Tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2013-09
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Chu Thị Hồng Nhung
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 9/2013 đến tháng 9/2014

    2. Tính cấp thiết

    Kĩ năng xã hội của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là một tập hợp/nhóm những kĩ năng cần thiết và quan trọng để trẻ thích ứng, tồn tại và phát triển trong xã hội. Giáo dục kĩ năng xã hội là một nội dung trong chương trình giáo dục mầm non. Mục tiêu của giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nhằm giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, tự lực, linh hoạt, dễ hòa nhập, dễ chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào cuộc sống, chuẩn bị tốt cho việc học tập ở tiểu học và các cấp học sau.

    Trên thực tế, chương trình giáo dục mầm non đang được triển khai đại trà trên toàn quốc, chương trình đã phát huy được sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên và tính tích cực, chủ động của trẻ. Trẻ có cơ hội được trực tiếp tham gia vào các hoạt động khám phá, trải nghiệm và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm và kĩ năng xã hội, thẩm mĩ. Tuy nhiên việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo của giáo viên còn gặp một số khó khăn như giáo viên còn lúng túng trong việc xác định nội dung và lựa chọn biện pháp phù hợp, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một số trẻ biểu hiện kĩ năng xã hội còn yếu như đánh bạn, tranh giành đồ chơi của bạn, chơi một mình không biết chia sẻ với bạn và mọi người xung quanh

    Thực tế cho thấy cần có những nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non hiện nay để có cơ sở đề xuất các biện pháp, hình thức nhằm hỗ trợ cho giáo viên trong việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi và nâng cao mức độ thể hiện kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, lứa tuổi bắt đầu hình thành nhân cách.

    Xuất phát từ những lí do trên nhóm nghiên cứu đã lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non”.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đánh giá thực trạng việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, bước đầu đề xuất một số biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo.
    - Thực trạng tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.
    - Đề xuất một số biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    - Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong chương trình giáo dục mầm non mới.
    - Khảo sát thực trạng ở 4 lớp mẫu giáo 5-6 tuổi thuộc 2 trường mầm non nội và ngoại thành của Hà Nội.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu lí luận: Phân tích, so sánh, tổng hợp hoá, khái quát hoá các tài liệu cần thiết có liên quan.
    Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp điều tra bằng phiếu: Sử dụng phiếu hỏi đối với giáo viên mầm non; Phương pháp toạ đàm: Toạ đàm với giáo viên tại một số trường mầm non; Phương pháp quan sát: Quan sát hoạt động giáo dục của giáo viên và trẻ liên quan đến việc giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non.
    Các phương pháp bổ trợ: Phương pháp chuyên gia: Lấy ý kiến chuyên gia về các phần trong báo cáo; Phương pháp thống kê toán học: Xử lí số liệu điều tra (tính tỉ lệ %).

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương:

    Chương 1. Cơ sở lý luận của việc tổ chứcc hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non

    1.1. Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Đặc điểm và quá trình hình thành kĩ năng xã hội của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
    1.3. Giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

    Chương 2. Thực trạng tổ chức giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non

    2.1. Giới thiệu về quá trình khảo sát thực trạng
    2.2. Kết quả khảo sát

    Chương 3. Một số biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

    3.1. Nguyên tắc khi xây dựng biện pháp
    3.2. Một số biện pháp được đề xuất

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Kĩ năng xã hội ở trẻ mẫu giáo có thể hiểu là một dạng hành động của trẻ nhằm thực hiện các mối quan hệ với sự vật, hiện tượng xung quanh trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm xã hội với điều kiện, hoàn cảnh giúp trẻ giao tiếp, tương tác, thích nghi với trường lớp, cộng đồng gần gũi. Vì vậy việc tổ chức hoạt động nhằm giáo dục các kĩ năng xã hội sẽ góp phần quan trọng giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, tự lực, linh hoạt, dễ hòa nhập, dễ chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào cuộc sống, chuẩn bị tốt cho việc học tập ở tiểu học và các bậc học sau.

    Để hình thành kĩ năng xã hội cho trẻ thì trước hết trẻ cần phải có kiến thức về hành động, đặc biệt trẻ phải biết cách vận dụng kiến thức, kinh nghiệm vào thực hành luyện tập và sử dụng kĩ năng một cách linh hoạt trong những điều kiện khác nhau.

    Hiện nay, việc giáo dục kĩ năng xã hội đã được triển khai thông qua một số hoạt động theo chế độ sinh hoạt một ngày ở trường mầm non. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này và còn một số hạn chế nhất định như: Nhiều nội dung giáo dục các hành vi như tôn trọng bạn, tôn trọng người lớn, biết chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn, biết giải quyết mâu thuẫn, chấp nhận ý kiến hợp lý của người khác chưa được giáo viên thường xuyên chú trọng giáo dục trẻ; Trong các hoạt động thực tế ở lớp có nhiều tình huống cần được giáo viên định hướng để trẻ giải quyết song một phần do sỉ số lớp đông, phần nữa là do giáo viên chưa thực sự sát sao nhắc nhở hay kịp thời giải thích, điều chỉnh giúp trẻ ở một số tình huống; Hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục của giáo viên chưa thực sự giúp trẻ có nhiều cơ hội được trải nghiệm các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

    Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đề tài đã bước đầu đề xuất 04 biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ. Đó là các biện pháp: Lập kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi; Xây dựng hệ thống bài tập tình huống để giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi; Tăng cường vốn sống, vốn kinh nghiệm cho trẻ mẫu giáo về các mối quan hệ xã hội; Phối hợp với gia đình trong việc giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo. Các biện pháp này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Từ những kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm thực hiện đề tài, đã đề xuất một số khuyến nghị sau:

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

    - Tiếp tục tạo điều kiện để có những nghiên cứu về việc tổ chức giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non nhằm hình thành những định hướng, nền tảng đầy đủ và rõ ràng hơn nữa về nội dung, phương pháp thực hiện hướng vào hình thành những kĩ năng xã hội bền vững ở trẻ.
    - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo từ việc lập kế hoạch, triển khai kế hoạch đến việc đánh giá trẻ.

    Đối với Cán bộ quản lý GDMN:

    - Tăng cường công tác bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với nguồn tài liệu mới và phong phú hơn. Phát động cuộc thi, sáng kiến kinh nghiệm về việc giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ.
    - Tổ chức cho giáo viên được kiến tập, giao lưu học hỏi với các trường bạn.
    - Tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, đồ dùng, các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho giáo viên tìm hiểu mở mang nhận thức, tìm kiếm các học liệu và tổ chức tốt quá trình dậy học.

    Đối với GV mầm non:

    - Tích cực, chủ động nắm vững chương trình giáo dục mầm non trong đó có nội dung giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ, nắm được nguyên tắc, các biện pháp và hình thức giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ.
    - Đưa nội dung giáo dục kĩ năng xã hội vào kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ và thực hiện các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp, ở địa phương, tổ chức cho trẻ trải nghiệm ở mọi lúc mọi nơi.
    - Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ để nâng cao hiệu quả của công tác này.
    - Cọi trong vận dụng kĩ năng xã hội cho trẻ ở mọi tình huống phù hợp.
    - Khuyến khích GV viết kinh nghiệm GD kĩ năng xã hội để trao đổi học tập lẫn nhau.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...