Chuyên Đề Tố hữu – người mở đầu nền thơ cách mạng việt nam hiện đại

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    2. Mục đích nghiên cứu
    3. Lịch sử vấn đề
    4. Giới hạn đề tài
    5. Đóng góp mới
    6. Cấu trúc bài nghiên cứu
    PHẦN HAI: NỘI DUNG
    Chương I: Cơ sở lý luận – tư tưởng sáng tác thơ cách mạng giai đoạn thế kỷ XX.
    1.1: Lịch sử giai đoạn mở đầu nền thơ cách mạng hiện đại.
    1.2: Quan điểm chính trị trong thơ Tố Hữu
    1.3: Tư tưởng sáng tác thơ Tố Hữu.
    Chương II: Tố Hữu – Người mở đầu nền thơ cách mạng Việt Nam hiện đại.
    2.1: Các giai đoạn sáng tác.
    2.2: Tố Hữu – Người mở đầu nền thơ cách mạng hiện đại.
    2.3: Con đường thơ Tố Hữu
    2.4: Giá trị nội dung của các tập thơ
    Chương III: Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu
    3.1: Đặc điểm chung trong thơ Tố Hữu.
    3.2: Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu.
    3.3: Một số lời bình về nhà thơ Tố Hữu.

    KẾT LUẬN
    Tài liệu tham khảo

    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    Thế kỉ XX đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của văn học Việt Nam, khép lại thời văn học cổ xưa, mở ra thời văn học hiện đại.
    Tố Hữu làm thơ khá sớm. Bắt đầu sáng tác từ 1937, giữa cao trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ảnh hưởng của Đảng đi vào quần chúng sâu rộng chưa từng thấy. Những chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn liền với đời sống, tâm hồn người chiến sĩ. Những bài thơ vận động Cách mạng tiến tới khởi nghĩa và Cách mạng thành công. Cách mạng tự hào có trong thơ của Tố Hữu, ông khai sáng cho cả một nền thơ trữ tình cách mạng. Tố Hữu rất tinh tế, tinh tế như các nhà thơ tài năng của phong trào thơ mới khi diễn đạt những biến động của tình cảm con người trước cuộc đời. Có thể nói, những thành tựu mà thơ ca Cách mạng đương thời đạt được, đều có thể tìm thấy trong vần thơ Tố Hữu.
    Trên đà phát triển của thơ ca Cách mạng ấy, Tố Hữu xuất hiện như một lá cờ đầu giữa những cây bút trẻ. Tuy còn rơi rớt đây đó ít nhiều màu sắc tiểu tư sản, tâm hồn “bừng nắng hạ” ấy đã kết hợp được một cách đẹp đẽ lý tưởng cộng sản và nghệ thuật thơ, ghi lại cho thơ ca Cách mạng một thành công rõ rệt.
    Để làm rõ hơn về con đường thơ Cách mạng của nhà thơ Tố Hữu và chứng minh Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng trữ tình mở đầu cho nền thơ cách mạng Việt Nam hiện đại của thế kỉ XX, nên tôi đã chọn đề tài “Tố Hữu – người mở đầu cho nền thơ Cách mạng hiện đại”.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Tìm hiểu về con đường thơ, nội dung, nghệ thuật thơ cách mạng trữ tình của Tố Hữu. Do đâu mà Tố Hữu được xem là người mở đầu cho nền thơ cách mạng giai đoạn này. Và tìm hiểu về những mảng đề tài mà Tố Hữu đã đề cập tới trong các tập thơ của ông, làm sáng nên vẻ đẹp trong thơ Tố Hữu – nhà thơ chiến sĩ.
    3. Lịch sử vấn đề.
    Năm 1935, lúc Nhà thơ Tố Hữu vừa tròn 15 tuổi, cũng là lúc Phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được Chính quyền mới ở Pháp theo xu hướng cánh tả; lúc đó tác giả tham gia phong trào thanh niên cánh tả ở Đông Dương. Tác phẩm "Người mẹ" của Gorki, "Thép đã tôi thế đấy" của Ostrovski. Hình tượng anh công nhân Paven trong "Người mẹ" và đẹp hơn nữa là Paven trong "Thép đã tôi thế đấy" dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, chiến thắng bệnh tật, coi thường cái chết là thần tượng của tác giả. Các tác phẩm có tinh thần đấu tranh như "Khói lửa" của Barbusse, "Cơristốp" của Romain Rolland, "Mười ngày chấn động hoàn cầu" của John Reed, "Gót sắt" của Jacques London đã mang lại cho tác giả những suy nghĩ mới, ảnh hưởng đến sự nghiệp thơ, khi mà những luồng suy nghĩ mới này có ảnh hưởng lớn lúc đang độ tuổi trưởng thành. Tác phẩm "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" của Lê Nin và bộ "Tư bản" của Các Mác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và suy nghĩ đang hình thành của Tố Hữu. Nhiều nhân vật của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, . đã tiếp cận và giác ngộ Tố Hữu đi theo con đường cộng sản: gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ năm 1936 và 1938 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
    Năm 1946, tập thơ đầu tay Từ ấy ra đời, tập hợp các tác phẩm viết từ 1937 – 1946, chia làm ba phần: Máu lửa(27 bài), Xiềng xích(30 bài) và Giải phóng (14 bài). Ba phần thơ là ba chặng hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Chặng đầu là cái nhìn hiện thực, tố cáo xã hội, đương thời, gắn với lòng say mê lý tưởng xóa áp bức bất công, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, nhận ái. Chặng thứ 2 là thơ trong tù, với những bài thơ xuất sắc của một tâm hồn chiến sĩ can đảm. Chặng cuối là thơ vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa và cách mạng thành công – những bài thơ say đắm, sôi sục và hào hùng. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, lý tưởng cách mạng đã chi phối toàn thể tâm hồn, hành động, cuộc đời và thơ ca Tố Hữu. Toàn bộ tập thơ thể hiện được phần nào cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi lao vào cuộc đấu tranh cách mạng với tất cả tâm hồn và bầu nhiệt huyết của mình, xúc động trước cảnh khổ của nhân dân và của dân tộc, từ em bé đến cụ già đều sống trong cực nhục, trong đêm tăm tối, trải qua những cuộc vật lộn đấu tranh anh dũng và gian khổ trong máu lửa và xiềng xích, cho đến ngày cách mạng thành công năm 1945.
    Tập thơ thứ hai của Tố Hữu, Việt Bắc, xuất bản trong những ngày tưng bừng rầm rộ nhân dân ta, giữa thắng lợi hòa bình, kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến cách đây tám năm, kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; riêng ở thủ đô mới giải phóng, lại thêm không khí nhân dân thủ đô cuồn cuộn dự lễ chào mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ trở về Hà Nội. Trong những ngày lớn lao ấy của dân tộc, có hòa chen một ngày lớn của thơ Việt Nam. Chín năm thơ của Tố Hữu, từ Tổng khởi nghĩa, trải qua kháng chiến, đến hòa bình, đã được tuyển lựa thành tập thơ Việt Bắc. Những bài thơ trong tập thơ Việt Bắc đã nói lên một phần tình cảm tốt đẹp nhất của con người mới - mà nổi bật trong đó là hình ảnh Hồ Chí Minh, của một thời đại mới, dưới một chế độ mới. Cụ thể là: tình yêu tổ quốc, yêu quê hương, lòng yêu lãnh tụ, yêu nhân loại cần lao và dũng cảm, lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi đấu tranh. Thơ Tố Hữu là loại thơ thời sự, phục vụ quần chúng rất kịp thời, Tố Hữu có công trong việc xây dựng, hướng dẫn tình cảm cho quần chúng tiến lên theo kịp những biến cố lớn của thời đại, nhất là trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và “Ta đi tới”. Tập thơ vẫn còn thiếu những con người cá thể, cụ thể, những tình cảm riêng tư của cái "tôi" trữ tình. Về mặt nghệ thuật, tuy được đánh giá là bước trưởng thành quan trọng của thơ Tố Hữu, là một thành tựu xuất sắc của thơ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp, yếu tố cách tân trong tập thơ cũng chưa được nhìn thấy.
    Gió lộng là tập thơ của nhà thơ Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1961. Khoảng thời gian miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa và miền Nam đang tiếp tục đấu tranh chống Mỹ. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. Tập thơ Gió lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: "Gió lộng đường khơi rộng đất trời". Âm điệu vui của những năm miền Bắc Việt Nam hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Không những cách mạng ở Việt Nam, mà cách mạng xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng làm cho cuộc sống thay da đổi thịt một cách kỳ diệu. Âm điệu vui ấy là một âm điệu rất mới trong thơ ca. Cuộc đời phơi phới như gió lộng. Nhưng trong cảnh vui, vẫn còn tâm sự ngang trái, một góc lòng vẫn canh cánh vì miền Nam chưa được giải phóng, nhiều khi bật lên thành tiếng thét phẩn nộ. Gió lộng khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương thời: niềm vui và niềm tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới XHCN trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc, tình cảm quốc tế vô sản rộng mở với các nước anh em. Niềm vui chiến thắng được nhân lên cùng với niềm tự hào của con người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, vững tin vào tương lai đã đem đến cho tập thơ Gió lộng cảm hứng lãng mạn phơi phới cùng với khuynh hướng sử thi đậm nét.
    Về mọi phương diện, Tố Hữu luôn là lá cờ tiên phong, lá cờ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam.
    4. Giới hạn của đề tài.
    Bài nghiên cứu được dựa theo những lý luận của nhiều bài lý luận bàn về Tố Hữu nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng một hồn thơ dân tộc – hiện đại. Đề tài nghiên cứu dựa trên ba tập thơ đầu của Tố Hữu: Từ ấy(1937 – 1946), Việt Bắc
    (1947 – 1954), Gió lộng(1955 – 1961) qua nhiều tác giả, nhà lý luận tiêu biểu

    5. Đóng góp mới của đề tài
    Trên cơ sở tiếp thu tri thức, những đề tài của nhiều nhà nghiên cứu khác, trong bài cũng đã giúp được phần nào những tri thức rõ ràng hơn về việc tìm hiểu về Tố Hữu nhà thơ cách mạng trữ tình tiên phong trong thế kỉ XX. Phần nào thấy rõ được hình ảnh nổi bật, đặc trưng trong những vần thơ cách mạng nhưng thẫm đẫm chất trữ tình của nhà thơ.

    6. Cấu trúc bài nghiên cứu
    Chương I: Cơ sở lý luận – tư tưởng sáng tác thơ cách mạng giai đoạn thế kỷ XX.
    1.1: Lịch sử giai đoạn mở đầu nền thơ cách mạng hiện đại.
    1.2: Quan điểm chính trị trong thơ Tố Hữu
    1.3: Tư tưởng sáng tác thơ Tố Hữu.
    Chương II: Tố Hữu – Người mở đầu nền thơ cách mạng hiện đại.
    2.1: Các giai đoạn sáng tác.
    2.2: Tố Hữu – Người mở đầu nền thơ cách mạng hiện đại.
    2.3: Con đường thơ Tố Hữu
    2.4: Giá trị nội dung của các tập thơ
    Chương III: Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu
    3.1: Đặc điểm chung trong thơ Tố Hữu.
    3.2: Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu.
    3.3: Một số lời bình về nhà thơ Tố Hữu.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...