Thạc Sĩ Tìm hiểu phương thức ẩn dụ trong tiếng Việt (thể hiện qua ca dao trữ tình, thơ tình Xuân Diệ

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI : Thạc Sỹ Tìm hiểu phương thức ẩn dụ trong tiếng Việt (thể hiện qua ca dao trữ tình, thơ tình Xuân Diệu và thơ tình Xuân Quỳnh)

    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài


    Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy có những sự vật bản chất không
    phải là A nhưng lại được mang tên gọi của A do giữa A và chúng có một nét nào
    đó tương đồng nhau. Đặc điểm này của các sự vật đã kích thích vào khả năng
    liên tưởng, giúp chúng ta nhận thức về thế giới khách quan đa dạng một cách
    sinh động. Dựa vào thực tế cuộc sống, qua cảm nhận chủ quan và cảm nhận của
    thời đại, các tác giả đã đưa vào tác phẩm văn chương của mình những kết quả
    liên tưởng ấy. Nói cách khác, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và phát huy, các tác
    giả đã thực hiện những liên tưởng của mình sao cho thỏa mãn được nhu cầu giao
    tiếp của cộng đồng. Do đó, cách liên tưởng như vậy vừa có tính truyền thống,
    tính thời đại, vừa mang tính cá nhân chủ quan. Cách liên tưởng ấy chính là ẩn dụ
    - một phương thức chuyển nghĩa phổ biến.
    Việc hiểu và nắm vững phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ góp phần làm giàu
    vốn ngôn ngữ, làm tiếng Việt thêm phong phú, đa dạng về ý nghĩa. Mặt khác,
    nếu biết sử dụng tốt phương thức này thì cách diễn đạt của ta chắc chắn sẽ súc
    tích, bóng bẩy, truyền cảm, đạt hiệu quả giao tiếp cao.
    Hơn thế nữa, người thực hiện luận án này là một giáo viên phổ thông, trực
    tiếp đứng lớp. Cho nên việc hiểu kỹ phương thức ẩn dụ lại càng cần thiết hơn,
    bởi nó còn giúp nâng cao khả năng cảm thụ văn chương, khả năng phân tích tác
    phẩm sâu sắc, gợi cảm. Nhờ vậy mới mong có được giờ giảng sinh động, có sức
    truyền cảm mạnh, thu hút được hứng thú của học sinh.
    Với tất cả những lý do nêu trên chúng tôi quyết định đi vào đề tài: Tìm hiểu
    phương thức ẩn dụ trong tiếng Việt (thể hiện qua Ca dao trữ tình, Thơ tình
    Xuân Diệu và thơ tình Xuân Quỳnh ).

    2. Lịch sử vấn đề

    Việc tìm hiểu phương thức ẩn dụ từ lâu đã được các nhà Việt ngữ học quan
    tâm. Năm 1940, tác phẩm của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm [50]
    giới thiệu một cách sơ lược về ẩn dụ trong văn chương. Trong các giáo trình về

    từ vựng học tiếng Việt (cụ thể: Nguyễn Văn Tu [121], Đỗ Hữu Châu [13],
    Nguyễn Thiện Giáp [33]) đều có đề mục viết về hiện tượng chuyển nghĩa nói
    chung, phương thức ẩn dụ nói riêng.
    Bên cạnh đó các tác giả viết về phong cách học như: Đinh Trọng Lạc [56];
    Cù Đình Tú [122], Nguyễn Nguyên Trứ [120], Nguyễn Thái Hòa [43], cho
    rằng ẩn dụ là một biện pháp tu từ chỉ dùng để trang trí, góp phần làm giàu hình
    tượng, cảm xúc cho tiếng Việt. Song ở mỗi tác giả, ở mỗi thời điểm lại có cách
    gọi và phân loại khác nhau.
    Đinh Trọng Lạc [56; tr.103-111] gọi ẩn dụ là một phương thức chuyển
    nghĩa, có khả năng gợi hình, gợi cảm. Về mặt ý nghĩa, tác giả phân ẩn dụ ra làm
    ba loại: từ cụ thể đến cụ thể, từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ
    thể. Cách phân loại này dựa vào tính cụ thể của đối tượng chọn làm ẩn dụ. Với
    cách phân chia này, mối quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, hai hiện tượng
    không được thể hiện rõ nét và cũng không thấy được tính đa dạng, phong phú
    của ẩn dụ tu từ.
    Cù Đình Tú [122; tr. 279] xem ẩn dụ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi
    biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên cơ sở của mối liên
    tưởng về nét tương đồng giữa hai đối tượng. Dựa vào khả năng tương đồng giữa
    hai đối tượng, tác giả chia ẩn dụ tiếng Việt ra làm năm loại: tương đồng về màu
    sắc, tương đồng về tính chất, tương đồng về trạng thái, tương đồng về hành động
    và tương đồng về cơ cấu. Nhìn chung, cách phân loại này phù hợp với chức năng
    biểu cảm của ẩn dụ tu từ. Tuy nhiên, cách nhận định về ẩn dụ tu từ của Cù Đình
    Tú mang nhiều tính truyền thống, chưa làm rõ các phương tiện và biện pháp tu
    từ.
    Đinh Trọng Lạc, một lần nữa, khi nghiên cứu lại các giáo trình và tài liệu về
    phong cách học của mình trước đây, đồng thời tiếp thu những thành tựu mới của
    ngôn ngữ học hiện đại, đã khẳng định ẩn dụ là Sự định danh thứ hai mang ý
    nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau giữa khách thể A được
    định danh với khách thể B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A [57; tr.52].

    Căn cứ vào từ loại và chức năng của từ ẩn dụ, tác giả chia ẩn dụ ra làm 3 loại: ẩn
    dụ định danh, ẩn dụ nhận thức và ẩn dụ hình tượng. Trong ba loại này, ẩn dụ
    định danh và ẩn dụ nhận thức thuộc ẩn dụ từ vựng, hiệu quả tu từ được tạo nên
    không lớn lắm; còn ẩn dụ hình tượng mang lại hiệu quả tu từ cao, nó tác động
    vào trực giác của người nhận và đem lại khả năng sáng tạo.
    Kể từ 1969 trên tạp chí ngôn ngữ, có nhiều bài viết về hiện tượng chuyển
    nghĩa ẩn dụ như: Nguyễn Văn Mệnh [73]; Nguyễn Thế Lịch [67], [68],
    Nguyễn Thế Lịch, trong [68], cho rằng ẩn dụ là một hiện tượng chuyển
    nghĩa được hình thành từ cấu trúc so sánh hoàn chỉnh sau khi đã lượt bớt các
    yếu tố 3 (yếu tố thể hiện quan hệ so sánh) và yếu tố 1 (yếu tố bị/ được so sánh),
    chỉ còn lại hoặc là yếu tố 2 (phương diện so sánh) hoặc là yếu tố 4 (yếu tố so
    sánh) trong cấu trúc mà thôi. Ông còn cho rằng cùng một yếu tố chuẩn để so sánh
    có thể có ba dạng thức song song tồn tại: so sánh, tổ hợp ẩn dụ và ẩn dụ. Không
    phải ẩn dụ nào cũng tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao hơn so sánh. Trong ngôn ngữ
    nghệ thuật, chính những so sánh và tổ hợp ẩn dụ tươi mới rất sinh động, gợi cảm,
    còn ẩn dụ tạo ra từ so sánh và tổ hợp ẩn dụ ấy lại chịu thiệt thòi là đã quen thuộc,
    không còn bất ngờ nữa.
    Thêm vào đó, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ
    (1981) có bài của Hoàng Lai [58], Nguyễn Ngọc Trâm [116]. Còn trong Những
    vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông (1986) có bài của Nguyễn
    Thế Lịch [66]. Trong Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á (1888) có bài của
    Hà Quang Năng [79].
    Theo các tác giả này, có nhiều cách tạo ra hiện tượng chuyển nghĩa trong
    tiếng Việt. Nguyễn Ngọc Trâm cho rằng sự biến đổi các nét nghĩa trong từ đa
    nghĩa chủ yếu là do hai hiện tượng đẳng cấu ngữ nghĩa và phi đẳng cấu ngữ
    nghĩa dẫn tới việc chuyển nghĩa. Còn Hoàng Văn Hành thì khẳng định hiện
    tượng chuyển nghĩa là hiện tượng tạo ra các đơn vị từ vựng phát sinh theo bốn
    phương thức chính: ghép, láy, phỏng và chuyển. Trong khi đó, tác giả Hoàng Lai
    lại nhận thấy quá trình chuyển nghĩa xảy ra nhờ vào mối quan hệ liên tưởng về

    ngữ nghĩa giữa hai thành tố vốn xa lạ với nhau. Sở dĩ ta liên tưởng được là nhờ
    một nghĩa vị chung nào đó vốn có trong bản chất của hai thành tố hoặc được gán
    ghép vào từ ngoài trong một tình huống nhất định.
    Ở một góc nhìn khác, ít nhiều liên quan đến hiện tượng chuyển nghĩa của
    từ, có một loạt bài [111], [112], [113] và công trình [114] của Nguyễn Đức Tồn.
    Trong đó, công trình Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư
    duy của người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác) [114] đã đi sâu
    nghiên cứu vấn đề chuyển nghĩa theo hướng lý thuyết tâm lý - ngôn ngữ học tộc
    người. Khi so sánh với cách liên tưởng của người Nga, người Anh đồng thời
    thông qua việc tìm hiểu đặc điểm dân tộc của việc định danh động vật, định danh
    thực vật, định danh bộ phận cơ thể người của người Việt, thông qua những nội
    dung về đặc điểm ngữ nghĩa của trường tên gọi động vật, trường tên gọi thực vật,
    ngữ nghĩa của các từ chỉ bộ phận cơ thể người, ông đã chỉ ra đặc điểm tư duy liên
    tưởng của người Việt.
    Trong những năm gần đây, trên thế giới lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận
    phát triển mạnh; đi theo hướng nghiên cứu này, ở Việt Nam gần đây cũng có
    không ít bài báo và công trình. Những khảo cứu theo hướng đi này đã gợi mở ít
    nhiều cho việc nghiên cứu vấn đề liên tưởng, chuyển nghĩa. Năm 1994, Lý Toàn
    Thắng trong [99] đã cho ta một cái nhìn khái quát phương hướng nghiên cứu
    phạm trù không gian trong tiếng Việt như: định hướng không gian, bản đồ tri
    nhận không gian. Qua đó, mô hình không gian và cách tri nhận không gian của
    người Việt Nam được trình bày rõ ràng. Năm 1998, Nguyễn Ngọc Thanh [98]
    khẳng định rằng ẩn dụ là một cơ chế tri nhận đi từ cụ thể đến trừu tượng. Cơ chế
    tri nhận này giúp ta hiểu thêm được khái niệm trừu tượng thời gian bằng các hình
    ảnh cụ thể trong thế giới khách quan. Năm 2001, cũng Lý Toàn Thắng [100] nêu
    lên cái cách thức mà người Việt dùng các loại từ để mô tả các thuộc tính không
    gian của vật thể và từ đó xếp loại chúng. Căn cứ vào đó ta có thể suy đoán về
    một cách thức riêng của tiếng Việt trong việc ý niệm hóa phân loại và mô tả thế
    giới khách quan. Đây là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của trào lưu ngôn ngữ

    học tri nhận trên thế giới. Chắc rằng vấn đề này cũng liên quan không ít đến vấn
    đề chuyển nghĩa nói chung, vấn đề liên tưởng ẩn dụ nói riêng.
    Nhìn chung, vấn đề ẩn dụ được nghiên cứu không ít, nhưng chưa có công
    trình nào khảo sát nó trong các tác phẩm văn học, xét trên trục thời gian, để phát
    hiện những đặc điểm kế thừa, những đặc điểm sáng tạo của từng tác giả.

    3. Phạm vi vấn đề nghiên cứu và mục đích của luận văn

    3.1. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ:


    nói chung cũng như phương thức ẩn dụ nói riêng biểu hiện vô cùng sinh động, không dễ gì nắm bắt hết được. Thêm vào
    đó, luận văn lại được định hướng là xem xét phương thức liên tưởng này trong sự
    phát triển của việc sử dụng ngôn từ, cho nên vấn đề lại càng rộng. Để có thể thực
    hiện được mục đích của mình trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ (cả về số lượng
    trang, cả về thời lượng), trong những điều kiện hạn hẹp của bản thân học viên
    (kiến thức về ngôn ngữ học, nhất là ngôn ngữ học hiện đại chưa rộng, chưa sâu),
    người viết luận văn xin được hạn chế vấn đề trong khuôn khổ sau đây:
    - Xem xét ẩn dụ tu từ (còn gọi là ẩn dụ phong cách; hay ẩn dụ hình tượng,
    như cách gọi của Đinh Trọng Lạc [57] );
    - Khảo sát vấn đề trong ca dao trữ tình và thơ trữ tình;
    - Chỉ khảo sát trong 3 tác phẩm cụ thể (sẽ được nêu ở phần nguồn tư liệu
    nghiên cứu ở mục 0.4.2.).

    3.2. Mục đích chính của luận văn:

    là tìm hiểu hiện tượng chuyển nghĩa, mà
    cụ thể là phương thức ẩn dụ. Cho nên người thực hiện luận văn không đi vào
    những vấn đề có tính chất tranh luận như khái niệm từ trong tiếng Việt, vấn đề
    phân loại cấu tạo từ của tiếng Việt. Để thực hiện được mục đích chính của mình,
    người viết chỉ xin chọn một giải pháp nào tương đối dễ nhận diện từ đối với mọi
    người, nhất là đối với học sinh phổ thông.

    4. Nhiệm vụ của luận văn

    Người viết luận văn có nhiệm vụ phải trả lời các câu hỏi sau đây:
    1./ Những từ ngữ nào trong ba tác phẩm nêu trên đã tham gia vào việc thực
    hiện phương thức liên tưởng ẩn dụ?

    2./ Những hình ảnh nào được các tác giả (dân gian, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh)
    lấy làm cơ sở để thực hiện phương thức liên tưởng ẩn dụ?
    3./ Các tác giả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh có kế thừa phương thức ẩn dụ của
    ca dao hay không? Họ tiếp thu nguyên mẫu hay vừa tiếp thu vừa sáng tạo?
    4./ Xuân Quỳnh có kế thừa liên tưởng ẩn dụ của Xuân Diệu hay không?
    5./ Những ẩn dụ nào là hoàn toàn của riêng Xuân Diệu, của riêng Xuân
    Quỳnh?

    5. Nguồn tư liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

    5.1. Nguồn tư liệu nghiên cứu


    Nguồn tư liệu được chọn để khảo sát phương thức ẩn dụ tu từ trong tiếng
    Việt là 3 tác phẩm cụ thể sau đây:
    - Ca dao trữ tình chọn lọc (1998) - Nxb Giáo dục (Vũ Thúy Anh, Vũ Quang
    Hào sưu tầm và tuyển chọn).
    - Thơ tình Xuân Diệu (1983) - Nxb Đồng Nai (Kiều Văn tuyển chọn và giới
    thiệu).
    - Xuân Quỳnh thơ tình - Nxb Văn học
    Chúng tôi chọn mảng đề tài trữ tình, vì nghĩ rằng trong phạm vi này phương
    thức ẩn dụ tu từ có khả năng xuất hiện nhiều. Còn ca dao được chọn làm xuất
    phát điểm vì tính chất cổ xưa của nó, và còn vì đó là nơi đúc kết các biến tấu của
    ngôn từ dân gian. Nếu xuất phát điểm là ca dao, chúng tôi tin rằng có thể tìm thấy
    những điểm kế thừa cũng như sáng tạo của những thế hệ nối tiếp. Xuân Diệu rồi
    Xuân Quỳnh là hai trong những người nối tiếp trên trục thời gian. Tuy giữa họ về
    tính thời đại không hoàn toàn trùng khít nhau, về giới tính khác nhau, những rung
    động trong tâm hồn không như nhau, nhưng, trước hết, họ đều là những tác giả
    của nhiều bài thơ tình nổi tiếng, và về mặt sử dụng ngôn từ cũng như sử dụng
    hình ảnh có chỗ nào đó gần nhau giữa họ.

    5.2. Phương pháp nghiên cứu

    5.2.1. Người thực hiện luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, mang tính phương pháp luận, như: quan sát, thống kê, phân loại, miêu tả, so sánh.


    Trong đó phương pháp thống kê được tiến hành cẩn thận, có
    cân nhắc qua 3 tác phẩm thuộc nguồn tư liệu nghiên cứu. Phương pháp so sánh
    cũng được vận dụng để thực hiện các bước so sánh sau: 1/- so sánh Ca dao trữ
    tình và Thơ tình Xuân Diệu; so sánh Ca dao trữ tình và Xuân Quỳnh thơ tình; so
    sánh Thơ tình Xuân Diệu và Xuân Quỳnh thơ tình; 2/- so sánh Ca dao trữ tình -
    Thơ tình Xuân Diệu - Xuân Quỳnh thơ tình.

    5.2.2. Người thực hiện luận văn còn vận dụng phương pháp phân tích ngữ nghĩa của từ:

    xem xét từ ngữ trong văn cảnh, ngữ cảnh; nhưng không nhằm trình
    bày cấu trúc ngữ nghĩa của từ. Các thao tác phân tích ngữ nghĩa của từ và việc
    phát hiện cấu trúc ngữ nghĩa của từ chỉ được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị
    của người viết. Tuy là vậy nhưng việc làm này vô cùng quan trọng đối với người
    viết, vì kết quả mà nó đưa lại tạo cơ sở cho người viết phát hiện các đường dây
    liên tưởng thuộc ẩn dụ. Những phát hiện cuối cùng này mới phục vụ cho mục
    đích của luận văn. Do đó, có thể nói, việc vận dụng phương pháp phân tích ngữ
    nghĩa của từ nhằm phát hiện các liên tưởng ẩn dụ; luận văn chỉ trình bày các liên
    tưởng ẩn dụ.

    5.2.3. Phương pháp trắc nghiệm khách quan

    Để kiểm tra lại những phát hiện về các liên tưởng ẩn dụ có trong ba tác phẩm
    nêu trên, người viết đã thực hiện phương pháp trắc nghiệm. Đối tượng được trắc
    nghiệm là học sinh phổ thông trung học tại địa bàn người thực hiện luận văn
    đang giảng dạy. Đây là đối tượng thích hợp vì các em có một trình độ kiến thức
    văn học tương đối; đối với các tác phẩm nêu trên, các em đã và đang học; ngoài
    ra, tuổi đời của các em đủ để hiểu những khuất chiết trong tâm hồn của con
    người.

    6. Ý nghĩa của đề tài và những đóng góp của luận văn

    6.1. Về lý thuyết


    việc nghiên cứu đề tài này giúp các nhà nghiên cứu ngôn

    ngữ cũng như văn học hiểu rõ hơn cơ chế liên tưởng ẩn dụ trong ca dao cũng như
    trong thơ của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Những kết quả của luận văn có thể góp
    phần nào đó vào việc phát hiện và xây dựng phong cách ngôn ngữ của hai tác giả
    thơ nêu trên; tạo tiền đề cho việc xây dựng từ điển tác giả văn học.

    6.2. Về thực tiễn

    nếu luận văn được thực hiện tốt, những kết quả của nó có
    thể vận dụng vào giảng dạy ngữ văn ở các cấp học. Đối với giáo viên, nó sẽ là tài
    liệu tham khảo tốt. Đối với người học, nó sẽ giúp họ hiểu rõ hơn cơ chế liên
    tưởng ẩn dụ trong ba tác phẩm đã nêu, giúp họ cảm nhận tốt ý đồ nghệ thuật của
    các tác giả.

    7. Bố cục luận văn

    Ngoài phần dẫn nhập, kết luận, giải thích, phụ lục và tài liệu tham khảo,
    luận văn gồm 3 chương

    Chương 1: Những vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài

    Chương 2: Khảo sát phương thức liên tưởng ẩn dụ trong Ca dao trữ tình,
    Thơ tình Xuân Diệu và Xuân Quỳnh thơ tình

    Chương 3: So sánh cơ chế liên tưởng ẩn dụ từ Ca dao trữ tình đến Thơ tình
    Xuân Diệu và Xuân Quỳnh thơ tình

    [​IMG]



     
Đang tải...