Tiến Sĩ Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận án tiến sĩ năm 2013
    Đề tài: Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế
    Định dạng file word


    MỞ ĐẦU
    1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
    Tổ chức xã hội là một trong những thành tố quan trọng của văn hoá tộc người, là chất kết dính cộng đồng, hướng đến sự vận hành trôi chảy của cấu trúc xã hội. Trong Nhân học, tổ chức xã hội là một trong những hướng được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn. Nội hàm của mảng học thuật này rất phong phú khiến ranh giới các vấn đề cụ thể cần nghiên cứu của nó với các mảng học thuật khác không dễ tách bạch được.
    Tổ chức xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng như đa số trên thế giới và ở Việt Nam đều phản ánh thành phần cấu trúc, cơ chế hoạt động, hay thiết chế tồn tại cụ thể của một hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết cá nhân trong cộng đồng nhằm đạt được một mục đích nhất định nào đó. Dựa vào các nguyên lý về dòng máu hay quan hệ công xã láng giềng, mà tổ chức xã hội đã được xem xét ở nhiều cấp độ khác nhau như nhóm, gia đình, dòng họ, bản làng Trong xu thế đổi mới, giao lưu hội nhập hiện nay, hầu hết các tổ chức xã hội đều không giữ được những khuôn mẫu truyền thống của mình. Sự thay đổi đó biểu hiện nhiều xu thế hay các trạng hướng vận động mới của văn hóa, xã hội con người, có mặt hạn chế và cũng có mặt tích cực. Nghiên cứu tổ chức xã hội truyền thống của một tộc người cụ thể, như người Cơ tu ở huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện tại, là một trong những công việc giúp sự tiếp cận vấn đề lý luận cũng như thực tiễn nghiên cứu có nhiều ý nghĩa hơn.
    Với dân số khoảng 61.588 người, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Cơ tu là một trong những dân tộc thiểu số còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa bản địa trong số 54 tộc người đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Từ những hợp phần gia đình, dòng họ, bản làng, bức tranh tổ chức xã hội truyền thống của tộc người dần được hiện lên với những cấu trúc, quy mô và cơ chế hoạt động khác nhau. Ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, tổ chức xã hội ấy thể hiện những dấu ấn tiếp biến trong cấu trúc hoạt động và chức năng của mình. Trong bối cảnh hiện tại, những thay đổi về bản chất, cấu trúc, chức năng, quan hệ gia đình, dòng họ, bản làng cộng đồng người Cơ tu đang là những xu thế biến đổi tất yếu của quá trình tộc người. Tuy nhiên, điểm tất yếu đó không phải bao giờ cũng mang đến những thuận lợi hay sự hòa hợp với xu thế, bối cảnh của sự thay đổi. Việc nhận diện một cách chính xác những giá trị trong tổ chức xã hội truyền thống tộc người là những khởi đầu thuận lợi và hữu hiệu trong việc xác định mối quan hệ giữa cơ chế vận hành theo tập quán pháp với hình thái quản lý nhà nước; nhằm giảm thiểu những khoảng cách, sự chồng chéo va chạm giữa hai hình thức quản lý; và đặc biệt có thể tạo nên những nhân tố thúc đẩy sự phát triển thông qua chính sách, hệ thống quản lý hiện tại của Nhà nước.
    Luận án này vì vậy đặt vấn đề nghiên cứu, cung cấp những tư liệu cụ thể về bản chất các loại hình tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu trong lịch sử, và tiếp cận những xu hướng biến đổi của nó trong bối cảnh đổi mới và hội nhập của đất nước chính là một việc làm có ý nghĩa khoa học thiết thực; không chỉ góp phần khẳng định những giá trị văn hoá của tộc người qua cơ chế tổ chức xã hội truyền thống, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa cần kế thừa, cải biến để lồng ghép; hay kết hợp với hình thức quản lý xã hội hiện tại, nhằm tìm kiếm một mô hình tối ưu, phát huy được điểm tích cực của các hình thức quản lý xã hội đó, cũng như phục vụ cho sự nghiệp quản lý bền vững cộng đồng dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
    2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Thực hiện đề tài: Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, luận án nhằm các mục đích sau:
    Thứ nhất, trình bày có hệ thống và tương đối toàn diện các đặc trưng của tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu và vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội.
    Thứ hai, chỉ rõ những biến đổi của tổ chức xã hội truyền thống tộc người Cơ tu trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập hiện nay.
    Thứ ba, từ kết quả nghiên cứu, luận án đóng góp một số ý kiến về việc kế thừa và phát huy những mặt tích cực của tổ chức xã hội truyền thống, nhằm bảo tồn văn hóa tộc người và nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý nông thôn vùng miền núi của người Cơ tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
    3. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
    Đối tượng nghiên cứu: Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu và những biến đổi của nó trong điều kiện hiện nay.
    Phạm vi và địa bàn nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của luận án tập trung vào tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế từ trước cho đến nay. Trong đó chú ý đến các vấn đề cụ thể là tổ chức gia đình, tổ chức dòng họ và tổ chức làng.
    Địa bàn nghiên cứu của luận án được triển khai tại bốn xã có số lượng người Cơ tu chiếm đa số là xã Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Nhật và Thượng Long.
    Thượng Lộ là xã có vị trí nằm gần đường quốc lộ, gần trung tâm của huyện lỵ Nam Đông, nơi có điều kiện giao lưu và hội nhập với văn hoá người Kinh; xã Hương Sơn và Thượng Nhật là hai xã trong nhiều năm qua nhận được nhiều dự án đầu tư, nhiều mô hình chuyển đổi hình thức kinh tế sản xuất, kinh tế hộ, đang được thí điểm; xã Thượng Long là xã nằm cách xa trung tâm huyện Nam Đông, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hoá cổ truyền của tộc người. Việc lựa chọn bốn điểm nghiên cứu với các vị trí không gian khác nhau sẽ tạo được nhiều cơ hội cho luận án tổng hợp, phân tích và nhận xét một cách khách quan hơn những đặc điểm cổ truyền, những đan xen biến đổi của tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu, huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế qua từng giai đoạn lịch sử.

    4. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
    Thứ nhất, luận án là chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, đi sâu vào cấu trúc, đặc trưng, vai trò của tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
    Thứ hai, luận án nêu bật những đặc điểm riêng mang tính địa phương của tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu vùng Nam Đông và bước đầu xác định những giá trị văn hóa tiêu biểu trong tổ chức xã hội truyền thống ấy, chỉ báo các xu hướng biến đổi của nó trong bối cảnh hiện nay.
    Thứ ba, luận án góp phần làm rõ hơn sự hiểu biết chung về bức tranh người Cơ tu ở Việt Nam, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự biến đổi của tổ chức xã hội truyền thống người Cơ tu.
    Thứ tư, các kết quả đạt được của luận án là sự đóng góp thiết thực vào việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc định hướng các chính sách bảo tồn và phát huy văn hoá tộc người, góp phần phục vụ cho việc quản lý bền vững vùng nông thôn miền núi trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
    5. NGUỒN TƯ LIỆU CỦA LUẬN ÁN
    Để hoàn thành luận án này, chúng tôi kế thừa các nguồn tài liệu được công bố về người Cơ tu, hoặc liên quan đến người Cơ tu từ trước đến nay của các học giả trong nước và nước ngoài, đồng thời dựa vào các thống kê số liệu đã được xuất bản, các báo cáo, tài liệu, trang web của cơ quan ban ngành ở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Nam Đông và các xã trong phạm vi nghiên cứu. Nguồn tài liệu chính được sử dụng cho luận án là những tài liệu thu thập, tổng hợp được nghiên cứu điền dã ở các điểm đã lựa chọn.
    Tuy vậy trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu thực tế, chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn do quá trình nghiên cứu người Cơ tu ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ dừng ở mức độ tổng hợp, chưa tập trung vào một vấn đề cụ thể về tổ chức xã hội truyền thống. Ngoài ra, như sẽ đề cập ở phần lịch sử vấn đề, các thông tin liên quan đến người Cơ tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có nhiều công trình xuất bản, vậy nên sự tiếp cận tài liệu thành văn về vấn đề nghiên cứu của luận án còn ít. Đó là những hạn chế có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án.
    6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
    Luận án ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, phần nội dung chính được trình bày trong 4 chương:
    Chương 1: Tổng quan đề tài, cơ sở lý thuyết, phương pháp và địa bàn nghiên cứu
    Chương 2: Các hợp phần của tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu
    Chương 3: Những biến đổi của tổ chức xã hội truyền thống từ sau 1975 đến nay
    Chương 4: Kết quả và bàn luận


    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    Tiếng Việt
    1. Dương Văn An (1555), Ô Châu cận lục, Văn hoá Á Châu xuất bản, Sài Gòn, 1961
    2. Phan An (1985), “Tổ chức xã hội của người Xtiêng” trong Vấn đề dân tộc ở sông Bé, Nxb Tổng hợp, Sông Bé, 1985
    3. Vi Văn An (1995), “Vài nét về cơ cấu tổ chức xã hội và chế dộ sở hữu đất đai của người Thái vùng đường 7 tỉnh Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học số 2.
    4. Ngọc Anh (1960), “Sơ lược giới thiệu dân tộc Ka-tu, Tập san Dân tộc, số 16.
    5. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đông (2003), Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông (1945 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
    6. Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đông (2009), Báo cáo tổng kết 20 năm công tác xây dựng và hoạt động hội Cựu chiến binh huyện Nam Đông, Nam Đông.
    7. Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Đông (2010), Báo cáo tổng kết năm 2010 - phương hướng nhiệm vụ năm 2011, Nam Đông.
    8. Ban chấp hành Hội Nông dân huyện Nam Đông (2011), Báo cáo tổng kết công tác hội, phong trào nông dân năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, Nam Đông.
    9. Phan Xuân Biên (1985), “Tổ chức làng cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên, Tạp chí Dân tộc học, số 3.
    10. Phạm Thị Xuân Bốn (2007), Hôn nhân của người Cơ tu ở Huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa.
    11. Nguyễn Từ Chi (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    12. Bùi Thế Cường (2006), “Các lý thuyết về hành động xã hội”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 5.
    13. Phan Hữu Dật (1964), “Quan hệ hôn nhân và gia đình ở dân tộc Vân Kiều”, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
    14. Phan Hữu Dật (1992), Về hình thái hôn nhân con cô con cậu. Tạp chí Dân tộc học, số 2.
    15. Phan Hữu Dật (1999a),Thiết chế xã hội cổ truyền của các dân tộc thiểu số nước ta với việc xây dựng thể chế chính trị mới hiện nay” trong Một số vấn đề dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
    16. Phan Hữu Dật (1999b), “Hôn nhân và gia đình các dân tộc nước ta” trong Một số vấn đề dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
    17. Phan Hữu Dật (chủ biên) (2001), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay (Sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
    18. Khổng Diễn (1974), “Những đặc điểm về hôn nhân các gia đình dọc Trường Sơn Tây Nguyên”, Thông báo Dân tộc học, số 2.
    19. Khổng Diễn (1977), “Một số đặc điểm xã hội của người Triêng ở Quảng Nam trong Tìm hiểu con người miền núi Quảng Nam, Ban Dân tộc Quảng Nam xuất bản.
    20. Khổng Diễn (1984), “Dân tộc Cơ tu” trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    21. Khổng Diễn (1993), “Về các dân tộc ở các tỉnh miền Trung”, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
    22. Phan Đại Doãn (1992), Làng Việt Nam: một số vấn đề kinh tế xã hội, Nxb Khoa học Xã hội và Nxb Mũi Cà Mau.
    23. Phan Đại Doãn (1994), Kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
    24. Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học KHXH & NV (2006), Một số vấn đề lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Nhân học, Nxb Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh.
    25. Đại Nam Nhất Thống Chí (1910), Dịch giả Hoàng Văn Lâu. Nxb Lao Động, 2012.
    26. Bế Viết Đẳng (1984), “Về một số đặc điểm xã hội của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên”, Tạp chí Dân tộc học, số 1.
    27. Bế Viết Đẳng (1987), “Tổ chức xã hội bản Mường cổ truyền của người Thái ở Mường Thanh - Điện Biên Phủ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1, 2.
    28. Bùi Minh Đạo (2008), “Cây Tà vạc và rượu Tà vạc trong đời sống của người Cơ tu ở Quảng Nam”, Tạp chí Khoa học Xã hội miền Trung, số 4
    29. Bùi Minh Đạo (2010), Tổ chức và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    30. Bùi Minh Đạo (2011), “Tổ chức xã hội ở nông thôn làng Tây Nguyên hiện nay” Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. Số 6.
    31. Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, Nxb Pháp Lý. Hà Nội.
    32. Lê Quý Đôn (1776), Phủ Biên Tạp Lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964.
    33. Tạ Đức (2002), Tìm hiểu văn hóa Katu, Nxb Thuận Hóa, Huế.
    34. Lê Sĩ Giáo (1979), Vài nét về quan hệ xã hội của người Thái ở Mường Ca Gia (Thanh Hóa)”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
    35. Gerald Cannon Hickey (1997), “Các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên Việt Nam”, trong tuyển tập Giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Hà Nội. Nxb. Văn hóa Dân tộc.
    36. Mai Văn Hai (2009), “Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là các giá trị cơ bản của văn hóa làng Việt”, Tạp chí Xã hội học, số 1.
    37. Đinh Hồng Hải (2006), Nhà Gươl của người Cơtu, Nxb Văn hóa Dân tộc.
    38. Đinh Hồng Hải (2011), Ngôn ngữ biểu tượng trong đời sống văn hóa của người Cơ tu, Luận án Tiến sĩ Nhân học Văn hóa, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
    39. Phạm Quang Hoan (1979), “Về quan hệ hôn nhân và gia đình người Cơ tu, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
    40. Phạm Quang Hoan (1985), “Vài suy nghĩ về phương pháp phân loại gia đình”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
    41. Phạm Quang Hoan (1994), “Vai trò của các thiết chế xã hội truyền thống trong việc quản lý nguồn tài nguyên cộng đồng của người H’Mông”, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
    42. Phạm Quang Hoan (1988), “Gia đình: bản chất, cấu trúc, loại hình, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2
    43. Nguyễn Xuân Hồng (1994), “Dòng họ của người Tà ôi, Cơtu và Vân Kiều, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
    44. Nguyễn Xuân Hồng (1996), “Các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế: Những thông số Dân tộc học”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 74.
    45. Nguyễn Xuân Hồng (1998a), “Bước đầu tìm hiểu hệ thống thân tộc của người Tà ôi, Cơ tu, Bru-Vân Kiều, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
    46. Nguyễn Xuân Hồng (1998b), Hôn nhân - gia đình - ma chay của người Tà Ôi, Cơtu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa thông tin Quảng Trị.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...