Tổ chức cơ sở dữ liệu và tính toán một số chỉ số cốt lõi của giáo dục và nhân lực Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
     
    1. Thông tin chung


    Mã số: V2010-05NV (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Ngô Thị Thanh Tùng
    Các thành viên tham gia: TS. Trần Thị Thái Hà; ThS. Mai Thị Thu; CN. Dương Văn Hưng; ThS. Nguyễn Văn Chiến
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 3 năm 2011/ tháng 3 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Hệ thống số liệu thống kê về giáo dục và nhân lực có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục và kinh tế - xã hội. Những số liệu tin cậy về tất cả các mặt quy mô, chất lượng, hiệu quả, các điều kiện đảm bảo . sẽ giúp cho việc đánh giá khách quan, chính xác về thực trạng tình hình giáo dục và nhân lực, từ đó có thể đưa ra những kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm góp phần đẩy nhanh sự phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

    Thực tế hiện nay, hệ thống các số liệu thống kê về giáo dục và nhân lực ở nước ta rất bất cập. Chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) nhất quán; có sự không thống nhất nhau về số liệu ở các nguồn khác nhau về cùng một chỉ số giáo dục, về cùng một loại số liệu; hệ thống các chỉ số chưa cập nhật và vì thế chưa đầy đủ; thiếu các thông tin cần thiết phục vụ cho quản lý, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển giáo dục quốc gia. Mặt khác, hệ thống thông tin, chỉ số giáo dục hiện tại chưa tương đồng với các nước trong khu vực và quốc tế nên việc nghiên cứu so sánh giáo dục nước ta với các nước trên thế giới thường gặp rất nhiều khó khăn.

    Hệ thống CSDL về giáo dục và nhân lực có vai trò trợ giúp rất đắc lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, nó còn có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp số liệu để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Viện. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều hạn chế do kết cấu hạ tầng, thông tin, dữ liệu

    Tóm lại, hiện có rất nhiều số liệu về giáo dục và nhân lực đang tồn tại ở rất nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều dự án và đề tài nghiên cứu khảo sát. Để có được những số liệu đó Nhà nước đã phải tốn kém rất nhiều thời gian và kinh phí. Thực tế cho thấy tiềm năng khai thác các số liệu đã có là rất lớn nhưng do chưa có những đầu tư cụ thể, bài bản nên bản thân những số liệu đó chưa thể phát huy hết vai trò trợ giúp cho các hoạt động của Viện và của Ngành giáo dục.

    Mặc dù đã có nhiều cố gắng để tìm kiếm, thu thập và tổng hợp được tương đối nhiều dữ liệu nhưng cho đến nay Trung tâm Phân tích và Dự báo giáo dục và nhân lực mới chỉ dừng lại ở việc thu thập số liệu thô. Những dữ liệu này muốn khai thác có hiệu quả cần phải được tổ chức, tính toán, sắp xếp vào một CSDL theo những chỉ số được lựa chọn phục vụ cho phát triển giáo dục và nhân lực. Khi đã có được CSDL phù hợp với nhu cầu sử dụng của Viện và Trung tâm.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Tổ chức một cơ sở dữ liệu và tính toán một số chỉ số cơ bản của giáo dục và nhân lực Việt Nam làm tiền đề cho việc hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động nghiên cứu của Viện và nhiệm vụ của ngành giáo dục.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Đánh giá chung về thực trạng CSDL về giáo dục và nhân lực ở Việt Nam hiện nay.
    - Xác định một số chỉ số giáo dục và nhân lực Việt Nam hiện nay theo các nguyên tắc sau: đảm bảo tính khả thi; đảm bảo tính khả dụng; đảm bảo khả năng cập nhật theo định kỳ dữ liệu; đảm bảo có thể so sánh với các chỉ số quốc tế.
    - Thu thập, phân loại, kiểm tra, nhập và tính toán các chỉ số
    - Tổ chức lưu trữ các số liệu và cung cấp theo đặt hàng của các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhu cầu trong phạm vi của hệ thống cơ sở dữ liệu.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Một số chỉ số cơ bản về giáo dục và nhân lực Việt Nam phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và của ngành.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tích số liệu/thông tin có sẵn.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Một số vấn đề lí luận
    1.1. Các khái niệm sử dụng trong đề tài
    1.2. Vai trò của cơ sở dữ liệu trong hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học

    Chương 2: Thực trạng dữ liệu về giáo dục và nhân lực ở Việt Nam hiện nay
    2.1. Dữ liệu về giáo dục
    2.2. Dữ liệu về nhân lực

    Chương 3: Tổ chức cơ sở dữ liệu và tính toán các chỉ số về giáo dục và nhân lực
    3.1. Tổ chức cơ sở dữ liệu
    3.2. Xây dựng cơ sở dữ liệu
    3.3. Hoạt động của cơ sở dữ liệu

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Về thực trạng CSDL về giáo dục và nhân lực ở Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê về giáo dục ở nước ta hiện nay tương đối da dạng và phức tạp bao gồm các chương trình điều tra, thống kê chính thức và các dữ liệu điều tra nhỏ, lẻ của các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu. Cần thực hiện đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa tất cả các quá trình, các khâu: thu thập, xử lý và tổng hợp, phân tích và dự báo; truyền đưa, lưu giữ và phổ biến thông tin thống kê, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Chất lượng cơ sở dữ liệu về nhân lực nước ta hiện nay nhìn chung là còn phân tán và chưa hình thành một cách tập trung, có khoa học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng kế hoạch, dự báo về nhu cầu nhân lực và đào tạo trong tương lai

    Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn danh mục để xây dựng hệ thống các chỉ số cốt lõi dựa trên nguyên tắc phổ biến hay tần suất được sử dụng: (i) các công trình nghiên cứu trước đây đã lựa chọn; (ii) danh mục hệ thống chỉ số cấp ngành và quốc gia mới ban hành; (iii) các tổ chức quốc tế và các nước đang sử dụng. Xác định nguồn dữ liệu và giải quyết các tình huống khó khăn khi xây dựng cơ sở dữ liệu.

    Việc duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu về mặt kỹ thuật là rất dễ dàng, tuy nhiên, việc cập nhật số liệu thống kê hàng năm và mở rộng số lượng các chỉ số thống kê là không thể thực hiện được nếu không được cung cấp kinh phí thu thập số liệu thường xuyên.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu được tổ chức cho phép lưu trữ các chỉ số trong nhiều năm với lượng chỉ số cơ bản và hệ thống công thức tính chỉ số phức tạp được xây dựng và cập nhật liên tục. Cơ sở dữ liệu cũng đáp ứng được khả năng mở rộng danh mục các chỉ số và công thức tính chỉ số. Cơ sở dữ liệu được xây dựng với khả năng mở rộng và cải tiến rất lớn; dễ dàng sao lưu và phục hồi toàn bộ dữ liệu khi có sự cố xảy ra; Cho phép truy vấn, trích rút chỉ số nhanh chóng. Cơ sở dữ liệu được thiết kế là một hệ thống mở để có thể cập nhật và mở rộng, nâng cấp bất kỳ khi nào có kinh phí và nhân lực bổ sung.

    Để sử dụng hiệu quả và phát triển được cơ sở dữ liệu về các chỉ số thống kê giáo dục và nhân lực, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị sau: 1/Đảm bảo nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu và phổ biến thông tin; 2/Các hoạt động khai thác cơ sở dữ liệu; 3/Các hoạt động duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu. Việc thu thập, cập nhật các số liệu, dữ liệu về giáo dục và nhân lực vào CSDL này là một công việc khó khăn. CSDL duy trì và phát triển được cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, đặc biệt là từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...