Luận Văn Tìm hiểu ngôn ngữ của phóng sự, cho ví dụ chứng minh

Thảo luận trong 'Báo Chí' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề bài: Tìm hiểu ngôn ngữ của phóng sự? Cho ví dụ chứng minh?
    Bài làm
    Ngôn ngữ của phóng sự:
    1. Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu để biểu hiện chủ đề tư tưởng của một bài phóng sự
    Trong phóng sự, người viết có thể sử dụng ngôn ngữ ở nhiều góc độ khác nhau để biểu đạt nội dung ngay cả tiếng địa phương hoặc ngôn ngữ cổ cũng như các thuật ngữ khoa học, nhưng không vì thế mà tác giả sử dụng tùy tiện, thiếu chon lọc, làm đảo lộn qui luật ngữ pháp của ngôn ngữ hoặc làm lu mờ mất phong cách dân tộc. Từ thực tế đó, việc sử dụng ngôn ngữ phóng sự cần chú ý mấy vấn đề sau:
    Người viết phải có mấy kiến thức và sự am hiểu nhất định về lĩnh vực, đề tài mình đang thể hiện, ví dụ: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, qua cuộc sống thực tế tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm để biểu hiện sao cho cống chúng hiểu được sự thật, đồng thời cảm thụ sâu sắc tính tư tưởng tác phẩm phóng sự.
    Mục đích của phóng sự là cung cấp cho công chúng những tri thức phong phú, đầy đủ, chính xác, để họ có thể nhận thức, đánh giá đúng người và việc mà họ đang theo dõi. Vì thế, người viết phóng sự cần biết sử dụng một số phương thức biểu đạt của văn học như các biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, hướng vào nội tâm của nhân vật để nâng tầng cao của tác phẩm.
    Khai thác tính hình tượng và tính chính luận của ngôn ngữ. Tính hình tượng của ngôn ngữ rất dồi dào. Nó giúp cho người đọc cảm nhận được bức tranh sinh động của cuộc sống và hình dung được hoàn cảnh như chính mắt họ chứng kiến.
    Ngôn ngữ trong phóng sự mang tính nghệ thuật – chính luận sâu sắc, nó có khả năng hỗ trợ cho bài viết them sức thuyết phục khi sự thật được trình bày.
    2. Các thành phần ngôn ngữ trong phóng sự
    2.1 Ngôn ngữ tác giả: Trong phóng sự, cái tôi – tác giả là người dẫn chuyện, người trình bày, lý giải, người khâu nối những dữ kiện mà tác phẩm đề cập với công chúng tiếp nhận luôn luôn có cảm giác tác giả có mặt trong từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm.
    Khi trình bày và thẩm định hiện thực, cái tôi trần thuật – tác giả của phóng sự mặc dù luôn tỏ ra khách quan với công chúng tiếp nhận và khách quan, bình đẳng ngay cả với hiện thực mà nó phản ánh nhưng phải tạo được sự đồng cảm với cái cái ta – công chúng tiếp nhận. Để làm được điều đó, tác giả pahir dũng cảm chỉ ra sự thật, bênh vực sự thật và sự thật đó phải phù hợp với những lợi ích của đất nước, cộng đồng. Một phóng sự mà tác giả không đủ khả năng thẩm định hoặc thẩm định méo mó cái hiện thực mà anh ta đem đến cho công chúng thì không những không tạo ra sự hưởng ứng mà còn khiến công chúng nghi ngờ tài năng và sự trung thực của chính tác giả.
    Ở khía cạnh khai thác cái tôi trần thuật còn góp phần tạo ra giọng điệu tác phẩm. Xuất phát từ đối tượng mà tác phẩm đề cập, giọng điệu trong tác phẩm đề cập, giọng điệu trong phóng sự rất sinh động. Có khi nghiêm túc, lý lẽ, hài hước, châm biếm và có khi lại tràn đầy cảm xúc. Giọng điệu phong phú cũng với nghệ thuật dẫn chuyện, trình bày chi tiết và xây dựng lý lẽ, nghệ thuật miêu tả, đặc tả khác phác họa chân dung khiến cho phóng sự có đầy đủ khả năng phản ánh hiện thực trong nhiều tình huống khác nhau.
    Cấu trúc ngôn ngữ trong tác phẩm phóng sự đó là dạng cấu trúc bởi những đối thoại lien tiếp giữa tác giả và nhân vật, giữa tác giả và người đọc.
    Trên cơ sở đặc điểm ngôn ngữ của thể loại khác , tác giả có thể tạo ra cho tác phẩm phóng sự của mình một hình hài khác lạ để trình bày một cách trung thực, xác thực về hiện thực dưới hình thực sinh động, hấp dẫn nhất.
    Trong phóng sự “Tôi đi bán tôi” của Huỳnh Dũng Nhân, ngôn ngữ tác giả được thể hiện ở ngôi thứ nhất: “Tôi dừng xe cách chợ người Giảng Võ (Hà Nội) một quãng, suy tính mãi xem làm thế nào hòa nhập với họ trong vai cửu vạn. Nhiều bài báo đã viết về chợ người này nhưng tôi vẫn muốn viết viết nữa”.
    2.2. Ngôn ngữ nhân vật: Trong phóng sự, ngôn ngữ nhân vật tầm thường được xuất hiện xen kẽ với cái tôi trần thuật của tác giả.
    Ngôn ngữ nhân vật được tác giả vận dụng vào những trường hợp như khi cần nhấn mạnh hay khẳng định một cách khách quan về sự kiện chung hay từng chi tiết có ý nghĩa quan trọng đối với chủ đề bài viết.
    Có khi thay lời tác giả nói chuyện, tâm sự với công chúng, làm cho sự kiện hoặc nhân vật tiếp xúc với bạn đọc một cách tự nhiên, gần gũi hơn.
    Ví dụ trong “Kĩ nghệ lấy Tây” Vũ Trọng Phụng đối thoại với bà hang nước mang tính tự sự. Bà kể một cách ngắn gọn những khái quát chuyện thiếu nữ Hà thành lấy Tây, rồi bà đánh giá: Rõ khốn nạn. Tài có, sắc có, chữ nghĩa cũng có mà thế đấy.
    Đối với những trường hợp khi sự kiện đã trôi qua hoặc do tác giả chon góc đứng gián tiếp, người viết có thể dung hoàn toàn bằng ngôn ngữ nhân vật dưới hình thức theo lời kể của hoặc ghi theo lời kể ”. Tất nhiên tác giả phải là người sắp xếp, chon lọc chi tiết và trình bày lại sự kiện bằng tiếng nói giọng điệu nhân vật.
    3. Đặc trưng, phong cách ngôn ngữ phóng sự
    3.1 Phóng sự phản ánh sự thật
    Cũng như các thể loại báo chí khác, phóng sự có mục đích cung cấp cho công chúng những tri thức phong phú đầy đủ, chính xác, để họ có thể nhận thức, đánh giá đúng người và việc mà họ đang quan tâm theo dõi. Ngoài việc thông tin thời sự về người thật việc thật trong một quá trình phát phát triển, phóng sự còn cố gắng thẩm định hiện thực và trả lời những câu hỏi mà hiện thực đặt ra, như phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang đã phản ánh cuộc đời cực nhọc của người phu kéo xe; phong sự Hà Nội lầm than của Trọng Lang đã đề cập đến những thân phận nhục nhằn của đời kỹ nữ; phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng mô tả những mánh khóe và cuộc đời của những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc; qua các phóng sự của Nguyễn Khải và Hồ Phương như Chúng tôi ở Cồn Cỏ, Họ sống và chiến đấu đã nêu bật những gương anh hùng trong những năm đầu kháng chiến và trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta. Hay những bài viết của các nhà bào Phan Quang, Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Trần Bạch Đằng đến những phóng sự xã hội đề cập đến những vấn đề như: tham nhũng, buôn lậu, ma túy trong báo chí hiện đại qua các phóng sự của Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân.
    Tính xác thực trong thông tin đòi hỏi người viết phóng sự phải thật sự hiểu biết về vấn đề mình đề cập đến. Tác giả phải là người tận mắt chứng kiến sự việc hoặc tự mình tìm hiểu vấn đề thông qua những nhân chứng đáng tin cậy.
    Trong phóng sự Tôi đi bán tôi của Huỳnh Dũng Nhân đã phải mượn một “chiếc áo quân khu rộng thùng thình, chân xỏ đôi dép lê quèn quẹt, đầu đội chiếc mũ cối bất hủ” rồi “thả bộ ra chợ người”. Anh cũng tham dự vào đội quân bán sức lao động để được tận mắt chứng kiến cảnh tranh giành công việc, mặc cả giá, nỗi thất vọng của người không được thuê mướn Cũng như Tam Lang trước đây viết Tôi kéo xe đã tự cởi bỏ bộ đồ ký giả, chụp lên đầu chiếc nón và mặc lên người bộ áo quần phu xe để hiểu đến tận cùng nỗi vất vả nhọc nhằn của những “ngựa người” và từ đó kêu gọi xóa bỏ công việc đầy sự bất công đó.
    Đặc điểm phản ánh trong phóng sự ở chỗ nó không chỉ dùng lại trong việc phản ánh một hiện tượng, một sự kiện đơn lẻ mà còn trình bày một chuỗi các sự kiện. Các sự kiện, sự việc được đặt ra trong tiến trình lịch sử, quá trình phát sinh phát triển khiến người đọc dễ dàng theo dõi và nắm bắt được vấn đề. Người viết trình bày một cách khách quan diễn biến của câu chuyện, sự việc, đồng thời cũng nhằm chứng minh cho một kết luận của mình hoặc từ đó gợi mở những vấn đề có ý nghĩa xã hội nhất định. Phóng sự rất xác thực trong sự việc, sự kiện và chi tiết nhưng có khuynh hướng rõ rệt. Ngọc Dũng trong phóng sự Báo động về Ô nhiễm môi trường ở Hải Phòng (Báo Việt Nam đầu tư nước ngoài, sô 138, 28/11 – 24/12/1995) đã cho ta thấy một Hải Phòng hiện tại có những điểm nóng ô nhiễm với “nền trời xanh như có sương mờ bao phủ vì những đám mây nhân tạo cuồn cuộn lan tỏa”. Anh đã chỉ ra cả quá trình từ từ và đều đều những nhà máy công nghiệp hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng đã phun chất thải làm ô nhiễm môi trường. Tác giả lật giở từng trang hồ sơ của sự kiện như từ khi bắt đầu hoạt động từ tháng 10/1994 đến tháng 2/1995 Công ty thép VINAPIPE đã nhận được đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng bởi nước thải công nghiệp có màu vàng chứa nhiều chất gỉ sắt đã làm chết rau muống và lúa bị ép hạt. Hay người dân sống ở quanh khu vực Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã “tha hồ hít bụi từ mấy chục năm nay”. Những sự kiện kết nối với nhau, bổ sung cho nhau khiến cho tác phẩm phóng sự đầy tính thuyết phục.
    3.2. phóng sự sử dụng bút pháp miêu tả, tường thuật kết hợp với nghị luận
    Bút pháp được sử dụng trong phóng sự là bút pháp miêu tả, tường thuật có thể kết hợp nghị luận ở mức độ nhất định. Miêu tả, tường thuật là những bút pháp được sử dụng ngay từ khi những bài phóng sự đầu tiên ra đời, như một phóng sự về hỏa hoạn được tường thuật chi tiết từ nguyên nhân vụ cháy, diễn biến và hậu quả trên báo chí Anh, phóng sự về những cuộc họp Quốc hội trên báo chí Mỹ. Trong những phóng sự đầu tiên của Việt Nam được xem là mẫu mực của thể tài phóng sự cũng được sử dụng triệt để bút pháp miêu tả như Tôi kéo xe của Tam Lang “Trước mặt tôi, một bát canh sào bò bốc khói lên ngùn ngụt. Nóng sốt như thế mà tôi đoàn chừng nó chẳng ngon lành gì cho lắm vì trong bát canh đục ngầu như nước cống, mấy khoanh lòng bò lều bều nổi như những xác chết đuối dưới những đám hành răm” Cho đến những phóng sự Việt Nam hiện đại cũng vậy. Miêu tả và tường thuật là bút pháp chủ yếu trong phong sự. Nó giúp người đọc cảm nhận, hình dung được sự kiện, con người lồ lộ như đang hiển hiện trước mặt họ: “ Những vườn đồi của một vùng trung du trải rộng trước mắt, có vườn nối đồi này sang đồi nọ. Có vườn len lách quanh co chạy dài giữa hai bờ đá lô nhô như dòng sông xanh quằn quại tìm đường ra biển. Vành đai phân ranh đất vườn đều tăm tắp những loài cây họ đậu trám hoa vàng, kéo tai tượng chạy hàng hai, hàng ba theo đường dích dắc vui mắt ” (phóng sự Trung du của Vĩnh Quyền, báo lao động, 4/4/1993)
    Sự miêu tả trên dẫn dắt người đọc tới gần sự kiện hơn. Mọi vật như được vẽ ra trước mặt họ với vẻ độc đáo riêng của nó. Cách tường thuật lúc thì chậm rãi, lúc thì vội vã của tác giả phóng sự giúp cho người đọc tiếp cận được với sự kiện, lần theo dấu vết và tiến trình của sự kiện. Chính vì vậy mà phóng sự có ưu thế cung cấp thông tin cho người đọc một cách chi tiết và đầy đủ.
    Cũng như mọi thể loại báo chí khác, sự thật, nhân vật được tường thuật, miêu tả trong phóng sự phải đảm bảo tính trung thực của nó. Tác giả không được phép bịa đặt, hư cấu khi cung cấp thông tin cho công chúng. Miêu tả giúp cho những thông tin trong phóng sự được chuyển tải một cách mềm mại, uyển chuyển dễ đi vào lòng người. Theo nhà báo Trần Bạch Đằng thì không chỉ bằng những thông tin, bài báo lên lớp huấn thị người đọc mà phải “tranh thủ được trái tim” của họ. Vì thế tác giả phóng sự phải nhạy cảm, biết phát hiện ra những chi tiết tiêu biểu để tường thuật lại cho người đọc. Nhà báo Xuân Ba được coi là người biết phát hiện ra những chi tiết bình thường nhưng lại rất có giá trị. Đi đâu anh cũng quan sát, “nhòm ngó” mọi chuyện, mọi người, mọi biểu hiện tưởng như là vặt vãnh nhưng lại không vặt vãnh chút nào khi được miêu tả lại trong các tác phẩm của anh: “Với vác- sa- va tôi nghĩ có lẽ là ở chợ trời Châu Âu. Ở bến xe này những dãy người xếp hàng chờ mua vé đi các tuyến, cũng những dãy ghế gỗ sứt sẹo bẩn thỉu áp lưng vào nhau, cũng cái mũi uế tạp rất đặc thù bốc lên từ thùng rác ở góc nhà, từ những bộ quần áo lâu ngày không giặt, từ những đôi chân lồng trong các loại giầy to sụ kia, hệt như các bến xe tứ xứ mình vậy Cách đó không xa thay vì những cái nón mê rách, rổ rá của đám ăn mày bên ta là những chiếc đấu gỗ con con bẩn thỉu vì lâu ngày không được cọ rửa của tốp khất thực cứ huơ huơ dưới đám đầu gối của khách bộ hành” (Phóng sự Đông Âu trên từng cây số). Chỉ qua cách miêu tả trên, không bình luận gi thêm, Xuân Ba đã khiến người đọc cảm nhận một cách sâu sắc những vất vả lam lũ của con người lao động, đặc biệt là những người lao động Việt Nam đang kiếm sống dưới góc trời Âu này.
    Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở bút pháp miêu tả và tường thuật không thôi thì chưa đủ để làm nên một thiên phóng sự hay mà mới chỉ là bài ghi chép thuần túy. Do vậy để có những phóng sự sắc sảo, người viết phải biết kết hợp tính nghị luận ở mức độ nhất định theo lối tả- bình- thuật. Điều này đòi hỏi người viết phải có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để xử lý các dữ kiện, đưa ra được những đánh giá đúng có tính định hướng đối với bạn đọc.
    3.3. Vai trò cái tôi trần thuật trong phóng sự
    Trong phóng sự cái tôi trần thuật đóng vai trò rất quan trọng. Xét riêng thể ký báo chí thì chỉ trong thể loại phóng sự cái tôi trần thuật mới xuất hiện với bề dày và có bản sắc. Đó là cái tôi vừa logic, lý trí, giàu lý lẽ và trong chừng mực nào đó còn sử dụng sức mạnh của cảm xúc thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc thẩm mỹ đã trở thành một động lực đưa tác phẩm đạt tới phẩm chất khác lạ. Trong phóng sự, cái tôi bao giờ cũng là tác giả chứ không phải là thủ pháp nghệ thuật như trong truyện ngắn hay tiểu thuyết. Tác giả kể lại rõ ràng mạch những sự kiện đã xảy ra với tư cách là người trực tiếp chứng kiến và trình bày sự kiện. Điều đó ấn định kênh giao tiếp giữa tác giả và người đọc. Công chúng luôn luôn có cảm giác có mặt trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất và kể lại cho họ toàn bộ những gi tác giả mắt thấy tai nghe.
    Nhà báo, nhà văn Cô- lôm- bi- a Gab-xi-a Mác két nói: trong nghề phóng sự người ta có thể nói điều người ta muốn với hai điều kiện: một là phóng sự được làm với hình thức có thể tin được và hai là người làm phóng sự từ trong ý thức của mình phải hiểu rằng điều mình viết là sự thật. Ai nhường bước cho dục vọng cá nhân và lừa bịp dẫu chỉ là trên cái màu của con mắt tất nhiên phải thất bại” Chính vì vậy những người viết phóng sự thường phải đến tân nơi để tìm hiểu sự việc đó mới có thể đưa ra những kêt luận chính xác.
    Như khi viết về thiệt hại của cơn bão cố 5 xảy ra ở nam Nam Bộ: Kiên Giang, Cà Mau vào năm 1998, hai nhà báo Lê Thanh Nguyên, Lê Vũ Tuấn của báo Lao dộng đã đến tận nơi để tận mắt chứng kiến những mất mát của người dân nơi đây. “Xô chiếc ca- nô ra khơi, chúng tôi từ giã một làng biển đang đắm chìm trong thảm họa để lập tức quay về thị xã Cà Mau và tốc hành đến tỉnh Kiên Giang. Trong biển đêm chợt hiện lên một vành trăng khuyết mỏng manh, cong như một chiếc tàu sắp đắm. Và cái biểu tượng đầy ám ảnh kia đã đuổi theo chúng tôi trên suốt chặng đường dài hơn 300 cây số, từ biển Đông cho tới biển Tây, như nhắc nhở những người làm báo về tầm mức của tai ương.”
    Để có được những thông tin chính xác như lời kể của những người trong cuộc, người phóng viên đó đã phải lăn lộn chịu bao vất vả.
    Kết luận: Phóng sự là một thể tài báo chí quan trọng nhất với khả năng thong tin thời sự về người thật việc thật một cách sâu sắc trong quá trình diễn biến. Vừa thông tin sự kiện, phóng sự còn khả năng thông tin lý lẽ, thông tin thẩm mỹ. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố đó đã tạo cho phóng sự một khả năng riêng trong việc phản ánh hiện thực, nó có thể thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và khám phá hiện thực của công chúng.
    Thông qua vai trò cái tôi trần thuật – tác giả - nhân chứng, tác phẩm phóng sự ngoài việc trình bày hiện thực còn giải đáp những vấn đề hiện thực đặt ra. Phóng sự thường xuất hiện vào những thời điểm cuộc sống đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Nó đề cập đến những sự kiện, tình huống, hoàn cảnh điển hình đang được đông đảo quần chúng quan tâm.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...