáng tỏ tình hình, nguyên nhân của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy cũng như chỉ ra những hạn chế trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này tại tỉnh Hà Nam.
    3) Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy ở tỉnh Hà Nam.
    4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Đối tượng nghiên cứu: là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010.
    Phạm vi nghiên cứu: đề tài nghiên cứu trong phạm vi những vấn đề tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam, kinh nghiệm một số nước và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010.
    5. Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu
    Cơ sở lý luận của luận văn: là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, về đấu tranh phòng, chống tội phạm; quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh chống tội phạm ma tuý cũng như thành tựu của các chuyên ngành khoa học pháp lý như lịch sử pháp luật, luật hình sự, tội phạm học, luật tố tụng hình sự, những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo và các bài viết đăng trên tạp chí của một số nhà khoa học pháp lý chuyên ngành.
    Các phương pháp nghiên cứu: Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sử dụng một số phương pháp tiếp cận làm sáng tỏ về mặt khoa học từng vấn đề tương ứng, đó là các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: lịch sử so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê, quy nạp, diễn dịch
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
    Đây là một công trình vừa có ý nghĩa về mặt lý luận, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
    Về mặt lý luận: Luận văn là một công trình nghiên cứu chuyên khảo khá đồng bộ đề cập một cách có hệ thống và tương đối toàn diện tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010. Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần hoàn thiện lý luận về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong khoa học luật hình sự Việt Nam. Cụ thể, luận văn đã làm rõ các vấn đề chung của tội này trong luật hình sự Việt Nam, phân tích khái quát lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự nước ta về tội phạm này từ trước tới nay, làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, nghiên cứu kinh nghiệm một số nước; phân tích thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 - 2010, qua đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động này; trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy ở Hà Nam.
    Về mặt thực tiễn: Luận văn góp phần vào việc xác định đúng đắn những nội dung hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy cũng như đưa ra các kiến nghị hoàn thiện các quy phạm pháp luật ở khía cạnh lập pháp và thực tiễn áp dụng. Những giải pháp luận văn đưa ra có tính chất định hướng cho hoạt động thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này của các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến tới đấu tranh đẩy lùi tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
    Cùng với đó, luận văn còn có ý nghĩa là tài liệu tham khảo cần thiết cho các nhà khoa học pháp lý, cán bộ thực tiễn đang công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, các sinh viên và học viên cao học.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...