Tiểu Luận Tiểu luận chính sách công cao học hành chính (Giảng viên PGS. TS Nguyễn Hữu Hải)

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐỀ TÀI: HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH THU HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC VỀ LÀM VIỆC Ở CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ

    1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH CÔNG

    1.1.1. Các cách tiếp cận chính sách công
    1.1.1.1. Quan niệm về chính sách công (Public Policy)
    Chính sách là khái niệm thường được đề cập trong khoa học hành chính nhưng thực sự nó còn là phạm trù của khoa học chính trị.
    Thuật ngữ "chính sách" được sử dụng rộng rãi trên sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong đời sống xã hội. Hiểu một cách đơn giản, chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

    Theo James Anderson: "Chính sách là một quá trình hành động có mục đích theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm". Hay “Chính sách cũng là những hoạt động nên hay không nên làm do nhà nước quyết định lựa chọn”[50, tr.45].
    William Jenkin: “Chính sách cũng là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt được mục tiêu đó”. (William Jenkin, 1978) [50, tr.56].
    Căn cứ từ hiện thực chính sách ở nước ta, từ góc độ nghiên cứu khác nhau các nhà nghiên cứu trong nước đã đưa ra một số quan niệm về chính sách:

    - Từ cách phân biệt "chính sách" theo "nghĩa rộng" và "chính sách" theo "nghĩa hẹp". Các tác giả Nguyễn Hữu Đổng và Lê Minh Quân định nghĩa:" chính sách với nghĩa rộng (nghĩa chung nhất) là tổng thể các quan điểm, các biện pháp mà chủ thể lãnh đạo, quản lý (Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội ) tác động lên đối tượng quản lý nhằm đạt đến một mục tiêu nào đó trong một khoảng thời gian nhất định". Còn "chính sách" theo nghĩa hẹp, là một "quy định cụ thể nào đó nhằm thực hiện đường lối, nhiệm vụ trong một thời gian nhất định"[35, tr.45].
    - Trong bài "Mấy khía cạnh lý luận về chính sách", tác giả Vũ Hoàng Công đưa ra định nghĩa: "chính sách là các tổng thể những quy định pháp lý có tính nhất quán, thể hiện thái độ quan điểm của nhà nước trong việc khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động nào đó trong các lĩnh vực nào đó của một số đối tượng nào đó của xã hội "[63, tr.200].
    - Theo tác giả Nguyễn Đăng Thành, "chính sách là tập hợp những văn bản theo một hướng nhất định được quyết định bởi chủ thể cầm quyền nhằm quy định quá trình hành động của những đối tượng nào đó, để giải quyết những vấn đề mà nhóm chủ thể - đối tượng đó quan tâm theo một phương thức nhất định để phân bổ giá trị "[63, tr.12].
    Về nghĩa hẹp, các chính sách có thể được đề ra và thực hiện ở những tầng nấc khác nhau: Chính sách của Liên hiệp quốc, chính sách của một đảng, chính sách của Chính phủ, chính sách của một bộ, chính sách của chính quyền địa phương, chính sách của một tổ chức, đoàn thể, hiệp hội .

    Các tổ chức, các hiệp hội, đoàn thể .có thể đề ra những chính sách riêng biệt để áp dụng trong phạm vi một tổ chức, hiệp hội hay đoàn thể đó. Các chính sách này nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho mỗi tổ chức, chúng chỉ có hiệu lực thi hành trong tổ chức đó, vì vậy, chúng mang tính chất riêng biệt và được coi là những "chính sách tư", tuy trên thực tế khái niệm "chính sách tư" hầu như không được sử dụng.
    Những chính sách do các cơ quan hay các cấp chính quyền trong bộ máy nhà nước ban hành nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng được gọi là chính sách công. Khoa học chính sách nghiên cứu các chính sách nói chung, nhưng chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu các chính sách công nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước.
    Vậy chính sách công là gì?
    Ở các nước phát triển và các tổ chức kinh tế quốc tế, thuật ngữ "chính sách công" được sử dụng rất phổ biến. Cụ thể nêu ra một số quan điểm sau:

    Chính sách công là cái mà chính phủ lựa chọn làm hay không làm (Thomas R. Dye, 1985) [23, tr.103].
    Chính sách công là một kết hợp phức tạp những lựa chọn có liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các cơ quan chức năng nhà nước đề ra (William N. Dunn, 1992) [36, tr.85].
    Chính sách công bao gồm các quyết định chính trị để thực hiện các chương trình nhằm đạt được những mục tiêu xã hội (Charle L. Cochran and Eloise F. Malone, 1995) [50, tr.158].

    Nói cách đơn giản nhất, chính sách công là tổng hợp các hoạt động của chính phủ/ chính quyền, trực tiếp hoặc thông qua tác nhân bởi vì nó có ảnh hưởng tới đời sống của công dân. (B. Guy Peters, 1999) [50, tr.92].
    Chính sách là một quá trình hành động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề (James Anderson, 2003) [50, tr 109].
    Chính sách công là một quá trình hành động hoặc không hành động của chính quyền để đáp lại một vấn đề công cộng. Nó được kết hợp với các cách thức và mục tiêu chính sách đã được chấp thuận một cách hình thức, cũng như các quy định và thông lệ của các cơ quan chức năng thực hiện những chương trình (Kraft and Furlong, 2004) [50, tr.95]

    B. Guy Peter:
    “Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi người dân”. (B. Guy Peter, 1990) [50, tr.130].

    Hoa Kỳ:
    Chính sách công là tất cả những công việc mà chính quyền thi hành đến dân [18, tr.183].
    Từ các quan niệm trên, chính sách công có thể được nhìn nhận như sau:
    Trước hết, là một chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của mỗi nước.
    Thứ hai, về mặt kinh tế, chính sách công thể hiện hoạt động cũng như quản lý đối với khu vực công, phản ánh việc đảm bảo hàng hoá, dịch vụ công cộng cho nền kinh tế.
    Thứ ba, một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để:
    Khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hoá, dịch vụ công cho nền kinh tế, khuyến khích cả với khu vực công và khu vực tư; quản lý nguồn lực công một cách có hiệu quả, hiệu lực, thiết thực đối với cả kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn.
    Nói cách khác, chính sách công là một trong những căn cứ đo lường năng lực hoạch định chính sách, xác định mục tiêu, căn cứ kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực công như ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên đất nước.

    Cho đến nay trên thế giới, cuộc tranh luận về định nghĩa chính sách công vẫn đang là một chủ đề sôi động và khó đạt được sự nhất trí rộng rãi. Dưới đây chúng tôi muốn dẫn chứng một số định nghĩa chính sách công khá tiêu biểu của các học giả nước ngoài và trong nước để cùng tham khảo trước khi đi đến một định nghĩa thích hợp.
    William Jenkin cho rằng: " Chính sách công là tập hợp các quyết định có liên quan đến nhau của một nhà chính trị hay một nhóm nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và giải pháp để đạt được các mục tiêu đó" [50, tr.75].
    Định nghĩa này nhấn mạnh các mặt sau:
    - Chính sách công không phải là một quyết định đơn lẻ nào đó, mà là một tập hợp các quyết định khác nhau có liên quan với nhau trong một khoảng thời gian dài.
    - Chính sách công do các nhà chính trị trong bộ máy nhà nước ban hành. Nói cách khác, các cơ quan nhà nước là chủ thể ban hành chính sách công.
    - Chính sách công nhằm vào những mục tiêu nhất định theo mong muốn của nhà nước và bao gồm các giải pháp để đạt được mục tiêu đã lựa chọn.
    Thomas R.Dye lại đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về chính sách công, song định nghĩa này lại được nhiều học giả tán thành. Theo ông, "chính sách công là cái mà Chính phủ lựa chọn làm hay không làm" [23, tr.45]. Ba mặt quan trọng của định nghĩa này là:

    Thứ nhất
    , không giống như các định nghĩa khác, nó không bàn luận về "mục tiêu" hay "mục đích" của chính sách. Các chính sách là các chương trình hành động riêng biệt; việc áp dụng các chính sách không có nghĩa là tất cả những ai đồng tình với chính sách sẽ có cùng một mục đích như nhau. Trên thực tế, một số chính sách ra đời không phải vì sự nhất trí về mục tiêu mà bởi vì nhiều nhóm người khác nhau đồng tình với chính sách đó với nhiều nguyên do khác nhau (tuy nhiên, theo chúng tôi, dù các nhóm khác nhau có những mục tiêu khác nhau, song bản thân mỗi chính sách vẫn phản ánh những mục tiêu nhất định của Chính phủ).
    Thứ hai, định nghĩa của Dye thừa nhận rằng, các chính sách phản ánh sự lựa chọn làm hay không làm. Việc quyết định không làm có thể cũng quan trọng như việc quyết định làm. Điều này hoàn toàn hợp lý trong trường hợp Chính phủ ra quyết định không can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
    Thứ ba, một điểm được nhấn mạnh ở đây là các chính sách không chỉ là những đề xuất của Chính phủ về một vấn đề nào đó, mà cũng là cái được thực hiện trên thực tế. Nói cách khác, định nghĩa của Dye về những cái mà Chính phủ làm hoặc không làm, chứ không phải là cái mà họ muốn làm hoặc lập kế hoạch để làm.

    Wiliam N. Dunn cho rằng: "Chính sách công là một kết hợp phức tạp những lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra" [50, tr.123]. Ông dùng thuật ngữ "sự lựa chọn" - đây là điểm đáng lưu ý để tránh nhầm lẫn giữa chính sách với các khái niệm khác như các quyết định hành chính.
    Theo Peter Aucoin," Chính sách công bao gồm các hoạt động thực tế do chính phủ tiến hành" [36, tr.134]. Aucoin cho rằng, chính sách có thể vừa là hành động riêng biệt của Chính phủ (quết định của chính quyền tỉnh về sự phát triển ở một vùng cụ thể) vừa là kết quả của hàng loạt quyết định đa dạng ( chính sách môi trường và quyết định không hành động của nhiều chính phủ). Thông thường, thuật ngữ "chính sách" được sử dụng theo nghĩa thứ hai - một chính sách được cấu thành từ một loại quyết định.
    B. Guy Peter đưa ra định nghĩa: "Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân" [36, tr. 65]. Định nghĩa này khẳng định chủ thể ban hành và thực thi chính sách công là nhà nước, đồng thời nhấn mạnh tác động của chính sách công đến đời sống của người dân với tư cách là một cộng đồng.

    Từ điển Bách khoa Việt Nam đã đưa ra khái niệm chính sách như sau: "Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tuỳ thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá ."[46, tr. 105].
    Định nghĩa này không làm rõ được thực chất của chính sách, chỉ đưa ra một cách chung chung là những chuẩn tắc (chuẩn tắc là gì?) để thực hiện đường lối, trong một thời gian nhất định và trên những lĩnh vực cụ thể. Định nghĩa như vậy không chỉ nói về chính sách, mà có thể hiểu là bất kỳ một kế hoạch, một hoạt động nào đó.
    Trong cuốn sách "Chính sách kinh tế - xã hội", các tác giả đồng nhất chính sách công với chính sách kinh tế - xã hội và đưa ra định nghĩa:"chính sách kinh tế - xã hội là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên các đối tượng và khách thể quản lý nhằm giải quyết vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội ". Định nghĩa này tuy có cố gắng nêu lên một cách đầy đủ các yếu tố cấu thành chính sách kinh tế - xã hội nước ta, song lại có những sự trùng lặp như: quan điểm - tư tưởng, giải pháp - công cụ, đối tượng - khách thể quản lý.
    Tuy có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về chính sách công như đã nêu trên, song điều đó không có nghĩa chính sách công mang những bản chất khác nhau. Thực ra, tuỳ theo quan niệm của mỗi tác giả mà các định nghĩa đưa ra nhấn mạnh vào đặc trưng này hay đặc trưng khác của chính sách công. Những đặc trưng này phản ánh chính sách công từ các góc độ khác nhau, song chúng đều hàm chứa những nét đặc thù thể hiện bản chất của chính sách công.
    Trên cơ sở nghiên cứu về chính sách công, chúng tôi thấy có những đặc trưng cơ bản nhất như sau:

    Thứ nhất
    , chủ thể ban hành chính sách công là nhà nước. Nếu chủ thể ban hành các "chính sách tư" có thể là các tổ chức tư nhân, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như các cơ quan trong bộ máy nhà nước để điều tiết hoạt động trong phạm vi tổ chức, đoàn thể hay cơ quan riêng biệt đó thì chủ thể ban hành chính sách công chỉ có thể là các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vấn đề ở đây là các cơ quan trong bộ máy nhà nước vừa là chủ thể ban hành chính sách công , vừa là chủ thể ban hành "chính sách tư". Sự khác biệt là ở chỗ các "chính sách tư" do các cơ quan nhà nước ban hành là những chính sách chỉ nhằm giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ cơ quan đó, không có hiệu lực thi hành bên ngoài phạm vi cơ quan.
    Chính sách công do nhà nước ban hành nên có thể coi chính sách công là chính sách của nhà nước. Nhà nước ở đây được hiểu là cơ quan có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, bao gồm Quốc hội, các bộ, chính quyền địa phương các cấp
    Ở nước ta, trên sách báo, chúng ta thường bắt gặp cụm từ "chính sách của Đảng và Nhà nước", vì vậy có ý kiến cho rằng, Đảng cũng là chủ thể ban hành chính sách công. Điều này có thể giải thích bằng thực tế đặc thù của nước ta. ở Việt Nam, Đảng cộng sản là lực lượng chính trị chủ yếu và duy nhất lãnh đạo nhà nước thông qua việc vạch ra cương lĩnh, chiến lược, các định hướng chính sách - đó chính là những căn cứ chỉ đạo để nhà nước ban hành các chính sách công. Như vậy, về thực chất, các chính sách công là do Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chủ yếu là Chính phủ đề ra). Các chính sách này là sự cụ thể hoá về đường lối, chiến lược và các định hướng chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân.

    Thứ hai
    , các quyết định này là những quyết định hành động hoặc không hành động, có nghĩa là chúng bao gồm cả những hành vi thực tiễn. Chính sách công không chỉ thể hiện dự định của nhà hoạch định chính sách về một vấn đề nào đó, mà còn bao gồm những hành vi thực hiện các dự định nói trên.
    Chính sách công trước hết thể hiện dự định của nhà hoạch định chính sách nhằm làm thay đổi hoặc duy trì một hiện trạng nào đó. Song, nếu chính sách chỉ là những dự định, dù được ghi thành văn bản thì nó vẫn chưa phải là một chính sách. chính sách công còn phải bao gồm các hành vi thực hiện những dự định nói trên và đưa lại những kết quả thực tế.
    Nhiều người hiểu chính sách công một cách đơn giản là những chủ trương của nhà nước ban hành, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nếu không có việc thực thi chính sách để đạt được kết quả nhất định thì những chủ trương đó chỉ là khẩu hiệu mà thôi.

    Thứ ba
    , chính sách công tập trung giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội theo những mục tiêu xác định. Chính sách công là một quá trình hành động nhằm giải quyết một vấn đề nhất định. Khác với các loại công cụ quản lý khác như chiến lược, kế hoạch của nhà nước là những chương trình hành động tổng quát, bao quát một hoặc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc điểm của chính sách công là chúng được đề ra và được thực hiện nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề liên quan lẫn nhau đang đặt ra trong xã hội. Chính sách công chỉ xuất hiện khi trước đó đã tồn tại hoặc có nguy cớ chắc chắn xuất hiện một vấn đề cần giải quyết. Vấn đề chính sách công được hiểu là một mâu thuẫn hoặc một nhu cầu thay đổi hiện trạng xuất hiện trong đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi nhà nước sử dụng quyền lực công để giải quyết. Có thể nói, vấn đề chính sách là hạt nhân xuyên suốt toàn bộ quy trình chính sách (bao gồm các giai đoạn hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách ). Việc giải quyết những vấn đề nói trên nhằm vào những mục tiêu mà nhà nước mong muốn đạt được.


    MỤC LỤC
    Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH THU HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC VỀ LÀM VIỆC Ở CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ



    1.1. Một số vấn đề lý luận về hoạch định chính sách công
    1.2. Lựa chọn chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc ở chính quyền cơ sở tỉnh Nghệ An - cơ sở thực tiễn


    Chương 2: XÁC ĐỊNH NỘI DUNG VÀ BAN HÀNH, TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH THU HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC VỀ LÀM VIỆC Ở CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ


    2.1. Nội dung chính sách
    2.2. Ban hành chính sách
    2.3. Triển khai chính sách


    KẾT LUẬN
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...