Tiểu Luận tình huống : Quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke tại thành phố Buôn Ma Thuột

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    tình huống : “Quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke tại thành phố Buôn Ma Thuột ”

    A - MỞ ĐẦU
    Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc coi trọng chính sách đầu tư văn hóa, đầu tư cho con người; khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa ngày càng nhiều hơn là thể hiện vai trò của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Từ khi có Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao đã mở đường cho cơ hội phát huy nguồn nội lực trong nhân dân cùng tham gia phát triển văn hóa theo mô hình xã hội hóa.
    Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
    Thực hiện chủ trương xã hội hóa đó, các hoạt động văn hóa ở tỉnh ĐắkLắk đã có bước phát triển rõ rệt của khu vực ngoài công lập; bước đầu huy động được tiềm năng và nguồn lực xã hội; mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình, tăng cường cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Nghị định 31/1999/NĐ-CP ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh với nhiều ưu đãi ở mức cao, nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột, đã nhanh chóng phát triển nhiều mô hình hoạt động văn hóa như: Các câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ . do tư nhân bỏ vốn đầu tư; hoạt động vũ trường; cửa hàng kinh doanh băng đĩa hình, nhạc; tụ điểm hát cho nhau nghe; hát karaoke; sân khấu ca nhạc ngoài trời; tụ điểm vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi; chiếu phim; siêu thị sách . Đặc biệt, loại hình kinh doanh karaoke phát triển khá mạnh do các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở đầu tư ở mức độ vừa và nhỏ; đã góp phần làm phong phú, đa dạng hơn hoạt động văn hóa; thu hút đông đảo mọi tầng lớp, đối tượng đến tham gia sinh hoạt vui chơi trong thời gian rỗi.

    Karaoke là một công cụ hiện đại, được chế tạo đặc biệt rất chuyên dụng; thiết kế nhỏ, gọn; có thể hòa âm phối khí và hiển thị âm thanh, hình ảnh minh hoạ tách rời.
    Nhìn chung loại hình kinh doanh karaoke gia đình hoạt động tương đối ổn định, các cơ sở vừa kinh doanh vừa phục vụ nhu cầu văn hóa. Một chủ cơ sở kinh doanh karaoke bộc bạch: “chính vì ham thích ca hát, thêm vào sự động viên của bạn bè, tôi đã nảy sinh mở tụ điểm karaoke và kinh doanh từ năm 1995 cho đến nay”. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở karaoke hoạt động theo hình thức này, ít gặp khó khăn, phức tạp.
    Những năm đầu triển khai, một mặt đã phát huy được tính tích cực, góp phần không nhỏ cùng các thiết chế văn hóa của Nhà nước (Nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, bảo tàng ) nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, được sự đồng tình của xã hội; khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là đúng đắn. Mặt khác, những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập, một bộ phận các chủ cơ sở karaoke vì chạy theo lợi nhuận đã cạnh tranh không lành mạnh, đưa “chiêu bài” sử dụng tiếp viên nữ với nhiều phương thức “câu khách” làm cho hoạt động karaoke biến dạng một cách rõ nét. Các ngành nghề dịch vụ thương mại nhạy cảm khác như: nhà hàng, quán ăn, cà phê, quán bar (rượu, bia) len lỏi, hoạt động song hành với karaoke; từ đó đã xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, gây nhiều dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng cảnh báo; làm đau đầu các cơ quan quản lý trên lĩnh vực hoạt động này.
    Qua thống kê và tổng hợp số liệu báo cáo của Chính quyền địa phương, đa số các cơ sở kinh doanh hoạt động gia đình đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hoạt động karaoke (giấy phép, điều kiện hoạt động, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, hợp đồng lao động ). Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở không vi phạm về tệ nạn xã hội, nhưng có vi phạm về các điều kiện hoạt

    động (độ ồn, ánh sáng, hoạt động quá giờ .). Cá biệt có vài trường hợp do chủ cơ sở thiếu kiểm tra sinh hoạt của khách trong phòng karaoke, nên khi lực lượng kiểm tra đến phát hiện có xảy ra trường hợp thanh niên lợi dụng vào đây hút hít chất kích thích hoặc trai gái quan hệ thiếu lành mạnh, hoặc có những hành vi không lành mạnh giữa khách và tiếp viên.
    Karaoke là một loại hình văn hoá khá nhạy cảm nên có thể dễ dàng biến tướng từ trạng thái có văn hoá sang phi văn hoá. Với những hình thức hoạt động tinh vi, thêm vào sự dung túng, bao che từ một bộ phận số cán bộ. Công tác quản lý hoạt động karaoke trong một thời gian dài bị buông lỏng, tổ chức kinh doanh hoạt động karaoke trá hình diễn ra hết sức phức tạp mà dư luận lên án, phản đối, xã hội không đồng tình đó là nổi trăn trở của của cấp Chính quyền và các cơ quan chức năng.
    Là một cán bộ đang công tác và gắn bó nhiều năm trong ngành văn hóa, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Buôn Ma Thuột. Trước thực trạng báo động của hoạt động karaoke luôn diễn biến phức tạp. Tôi quyết định chọn tình huống :“Quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke tại thành phố Buôn Ma Thuột ” . Đưa ra một số phương án giải quyết tinh huống với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình đưa karaoke trở về với mô hình văn hóa lành mạnh, ứng dụng thiết thực vào cuộc sống; kiến nghị một số giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh karaoke; góp phần cùng thành phố Buôn Ma Thuột và cả nước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
    Hy vọng qua tình huống này, bản thân tôi sẽ củng cố thêm những kiến thức đã được trang bị trong thời gian học tập và từng bước nâng cao năng lực trong hoạt động thực tiễn.




    B - NỘI DUNG:
    I. MÔ TẢ TÌNH HUỐNG:
    - Bà Võ Thị B . đăng ký thường trú tại phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk . Năm 2007 bà B . thành lập DNTN “Hoàng Trà” tại địa chỉ: , khu phố phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột với ngành nghề: kinh doanh Karaoke
    Trong quá trình hoạt động kinh doanh DNTN “Hoàng Trà” thường để xãy ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây nhiều bức xúc cho người dân chung quanh. Ngày 10/8/2008, nhân dân khu phố 11 phường Thắng Lợi có đơn khiếu nại phản ảnh về những biểu hiện thiếu lành mạnh tại cơ sở này như: nhân viên nữ mặc trang phục hở hang chèo kéo khách nam trước cơ sở gây phản cảm; thường xuyên hoạt động quá giờ quy định (sau 23 giờ), gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân chung quanh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại khu dân cư.
    Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Đội kiểm tra liên ngành đã triển khai kế hoạch, tiến hành khảo sát, nắm bắt địa bàn. Xác định nội dung đơn khiếu nại, tố cáo là có cơ sở. Vào lúc 22h00, ngày 20/01/2011, Đội kiểm tra liên ngành thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp Tổ kiểm tra liên ngành phường Thắng Lợi tiến hành tổ chức kiểm tra DNTN “Hoàng Trà”. Qua kiểm tra đã phát hiện vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ cở này.
    Những vi phạm của DN gồm các lỗi sau :
    - Giấy phép hành nghể hết thời hạn
    - 2 trong số 4 phòng đang có khách hát có sử dụng tiếp viên ngồi hát và có biểu hiện không lành mạnh với khách trong trang phục rất “mát mẻ”
    - Tiếp viên không có hợp đồng lao động
    - Ánh sáng trong phòng dùng đèn màu rất mờ không đúng quy định của ngành Văn hóa.
    - Cửa kính dán đề can không thể nhìn thấy toàn bộ phòng như quy định


    Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản những hành vi vi phạm của chủ DNTN “Hoàng Trà” đồng thời tạm giữ :
    - 1 giấy phép hành nghề
    - 1 giấy phép kinh doanh
    - 2 đầu máy Karaoke vi tính
    II- MỤC TIÊU XỬ LÝ TÌNH HUỐNG :
    Trước thực trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ Karaoke trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đang diễn biến phức tạp và hoạt động cả ngày lẫn đêm và nhất là vào đêm khuya quá 23giờ trong khu dân cư. Do đó cần xác định mục tiêu như sau:
    1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
    Nhằm lập lại trật tự kỹ cương trên lĩnh vực hoạt động văn hóa và ngành nghề nhạy cảm, ngăn ngừa những biến tướng trá hình trong kinh doanh. Đề ra những giải pháp vừa mang tính giáo dục, thuyết phục vừa kiên quyết răn đe giúp chủ kinh doanh nhận thức, hiểu biết và chấp hành đúng chủ trương, đường lối, của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước.
    2. Đối với chính quyền địa phương:
    Tăng cường hơn nữa trách nhiệm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với Cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác quản lý, kiểm tra trên địa bàn mình quản lý.
    Từ nội dung đơn phản ảnh của nhân dân, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác bài trừ các tệ nạn xã hội, lành mạnh hóa các hoạt động văn hóa, trên địa bàn dân cư gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
    3. Đối với chủ Doanh nghiệp:
    Nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật. Trong tổ chức kinh doanh cần thể hiện trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi nhuận trước mắt đưa hoạt mại dâm động trá hình vào kinh


    doanh, làm ảnh hưởng đến đạo đức lối sống và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn kinh doanh.
    III. PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ:
    1. Nguyên nhân:
    1.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
    Công tác quản lý nhà nước còn buông lỏng, thiếu sự phối kết hợp một cách đồng bộ, vẫn còn chồng chéo và thậm chí còn vô hiệu hóa lẫn nhau. Ngành này đình chỉ, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh thì ngành khác lại cấp.
    Công tác thanh tra, xử lý tệ nạn xã hội của cơ quan chức năng có nơi, có lúc chưa thường xuyên, kiên quyết, triệt để, đôi lúc còn "nhẹ tay", nên các chủ doanh nghiệp “ỷ lại” vẫn ngang nhiên hoạt động và bất chấp dư luận xã hội.
    1.2. Đối với chính quyền địa phương:
    Công tác quản lý kiểm tra, nắm bắt địa bàn của Công an khu vực và Tổ kiểm tra liên ngành thiếu sâu sát, chưa hướng dẫn kịp thời để chủ doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức kinh doanh.
    Khi nhận được ý kiến phản ảnh của người dân Chính quyền địa phương còn nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý, để tình trạng kinh doanh gây mất an ninh trật tự kéo dài dẫn đến nhân dân mất lòng tin đối với chính quyền địa phương họ không ý kiến, không phản ảnh kịp thời và có hiệu quả những hành vi sai trái của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa nói riêng và các cơ sở kinh doanh khác.
    1.3. Đối với chủ doanh nghiệp:
    Ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke được quy định trong danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” cần có chứng chỉ hành nghề do ngành văn hóa thẩm định và cấp giấy phép. Trong giấy phép hành nghề có quy định một số điều kiện tối thiểu mà chủ Doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy nhiên vì những mục đích, động cơ khác nhau nên Doanh nghiệp cố tình phớt lờ các quy định đó. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mắc nhiều sai phạm khác về lĩnh vực an ninh trât tự, an toàn xã hội như: không thực hiện bản cam kết an ninh và trật tự với cơ quan

    Công an; không trang bị lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy; không ký kết hợp đồng lao động với nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh.
    Với những điều kiện bắt buộc trên, Doanh nghiệp không thể đỗ lỗi là không biết quy định này.
    2. Hậu quả:
    2.1.Về phương diện đời sống tinh thần xã hội:
    Đất nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường và đang trên tiến trình hội nhập quốc tế. Sự xâm nhập văn hóa từ bên ngoài, lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai nhanh chóng du nhập vào nước ta. Một bộ phận chủ cơ sở hám lợi, dùng nhiều phương thức “tiếp viên nữ” trong kinh doanh nên dễ biến tướng thành tệ nạn xã hội (mại dâm) làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và đời sống sinh hoạt cộng đồng, gây nhiều lo ngại và bức xúc đối với người dân.
    Đối với doanh nghiệp “Hoàng Trà”, mặc dù trong quá trình kiểm tra chưa phát hiện và bắt quả tang những vi phạm về tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên Karaoke đèn mờ có tiếp viên nữ là loại hình kinh doanh nhạy cảm. Do vậy, chính quyền địa phương hơn ai hết cần theo dõi và nắm chắc tình hình hoạt động để kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
    2.2. Về lao động và văn hóa:
    Việc không chấp hành các quy định về lĩnh vực lao động như: sử dụng nhân viên không có hợp đồng lao động thậm chí sử dụng nhân viên chưa đến tuổi lao động làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi, chạy theo những việc làm thu nhập cao nhưng trái với thuần phong đạo đức dân tộc.
    Trong các quy định của ngành văn hóa thì sử dụng diện tích phòng hát, cửa kính, ánh sáng và âm thanh không đúng quy định tạo môi trường thuận lợi cho các hành vi mại dâm trá hình phát triển.
    2.3. Về lĩnh vực thương mại dịch vụ:
    Theo thống kê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có gần 150 cơ sở kinh doanh karaoke 80% trong số này vi phạm giấy phép kinh doanh. Việc cấp giấy phép đăng


    ký kinh doanh tràn lan, cấm xong rồi lại cấp phép, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Theo quy định không có giấy chứng nhận hành nghề có nghĩa là không đủ điều kiện kinh doanh thì giấy phép kinh doanh cũng không sử dụng được. Doanh nghiệp “Hoàng Trà ” giấy phép hành nghề hết hạn mà vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh là trái quy định và được xem như hành vi hoạt động không có giấy phép.
    2.4. Về lĩnh vực an ninh trật tự:
    - Điều kiện quy định ngành nghề kinh doanh đặc biệt, khi sử dụng nhân viên phục vụ phải ký kết hợp đồng lao động. Trong khi kiểm tra hành chính, Đội Đội kiểm tra liên ngành thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận có 08 nhân viên không ký kết hợp đồng lao động và nhân viên này chưa đủ 18 tuổi, như vậy Doanh nghiệp đã vi phạm Nghị định số 45/2005/NĐ-CP.
    - Một trong những điều kiện kinh doanh ngành nghề đặc biệt cần thiết là phòng cháy, chữa cháy. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người. Thực tế, doanh nghiệp đã không chấp hành lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại cơ sở lại còn thiết kế phòng ốc, lối đi, cầu thang ngoằn ngoèo để đối phó và làm chậm bước đoàn kiểm tra cũng có nghĩa là tiềm ẩn nguy cơ thương vong cao khi có cháy, nổ xảy ra, vi phạm Nghị định số 123/2005/NĐ-CP.
    - Qua kiểm tra còn nhận thấy doanh nghiệp có biểu hiện sử dụng tiếp viên nữ phục vụ khách (tuy chưa bắt quả tang) . như vậy nguy cơ về tệ nạn xã hội là khó tránh khỏi nếu cơ quan quản lý và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.










    IV. CÁC PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG:
    Sau khi kiểm tra và ghi nhận lỗi vi phạm tại cơ sở, căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật được quy định từng lĩnh vực ngành nghề. Đội kiểm tra liên ngành thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng 3 phương án như sau:
    Phương án 1: (Phương án lựa chọn trong xử lý tình huống)
    Ngày 21/01/2011 Đội kiểm tra đã mời chủ cơ sở làm việc. Xét thấy Doanh
    nghiệp Hoàng Trà vi phạm hành chính lần đầu, chưa vi phạm về tệ nạn xã hội. Đội
    kiểm tra xử lý hình chế tài theo mức bình quân. (Lấy mức phạt cao nhất cộng mức thấp nhất chia đôi).
    Không thực hiện các hình thức xử phạt bổ xung, trả lại trang thiềt bị, máy móc đề Doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh đồng thời kiến nghị các ngành các cấp, các ngành có thẩm quyền gia hạn giấy phép để Doanh nghiệp kinh doanh đúng quy
    định của pháp luật. Trước đây bà B kinh doanh có giấy phép nhưng khi nghị định 11/2006/NĐ-CP ra đời Doanh nghiệp của bà B chịu sự điều chỉnh “cơ sở karaoke phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, di tích - lịch sử văn hóa và cơ quan hành chính nhà nước 200m trở lên” nên không được ngành văn hóa gia hạn giấy phép. Vì cơ sở kinh doanh của bà B tồn tại trước khi nghị định ra đời và bà B cũng đầu tư nhiều tiền của để kinh doanh nên cho phép bà B tiếp tục hoạt động kinh doanh đúng pháp luật là cách xử lý hợp tính, hợp lý và hợp lòng dân nhất.
    · Ưu điểm của phương án :
    Bà B đã bất chấp kỷ cương phép kinh doanh karaoke “ôm” để thu lợi cá nhân thì phải dùng chính đồng tiền để trừng phạt, để nhắc nhở rằng những đồng tiền thu lợi bất chính không bao giờ tồn tại, đồng thời cũng giúp cho ông bà B có cơ hội thấy được việc làm sai trái của mình để sửa chữa và không bao giờ tái phạm mà không thấy mặc cảm với bà con xóm làng.
    - Gia đình bà B có điều kiện kinh doanh đúng pháp luật, có thu nhập chính đáng để lo cho gia đình, con cái ăn học và tạo môi trường kinh doanh lành

    mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính nộp ngân sách cho nhà nước.
    · Yếu điểm của phương án :
    Xử lý theo phương án này sẽ không có cơ hội cảnh tỉnh những chủ thể khác đang có ý đồ làm ăn phi pháp.
    Không răn đe được các chủ thể kinh doanh khác đang hoạt động phạm pháp.
    Phương án 2: (Hình thức xử phạt tăng nặng)
    Doanh nghiệp tái phạm, có hành vi trốn tránh hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng. Lỗi vi phạm liên quan đến tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và gây mất an ninh trật tự tại địa phương, thì phương án lựa chọn sẽ xử phạt theo mức phạt cao nhất, kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu máy móc trang thiết bị, , kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép kinh doanh và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bắt đuợc phạm pháp quả tang hành vi mua bán dâm hoặc môi giới mại dâm tại địa
    điểm kinh doanh.
    · Ưu điểm của phương án :
    - Nhấn mạnh được tính ưu việt của Pháp luật Việt Nam, kẻ có tội phải được trừng trị thích đáng.
    - Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật để điều chỉnh xã hội, răn đe, giáo dục các chủ thể kinh doanh khác trên phạm vi diện rộng.
    · Yếu điểm của phương án :
    - Xử lý theo phương án này là quá nặng, bởi bà B xuất thân tửng nông dân nghèo, trình độ văn hóa thấp, kiến thức về pháp luật còn nhiều hạn chế.


    - Chưa có tình tiết giảm nhẹ, vì bà B mới vi phạm lần đầu, dễ dẫn đến tình trạng rất xấu về tâm lý vì không có lối thoát.
    - Chưa mang tính ưu việt của pháp luật nước ta là luôn khoan hồng tạo điều kiện cho những người vi phạm sửa chữa lỗi lầm
    Phương án 3: (Hình thức xử phạt giảm nhẹ)
    - Nếu xét thấy cơ sở vi phạm lần đầu, ít lỗi vi phạm không liên quan đến tệ nạn xã hội nghiêm trọng, hợp tác tốt với đoàn kiểm tra, sớm nhận ra sai phạm, khắc phục ngay những lỗi vi phạm và hứa không tái phạm. Sẽ xử lý bằng hình thức
    áp dụng chế tài xử phạt tiền mức phạt thấp nhất. Kết hợp đưa ra tổ chức kiểm điểm nhắc nhở tại địa bàn cư trú.
    · Ưu điểm của phương án :
    - Dùng tình cảm để thuyết phục nhắc nhở, hướng người vi phạm tự mình hối cải những sai phạm trong quá khứ. Như vậy việc xử lý mang tính giáo dục cao.
    - Cảnh cáo trước khối phường sẽ cảnh báo và nhắc nhở để ngăn chặn các chủ thể kinh doanh khác khi muốn hành nghề văn hóa phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước.
    · Yếu điểm của phương án :
    - Làm cho bà B mặc cảm tự ti với làng xóm, khối phố . Với hành vi phạm pháp lâu dài và quy mô lớn trên diện rộng thì xử lý theo hình thức này là quá nhẹ, tuy có phạt tiền. Muốn giáo dục con người không chỉ dùng đến sức mạnh của pháp luật mà có thể dùng nhiều biện pháp khác giúp cho họ thấy được việc làm sai trái của mình để sửa chữa và không bao giờ tái phạm. Có như vậy mới giúp được con người lầm lỗi trở lại cuộc sống bình thường mà không thấy mặc cảm với mọi người xung quanh.
    * Qua 3 phương án trên tôi chọn phương án thứ 1 là phương án tối ưu đề giải quyết tình huống, bởi vì :

    Phương án 1 : Ngoài những mặt yếu của 2 phương án trên, thì phương án 1 là tối ưu nhất. Đây cũng là biện pháp giải quyết vừa có lý, vừa có tình giúp cho gia đình bà B nhận thấy được những việc làm phi pháp của mình và sửa chữa lỗi lầm. Không phải nộp mức phạt quá cao ảnh hưởng tới kinh tế gia đình.
    - Có điều kiện sửa mình mà không phải mặc cảm với xóm làng xung quanh. Vẫn giữ hòa khí tốt vui vẻ cởi mở để khắc phục những lỗi vi phạm.
    - Phạt tiền và không thu hồi phương tiện máy móc là hình phạt giúp cho gia đình bà B lấy đó làm bài học để tự răn mình hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
    - Kiến nghị các ngành các cấp, các ngành có thẩm quyền gia hạn giấy phép để Doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Vì cơ sở kinh doanh của bà B tồn tại trước khi nghị định 11/2006/NĐ-CP ra đời và bà B cũng đầu tư nhiều tiền của để kinh doanh nên cho phép bà B tiếp tục hoạt động kinh doanh đúng pháp luật là cách xử lý hợp tính, hợp lý và hợp lòng dân nhất.













    V - TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN:
    1. Các buớc thực hiện:
    Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính đối với chi nhánh DNTD “Hoàng Trà”
    Buớc 2: Mời chủ doanh nghiệp đến văn phòng Đội kiểm tra liên ngành làm việc để xác định lỗi vi phạm, lắng nghe cở sở trình bày ý kiến và bổ sung giấy tờ liên quan
    (nếu có).
    Buớc 3: Lập báo cáo đề xuất UBND thành phố Buôn Ma thuột ra quyết định xử phạt.
    Bước 4: Căn cứ vào đề xuất của Đội kiểm tra liên ngành, UBND thành phố Buôn Ma thuột ban hành quyết định xử phạt hành chính.
    Bước 5: Triển khai quyết định xử phạt hành chính, phối hợp với Chính quyền địa phương theo dõi quá trình chấp hành quyết định của đương sự.
    2. Kết quả giải quyết:
    UBND thành phố Buôn Ma thuột ra quyết định xử phạt chi nhánh DNTN “Hoàng Trà” do bà B . làm chủ như sau:
    - Phạt tiền 10.000.000đ đối với hành vi vi phạm “giấy phép hành nghề kinh doanh Karaoke hết thời hạn”, vi phạm vào điều 20 khoản 3 điểm a Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hóa;
    - Phạt tiền 10.000.000 đ đối với hành vi “Che kín cửa hoặc thực hiện bất kỳ hình thức nào làm cho bên ngoài không nhìn rõ toàn bộ phòng karaoke”, vi phạm vào điều 19 khoản 3 điểm b và c Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hóa;
    - Phạt tiền 3.500.000đ đối với hành vi vi phạm sử dụng tiếp viên làm việc tại cơ sở không ký kết hợp đồng lao động, vi phạm điều 30 khoản 1điểm b Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế;
    - Tổng cộng 4 lỗi vi phạm với mức phạt tiền là: 23.500.000đồng.

    Ngoài hình thức xử phạt chế tài nêu trên, cơ quan kiểm tra còn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép hành nghề cho chủ Doanh nghiệp và đề nghị chủ doanh nghiệp chấp hành thực hiện đúng các thủ tục giấy phép về ngành nghề kinh doanh đặc biệt (giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, giấy chứng nhận về an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng cháy chữa cháy) trong thời gian chậm nhất 30 ngày; Công an, Tổ kiểm tra liên ngành là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhỡ doanh nghiệp chấp hành.
    3. Những thuận lợi và khó khăn:
    3. 1. Thuận lợi:
    Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò văn hóa trong qúa trình xây dựng và phát triển đất nước, ban hành những chính sách chiến lược phát triển văn hóa bền vững gắn với công tác xã hội hóa họat động văn hóa, được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng trong những văn bản pháp luật theo trình tự thời gian, phù hợp công cuộc đổi mới đất nước.
    Ý thức trách nhiệm của người dân đóng vai trò tích cực và không thể thiếu trong việc ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn xã hội. Do vậy, cần nêu gương điển hình và kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trong phong trào giữ gìn trật tự, an ninh khu phố.
    3.2. Khó khăn:
    Các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh, cụ thể loại hình karaoke, chỉ có hình thức xử phạt chế tài chung với các hoạt động văn hóa khác, luật chưa có quy định về hình thức xử phạt bổ sung như : đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh. Điều này cho thấy văn bản luật chưa đủ mạnh, chưa thể hiện tính nghiêm khắc; mức xử phạt chưa đủ tính răn đe nên vi phạm vẫn tiếp tục gia tăng, có nhiều cơ sở chiụ chấp nhận nộp phạt và tiếp tục vi phạm vì “món hời” lợi nhuận khá cao. Hầu như việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức “hình thức”, phạt rồi lại cho phép hoạt động hoặc chỉ tiến hành theo phong trào kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, “đá ném ao bèo” đã dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật.

    Rõ ràng là với những điều khoản không thống nhất, không cụ thể như vậy đã tạo ra những kẽ hở và bất cập của luật, để cho một số những cán bộ công chức thừa hành lợi dụng để tham nhũng “làm luật” dẫn đến vô hiệu hóa pháp luật. Từ đó, đặt ra cho các nhà quản lý vấn đề về phẩm chất tư cách đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng của đội ngũ những người làm công tác quản lý kiểm tra.
    C - KẾT LUẬN & KIẾN NGHỊ
    I. KẾT LUẬN
    Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
    Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là ý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong
    mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ ở nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải thông tin.
    Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương . biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

    Karaoke là hình thức sinh hoạt văn hoá hiện đại, là công cụ rất tiện ích, karaoke là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc và hình ảnh, giữa giải trí và đam mê. Từ trẻ đến già, từ tây đến ta hầu như ai cũng đều biết đến karaoke, một hình thức giải trí, thư giãn khá phổ biến ở Việt Nam. Karaoke có mặt ở khắp tất cả mọi nơi. Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng cho đến miền núi, hải đảo xa xôi; từ cơ quan trường học cho đến nhà máy, xí nghiệp, công trường
    Karaoke, (nếu không có những biến tướng) là một phương tiện giải trí lành mạnh, phù hợp với túi tiền người lao động. Âm nhạc karaoke luôn hướng con người đến điều tốt đẹp, ca hát giúp mọi người giải tỏa stress và làm việc tốt hơn. Karaoke, giúp cho con người tự thể hiện mình qua tiết tấu âm thanh, giai điệu trữ tình của bài hát, những ca khúc Cách mạng, những làn điệu dân ca mượt mà, âm thanh sôi nổi, hồn nhiên của nhạc trẻ, bài hát Việt đã cuốn hút con người trở về với thời gian và quá khứ, về với cội rễ năm tháng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Cùng chung vui ca hát thông qua sinh hoạt karaoke lành mạnh đã giúp con người tin yêu vào cuộc sống, bày tỏ tình cảm trước vẽ đẹp thiêng liêng của quê hương Tổ quốc. Từ đó con người tự điều chỉnh mình, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, hoàn thiện nhân cách hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.
    Đến với karaoke trong thời gian rỗi con người được giải tỏa bớt căng thẳng và xung đột của thần kinh, cơ bắp, cân bằng sinh thái, tái sản xuất sức lao động và sáng tạo. Tổ chức quản lý và phát triển sinh hoạt karaoke là tạo ra phong trào khắp nơi ca hát, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư.
    Tuy nhiên, karaoke là loại hình khá nhạy cảm và dễ phát sinh thiếu lành mạnh, biến tướng. Chủ trương của nhà nước ta là ngày càng nâng cao tính chuyên môn trong quản lý. Vì vậy trong định hướng phát triển cần tăng cường công tác quản lý thanh tra, kiểm tra; đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ doanh

    nghiệp đầu tư kinh doanh karaoke phát triển ổn định, lâu dài theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của toàn xã hội là nhiệm vụ tất yếu mang tính khách quan.
    Ngành văn hóa thông tin thể hiện vai trò trách nhiệm cùng các ngành chức năng trong việc quản lý, ngăn ngừa phòng chống tệ nạn xã hội trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, góp phần lành mạnh hóa môi trường văn hóa, xứng đáng là thành phố phát triển công nghiệp tiên tiến văn minh và hiện đại.
    Một số chủ kinh doanh karaoke dựa vào thế lực bao che; khi đoàn kiểm tra đến làm nhiệm vụ đã có thái độ xem thường bằng cách điện thoại “cầu cứu”. Và đã có những lúc Đội kiểm tra phải “chào thua”, tự giác trả lại số tang vật đã thu hồi và rút quân nhanh.
    Karaoke là một loại hình văn hoá khá nhạy cảm nên có thể dễ dàng biến tướng từ trạng thái có văn hoá sang phi văn hoá. Với những hình thức hoạt động tinh vi, thêm vào sự dung túng, bao che từ một bộ phận số cán bộ. Công tác quản lý hoạt động karaoke trong một thời gian dài bị buông lỏng, tổ chức kinh doanh hoạt động karaoke trá hình diễn ra hết sức phức tạp mà dư luận lên án, phản đối, xã hội không đồng tình đó là nổi trăn trở của của cấp Chính quyền và các cơ quan chức năng.
    Trước những ảnh hưởng và tác hại có tính dây chuyền của các loại hình dịch vụ đầy nhạy cảm này. Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý đối với hoạt động karaoke. Tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý, ký hàng ngàn quyết định xử phạt vi phạm; tịch thu, tiêu hủy nhiều tang vật của các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá . Tuy nhiên, những quy định mang tính máy móc như: quản lý số phòng karaoke, diện tích, độ sáng tối thiểu, âm thanh, quy định tiếp viên nữ phải có hợp đồng lao động, không được ăn mặc hở hang khêu gợi, không được hoạt động sau 23 giờ và biện pháp chế tài, dường như chỉ là hình thức “đá ném ao bèo” tại các vũ trường, quán bar, karaoke hiện nay.

    Bên cạnh đó, gia đình, tổ chức xã hội, đoàn thể cũng không chú ý việc giáo dục hay đấu tranh với các hoạt động này . Tất cả dường như đều bị cơn lốc thị trường cuốn đi. Chúng ta khó có thể ngăn chặn triệt để được khi các văn bản pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể, khó áp dụng; thậm chí còn quá nhiều kẻ hở. Dư luận xã hội cho rằng: “các quán karaoke, nhà hàng karaoke kinh doanh bất chấp pháp luật nhưng vẫn cứ tồn tại hàng chục năm nay là do có một thế lực nào đó “bảo kê” và câu hỏi “các cơ quan chức năng bấy lâu nay làm gì, mà lại để cho tệ nạn xã hội nhiểu nhiên như vậy?” Thế nhưng các quyết định, văn bản pháp lý có cụ thể đến đâu song thiếu bộ máy thực thi có hiệu quả thì tình hình cũng không thể chuyển biến được.
    Qua công tác quản lý kiểm tra việc thực hiện thủ tục đăng ký giấy phép, hầu hết các cơ sở đều có ý thức chấp hành; nhưng vẫn còn không ít những hộ kinh doanh nhỏ chưa thực hiện đăng ký kinh doanh và cam kết an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định. Nguyên nhân, một phần do các chủ cơ sở chủ quan không khai trình vì cho rằng cơ sở kinh doanh nhỏ không cần khai báo, một phần chủ cơ sở không biết phải thực hiện những thủ tục kèm theo đó và một phần Chính quyền địa phương thiếu kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhỡ. Theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, trước mắt các cơ sở kinh doanh này chưa được xem xét gia hạn giấy chứng nhận hoạt động karaoke.
    Khi thu nhập xã hội tăng lên, một bộ phận chủ cơ sở karaoke vì hám lợi đã có những biểu hiện tiêu cực trong kinh doanh và tổ chức hoạt động trá hình, biến tướng gây nhiều bất bình trong xã hội. Nguyên nhân của những hạn chế là do công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện ở từng địa phương. Quản lý nhà nước vừa gò bó, vừa buông lỏng; các điều kiện hoạt động quy định chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Trên thực tế đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy nhà nước nhằm lập lại trật tự xã hội.

    II. KIẾN NGHỊ :
    Rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ xung, điều chỉnh hoàn thiện phù hợp với tình hình mới. Trong các điều khoản về xử phạt vi phạm hành chính cần tính đến các mức phạt đủ sức răn đe, tránh việc tái vi phạm của các cơ sở dịch vụ văn hóa.
    Tổ chức và sắp xếp lại bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, có cơ chế, chính sách thu hút những cán bộ có tâm có tầm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra giám sát của ngành từ thành phố đến cơ sở, đảm bảo đủ về số lượng cho hoạt động đạt hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý, kiến thức chuyên môn; khoa học, công nghệ thông tin. Tăng đầu tư ngân sách và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện trang thiết bị đáp ứng công tác quản lý kiểm tra đạt hiệu quả.
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như: Công an, Lao động - Thương binh và xã hội, Dịch vụ - Thương Mại, chính quyền địa phương . Tập trung kiểm tra, truy quét tệ nạn xã hội đối với các cơ sở kinh doanh có những biểu hiện vi phạm, có đơn thư phản ảnh của quần chúng nhân dân; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, không mang tính hình thức chiếu lệ, tạo tâm lý coi thường pháp luật của chủ doanh nghiệp.
    - Các cấp các ngành hữu quan, kiểm tra giám sát thường xuyên các dịch vụ văn hóa.
    - Cán bộ PA 25, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch và Đội kiểm tra liên ngành nâng cao ý thức trách nhiệm để phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh để tạo một môi trường văn hóa lành mạnh tạo lòng tin trong nhân dân.
    - Tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước sẽ làm cho xã hội có nhiều thay đổi lớn và toàn

    diện, văn hóa ngoại lai sẽ xâm nhập làm xói mòn giá trị truyền thống của dân tộc. Vậy mỗi chúng ta hãy góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ nét đẹp của riêng mình cho con cháu mai sau.
    - Nâng cao tính chiến đấu trong các hoạt động văn hóa và văn học, nghệ thuật, khẳng định mạnh mẽ và sâu sắc những nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc ta, khắc phục những gì cản trở quá trình đi lên của đất nước. Đấu tranh không khoan nhượng chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
    - Mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; tổ chức giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài. Phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước. Ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm phi văn
    hóa, phản động, đồi trụy. Giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ta, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
    Tuy nhiên tất cả những biện pháp trên có thể coi là những giải pháp tình thế, chúng ta không chỉ chú trọng mặt “chống” mà cần quan tâm hơn nữa mặt “xây”, vì
    đây là cách làm hiệu quả, là giải pháp cơ bản, lâ dài và bền vững nhất. Xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh là chúng ta đã thực hiện “chống” những hiện tượng phi văn hóa đang diễn biến phức tạp trong xã hội.
    Vì môi trường văn hóa lành mạnh, vì lợi ích cộng đồng, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp chúng ta tôn trọng kỹ cương phép nước, hãy "sống và làm việc theo pháp luật” nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn./.




    [TABLE="align: left"]
    [TR]
    [TD][/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD][/TD]
    [TD][​IMG][/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]







    [​IMG] TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1992.
    2. Bộ Luật hình sự Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1996.
    3. Nghị định 75/CP của Chính phủ
    4. Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ
    5. Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ
    6. nghị định 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ
    7. Giáo trình môn Nhà nước và Pháp luật.
    8. Các tài liệu, văn bản khác có liên quan.


    [TABLE="align: left"]
    [TR]
    [TD][/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD][/TD]
    [TD][​IMG][/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]



    [​IMG] MỤC LỤC
    TRANG
    A- MỞ ĐẦU 1
    B- NỘI DUNG 4
    II- MÔ TẢ TÌNH HUỐNG 4
    III- PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN HẬU QUẢ 6
    IV- CÁC PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG 9
    ¨ Phương án một
    ¨ Phương án hai
    ¨ Phương án ba
    V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN 13
    C- KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
    I- KẾT LUẬN 15
    II- KIẾN NGHỊ 19
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...