Báo Cáo Toàn văn Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010

Thảo luận trong 'Thương Mại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á tổ chức hội thảo công bố ngày 30/11, tại Hà Nội.

    Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; giáo sư Michael E. Porter, Trường Quản lý Kinh doanh Harvard, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Quốc tế, Học viện Năng lực Cạnh tranh châu Á cùng nhiều quan khách trong nước và quốc tế đã tham dự.

    Bản báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh Việt Nam đã cung cấp các số liệu, phân tích và những đề xuất cụ thể nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xác định hướng đi tương lai. Báo cáo đưa ra những phân tích tổng hợp làm đầu vào cho việc xây dựng một chiến lược kinh tế vừa dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; đồng thời đi sâu phân tích những nguồn lực dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua cũng như những vấn đề lớn mà đất nước phải giải quyết để tiếp tục duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế.

    Theo báo cáo, trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã tiến được một chặng đường dài. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khép kín, Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này đem lại những lợi ích to lớn cho đời sống của người dân, mức sống được nâng cao và tỷ lệ đói nghèo giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vừa chạm tới ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nhưng mức thu nhập tuyệt đối vẫn còn thấp hơn nhiều so với hơn 100 quốc gia khác trên thế giới.

    Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền đang tăng lên. So sánh với nhiều quốc gia khác, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều, sự tăng năng suất lao động chủ yếu là do kết quả của gia tăng vốn đầu tư cùng với sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang khu vực chế biến, chế tạo và dịch vụ.

    Phân tích các chỉ số kinh tế cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một động lực chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu. Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là do việc mở cửa thị trường đem lại. Chính sách tài khóa bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực Nhà nước.

    Đánh giá cao những những nỗ lực của các bên trong việc hoàn thành báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia là một chương trình dài hạn, không bao giờ ngừng và điều cần quan tâm là phải triển khai, giám sát chương trình hành động đó thế nào cho hiệu quả. Việc triển khai các chương trình, giải pháp cần có sự nỗ lực không chỉ của Chính phủ, của các bộ, ngành, các cấp mà còn là của cả doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam.

    Phó Thủ tướng khẳng định sẽ sử dụng báo cáo này như một nền tảng cho việc xây dựng các kế hoạch và giải pháp trong 10 năm tới. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào những chương trình hành động, kế hoạch chiến lược và quy hoạch từng ngành trong giai đoạn tới. Các đề xuất trong báo cáo sẽ được các bộ nghiên cứu trình lên Thủ tướng. Chính phủ luôn lắng nghe các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng nói.

    Giáo sư Michael E. Porter cho rằng mặc dù đã có một số cải thiện trong những năm gần đây nhưng môi trường hành chính ở Việt Nam nói chung chưa thông thoáng, làm hạn chế sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp nhà nước lớn hoạt động theo mô hình tập đoàn nhưng thiếu sự gắn kết và bổ trợ. Giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có khoảng cách lớn về hiệu quả và năng suất. Những dòng vốn lớn đổ vào làm kích thích tăng cầu nội địa và lạm phát.

    Các thị trường tài chính còn non trẻ và chưa phát triển sâu. Các công ty tư nhân quy mô nhỏ còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động mạnh và thiếu minh bạch, đặc biệt là các thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước. Cạnh tranh chủ yếu vẫn tập trung về giá và đối đầu trực tiếp chứ không dựa trên chất lượng và khác biệt hóa sản phẩm dịch vụ.

    Thêm vào đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP so với đầu tư ngày càng giảm làm tăng sự phụ thuộc vào các dòng vốn bên ngoài để duy trì tăng trưởng; tăng trưởng nhu cầu đang vượt quá năng lực vi mô của nền kinh tế về mặt kỹ năng lao động và hạ tầng kỹ thuật; khoảng cách giữa vốn FDI công bố và vốn thực hiện ngày càng tăng. Tham nhũng ở mức độ cao cũng là một trong những thách thức đối với Việt Nam

    Theo giáo sư Michael E. Porter, ba nhóm vấn đề quan trọng nhất Việt Nam phải giải quyết là các mất cân đối kinh tế vĩ mô (mất cân đối về cán cân thương mại và tài khoản vãng lai, mất cân đối tiết kiệm-đầu tư, lạm phát và tỷ giá hối đoái); các nút thắt cổ chai về kinh tế vi mô (thiếu hụt kỹ năng lao động và hạ tầng; tỷ lệ giải ngân và tác động lan tỏa tích cực của khu vực FDI thấp, mối quan hệ giảm dần giữa đầu tư và tăng trưởng) cũng như những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh như hàm lượng giá trị gia tăng khu vực xuất khẩu thấp, lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần, sản phẩm trong nước có năng suất thấp hơn so với các sản phẩm nhập khẩu

    Từ những phân tích trên, giáo sư Michael E. Porter khuyến nghị Việt Nam cần một phương pháp tiếp cận đồng bộ và hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô.

    Theo giáo sư, cần thành lập cơ quan trung ương có chức năng theo dõi và báo cáo về tình hình tài khóa của các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước cũng như về tình trạng của nền kinh tế; thiết lập cơ chế thường xuyên theo dõi, kiểm toán chi tiêu công; củng cố chất lượng và hiệu quả của quản lý nợ công; làm rõ vai trò của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ và xác định rõ ràng những mục tiêu của chính sách này; củng cố năng lực quản lý giám sát thị trường tài chính thông qua Ngân hàng Trung ương cũng như chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

    Giải quyết các nút thắt vi mô, phát triển các cụm ngành theo hướng tổ chức lại các chính sách, lấy cụm ngành làm trung tâm; tạo dựng nền tảng về giáo dục và kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng, quản trị doanh nghiệp nhà nước; thành lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là những khuyến nghị được giáo sư Michael E. Porter đưa ra đối với Việt Nam./.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...