Tài liệu Tổ chức hành chính và quy hoạch đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XI - XIV

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Tổ chức hành chính và quy hoạch đô thị
    Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XI - XIV








    Tóm tắt. Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, những nỗ lực vượt bậc của các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê đã khẳng định một cách vững chắc nền độc lập, thể hiện rõ bước trưởng thành của ý thức dân tộc và sự xác lập của quốc gia thống nhất. Điều đó đã tạo điều kiện cho nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010. Trước khi trở thành kinh đô của nhà Lý, khu vực Đại La - Thăng Long đã là một trung tâm dân cư đông đúc, trung tâm kinh tế, chính trị quân sự quan trọng từ thời thuộc Đường cho đến thế kỷ X ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Từ sau khi dời đô, Thăng Long trở thành kinh đô của nước Đại Việt suốt bốn thế kỷ dưới hai triều Lý - Trần. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chúng ta có thể hình dung kinh đô Thăng Long đã được tổ chức theo các đơn vị hành chính là phường, dưới phường là ngõ và phố. Một số tên phường có thể được xác định một cách tương đối trên thực địa hiện nay. Cơ quan quản lý hành chính sớm nhất được biết tới ở kinh đô Thăng Long thế kỷ XI - XIV là ty Bình Bạc được thiết lập vào năm 1230. Những người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính này đều là những vị quan thanh liêm, có kinh nghiệm quản lý ở nhiều địa phương trong cả nước. Mặt bằng quy hoạch của Thăng Long thời Lý - Trần được tổ chức khá chặt chẽ với hai khu vực chính: khu hành chính - quan liêu và khu kinh tế - dân gian. Tuy nhiên các khu vực này không hoàn toàn tách rời mà liên kết gắn bó với nhau. Thành Thăng Long thời Lý - Trần là sự thể hiện đầy đủ tính thích ứng, khả năng tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên, hài hoà với tự nhiên và môi trường trong quy hoạch và xây dựng của người Việt. Song nhìn một cách tổng thể, Thăng Long thế kỷ XI - XIV mới ở thời kỳ đầu của quá trình đô thị hoá với đậm đặc các dấu ấn tự nhiên. Tất cả những điều đó tạo nên một Thăng Long hoang sơ, tự nhiên trong buổi đầu trở thành kinh đô của nước Đại Việt.







    1. Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc,
    những nỗ lực vượt bậc của các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê đã khẳng định một cách vững chắc nền độc lập, thể hiện rõ bước trưởng thành của ý thức dân tộc và sự xác lập của quốc gia thống nhất. Chính điều này trở





    thành cơ sở cho phép những người đứng đầu
    nhà nước thời Lý có thể có những quyết định làm tiền đề cho sự phát triển đất nước trên một tầm cao mới. Lý Công Uẩn - với phẩm chất của một nhà chiến lược thiên tài, cũng là người được thừa hưởng những tiền đề lịch sử, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành
    Đại La.






    Việc dời đô được chính thức tiến hành
    vào mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) , “ .vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dười thành, có rống vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long” [1]. Sự kiện dời đô đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của thành Đại La - Thăng Long. Công cuộc kiến thiết và xây dựng kinh đô mới đã làm hiện dần lên dáng vóc của một đô thị - kinh đô bề thế, một trung tâm chính trị kinh tế của quốc gia Đại Việt độc lập ngày càng phát triển hùng cường.
    Thực ra, không phải đợi đến khi Lý Công Uẩn định đô thì vùng đất trung tâm Hà Nội hiện nay mới bắt đầu bước vào quá trình đô thị hoá. Quá trình này đã diễn ra từ hàng trăm năm trước đó từ khi phong kiến phương Bắc quyết định chọn nơi đây làm trung tâm hành chính của quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) rồi sau đó là An Nam đô hộ phủ (Bắc Trung Bộ). Cho đến cuối thế kỷ IX, thành Tống Bình - Đại La dưới thời thuộc Đường đã là một trung tâm dân cư đông đúc. Các tác giả Hà Nội nghìn xưa căn cứ vào sử nhà Đường cho biết dân cư nội ngoại thành lúc này có 15 vạn người [2]. Sách Việt sử lược còn chép vào năm 865 khi Cao Biền xây dựng Đại La thành thì
    trên mảnh đất này đã có tới 5000 gian nhà(1).
    Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô có đoạn viết “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rống cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không không thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Điều đó đã chứng tỏ rằng thành Đại La lúc đó




    (1) Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại chép là 40 vạn gian nhà. Theo chúng tôi con số do Việt sử lược ghi là phù hợp vì vào thế kỷ IX, thành Đại La chưa thể có số lượng dân cư lớn đến như vậy được.

    đã trở thành nơi tụ họp của bốn phương, là
    trung tâm chính trị và khu dân cư đông đúc vào cuối thời kỳ Bắc thuộc.
    Sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng
    cho biết vào thời thuộc Đường, huyện Tống Bình là lỵ sở của quận Giao Chỉ lúc đó đã có 11 hương [3]. Vào đầu thế kỷ X, với cải cách của Khúc Hạo vào năm 907 khi “đổi hương làm giáp, đặt ở mỗi giáp một viên quản giáp và phó tri giáp để giữ việc đóng thuế” [4] thì có thể các đơn vị hành chính ở thành Đại La lúc này đã được chuyển từ hương thành giáp.
    Cho đến khi trở thành kinh đô của quốc gia Đại Việt, quá trình đô thị hoá ở Đại La - Thăng Long lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trước. Chắc chắn nơi đây đã thu hút được nhiều luồng cư dân từ khắp mọi miền đất nước mà chủ yếu là khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ về đây sinh sống. Chưa có một nguồn tư liệu nào cho chúng ta biết một cách trực tiếp và chính xác về dân số của Thăng Long dưới thời Lý (1009-1225) song qua các ghi chép tản mạn trong các bộ chính sử lớn thì chắc chắn cư dân ở Thăng Long vào giai đoạn này đã được tổ chức theo các đơn vị hành chính là phường.
    Một số ghi chép qua các cuốn sử biên niên cho chúng ta biết tên gọi của một số phường ở Thăng Long dưới thời Lý như: Thái Hoà, Báo Thiên, Phủng Nhật, Cơ Xá, Bố Cái, Thịnh Quang, Tây Nhai, An Hoa, Giang Khẩu Sang thời Trần (1226-1400), bên cạnh các phường đã có dưới thời Lý thì cũng xuất hiện thêm tên gọi của một số phường mới như phường Hạc Kiều, phường Nhai Tuân, phường Toán Viên, phường Các Đài
    Nguyễn Trãi trong cuốn Dư địa chí được biên soạn vào năm 1435 cũng cho chúng ta thêm một số tên phường ở phủ Phụng Thiên mà có thể phần lớn đã từng tồn tại ở Thăng Long giai đoạn trước đó như “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm võng, gấm






    trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy.
    Phường Thuỵ Chương và Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Tả Nhất làm quạt, Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đồng Nhân bán áo diệp y”.
    Như vậy, bằng nhiều nguồn thông tin
    khác nhau chúng ta đã có một hệ thống tên gọi các đơn vị hành chính ở Thăng Long từ thế kỷ XI-XV. Năm 1230, lần đầu tiên số lượng các phường ở Thăng Long được nhắc đến đó là khi nhà vua cho “định lại các phường ở hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường” [5]. Sự kiện trên càng cho ta đi đến kết luận rằng phần lớn các phường ở Thăng Long trong các thế kỷ XI - XIV đã được hình thành vào thời Lý. Với hơn hai trăm năm xây dựng và phát triển kể từ ngày định đô, diện mạo Thăng Long dưới triều Lý về cơ bản đã được quy hoạch. Đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phát triển của kinh thành trong các giai đoạn sau này.
    Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự phát triển cũng như quá trình đô thị hoá đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở Thăng Long trong suốt mấy thế kỷ. Chắc chắn vào thời Trần, số lượng dân cư và quy mô của kinh thành Thăng Long đã khác trước. Thăng Long dưới thời Trần không chỉ là nơi tụ hội của các cư dân trong nước mà nó còn là nơi tập trung của nhiều cư dân nước ngoài đến làm ăn sinh sống bằng nhiều con đường khác nhau. Các nguồn thư tịch cổ đã chép nhiều lần các cư dân đến từ phương Bắc và phương Nam đã vượt biển đến sinh sống ở đây. Đó là vào năm 1272, 30 thuyền biển của người Tống chống lại nhà Nguyên chở đầy vợ con và của cải sang ta xin cư trú và vua Trần cho ở phường Giai Tuân, hay sự kiện năm 1302 “ có người đạo sĩ ở phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở

    bến sông An Hoa” [5]. Nhiều tù binh Chiêm
    Thành, sau các cuộc chiến tranh đã trở thành điền nô ở vùng Cảo Xã (nay là các làng Phú Thượng, Nhật Tảo). Đây chính là những chứng cứ cho quá trình phát triển dân cư liên tục của Thăng Long kể từ ngày định đô. Bên cạnh quá trình đô thị hoá mang tính tự nhiên, nhà nước trung ương tập quyền cũng đã có nhiều biện pháp khác nhau để quy hoạch và xây dựng các khu dân cư mới xung quanh kinh thành. Năm 1362, vua Trần Dụ Tông đã “sai tư nô cày một mẫu đất ở trên bờ Bắc của sông Tô Lịch để trồng hành tỏi, rau dưa đem bán và gọi tên phường ấy là Toán Viên” [5].
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...