Báo Cáo Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn ban học của học sinh THPT

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn ban học của học sinh THPT​
    Information
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Tên đề tài: “Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn ban học của học sinh THPT”
    2. Lý do chọn đề tài
    Từ xưa đến nay giáo dục luôn song hành với những bước phát triển của thời đại, mục tiêu giáo dục luôn gắn liền với mục tiêu thời đại. Trong thời đại ngày nay khi nước ta đang có những bước tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập cùng thế giới (tháng 1 năm 2007 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO[1]), thì mục tiêu quan trọng cấp thiết của ngành giáo dục là đào tạo ra đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng cho nhu cầu của xã hội, đào tạo ra những con người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp
    Nhưng cho đến nay, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập bắt đầu từ việc xây dựng chương trình học, nội dung, phương pháp giảng dạy, đội ngũ cán bộ giáo viên và hậu quả tất yếu của nền giáo dục chưa hiệu quả đó là sản phẩm của nền giáo dục (chất lượng lao động) còn có một khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn chung của toàn thế giới nhất là so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chất lượng lao động của Việt Nam chỉ đạt 29,6% so với tiêu chuẩn của Quốc tế(100%) trong khi đó Philippin đạt 49,7%, Trung Quốc 52,5%, Singapo đạt 70,2% .Qua đó ta có thể thấy rằng nền giáo dục Việt Nam đang bị tụt hậu so với nền giáo dục của thế giới và khu vực. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2006 Việt Nam xếp hàng chót trong khu vực Châu Á về số người học đại học. Nếu xét trong độ tuổi từ 20-24 chỉ có 10% học đến đại học so với thế giới là 15%, Thái Lan là 41%, Hàn Quốc là 89%. Tỷ lệ 167 sinh viên/ 1 vạn dân của nước ta hiện nay là quá thấp trong khu vực.
    Thực trạng này của nền giáo dục đã sớm được phát hiện và nền giáo dục nước ta cũng đã và đang tiến hành nhiều lần đổi mới cải cách giáo dục để đưa chất lượng nền giáo dục tiến lên. Có nhiều biện pháp đã được đưa vào thực hiện như: cải cách chương trình SGK ở phổ thông, đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục Chương trình phân ban được triển khai đại trà ở THPT năm học 2006-2007 cũng là một trong những cố gắng của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, định hướng tương lai cho nền giáo dục nước nhà nhưng cho đến nay nó vẫn bộc lộ khá nhiều bất cập.
    Là những nhà giáo trong tương lai, chúng tôi cũng rất quan tâm và có một số những băn khoăn thắc mắc xung quanh vấn đề này. Đó là:
    1. Cho đến nay ngành giáo dục nước ta đã tiến hành khá nhiều lần phân ban nhưng chưa có lần nào phát huy được hiệu quả của nó, cứ phân ban rồi lại bỏ. Điều này tác động không tốt đến nền giáo dục nước nhà. Do vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu xem chương trình phân ban hiện nay đã thực sự phù hợp với học sinh chưa? Nó có tác động như thế nào đến quá trình học tập của học sinh?
    2. Khi chương trình phân ban được thực hiện đại trà có một thực trang tại hầu hết các trường Phổ thông đó là phần lớn học sinh chọn ban cơ bản và ban Tự nhiên còn ban KHXH-NV không có hoặc có rất ít học sinh lựa chọn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo với trên 1,1 triệu học sinh lớp 10 trong năm 2006- 2007 ở 64 tỉnh, thành phố thì ban KHXH- NV chiếm 6,47%, ban KH cơ bản 72.76%. ban KH Tự nhiên chiếm 19,77%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh 1% học sinh học Ban KHXH[2]. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến sự chênh lệch này? Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự lựa chọn phân ban của học sinh THPT
    Trong đề tài này, chúng tôi không có tham vọng có thể đưa ra được những cải cách mới cho nền giáo dục Việt Nam nhưng rất mong rằng thông qua đề tài này bước đầu chúng tôi có thể tìm thấy câu trả lời cho những băn khoăn thắc mắc của mình. Thiết nghĩ nó cũng rất hữu ích cho công việc của chúng tôi sau này. Là những người giáo viên tương lai chúng tôi có thể biết được mình cần chuẩn bị những gì cho việc dạy học phân ban và xa hơn là dạy học tự chọn sau này. Ngoài ra, khi hiểu được các yếu tố tác động đến sự lựa chọn ban học của học sinh thì chúng tôi có thể định hướng cho học sinh giúp các em có những lựa chọn đúng đắn vì việc lựa chọn ban học là một bước ngoặt khá quan trọng quyết định đến việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em.
    3. Lịch sử nghiên cứu đề tài
    Giai đoạn THPT là giai đoạn quan trọng đối với việc lựa chọn nghề nghiệp của các em sau này vì vậy công tác hướng nghiệp trong bậc THPT[3] đã được ngành giáo dục chú trọng từ rất lâu. Đã có rất nhiều bài báo, các đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều cuốn sách viết về giáo dục Hướng nghiệp cho học sinh THPT.
    Từ năm học 2006-2007, khi Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện chủ trương phân ban trên diện rộng thì sự lựa chọn ban học của học sinh khi bước vào đầu lớp 10 cũng trở nên rất quan trọng. Nó là tiền đề cho việc lựa chọn khối thi và lựa chọn nghề nghiệp của các em sau này. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được chú trọng nghiên cứu. Mọi người mới chỉ tập trung thảo luận xem chương trình phân ban đã phù hợp chưa? Nó bất cập ở điểm nào? Các trường thực hiện phân ban ra sao? Chứ chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về tác động của một số yếu tố trong việc lựa chọn ban và chọn nghề của học sinh THPT.
    Trong Hội nghị khoa học sinh viên lần thứ VI (năm 2007)của Khoa Sư Phạm- Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có một đề tài nghiên cứu về chương trình phân ban của các bạn K50 SP Hoá nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá bước đầu về chương trình phân ban chứ chưa đặt nó trong mối tương quan tác động đến tâm lý của học sinh khi chọn ban. Trong đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi muốn một cái nhìn sâu sắc hơn về một số yếu tố tác động đến việc chọn ban học của học sinh THPT nhưng chúng tôi cũng không bỏ qua những kiến thức tương đối sâu sắc về chương trình phân ban.
    4. Đối tượng nghiên cứu
    Là một số yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn ban học của học sinh THPT ngoài ra còn nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình phân ban hiện nay. Nhưng do thời gian có hạn, chúng tôi mới chỉ tiến hành khảo sát tại một số lớp 10 và 11 trường THPT Nhân Chính – Hà Nội.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    - Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Đọc các loại sách, tạp chí có nội dung liên quan đến phân ban và tâm lý học sinh THPT sau đó tiến hành tổng hợp phân tích tài liệu.
    - Phương pháp điều tra thống kê: xây dựng mẫu phiếu điều tra gồm 14 câu hỏi có nội dung về : các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến việc lựa chọn ban học của học sinh THPT ; việc có hay không thi đại học sau khi tốt nghiệp THPT; về thế mạnh của học tập của học sinh sau đó phát cho học sinh trường THPT Nhân Chính để trưng cầu ý kiến của các em. Cuối cùng, tổng hợp số liệu điều tra, rút ra nhận xét đánh giá.
    - Phương pháp quan sát : thu thập thông tin thông qua những quan sát nghi chép mọi yếu tố liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Trong báo cáo này chúng tôi quan sát một buổi học ngoại khoá của các em học sinh về lựa chọn nghề nghiệp.
    MỤC LỤC
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1.Tên đề tài: “Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn ban học của học sinh THPT”
    2.Lý do chọn đề tài
    3.Lịch sử nghiên cứu đề tài
    4. Đối tượng nghiên cứu
    5.Phương pháp nghiên cứu
    PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
    I.Vài nét về phân ban
    1. Khái quát chung về phân ban:
    2. Lịch sử phân ban ở nước ta:
    2.1 Trước cách mạng Tháng Tám 1945
    2.2 Sau cách mạng Tháng Tám 1945
    KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP
    a.Kết luận
    b.Kiến nghị, Giải pháp
    2.1 Về phía bản thân học sinh
    2.4. Về phía giáo viên
    2.5. Về phía gia đình
    2.6. Về phía các nhà hoạch định giáo dục
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHỤ LỤC
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...