Tính toán chi phí của học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khu vực Hà Nội

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-22 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Lê Thạch
    Thời gian bắt đầu/ kết thúc: tháng 06 năm 2010 / tháng 06 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Hiện nay, hệ thống GD ĐH, TCCN ở khắp nơi trên thế giới phụ thuộc vào sự kết hợp giữa các nguồn lực nhà nước và tư nhân nhằm cung cấp tài chính cho hoạt động của các trường. Có sự khác biệt rất lớn giữa các nước về tỉ trọng giữa các nguồn lực nhà nước và tư nhân mà các trường nhận được. Tuy nhiên, có một thực tế chung là không một quốc gia nào trên thế giới có khả năng cung cấp cho toàn dân một nền GD miễn phí. Thực tế này đòi hỏi phải có chính sách huy động mọi nguồn lực từ trong dân cư trước hết là từ những gia đình có nhu cầu cho con em đi học. Dựa trên các số liệu của Bộ GD-ĐT và Tổng cục Thống kê, thì phần chi của người dân cho giáo dục chiếm hơn 40% trong tổng chi phí xã hội cho giáo dục, còn phần chi của ngân sách nhà nước chiếm khoảng 59%. Theo dự thảo Nghị định Quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2011-2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm do cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ thông báo. Vậy với mức học phí như vậy thì chi phí cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thay đổi ra sao, và chuyện chi phí cho việc học trước đây là một gánh nặng đối với các phụ huynh nói chung và đối với các gia đình nghèo thì hiện nay sẽ ra sao, gánh nặng này tăng lên hay giảm đi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các hình thức hỗ trợ cho học phí và các quy định về khung học phí từ năm 2010 nhưng học phí như vậy thì tổng chi phí của học sinh ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ là bao nhiêu và Chi phí như vậy có làm giảm cơ hội tham gia học tập của các nhóm đối tượng khó khăn hay không. Thực tế cho thấy vấn đề về chi phí và khả năng có thể trang trải được chi phí của một học sinh là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Đó là vì khả năng trang trải được các chi phí của các nhóm học sinh là khác nhau nên chính sách về học phí cũng như các chi phí khác tác động rất lớn đến người dân và toàn xã hội. Nghiên cứu 'Cung cấp tài chính cho giáo dục' của Ngân hàng thế giới năm 1996 đã chỉ ra, người giàu được hưởng dịch vụ công trong giáo dục nhiều hơn người nghèo và các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy xu thế chúng đó chưa có thay đổi nhiều. Chính vì vậy, việc điều chỉnh và thay đổi về chi phí cho học tập cần được nghiên cứu.

    Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc lựa chọn một trường học phù hợp với năng lực và sở thích thì vấn đề học phí và chi phí sinh hoạt cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với quý bậc phụ huynh và các em học sinh. Thực tế cho thấy, có nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường rồi mới ngỡ ra rằng điều kiện kinh tế của gia đình không đủ để theo học. Hà Nội có thể nói là nơi tập trung nhiều các trường Đại học, Cao đẳng cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất nhiều học sinh từ các tỉnh thành phía Bắc về Hà Nội để tham gia học tập. Tuy nhiên, Hà Nội cũng là nơi mà mọi chi phí đều khá đắt đỏ, điều này phần nào cũng làm cản trở hay làm giảm cơ hội học tập của học sinh. Vậy để biết được chi phí khi tham gia học tập của học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp tại Hà Nội như thế nào và có thực những điều này làm giảm cơ hội học tập của học sinh hay không? Thực tế này dẫn đến nhu cầu bức thiết cần phải tiến hành một nghiên cứu tính toán chi phí, tìm hiểu khả năng chi trả học phí của học sinh. Nghiên cứu sẽ góp phần trả lời những câu hỏi: Hiện nay học sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chi trả những chi phí nào và trung bình là bao nhiêu khi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là khối trung cấp chuyên nghiệp và khả năng chi trả học phí của học sinh này hiện nay như thế nào? Có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng học sinh không? Nhân tố nào ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của học sinh?

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Xác định các chi phí của học sinh khi tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp khu vực Hà Nội.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Xây dựng cơ sở lý luận của đề tài

    - Các thành tố của chi phí liên quan đến việc đi học của học sinh khi tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp khu vực Hà Nội

    - Phân tích thực trạng chi phí của học sinh tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp

    - Phân tích và làm rõ các nhân tố tác động đến khả năng chi trả chi phí trong đó đặc biệt là học phí của học sinh

    - Đề xuất một số khuyến nghị

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Địa điểm được chọn để tiến hành điều tra là cấp trung cấp chuyên nghiệp của Trường Cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội và cấp trung cấp chuyên nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung.

    Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định chi phí của học sinh khi tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp khu vực Hà Nội. Trên thực tế, chưa có nghiên cứu tính toán về chi phí của học sinh khi tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp do đó chưa có một chuẩn chung để đánh giá chi phí cho đối tượng này. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu dựa trên các số liệu hiện có thông qua khảo sát bao gồm các chi phí thực tế của học sinh, hỗ trợ của gia đình . làm cơ sở để đưa ra những tính toán và đánh giá, đo lường của mình về chi phí và khả năng chi trả của học sinh

    6. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lý luận: Tổng hợp, phân tích, so sánh các tài liệu có liên quan đến vấn đề chi phí học tập của học sinh.

    - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Điều tra khảo sát và thu thập thông tin qua các phiếu hỏi, các phỏng vấn sâu.

    - Phương pháp thống kê toán học để xử lý kết quả điều tra khảo sát.

    - Phương pháp chuyên gia: Đề tài đã mở một số cuộc hội thảo nội bộ xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia về vấn đề học phí.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 phan

    Chương 1: Một số vấn đề lý luận của đề tài
    1.1. Một số khái niệm
    1.2. Cơ sở khoa học của việc ấn định khung học phí

    Chương 2: Thực trạng chi phí và khả năng chi trả học phí của học sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp

    2.1. Chi phí và khả năng chi trả học phí của học sinh
    2.2. Một số nhân tố ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của sinh viên
    2.3. Khả năng chi trả học phí của sinh viên nếu mức học phí tăng

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Trong chương 1, đề tài đã trình bày một số khái niệm về chi phí, tính toán chi phí, học phí, khả năng chi trả. Đề tài đề cập tới cơ sở khoa học của việc ấn định khung học phí gồm giá thành, mức thu học phí.

    Chương 2 trình bày và phân tích thực trạng khả năng chi trả học phí và một số nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của sinh viên. Phần lớn các chi phí hiện nay, học sinh chủ yếu dựa vào tiền của gia đình gửi cho. Có những trường hợp, số tiền gia đình gửi cho chỉ đáp ứng được một phần thậm chí một phần rất nhỏ trong tổng chi phí của các em. Một số trường hợp các học sinh đã phải nợ học phí. Qua việc tìm hiểu một số nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của học sinh, thấy rằng thu nhập của gia đình vẫn là nguồn hỗ trợ chính trong việc chi trả học phí cũng như tất cả các khoản chi tiêu cần thiết khác của học sinh. Khi nguồn hỗ trợ này không đủ, học sinh thường tìm đến những nguồn hỗ trợ khác, đó là đi làm thêm. Có một nguồn khác là học bổng nhưng số học sinh thuộc hệ trung cấp thì việc nhận được hỗ trợ từ nguồn này chiếm tỷ lệ rất ít và hầu như không. Như vậy, để có thể trang trải học phí và các chi phí khác cho việc học tập, chi phí sinh hoạt và chi phí cá nhân, các học sinh hiện nay phải nhờ vào hỗ trợ của rất nhiều nguồn nhưng chủ yếu vẫn là từ gia đình.

    Về khả năng chi trả học phí của sinh viên nếu mức học phí tăng. Mặc dù còn có nhận định khác biệt về mức học phí phải đóng hiện nay và thái độ đối với việc tăng học phí của các nhóm đối tượng học sinh nhưng thực trạng cho thấy và còn có không nhỏ những học sinh gặp khó khăn khi đến kì nộp học phí. Tuy nhiên, trên tổng thể học sinh vẫn có khả năng chi trả mức học phí cao hơn ngoài mức học phí là 900.000đồng/ kì. Tuy nhiên, phần đa SV có thể chấp nhận mức học phí mới từ 1,5 triệu trở lại.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Từ nghiên cứu lí luận các vấn đề có liên quan và khảo sát thực tế về chi phí của học sinh khi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp và các yếu tố ảnh hưởng đến việc tri chả học phí của học sinh có thể rút ra một số kết luận như sau:

    - Vấn đề mức thu học phí như thế nào vẫn đang còn là một vấn đề gây tranh cãi. Việc định ra mức học phí một phần do là nhà nước trên quan điểm chia sẽ chi phí đào tạo, vậy nên mức học phí cũng có thể do chính các trường dựa vào điều kiện của mình. Tuy nhiên, một đặc điểm dễ dàng nhận thấy là chính sách về học phí của các nước luôn gắn liền với các chương trình hỗ trợ tài chính cho học sinh. Một số những chương trình hỗ trợ tài chính chủ yếu hiện nay là: trợ cấp, học bổng, vay tín dụng, vừa học vừa làm, miễn học phí.

    - Ở Việt Nam, mức học phí tại các trường TCCN hay trình độ trung cấp tại các trường Cao đẳng và ĐH hiện nay được thực hiện theo Nghị định 49 của Chính phủ (Số: 49/2010/NĐ-CP) và được tính theo hệ số của các trường Đại học công lập, khối dạy nghề được quy đinh theo từng ngành học cụ thể và các trường dân lập có mức học phí riêng tùy thuộc vào điều kiện của trường.

    - Những kết quả nghiên cứu đã cho ta một cái nhìn tổng quan về các chi phí bình quân mà học sinh hàng ngày phải đối mặt và tình hình khả năng chi trả học phí của các học sinh, sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng cũng như những khó khăn của họ. Phần lớn các chi phí hiện nay, học sinh chủ yếu dựa vào tiền của gia đình gửi cho. Có những trường hợp, số tiền gia đình gửi cho chỉ đảm bảo được một phần rất nhỏ thậm chí bằng 1/3 tổng chi phí của các em. Một số trường hợp các học sinh đã phải nợ học phí.

    - Qua việc tìm hiểu một số nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của học sinh, nhóm tác giả nhận thấy thu nhập của gia đình vẫn là nguồn hỗ trợ chính trong việc chi trả học phí cũng như tất cả các khoản chi tiêu cần thiết khác của học sinh. Khi nguồn hỗ trợ này không đủ, học sinh thường tìm đến những nguồn hỗ trợ khác, như đi vay hoặc đi làm thêm. Tuy nhiên với đối tượng là học sinh trung cấp thì việc đi làm thêm là rất khó khăn do cấp học không cao. Có một nguồn khác là học bổng nhưng với đối tượng học sinh trung cấp thì số lượng này vô cùng thấp nên đề tại không đưa ra những số liệu phân tích mặc dù bộ công cụ khảo sát có đề cập đến vấn đề này. Do đó, thực tế này cần phải được xem xét để luôn điều chỉnh mức học phí mới sao cho đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục nhưng cũng không làm giảm cơ hội học tập của học sinh.

    Khuyến nghị

    Cần phải tiến hành một số nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài về chính sách học phí và các chương trình hỗ trợ tài chính không chỉ cho những học sinh học Đại học mà còn với những học sinh ở trình độ trung cấp.

    Cần phải tiến hành tiếp tục một số nghiên cứu về những chi phí cần thiết cho một học sinh trong các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp khác nhau để tìm ra những chi phí và phụ phí thực sự của mỗi học sinh, làm cơ sở khoa học điều chỉnh mức học phí phù hợp, phù hợp với khả năng chi trả của học sinh.

    Cần khuyến khích các tổ chức xã hội và cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho cấp đào tạo này nhằm đào tạo được những công nhân lành nghề.

    Thực hiện các chương trình học bổng và tín dụng cho học sinh ở cấp học này một cách rộng rãi và giảm các tiêu chuẩn để học sinh có thể tiếp cận dễ dàng hơn

    Từ khóa: 1/ Giáo dục nghề nghiệp; 2/ Chi phí; 3/ Học phí.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...