Tìm hiểu những khó khăn của giám đốc trong quản lý trung tâm học tập cộng đồng

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-11
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Lê Vân Dung
    Các thành viên tham gia: ThS. Đỗ Ngọc Miên
    ThS. Nguyễn Hữu Tiến
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 09 năm 2010 / tháng 03 năm 2012

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Nhu cầu HTTX đã trở thành điều thiết yếu đối với nhiều người dân. Các loại hình giáo dục và đào tạo và hình thức học được đa đạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của xã hội. TTHTCĐ - một trong những cơ sở của GDTX, chính là nơi tạo cơ hội học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời cho mọi đối tượng trong xã hội và nó đã được đánh giá là mô hình giáo dục có hiệu quả trong việc thực hiện XHH giáo dục, giáo dục cho mọi người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển cộng đồng một cách bền vững. Theo thống kê, trong những năm gần đây, TTHTCĐ đã được thành lập ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên mọi miền tổ quốc. Đến năm 2011, cả nước đã có khoảng 10696 TTHTCĐ được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này cho thấy việc phát triển các TTHTCĐ là cần thiết và đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của xã hội.

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TTHTCĐ bước đầu cũng đã bộc lộ một số yếu kém và hạn chế nhất định. Một số TTHTCĐ còn hoạt động chưa hiệu quả; nội dung và hình thức hoạt động còn sơ sài; cơ sở vật chất nghèo nàn; kinh phí duy trì cho các hoạt động thường xuyên còn hạn hẹp; cơ chế vận hành còn nhiều lúng túng. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế trên xuất phát từ những khó khăn trong công tác quản lý của giám đốc TTHTCĐ. Theo quy chế tổ chức hoạt động của TTHTCĐ số 09/2008- QĐ BGDĐT thì giám đốc TTHTCĐ được “bố trí theo chế độ kiêm nhiệm” và trên thực tế giám đốc trung tâm lại chưa được đào tạo về quản lý giáo dục, trong khi đó TTHTCĐ là một mô hình giáo dục mới vì thế họ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý của mình. Từ những tồn tại trên đây, việc tìm ra giải pháp để khắc phục những khó khăn đó đang là một đòi hỏi cấp bách cần giải quyết.

    Nam Định là một tỉnh miền Đông Bắc Bộ, là một trong những tỉnh đã có nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong những năm qua, các TTHTCĐ nơi đây đã có nhiều đóng góp đáng kể vào thành tích chung của giáo dục Nam Định, song cũng còn hạn chế: đó là việc tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ chưa mang lại hiệu quả cao về quản lý cũng như chất lượng hoạt động.

    Như vậy, cần có nghiên cứu để tìm hiểu những khó khăn của giám đốc trong quản lý TTHTCĐ tại tỉnh Nam Định, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn đó, góp phần nâng cao thêm chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của TTHTCĐ.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Tìm hiểu những khó khăn của giám đốc trong quản lý TTHTCĐ nhằm đề xuất một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Đề tài thực hiện nghiên cứu những nội dung sau: 1/ Nghiên cứu cơ sở lí luận (Làm rõ các khái niệm có liên quan đến đề tài; Nghiên cứu vị trí, chức năng, nhiệm vụ, vai trò, bản chất của TTHTCĐ; Nghiên cứu nhiệm vụ, năng lực, vai trò của giám đốc TTHTCĐ); 2/ Nghiên cứu cơ sở lí luận (Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý TTHTCĐ của một số nước trên thế giới; Nghiên cứu những khó khăn của giám đốc trong quản lí ở một số TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh Nam Định; Đề xuất một số khuyến nghị nhằm khắc phục những khó khăn của giám đốc trong quản lí TTHTCĐ, góp phần nâng cao giệu quả hoạt động của TTHTCĐ)

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Trong khuôn khổ một đề tài cấp Viện, đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu như sau: 1/ Về nội dung nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu những khó khăn của giám đốc trong quản lý TTHTCĐ khi thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn theo Quy chế tổ chức hoạt động của TTHTCĐ số 09/2008 QĐ-BGD ĐT, điều 12 về Giám đốc TTHTCĐ; 2/ Về địa bàn nghiên cứu: Tìm hiểu khó khăn của giám đốc trong quản lý ở một số TTHTCĐ tỉnh Nam Định.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng phương pháp điều tra, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích và tổng kết kinh nghiệm, phương pháp chuyên gia, phương pháp nghiên cứu điển hình.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 phần

    Phần 1. Cơ sở lí luận
    1.1. Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Quản lí trung tâm học tập cộng đồng

    Phần 2. Cơ sở thực tiễn
    2.1. Kinh nghiệm quản lí trung tâm học tập cộng đồng của một số nước trên thế giới
    2.2. Khó khăn của giám đốc trong quản lí trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Nam Định

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã tổng quan và phân tích những vấn đề lí luận cốt yếu liên quan đến quản lí trung tâm học tập cộng đồng; Những khái niệm cơ bản liên quan như: Quản lí, Quản lí giáo dục, Giáo dục thường xuyên, Quản lí giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, Giám đốc trung tâm học tập cộng đồng. Đề tài cũng nghiên cứu sâu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của TTHTCĐ; Đặc điểm, chức năng , mục tiêu, cơ chế quản lý của TTHTCĐ; Nhiệm vụ, năng lực, vai trò quản lí của giám đốc TTHTCĐ.

    Đề tài tổng quan kinh nghiệm quản lí TTHTCĐ ở Nhật Bản, Thái Lan. Đề tài cũng đánh giá khó khăn của giám đốc trong quản lí TTHTCĐ tỉnh Nam Định trong các lĩnh vực như: 1/ Công tác lập kế hoạch; 2/ Công tác tổ chức và chỉ đạo; 3/ Công tác tuyên truyền, vận động; 4/ Công tác huy động nguồn lực; 5/ Quản lí cơ sở vật chất, trang thiết bị; 6/ Quản lí tài chính; 7/ Công tác kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, đề tài cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong khó khoăn của giám đốc trong quản lí TTHTCĐ tỉnh Nam Định.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Công tác quản lý giáo dục nói chung và quản lý TTHTCĐ nói riêng là vấn đề đang được nhiều học giả quan tâm và nghiên cứu. Từ kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài, tác giả rút ra một số kết luận như sau:

    Đề tài đã một lần nữa làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận về quản lý nói chung, quản lý GDTX và quản lý TTHTCĐ nói riêng. Trong đó có đi sâu nghiên cứu và phân tích về nhiệm vụ quản lý của giám đốc TTHTCĐ. Từ kết quả nghiên cứu lý luận mà đề tài đã đóng góp một phần nhỏ vào công tác nghiên cứu ứng dụng các lý luận khoa học về quản lý giáo dục và quản lý TTHTCĐ, giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý của trung tâm có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về các biện pháp quản lý để chỉ đạo nâng cao chất lượng và kết quả hoạt động của TTHTCĐ.

    Trên cơ sở lý luận và khảo sát thực tế, đề tài đã đánh giá được những khó khăn của giám đốc khi thực hiện nhiệm vụ quản lý TTHTCĐ ở các nội dung sau: quản lý công tác lập kế hoạch cho các hoạt động tại TTHTCĐ; quản lý công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện các hoạt động tại TTHTCĐ; quản lý công tác tuyên truyền, vận động mọi thành viên trong cộng đồng tham gia các hoạt động của TTHTCĐ; quản lý công tác huy động nguồn lực cho TTHTCĐ; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của TTHTCĐ; quản lý tài chính của TTHTCĐ; quản lý công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động của TTHTCĐ. Bên cạnh đó, đề tài cũng chỉ ra được những khó khăn chủ quan và khách quan trong quá trình quản lý của giám đốc TTHTCĐ. Qua đó, đề tài đã đề xuất 5 kiến nghị để giúp giám đốc TTHTCĐ khắc phục những khó khăn cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của mình.Các kiến nghị này đều được đề xuất trên nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh thực tế của các TTHTCĐ tỉnh Nam Định

    Khuyến nghị

    Để góp phần khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý của giám đốc trung tâm, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý tại TTHTCĐ tỉnh Nam Định, đề tài xin đề xuất những kiến nghị sau :

    Với Bộ GD&ĐT: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý giáo dục cho đội ngũ ban giám đốc TTHTCĐ. Cần đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương thức đào tạo. Chú ý hình thức đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề, cải tiến các nội dung đào tạo bồi dưỡng đảm bảo tính hợp lí, thiết thực và có chất lượng. Quan tâm bồi dưỡng cả về lý luận, nghiệp vụ quản lý giáo dục cho đội ngũ giám đốc TTHTCĐ.

    Với Sở GD&ĐT, phòng giáo dục và các TTGDTX: 1/ Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo cấp trên tới các cơ sở GDTX trong đó có TTHTCĐ; 2/ Phòng GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho chính quyền địa phương trong việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý có chất lượng cho các TTHTCĐ; 3/ Tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện trong việc giao trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp triển khai đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân trong các TTHTCĐ.

    Với UBND các cấp và cơ quan, tổ chức địa phương: 1/ Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý. Kết hợp công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đương chức với việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kế cận ; 2/ Thành lập CLB giám đốc TTHTCĐ hoặc các CLB ban quản lý TTHTCĐ, tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về quản lý các TTHTCĐ. Tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý của trung tâm được giao lưu trong và ngoài địa phương nhằm học hỏi và rút kinh nghiệm về công tác quản lý.

    Với TTHTCĐ: 1/ Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân và các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của các hoạt động của TTHTCĐ với cộng đồng; 2/ Phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp . để đầu tư nguồn lực cho các TTHTCĐ; 3/ Phối hợp cùng với Phòng Giáo dục, Hội khuyến học, Đảng ủy, UBND các xã trong việc điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tại TTHTCĐ.

    Từ khóa: 1/ Trung tâm học tập cộng đồng; 2/ Quản lí.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...