Luận Văn Tìm hiểu thực trạng cuộc sống của những người nhập cư bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hố Chí Mi

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Di dân là hiện tượng khách quan của xã hội xảy ra trong suốt quá trình lịch sử của nhân loại. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của con người, di cư giữ một vai trò quan trọng. Hiện nay, di cư vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các nước trên thế giới và xu hướng di dân chủ yếu là từ nông thôn – thành thị, đặc biệt là các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, vấn đề di dân cũng đã diễn ra từ lâu trong lịch sử với nhiều hình thức khác nhau, nhưng từ năm 1986, năm đánh dấu một bước đột phá trong sự đa dạng hóa các hoạt động kinh tế thì vấn đề di dân, đặc biệt là di dân nông thôn – thành thị lớn diễn ra sôi động và cần được nhìn nhận ở những góc độ khác nhau.
    Cùng với nhịp độ tăng trưởng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, các hoạt động kinh tế, di cư nông thôn – đô thị có chiều hướng ngày càng tăng. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở do Ủy ban nhân dân Tp. HCM công bố ngày 23 – 10 – 2009, dân số của thành phố là 7.123 triệu người, tăng hơn 2 triệu dân trong vòng 10 năm và dân số thành phố tăng chủ yếu do di dân từ các tỉnh khác đến [6].
    Những người di cư từ nông thôn sẵn sàng làm bất cứ các công việc ở đô thị để có nguồn thu nhập. Thông thường, những công việc họ đảm nhận mang tính chất nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm, thu nhập bấp bênh. Trong số các công việc phi chính thức của người nhập cư thì công việc bán hàng rong không được nhìn nhận một cách khách quan. Nhiều cơ quan chức năng xem họ là một thành phần nhếch nhác, góp phần vào việc mất an ninh trật tự, mất vẻ văn minh – mỹ quan đô thị.
    Tp. HCM là trung tâm kinh tế phát triển nhất của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, có sức hút lớn, thu hút nhiều đối tượng lao động nhập cư, một số lượng khá lớn làm công việc bán hàng rong. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây: xung quanh những “gánh hàng rong”, đời sống của những người hằng ngày rong ruổi trên những nẻo đường góc phố để chắt chiu từng đồng tiền nhằm nuôi sống bản thân và gia đình của họ như thế nào? Họ phải bươn chải với cuộc sống ra sao? Có được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, có được bảo vệ bởi pháp luật, có được hưởng những lợi ích của xã hội đem lại, tương lai của họ trong nhiều năm tới sẽ ra sao? Mạng lưới xã hội của họ như thế nào? Họ có mong muốn gì cho bản thân và những mong muốn đó được giải quyết như thế nào, có thỏa mãn và đem lại lợi ích cho họ hay không? Họ có phải là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực hoặc làm mất vẻ mỹ quan đô thị hay không?
    Trước tình hình và bối cảnh trên, cần một nghiên cứu hệ thống thực trạng cuộc sống của những người nhập cư bán hàng rong sinh sống tại Tp. HCM. Từ đó đưa ra những nhận định khách quan, hệ thống các giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp, khả thi nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hài hòa, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực của hiện tượng xã hội này.
    Đó là lý do khoa học và thực tiễn cấp thiết để thực hiện nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu thực trạng cuộc sống của những người nhập cư bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hố Chí Minh”.
    Cùng chủ đề nghiên cứu di dân nói chung, di dân từ nông thôn vào đô thị, quá trình đô thị hóa và giảm nghèo tại Tp. HCM nói riêng – đặc biệt là sau giai đoạn đổi mới (1986), đã có nhiều bài viết, công trình, đề tài, dự án nghiên cứu liên quan được triển khai, nhiều hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức. Trong phạm vi tìm kiếm, tập hợp và tiếp cận các tài liệu của chúng tôi, cũng có nhiều tác giả đã quan tâm đến vấn đề di dân, đặc biệt là di dân từ nông thôn – thành thị:
    Khi đề cập đến vấn đề“Đi làm ăn xa – phương thức tăng thu nhập gia đình”, Nguyễn Thị Diễm và Nguyễn Thị Minh Châu [1] đã tìm hiểu về tác động của di cư đến kinh tế hộ gia đình theo hai hướng chính đó là: những đặc trưng chủ yếu của những người đi làm ăn xa như: tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng hôn nhân, tình trạng gia đình và mức độ tác động đến kinh tế hộ gia đình từ việc đi làm ăn xa.
    Một nghiên cứu gần đây của Lê Văn Thành “Dân nhập cư với vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh” [4]. Tác giả khẳng định thực tế ở Tp. HCM có hai thách thức nổi bật là quy mô dân số quá lớn, ngày càng tăng nhanh và dân nhập cư tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây làm nảy sinh rất nhiều vấn đề đối với sự phát triển của thành phố. Với một lượng dân nhập cư có trình độ thấp, nguy cơ thất nghiệp cao cũng như dễ nảy sinh các tệ nạn cho thành phố ở hiện tại cũng như trong tương lai. Chính vì thế mà Nhà nước cần có những bài toán quản lý phù hợp đối với dân nhập cư ở các đô thị nói chung và Tp. HCM nói riêng.
    Không thể bỏ qua một công trình nghiên cứu quan trọng có liên quan đến người nhập cư của Phạm Quỳnh Hương “Người nhập cư đô thị và an sinh xã hội” [2]. Di dân là sinh kế của đa số người nhập cư nhưng bảo trợ xã hội lại chưa đến được với họ hoặc chưa được tiếp cận một cách rõ ràng.
    Những nghiên cứu nói trên cùng với các dữ liệu thứ cấp là cơ sở khoa học quan trọng, hữu ích cho việc triển khai đề tài này. Tuy vậy, những nghiên cứu này hoặc là đề cập đến những vấn đề di dân nói chung, hoặc là chỉ ra hiện tượng di dân tự do từ các vùng nông thôn vào các đô thị trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là ở Tp. HCM. Với đề tài “Tìm hiểu thực trạng cuộc sống của những người nhập cư bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hố Chí Minh” chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu sâu hơn ở một nhóm đối tượng đặc thù trong cộng đồng người nhập cư – đó là những người nhập cư làm nghề bán hàng rong. Đó cũng là lý do cho thấy tính mới mẻ và sự cần thiết phải tiến hành đề tài nghiên cứu này.
    2. Mục tiêu nghiên cứu
    Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm cung cấp một cách khách quan, thực trạng cuộc sống của những người nhập cư bán hàng rong tại Tp. HCM. Thông qua đó đưa ra những nhận định, các giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp và khả thi nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hài hòa, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực của hiện tượng xã hội này.
    Để đạt mục tiêu nghiên cứu tổng quát như trên, đề tài này tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:
    xây dựng cơ sở lý luận cho công trình nghiên cứu bao gồm việc nghiên cứu các tài liệu, công trình nghiên cứu đi trước, ứng dụng các cách tiếp cận liên ngành và cách tiếp cận riêng trong nghiên cứu xã hội học để xây dựng mô hình khung phân tích.
    Phân tích, làm rõ bản chất của đối tượng nghiên cứu, cụ thể: tìm hiểu đời sống kinh tế của người nhập cư BHR ở các khía cạnh như đặc điểm, tính chất công việc; vấn đề thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, điều kiện sống. Tìm hiểu đời sống tinh thần của người nhập cư BHR ở các khía cạnh như thời gian rảnh, các hoạt động vui chơi giải trí. Tìm hiểu vấn đề chăm sóc sức khỏe và mối quan hệ cộng đồng của người nhập cư BHR. Tìm hiểu mối quan hệ giữa người nhập cư BHR với vấn đề nếp sống văn minh và mỹ quan đô thị. Tìm hiểu mong muốn và kỳ vọng tương lai của người nhập cư BHR.
    Cuối cùng, đề tài nghiên cứu này đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo vai trò và vị trí của những người nhập cư BHR.
    3. Phương pháp nghiên cứu và thu thập thông tin
    3.1. Phương pháp định lượng
    - Bảng hỏi cơ cấu, dung lượng mẫu: 150 người
    - Chọn mẫu theo phương pháp tình cờ, tiện lợi, phi xác suất.
    - Thống kê, tổng hợp, phân tích các dữ kiện sơ cấp từ nguồn Tổng cục thống kê thành phố về điều tra dân số năm 1999 và 2009, phân tích các dữ liệu thứ cấp từ các nghiên cứu có trước.
    3.2. Phương pháp định tính
    3.2.1. Phương pháp phỏng vấn sâu
    Tiến hành phỏng vấn trực tiếp 15 khách thể nghiên cứu, cán bộ địa phương – những người có trách nhiệm trong việc quản lý cũng như hỗ trợ người dân nhập cư và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực Khoa học – xã hội. Quá trình phỏng vấn sâu làm công cụ để so sánh, đối chiếu và bổ sung cho việc nghiên cứu bằng bảng hỏi.
    3.2.2. Phương pháp quan sát
    Trực tiếp xuống địa bàn nghiên cứu, tiến hành quan sát tham dự kết hợp phỏng vấn đồng thời quan sát không tham dự, không tác động vào tình huống và khách thể quan sát, kết hợp chụp hình.


    3.2.3. Phương pháp thu thập thông tin sẵn có
    Từ sách, các công trình nghiên cứu khoa học từ trước được xuất bản hoặc đăng tải trên các tạp chí, báo, internet và các tài liệu liên quan đến đề tài. Thu thập từ các báo cáo tổng kết của quận, phường. Các thông tin này được phân tích và ứng dụng vào thực tiễn của đề tài nghiên cứu.
    3.2.4. Phương pháp xử lý thông tin
    Thông tin bảng hỏi bán cấu trúc được mã hóa, ứng dụng phần mềm SPSS For Windown 11.5 để xử lý.
    Thông tin bảng phỏng vấn sâu được xử lý thông qua việc gỡ băng, tổng hợp, mã hóa, phân tích. Mã hóa tổng hợp thông tin ghi nhận qua quan sát. Kết hợp với các kết quả thu thập từ bảng hỏi cơ cấu, bảng phỏng vấn sâu để phân tích các vấn đề liên quan.


    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Nguyễn Thị Diễm và Nguyễn Thị Minh Châu. Đi làm ăn xa – phương thức tăng thu nhập gia đình. Tạp chí XHH số 2 – 2005.
    2. Phạm Quỳnh Hương. Người nhập cư đô thị và an sinh xã hội. Tạp chí XHH số 1 – 2006.
    3. Ngô Văn Lệ – Michael Leaf – Nguyễn Minh Hòa (tập hợp và giới thiệu). 2003. Nghèo đô thị những bài học kinh nghiệm quốc tế. Nxb Đại học Quốc gia.
    4. Lê Văn Thành. Dân nhập cư với vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học xã hội số 1 – 2007.
    5. Trần Hồng Vân. 2002. Tác động của di cư tự do vào Thành phố Hồ Chí Minh trong từng thời kỳ đổi mới. Nxb Khoa học Xã hội.
    6. http://niemtin.free.fr/dansotphcm.htm
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...