Chuyên Đề Tổ chức viện kiểm sát nhân dân qua các hiến pháp 1959, 1980, 1992 và luật ksnd

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN QUA CÁC HIẾN PHÁP 1959, 1980, 1992 VÀ LUẬT KSND

    1.1. Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta theo Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960
    Hiến pháp năm 1959 ra đời với chế định mới về Viện kiểm sát nhân dân đã đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử bộ máy nhà nước ta, Viện kiểm sát nhân dân được qui định thành một cơ quan nhà nước độc lập, phù hợp với quy định của Hiến pháp.
    Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành. Luật có 6 chương, 25 điều, đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Viện kiểm sát nhân dân địa phương kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững; mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân; góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
    Với chức năng và mục tiêu hoạt động như vậy, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát nhân dân được qui định như sau: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước và công dân; điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và của các Cơ quan điều tra khác; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam; khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân.
    Về tổ chức, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân địa phương gồm có: Viện kiểm sát nhân dân ở các khu tự trị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương; các Viện kiểm sát quân sự. Về cơ cấu tổ chức ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các đơn vị trực thuộc cơ bản sau: Vụ kiểm sát chung, Vụ kiểm sát điều tra, Vụ kiểm sát xét xử hình sự, Vụ kiểm sát xét xử dân sự, Vụ tổ chức cán bộ, Phòng kiểm sát giam giữ, Phòng điều tra thẩm cứu, Văn phòng v.v . Trên cơ sở mô hình tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp cũng được thành lập và đi vào hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
    Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo theo ngành dọc và trực thuộc Quốc hội. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo; ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các đơn vị hành chính tương đương, Viện kiểm sát nhân dân khu tự trị đều lập ra Ủy ban kiểm sát để giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác kiểm sát dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương có quyền độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp. Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    Như vậy, để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình cách mạng và dựa trên nền tảng lý luận của Lê-nin, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta đã được chính thức ra đời với tư cách là một trong các hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố. Để đảm bảo thực hiện thẩm quyền của mình, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất theo ngành dọc, chỉ trực thuộc trực tiếp cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và độc lập với hệ thống các cơ quan hành pháp. Sau khi được thành lập, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân ngày càng được kiện toàn và mở rộng để đảm bảo phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ chung. Trong thời gian này, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã tổ chức một số đợt vận động cải tiến tổ chức bộ máy nhằm chuyên môn hóa nhiệm vụ của từng đơn vị, tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện đầy đủ và có hiệu quả hơn, chức năng, nhiệm vụ của mình, làm cho Viện kiểm sát nhân dân thực sự là một bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa thống nhất, khắc phục tình trạng tổ chức theo lối hành chính đơn thuần.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...