Luận Văn TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỀN CỜN Làng Biển Phương Cần, Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Văn hóa là sức sống của mỗi dân tộc, đó là sự kết tinh từ ngàn đời của từng quốc gia. Việt Nam 54 dân tộc anh em đã đứng vững trong hàng ngàn năm lịch sử, chống chọi với hàng ngàn kẻ thù để đi lên độc lập, xây dựng đất nước gấm hoa, phồn vinh.
    Di tích lịch sử văn hóa đã có từ ngàn xưa, gắn chặt với làng xóm, với nền kinh tế tiểu nông lúa nước Việt Nam. Di tích lịch sử văn hóa là nơi lưu giữ và phản ánh một phần lịch sử của từng địa phương, đất nước thông qua giá trị vượt thời gian của từng công trình. Đó cũng là niềm tự hào của từng dân tộc, từng thời đại. Đền Cờn làng biển Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An như một minh chứng sát thực của giá trị vượt thời gian đó. Đền Cờn là tất cả các giá trị của lịch sử, ý nghĩa hiện thực cho cuộc sống của con người, của những người dân vùng biển. Đó là sự kết tinh, sự đúc kết của huyền thoại của mãnh đất và con người nơi di tích này sinh ra và tồn tại.
    Do những thông tin có được từ hệ thống di tích và kho tàng di vật chứa đựng trong đó, ngày nay chúng ta có thể coi mỗi một di tích như một trang sử, cả hệ thống di tích là một phần lịch sử viết bằng đường nét hình khối, đó là những trang sử sống động được viết bằng hiện vật. Giáo Sư Trần Văn Giàu chủ tịch danh dự hội sử học Việt Nam đã nói rằng:“theo quy luật của thời gian, quá khứ sẽ chắt lọc và kết tinh thành những giá trị lịch sử vĩnh viễn, những giá trị lịch sử hiện hữu đó sẽ được kiểm chứng, chắt lọc và trở thành huyền thoại tương lai”.
    [Dương Văn Sáu, Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Và Danh Lam Thắng Cảnh Việt Nam, Hà Nội 2007, tr 67]
    Không chỉ vậy, một phần tạo nên được sự vĩnh hằng của di tích văn hóa chính là nó đã mang trong mình một cội nguồn linh thiêng, một nét văn hóa tâm linh của con người thông qua lễ hội truyền thống. Tất cả những điều này sẽ được kết tinh trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Vì thế những di tích lịch sử văn hóa như là kho tàng cổ tích và huyền thoại.
    Di tích đền thờ là nơi in dấu của lịch sử của thời gian, phản ánh lịch sử huyền thoại liên quan. Công trình là nơi cộng hưởng của quá khứ và hiện tại. Đó là nơi giao tiếp giữa con người và thế giới tâm linh, đưa con người về qua khứ về với cội nguồn hào hùng.
    Đền thờ đã trở thành nơi nhằm hướng con người về với thế giới huyền ảo, đến với cái tĩnh lặng trong con người chúng ta. Đền Cờn là khu di tích lịch sử văn hóa lâu đời đã lưu giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa. Các giá trị này như còn tính hiện hữu vừa mang tính biểu tượng, dù thời gian có phai nhạt đến đâu nhưng vẫn còn đó dáng dấp của sự oai nghiêm, linh thiêng nơi đất Quỳnh. Đó chính là niềm mong muốn từ ngàn xưa trong tâm thức của người làng Phương Cần nói riêng và người Việt Nam nói chung.
    Hôm nay đây chúng ta lại được trở về với cội nguồn, quay trở về với mảnh đất xứ Nghệ yêu thương, một mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất có truyền thống hiếu học và mảnh đất anh hùng trong kháng chiến, với những người con đã hi sinh cho độc lập gấm hoa của tổ quốc; một mảnh đất giàu lòng nhân hậu, với những ngôi đền linh thiêng hiện mình trong làng quê. Đất Quỳnh giãi nắng dầm sương nhưng chưa hết được tình thương, vẫn còn đọng lại ngôi đền cổ kính ngàn đời vọng mãi.
    Trong bài thơ Thành Tâm của PGS.TS Phan Xuân Vận một người con của mảnh đất Quỳnh đã có một đoạn viết:
    “Trời cao biền cả đền Cờn đó
    Tứ vị thánh nương giúp mọi người
    Tín chủ thành tâm về quê mẹ
    Từ thân lập nghiệp nhớ Quỳnh Phương”
    (Đền Cờn năm Bính Tuất 2006)
    Bao người đã lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Phương này, Quỳnh Phương đất mẹ anh hùng, vẫn còn đó tiếng chuông vọng về bên cửa biển, vẫn đón tiếp nồng nhiệt những người con đất Quỳnh. Đó là tất cả sự trang nghiêm, linh thiêng ngàn đời mãi là nơi đến hấp dẫn cho tất cả người Việt Nam.
    Từ những ý nghĩa trên chúng tôi chọn đề tài“tìm hiểu giá trị văn hóa đền Cờn, làng biển Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An”. để thực hiện khóa luận tốt nghiệp đại học với mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa của một địa danh nổi tiếng của xứ Nghệ.

    2. Mục đích và ý nghĩa đề tài
    Là một cử nhân văn hóa học tương lai, là một người con của làng Quỳnh, tôi không bao giờ nguôi với một tâm nguyện là được cống hiến sức mình cho sự nghiệp của huyện nhà.
    Tìm hiểu giá trị văn hóa đền Cờn làng biển Phương Cần là muốn giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của làng Quỳnh tới tất cả những người quan tâm về di tích lịch sử cũng như bước đầu nhận diện đầy đủ những giá trị văn hóa đặc biệt của đền Cờn một di tích văn hóa của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
    Bên cạnh đó khẳng định những giá trị và tôn vinh giá trị văn hóa vật chất và tinh thần thiêng liêng của một vùng quê xứ Nghệ, một mảnh đất thân thương của nước Việt ta.

    3. Lịch sử nghiên cứu
    Nói đến văn hóa là nói đến bản sắc của một đất nước của một dân tộc, văn hóa làng là tế bào của văn hóa dân tộc, đó là cơ sở để hình thành nên những di sản, những hạt ngọc thô nhưng sáng óng bền vững của bản sắc dân tộc.
    Đó là sự kết tinh trong hàng ngàn năm lịch sử. Trang sử đó không hề mất đi mà ngày càng được tô đậm, khi được con người hướng đến. Đền Cờn tọa lạc bên dòng Mai Giang với dãy núi hùng vỹ, bờ biển xanh ngát với tiếng sóng rì rào. Việc nghiên cứu văn hóa đền Cờn đã có nhiều tác giả trong đó đáng chú ý một số tác phẩm như:“Đền Cờn Tục Thờ Thần Tứ Vị Thánh Nương Và Quần Thể Di Tích Văn Hóa Xã Quỳnh Phương” của tác giả Ninh Viết Giao, nhà xuất bản Nghệ An năm 2009; tác phẩm“Đền Cờn Với Địa Danh Lịch Sử Văn Hóa Trong Tâm Thức Dân Gian” của tác giả Hồ Đức Thọ, nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội năm 2001; tác phẩm“Đền Miếu Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội năm 2001.
    Các tác phẩm này cũng mới dừng lại ở phần khái quát sơ lược nên chưa giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc trong và ngoài nước.

    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Trong đề tài này đối tượng nghiên cứu cơ bản mà tôi hướng đến là đền Cờn, làng biển Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
    Bên cạnh đó tìm hiểu giá trị văn hóa của đền Cờn trên hai phương diện văn hóa vật chất (kết cấu kiến trúc, nghệ thuật xây cất, khắc chạm ), tinh thần (lễ hội, thờ cúng, sinh hoạt văn hóa dân gian ).
    Với những nét văn hóa đó đền Cờn như góp vào kho tàng di sản văn hóa để tạo nên sự độc đáo cho bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần đi sâu hơn nữa trên con đường hội nhập văn hóa.

    5. Phương pháp nghiên cứu
    Các phương pháp nghiên cứu chính trong khóa luận được tôi sử dụng: phương pháp nghiên cứu điền dã; phương pháp tìm hiểu tài liệu và sưu tầm tài liệu; phương pháp hệ thống mô tả, phân tích, để làm nổi bật nét văn hóa, giá trị nổi bật của khu di tích đền Cờn.

    6. Đóng góp của khóa luận
    Đã không ít tác giả đã tìm hiểu về đền Cờn và con người nơi đây. Mỗi nghiên cứu có một đóng góp riêng, nhưng không phải nghiên cứu nào cũng toàn vẹn về mọi mặt. Trong đề tài này tôi chọn đền Cờn là đối tượng nghiên cứu nhằm để thấy đền miếu Việt Nam quan trọng như thế nào trong tiềm thức trong tâm linh của người dân làng Phương Cần nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Từ đó có thể đưa ra các giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa và nét văn hóa cổ truyền của đền miếu Việt Nam. Bên cạnh đó bước đầu nghiên cứu và nhận dạng những giá trị văn hóa của đền Cờn.

    7. Bố cục khóa luận
    Ngoài phần mở đầu, phụ lục, tài liệu tham khảo, khóa luận có ba chương như sau:
    Chương 1: Lịch Sử Hình Thành Đền Cờn
    Chương 2: Những Giá Trị Văn Hóa Đền Cờn
    Chương 3: Vấn Đề Giữ Gìn Và Phát Huy Giá Trị Văn Hóa Đền Cờn
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...