Tìm hiểu kinh nghiệm dạy-học tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học người Khmer ở tỉnh Trà Vinh

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-10 (Đề tài cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Thị Hồng Minh
    Các thành viên tham gia: ThS. Cao Việt Hà
    CN. Đào Nam Sơn
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 08 năm 2010/ tháng 08 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Dạy tiếng mẹ đẻ cho cộng đồng các dân tộc thiểu số đã trải qua nhiều năm, nếu tính từ khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 206-CP ngày 27/11/1961. Nhưng có thể nói việc triển khai dạy tiếng mẹ đẻ ở những nơi, những ngôn ngữ thành công và những nơi, những ngôn ngữ chưa thành công chúng ta vẫn chưa có điều kiện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm một cách đầy đủ trong một đề tài riêng. Để có những bài học lớn về triển khai dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc cần có nhiều thời gian hơn và cần được làm trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện, trước hết cần chọn ra một tỉnh có bề dày truyền thống triển khai việc dạy tiếng mẹ đẻ để tập trung nghiên cứu tìm ra những bài học kinh nghiệm triển khai của tỉnh này để các tỉnh có điều kiện tương tự áp dụng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, một trong những tỉnh thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu đó là tỉnh Trà Vinh.

    Trà Vinh là một những tỉnh có đông đồng nào dân tộc Khmer sinh sống. Việc triển khai dạy tiếng dân tộc (TDT) ở Trà Vinh được Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm, chú trọng. Phòng Giáo dục dân tộc trực thuộc Sở đã được thành lập từ lâu. Đây chính là đơn vị cấp tỉnh chỉ đạo trực tiếp về vấn đề giáo dục dân tộc nói chung và việc dạy học tiếng dân tộc (tiếng Khmer) nói riêng trong toàn tỉnh.

    Ngoài ra, việc dạy-học tiếng dân tộc ở Việt Nam đã có quá trình lâu dài, trải qua nhiều thời kỳ với nhiều hình thức dạy học khác nhau và đã có một số tổng kết sơ bộ về dạy tiếng dân tộc cho đến năm 1999. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một đề tài hay nghiên cứu nào tìm hiểu về kinh nghiệm dạy tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học người Khmer ở tỉnh Trà Vinh để khẳng định và phát huy những kinh nghiệm hay và điều chỉnh những điều chưa phù hợp.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    - Phân tích kinh nghiệm dạy học tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học người Khmer ở tỉnh Trà Vinh.

    - Đề xuất một số ý kiến với cơ quan chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng dạy- học tiếng dân tộc trong thời gian tới.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Xác định cơ sở lý luận của việc tìm hiểu kinh nghiệm dạy học tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số.

    - Khảo sát việc dạy-học tiếng dân tộc ở Trà Vinh

    - Đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy- học tiếng dân tộc ở Trà Vinh trong giai đoạn tới.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Nghiên cứu nhu cầu, tìm hiểu kinh nghiệm về dạy - học tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học người Khmer ở tỉnh Trà Vinh.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 1/Phương pháp nghiên cứu lí luận; 2/ Phương pháp hồi cứu; 3/ Phương pháp khảo sát; 4/ Phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 phần

    Phần 1. Kinh nghiệm nghiên cứu giáo dục dân tộc và kinh nghiệm triển khai dạy tiếng dân tộc
    1.1. Tính cấp thiết của việc bảo tồn và phát triển tiếng các dân tộc
    1.2. Quan niệm về kinh nghiệm
    1.3. Một số kinh nghiệm trong nghiên cứu giáo dục và dạy học tiếng dân tộc

    Phần 2. Thực trạng dạy- học tiếng dân tộc ở tỉnh Trà Vinh
    2.1. Vài nét về tỉnh Trà Vinh
    2.2. Thực trạng việc dạy-học tiếng Khmer trong trường phổ thông
    2.3. Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình dạy và học tiếng Khmer trong nhà trường phổ thông
    2.4. Một số giải pháp phát triển việc dạy tiếng Khmer ở vùng đồng bào Khmer

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã xác định được cơ sở lý luận của việc tìm hiểu kinh nghiệm dạy học tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số.

    Mô tả thực trạng của việc dạy - học tiếng Khmer ở trường Tiểu học Trà Vinh như: Huy động và tận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng về việc day – học tiếng dân tộc/tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer); Tận dụng được sự hỗ trợ từ các trường chùa trong việc dạy - học tiếng dân tộc; Quản lý việc dạy học tiếng Khmer; Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

    Đề tài đã đề xuất một số ý kiến nâng cao chất lượng dạy - học tiếng dân tộc ở Trà Vinh trong giai đoạn tới.

    Thông qua đề tài, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể nghiên cứu kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh để làm tốt việc dạy tiếng Khmer.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Việc dạy học TDT Khmer trong trường phổ thông đã được triển khai liên tục và duy trì nhiều năm theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần đào tạo được số lượng HS dân tộc biết sử dụng thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Tính đến nay, việc triển khai dạy-học tiếng Khmer đã và đang được thực hiện thường xuyên với trên 98 trường của vùng dân tộc. Ngoài ra, nhiều chùa và sư sãi Khmer cũng tham gia mở lớp dạy tiếng Khmer trong hè. Số HS và cán bộ công chức được công nhận trình độ cấp I Ngữ văn Khmer bình quân 800 người/năm. Đây thực sự là một kết quả đáng phấn khởi và cần được tiếp tục thực hiện tốt hơn trong những năm học tới.

    Việc tổng kết các kinh nghiệm trong giáo dục nói chung và kinh nghiệm dạy học TDT nói riêng là vô cùng cần thiết. Đề tài đã tập trung giải quyết được các vấn đề:

    - Mô tả thực trạng của việc dạy - học tiếng Khmer ở phổ thông, đặc biệt là ở cấp tiểu học tại tỉnh Trà Vinh.

    - Một số bài học kinh nghiệm trong việc dạy-học tiếng Khmer ở trường tiểu học tại tỉnh Trà Vinh như: huy động và tận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng về việc dạy - học tiếng dân tộc/tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer); Tận dụng được sự hỗ trợ từ các chùa trong việc dạy - học tiếng dân tộc; Quản lý việc dạy- học tiếng Khmer; Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

    - Các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể nghiên cứu kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh để làm tốt việc dạy tiếng Khmer cho tỉnh mình.

    Khuyến nghị

    - Tập trung nguồn lực (kinh phí, giáo viên) cho các vùng khó khăn (miền núi, vùng sâu, vùng xa).

    - Cần huy động và tranh thủ các nguồn lực tại địa phương.

    - Các địa phương cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để xác định các biện pháp và bước đi thích hợp.

    - Trong quá trình tiến hành triển khai day học tiếng dân tộc tại các địa phương, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt nên coi trọng công tác tổng kết kinh nghiệm.

    - Các bài học kinh nghiệm về dạy-học TDT cần được vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo thì mới đem lại hiệu quả vì mỗi địa phương có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa truyền thống.

    Từ khóa: 1/ Tiếng dân tộc; 2/ Tiếng Khmer; 3/ Kinh nghiệm dạy-học.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...