Thạc Sĩ Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 dưới góc nhìn tự sự học

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 25/8/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    Trang
    Trang phụ bìa
    Lời cảm ơn
    Lời cam đoan
    Mục lục
    Danh mục các kí hiệu, các chữ viết tắt được sử dụng trong luận án
    MỞ ĐẦU 1
    1. Lí do chọn đề tài . 1
    2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu . 5
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 7
    4. Đóng góp của luận án . 8
    5. Cấu trúc của luận án . 8
    NỘI DUNG 9
    Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU . 9
    1.1. Tình hình nghiên cứu và vận dụng lí thuyết tự sự học . 9
    1.1.1. Khái lược diễn trình và thành tựu nghiên cứu tự sự học trên thế giới 9
    1.1.2. Quá trình vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu văn học Việt Nam . 11
    2.2. Những công trình nghiên cứu về thể tài tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 15
    2.2.1. Những công trình nghiên cứu về đặc trưng thể tài tiểu thuyết lịch sử . 15
    2.2.2. Những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 . 16
    2.2.3. Những công trình vận dụng lí thuyết tự sự học nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 22
    Chương 2: NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986 . 24
    2.1. Sự độc đáo của người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 24
    2.1.1. Một vài giới thuyết về người kể chuyện và các loại hình người kể chuyện trong văn xuôi tự sự . 24
    2.1.2. Đổi mới hình thức kể chuyện từ ngôi thứ ba 27
    2.1.3. Thể nghiệm hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất 39
    2.2. Sự đa dạng hóa điểm nhìn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 49
    2.2.1. Một số vấn đề về điểm nhìn và các loại hình điểm nhìn trong văn xuôi tự sự . 49
    2.2.2. Điểm nhìn phức hợp của hình thức tự sự từ ngôi thứ ba 50
    2.2.3. Điểm nhìn đơn tuyến và đa tuyến của hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất 59
    Chương 3: NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC THỜI GIAN VÀ KẾT CẤU TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986 . 66
    3.1. Nghệ thuật tổ chức thời gian trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 66
    3.1.1. Vấn đề thời gian nhìn từ lí thuyết tự sự học và trong thể tài tiểu thuyết lịch sử 66
    3.1.2. Phá vỡ trật tự thời gian tuyến tính bằng hình thức đảo thuật và dự thuật 70
    3.1.3. Tạo dựng nhịp độ thời gian bằng hình thức đoạn ngưng 83
    3.2. Nghệ thuật tổ chức kết cấu trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 91
    3.2.1. Kết cấu “khung” . 92
    3.2.2. Kết cấu lắp ghép, đồng hiện, đa tầng bậc . 96
    3.2.3. Sự dung hợp thể loại và loại hình nghệ thuật 100
    Chương 4: DIỄN NGÔN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986 107
    4.1. Quan niệm về diễn ngôn và diễn ngôn trong lịch sử . 107
    4.1.1. Quan niệm mới về lịch sử và diễn ngôn trong lịch sử 107
    4.1.2. Diễn ngôn và một số hướng tiếp cận diễn ngôn cơ bản . 109
    4.2. Diễn ngôn người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 113
    4.2.1. Thành phần thuật chuyện . 114
    4.2.2. Thành phần miêu tả . 119
    4.2.3. Thành phần bình luận, đánh giá 125
    4.3. Diễn ngôn nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 129
    4.3.1. Ngôn ngữ đối thoại 129
    4.3.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm . 134
    4.4. Cách thức tổ chức diễn ngôn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 139
    4.4.1. Đan cài đối thoại của nhân vật trong lời người kể chuyện 139
    4.4.2. Gia tăng lời gián tiếp tự do . 144
    KẾT LUẬN . 149
    DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    DANH MỤC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986 ĐƯỢC KHẢO SÁT TRONG ĐỀ TÀI
    PHỤ LỤC




    DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
    ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN ÁN


    NKC : Người kể chuyện
    TSH : Tự sự học
    TTLS : Tiểu thuyết lịch sử

    MỞ ĐẦU

    1. Lí do chọn đề tài
    1.1. Tự sự học - một khuynh hướng nghiên cứu giàu tiềm năng
    So với nhiều lí thuyết văn học khác, tự sự học (Narratologie) là một ngành nghiên cứu còn khá non trẻ. Mặc dù khái niệm tự sự đã tồn tại rất lâu trong đời sống tinh thần nhân loại, song tự sự học xuất hiện như một phân môn nghiên cứu khoa học thì chính thức hình thành ở Pháp vào những năm 60 - 70 của thế kỉ XX. Lần đầu tiên khái niệm Narratologie được nhắc đến trong công trình Grammaire du Décaméron (Ngữ pháp Truyện mười ngày) của Tzvetan Todorov vào năm 1969. Một trong những đóng góp lớn của Todorov qua công trình này là ông đã đề xướng thuật ngữ Narratologie, một khoa học nghiên cứu tự sự, khoa học của truyện kể, là lí thuyết môn học cho đến lúc bấy giờ chưa hề có, một lí thuyết đúng nghĩa chứ không phải chỉ thuần túy kinh nghiệm.
    Sau khi được định hình ở Pháp, tự sự học đã nhanh chóng vượt qua biên giới, trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được phổ biến quan tâm trên toàn thế giới. Khi chủ nghĩa giải cấu trúc ra đời, một số người vội vàng dự báo, tự sự học với tư cách là một phân nhánh của chủ nghĩa cấu trúc sớm muộn cũng có hồi kết. Thế nhưng, đến những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, tự sự học vẫn giữ được niềm hứng thú, còn nguyên (thậm chí là gia tăng) sức hấp dẫn, và theo nhận định của một số học giả Mĩ, nó còn được “Phục hưng” và trung tâm nghiên cứu của nó đã vượt qua biên giới từ Pháp chuyển sang Mĩ. Hàng loạt các nhà nghiên cứu đã thành danh với nhiều công trình có giá trị, mở ra khuynh hướng mới giàu tiềm năng không chỉ đối với văn học nghệ thuật mà còn cho nhiều ngành khoa học xã hội khác. Nhiều trường phái, khuynh hướng nghiên cứu đa dạng bắt đầu xuất hiện.
    Từ khi được giới thiệu vào Việt Nam, tự sự học đã được hưởng ứng rộng rãi của giới nghiên cứu, đặc biệt ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Nhờ vai trò quan trọng trong việc giải mã văn chương dưới một hệ hình mới, tự sự học trở thành ngành nghiên cứu hứa hẹn những thành tựu lớn lao trong việc khám phá tầng sâu cấu trúc văn bản truyện kể. Nhiều công trình đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lí thuyết tự sự học bằng việc dịch, giới thiệu những gương mặt ưu tú cùng hệ thống lí thuyết của các trường phái tự sự học Pháp, Nga, Anh, Mĩ, Đức, Trung Quốc Đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều công trình ứng dụng lí thuyết vào thực tiễn văn học Việt Nam và thế giới. Nhiều hiện tượng, vấn đề văn học được soi chiếu bằng hệ hình lí thuyết mới như được “hồi sinh”, “phát hiện” và “phát hiện lại” trong hình hài tươi mới.
    Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đặt bên cạnh “gia sản” tự sự học khổng lồ của thế giới, việc nghiên cứu của chúng ta quá hạn hẹp, ít ỏi và có một “độ chênh” khá lớn. Còn quá ít công trình đi sâu vào lí thuyết, ít có công trình dịch thuật hoặc trình bày có hệ thống và cặn kẽ các tư tưởng tự sự học nước ngoài để giới nghiên cứu và những người quan tâm có thể tham khảo. Bên cạnh sự đa dạng, sinh động người ta đã bắt đầu nhận ra sự đa tạp, nghèo nàn của bức tranh tự sự học ở Việt Nam. Sau một thời gian bị cuốn theo “cơn địa chấn tự sự học”, một số nhà nghiên cứu đã kịp dừng lại, nghiêm túc nhìn nhận, phân tích nhằm mở ra lối đi vừa kế thừa những thành tựu thế giới vừa sáng tạo phù hợp với thực tiễn, nhu cầu đổi mới, phát triển văn học nước nhà.
    Vận dụng lí thuyết tự sự để tìm hiểu các hiện tượng văn học Việt Nam, do đó đòi hỏi phải có sự lựa chọn thích đáng, đi sâu vào các vấn đề cốt lõi nhất của một ngành nghiên cứu đặc thù. Quan trọng hơn là nắm được quy luật vận động, phát triển nội tại cũng như nhu cầu, thực tiễn của văn học nước nhà để tránh trường hợp “đẽo chân vừa giày”. Có như vậy mới có thể phát huy tiềm năng của lí thuyết đồng thời góp phần kiến tạo nên “lối/kiểu tự sự học Việt Nam”. Nghĩa là vừa hội nhập xu thế phát triển trên thế giới vừa trở về cội nguồn truyền thống, sử dụng kinh nghiệm Việt Nam, dung hợp tri thức quốc tế, tạo ra một lí luận mang dấu ấn dân tộc.
    Xuất phát từ nhận thức này, luận án tập trung vận dụng những phương diện căn bản và quan trọng của nghệ thuật tự sự như người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian tự sự, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự . vào khám phá đổi mới tư duy thể loại, phương thức tự sự của một trong những thể tài văn học nổi bật nhất sau Đổi mới - tiểu thuyết lịch sử. Dưới giác độ lí thuyết tự sự học, những đặc trưng của thể loại lần lượt được soi chiếu, qua đó nhiều vấn đề lí luận được giải mã một cách khoa học, thuyết phục, đem lại nhiều phát hiện thú vị cho người nghiên cứu cũng như những ai quan tâm đến văn học viết về đề tài lịch sử Việt Nam.
    1.2. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 - đổi mới và thành tựu
    Tiểu thuyết lịch sử đã xuất hiện từ lâu trong văn học Việt Nam. Cùng những thăng trầm, biến động của dân tộc, thể tài này đã dần khẳng định được sứ mệnh cao cả, ý nghĩa lớn lao không chỉ trong đời sống văn học mà cả đời sống tinh thần người Việt. Với nhu cầu, thực tiễn ở mỗi thời kì khác nhau, tiểu thuyết lịch sử có khi trở thành một trong những thể loại chủ lưu, có lúc lại đánh mất vị thế, thậm chí không ít lần vắng mặt trên văn đàn và trong đời sống văn học nước nhà.
    Nhìn lại quá trình phát triển, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay trải qua ba chặng chính: (1) từ đầu thế kỉ đến năm 1945, (2) từ năm 1945 đến năm 1986, (3) từ năm 1986 đến nay. Mỗi chặng đường đều ghi nhận những gương mặt nhà văn ưu tú với nhiều tác phẩm tiêu biểu, được sáng tạo bởi nguồn cảm hứng/cảm thức, chủ đề tư tưởng, tư duy tự sự lịch sử, hệ thống thi pháp đa dạng, sinh động. Với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, phần lớn các nhà văn giai đoạn trước năm 1986 đều khai thác lịch sử theo hướng mô tả, minh họa chính sử, phù hợp với kinh nghiệm cộng đồng và tinh thần dân tộc. Mang sứ mệnh tôn vinh truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm với những tấm gương anh hùng, danh nhân hào kiệt, tiểu thuyết lịch sử đậm chất kí sự lịch sử mà nhạt chất tiểu thuyết.
    Sau năm 1986, văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng có sự vận động và đổi mới trong điều kiện hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Đời sống văn học nước nhà vận động, phát triển dưới tác động của hàng loạt nhân tố mang tính thời đại như ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, chuyển biến trong thị hiếu tiếp nhận, giao lưu, tương tác đa chiều, đa phương của các nền văn hóa/văn học trong kỉ nguyên toàn cầu hóa. Cùng với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy, bản thân văn học cũng ráo riết đặt ra những nhu cầu đổi mới tự thân. Văn học nghệ thuật sáng tạo về đề tài lịch sử cũng không nằm ngoài quy luật vận động và tư duy đổi mới đó. Với việc tự do sáng tác cùng với tinh thần dân chủ được khuyến khích mở rộng, lĩnh vực đề tài lịch sử như được hồi sinh và trở thành thể tài chủ chốt được nhiều nhà văn quan tâm chú ý. Tiểu thuyết bây giờ nghiêng theo mạch cảm thức phân tích, giả định gắn với chiêm nghiệm, luận giải lịch sử từ góc độ cá nhân. Nhiều tác phẩm tiêu biểu nằm trong dòng chảy này không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, đời tư thế sự, đời sống văn hoá, tâm linh, mà quan niệm của các nhà văn trên một số vấn đề về thể loại và về lịch sử cũng mang màu sắc thẩm mĩ mới. Một số tiểu thuyết gia đề xuất cách nhìn mới về lịch sử, mở rộng cái nhìn đối với nhiều thời đại trong quá khứ, truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề từ/của lịch sử, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại và tương lai.
    Cho đến nay, nhiều tác phẩm không chỉ mang lại giải thưởng văn học thường niên cho nhà văn mà còn trở thành món ăn tinh thần độc đáo, thu hút sự quan tâm, bàn luận của độc giả. Tiểu thuyết lịch sử đã trở thành thể tài để lại nhiều dấu ấn và thành tựu trong đời sống văn học đương đại. Nó nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng bằng những tác phẩm đặc sắc, khuấy động dư luận bằng những cuộc tọa đàm, hội thảo quy mô. Có thể nói rằng, tiểu thuyết lịch sử đang lên ngôi trên văn đàn Việt Nam đương đại.
    Thế nhưng trong lĩnh vực lí luận, chúng ta vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến mảng sáng tác đặc sắc/đặc thù này. Các công trình chuyên khảo mang tính lí luận về tiểu thuyết nói chung và thể tài tiểu thuyết lịch sử nói riêng còn khá thưa thớt. Gần đây, chúng ta mới có một số bài viết về tiểu thuyết lịch sử công bố trên các báo, tạp chí, cũng như xuất hiện thêm nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo có quy mô quốc gia về mảng đề tài này, hoặc một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tại các trường đại học và các viện nghiên cứu. Song nhìn chung, trong bối cảnh đời sống văn học đương đại, khi mà tiểu thuyết lịch sử đang được dư luận đặc biệt dõi theo và giới sáng tác nhiệt tình hưởng ứng thì giới lí luận, nghiên cứu gần như chưa bắt kịp với sự hồi sinh mạnh mẽ này. Cùng với thành tựu nổi bật trên nhiều phương diện được giới nghiên cứu và độc giả ghi nhận, vẫn còn đó những tác phẩm và vấn đề lí luận sáng tác lôi kéo sự chú ý của dư luận với quan điểm tranh cãi trái chiều, những diễn biến phức tạp, bất ngờ của quá trình tiếp nhận, thưởng thức .
    Trong tình hình đó, vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn và giá trị khoa học. Cách làm này góp phần giải mã hiện tượng văn học sau năm 1986 bằng sự khám phá, luận giải nét độc đáo, đặc sắc trong tư duy, phương thức tự sự lịch sử. Nó không chỉ mang lại những giá trị về phương diện nghệ thuật mà còn có vai trò quan trọng về mặt lịch sử và đời sống tinh thần xã hội. Từ cái nhìn của lí thuyết mới, chúng tôi hướng đến luận giải và chứng minh tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 là một bước phát triển mới của tiểu thuyết lịch sử nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam nói chung. Bước phát triển này không chỉ là ảnh xạ của những vấn đề văn hóa, xã hội, khung tri thức trong không gian sáng tạo mới sau năm 1986, mà còn cả về phương diện cách tân tiểu thuyết để hòa nhập vào nghệ thuật tiểu thuyết của thế giới.
    Với chúng tôi, đây cũng chỉ là một trong số nhiều phương pháp tiếp cận về một hiện tượng văn học cụ thể. Nó vừa thể hiện tính ưu việt, khả dụng đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, “vênh lệch” không tránh khỏi khi vận dụng hệ hình lí thuyết phương Tây vào thực tiễn nghiên cứu văn học Việt Nam. Kết quả của đề tài như là sự tham góp trên tinh thần khoa học, đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ phương diện lí luận sáng tác, lí luận thể loại. Tiếp cận tác phẩm từ hướng đi này đem lại một cái nhìn đa chiều, đa diện không chỉ với thể tài tiểu thuyết lịch sử mà cả diện mạo văn xuôi Việt Nam đương đại.
    2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu
    2.1. Cơ sở lí thuyết
    Từ khi ra đời đến nay, lí thuyết tự sự học đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Mỗi chặng đường ghi dấu những thay đổi hệ hình lí thuyết, đối tượng nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và các tầng bậc tự sự. Đây là một hệ thống lí thuyết “mở”, nội hàm của một số thuật ngữ vẫn đang được bổ sung, hoàn thiện. Vận dụng lí thuyết phương Tây nói chung, lí thuyết tự sự học nói riêng vào hiện tượng cụ thể của văn học Việt Nam còn một “độ chênh” khá lớn. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cố gắng tìm kiếm những “hạt nhân hợp lí” vừa đảm bảo giữ được bản chất, nội dung của lí thuyết đồng thời tương thích, phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của văn học Việt Nam.
    Trong bức tranh đa nguyên, phức tạp của lí thuyết tự sự học, chúng tôi lựa chọn hệ thống lí thuyết của các nhà tự sự học Pháp, Anh, Mĩ, Nga Sau khi phân tích các quan niệm đa dạng của các nhà tự sự học, chúng tôi dựa trên những nét tương đồng cơ bản và tương đổi ổn định trong quan niệm của họ về các bình diện của nghệ thuật tự sự để tiến hành luận giải những vấn đề nổi bật, đặc trưng của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các phạm trù cơ bản như: người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian tự sự, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự. Ở từng phương diện, chúng tôi nhận thấy vừa có những đặc điểm lặp lại ở nhiều tác phẩm, thể hiện tiến trình phát triển chung của thể loại, vừa có sự tìm tòi độc đáo, biểu hiện nỗ lực làm mới, làm khác của mỗi nhà văn. Tựu trung lại, tất cả minh chứng cho sự vận động, đổi mới trong tư duy, phương thức tự sự lịch sử, đem lại dấu ấn, thành tựu cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 so với giai đoạn trước.
    Trên cơ sở lí thuyết, chúng tôi xác định các vấn đề và câu hỏi cần giải quyết trong luận án như sau:
    Một là, đặc trưng thể tài tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 trên các bình diện: sự khác nhau trong nhiệm vụ của nhà viết sử và nhà viết tiểu thuyết lịch sử, mối quan hệ giữa sự khách quan, chân xác của lịch sử và vai trò của hư cấu nghệ thuật, tiểu thuyết lịch sử và nhiệm vụ soi sáng đời sống thực tại, sự đồng cảm của nhà văn với các nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử, các kiểu tiểu thuyết lịch sử trong kinh nghiệm sáng tác của nhà văn, đặc trưng của tiểu thuyết lịch sử hiện đại?
    Hai là, vận dụng lí thuyết tự sự học nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 cần quan tâm chú ý đến những bình diện tiêu biểu nào?
    Ba là, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 có những đổi mới về tư duy và phương thức tự sự lịch sử nào so với giai đoạn trước năm 1986?
    2.2. Phương pháp nghiên cứu
    Để đáp ứng mục tiêu, nội dung của luận án, chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp và thao tác nghiên cứu sau:
    2.2.1. Phương pháp tiếp cận từ lý thuyết tự sự học: Chúng tôi vận dụng lí thuyết tự sự học ở một số bình diện cơ bản như người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự . nhằm luận giải những đổi mới trong tư duy/phương thức tự sự lịch sử của tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986.
    2.2.2. Phương pháp loại hình: Đây là phương pháp vận dụng những nguyên tắc loại hình học trong lĩnh vực văn học giúp chúng tôi bao quát tiểu thuyết ở các dạng thức biểu hiện cụ thể từ phương diện nghệ thuật tự sự; chỉ ra các kiểu, dạng của người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, kết cấu, thời gian tự sự, diễn ngôn tự sự
    2.2.3. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Phương pháp này giúp xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên hệ thống sách lược tự sự mà cụ thể là những dấu hiệu lặp lại có tính quy luật của những yếu tố ấy. Trên cơ sở hệ thống hóa các yếu tố này, tính chỉnh thể sẽ được bộc lộ rõ nét.
    2.2.4. Phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại: Phương pháp này nhằm tập trung so sánh những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn trước và sau năm 1986. Ngoài ra, trên cơ sở khảo sát tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986, chúng tôi sẽ đối sánh các tiểu thuyết với nhau, qua đó thấy được sự khác biệt trong tư duy/phương thức tự sự lịch sử của mỗi nhà văn nhằm khẳng định cá tính sáng tạo cũng như vị trí, vai trò của họ trong quá trình vận động và phát triển của thể tài.
    2.2.5. Phương pháp thống kê - phân loại: Phương pháp này nhằm đưa ra những luận chứng xác đáng, sinh động, cụ thể cho các luận điểm.
    2.2.6. Phương pháp liên ngành: Vận dụng kiến thức của các ngành khoa học xã hội khác như: lịch sử, triết học, văn hóa, chính trị, tâm lý . để góp phần làm rõ một phương diện nào đấy của các thời đại lịch sử với đầy đủ các biến cố và sự kiện lớn lao cùng những con người đã đi vào lịch sử dân tộc.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Luận án khảo sát toàn diện các tiểu thuyết lịch sử xuất bản ở Việt Nam sau năm 1986. Trong đó, vấn đề nghiên cứu của luận án là các bình diện tự sự của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại, tức dùng lí thuyết tự sự học để khảo sát, đánh giá những thành công và hạn chế của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn Đổi mới.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Khối lượng tác phẩm tiểu thuyết lịch sử ở Viêt Nam sau 1986 là khá lớn, với hơn một trăm cuốn (xem thêm Danh mục tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986). Vì vậy, để thuận lợi cho việc nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi chỉ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu cho mỗi khuynh hướng sáng tác về đề tài lịch sử. Những tác phẩm này một mặt thể hiện được diện mạo của tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986 và mang một số đặc trưng nổi bật cho từng khuynh hướng, mặt khác là những tác phẩm tiêu biểu cho hiệu quả tự sự của văn học đương đại ở Việt Nam.
    Ngoài ra, trong sự mở rộng so sánh, đối chiếu để tìm ra yếu tố tương đồng và khác biệt, sự kế thừa và cách tân, khẳng định và đối thoại, chúng tôi còn nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước năm 1986, truyện ngắn về đề tài lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (xem thêm Danh mục tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước năm 1986 Danh mục truyện ngắn về đề tài lịch sử Việt Nam sau năm 1986), tiểu thuyết viết về lịch sử Việt Nam của tác giả nước ngoài (Vạn Xuân, Lãn Ông - Yveline Feray) và một số tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của Pháp, Nga, Trung Quốc
    Lý thuyết tự sự hiện đại quan tâm nhiều bình diện. Trong luận án, chúng tôi tập trung khảo sát, phân tích một số bình diện chính: người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự nổi bật, độc đáo.
    4. Đóng góp của luận án
    Thứ nhất, trong tình hình giới thiệu, nghiên cứu lí thuyết tự sự học ở nước ta còn đơn lẻ, sơ lược, chưa thống nhất, chúng tôi giới thuyết tương đối ngắn gọn, có tính hệ thống về các bình diện, phạm trù lí thuyết tiêu biểu cũng như quan điểm của một số đại biểu quan trọng ở nhiều trường phái, khuynh hướng trên thế giới.
    Thứ hai, phác họa tiến trình vận động, diện mạo của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986. Từ đó có cái nhìn đối sánh với tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trước nhằm tìm ra những đổi mới trong tư duy về thể loại, cảm thức, nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng như vai trò, sứ mệnh của nhà văn trong sáng tạo về đề tài lịch sử.
    Thứ ba, vận dụng lí thuyết tự sự học ở các phạm trù cơ bản để làm rõ những cách tân mới lạ về nghệ thuật tự sự của mỗi nhà văn. Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm hiểu về quan điểm luận giải hiện thực lịch sử và nguyên tắc thể hiện con người của các nhà văn, cảm thức lịch sử, ý nghĩa và giá trị tư tưởng của tác phẩm. Đồng thời chỉ ra đặc trưng riêng biệt của thể tài này so với một số thể tài tiểu thuyết khác, cũng như so với các văn bản “phi văn học” (lịch sử, văn hóa, triết học ) trong việc khám phá, lí giải hiện thực cuộc sống và số phận con người.
    Thứ tư, từ những kết quả đã đạt được, chúng tôi bước đầu nhận diện, đánh giá thành tựu cũng như hạn chế của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 trên bình diện nghệ thuật tự sự. Qua đó, chúng tôi góp phần xây dựng mảng lí luận về thể tài tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam.
    5. Cấu trúc của luận án
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận án được triển khai thành 4 chương:
    Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
    Chương 2. Người kể chuyện và điểm nhìn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
    Chương 3. Nghệ thuật tổ chức thời gian và kết cấu tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
    Chương 4. Diễn ngôn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...