Sách Tiếng đàn môi sau bờ rào đá

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    “Năm nay trời rét đậm hơn mọi năm, lại rét muộn nữa. Rét muộn thì sẽ rét dài, tháng ba tháng tư có nắng rồi vẫn rét. Ra giêng hoa đào hoa lê mới đua nhau nở, ai cũng bảo năm nay Tết mùng năm tháng năm sẽ rất vui. Nhưng Tết mùng năm tháng năm còn lâu mới tới, trời thay đổi tính nết thì con người khổ, khổ vì reo hạt ngô xuống đất vẫn chưa thấy lá trồi lên. Đất càng ngày càng khô đi. ở những nương đá mới, xếp đất xẹp dí xuống đợi hạt giống đâm mầm lá lên mới bón thêm phân được. Nhưng lo thì cứ lo như vậy thôi, hội hai bảy vẫn chẳng kém vui hơn mọi năm đâu” (Trang 16)
    “ Vừa nằm một lúc, chập chờn ngủ thì May nghe có tiếng đàn môi cất lên. Tiếng đàn môi ngay ngoài cổng gỗ chứ không gọi ở đầu nhà như lần trước. May định mặc kệ, vừa mới chào nhau, mùi tóc quen quen còn chưa bay hết, lại buồn ngủ nữa. Nhưng tiếng đàn cứ gọi mãi, gọi mãi, mà tiếng đàn môi đêm nay cũng có gì khang khác, dài hơn, trầm hơn, ngập ngừng hơn, vẫn tràn qua bờ rào đá vừa dày vừa cao như suối chảy ” (Trang 31)
    Đó là những câu trích từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá - tác phẩm đặt ngay đầu tập và được chọn làm tựa của cuốn sách, của tác giả Đỗ Bích Thúy, đã được đạo diễn Quang Hải dựng thành phim sẽ ra mắt khán giả trong nay mai
    Nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy (1974) đã có những trang viết thật lung linh về đất và người ở nơi chị được sinh ra, lớn lên: vùng cao nguyên đá Hà Giang. Không chỉ ở truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá mà trong hầu hết các truyện, từ Ngải đắng ở trên núi, Sau những mùa trăng, Mặt trời lên-quả còn rơi xuống, Đêm cá nổi, Đá cuội đỏ cho đến những truyện chị mới viết gần đây: Cạnh bếp có cái muôi gỗ, Con dê bốn mắt, Gió không ngừng thổi Nói như nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, đọc tập sách này, Chúng ta sẽ lạc vào một không gian lạ, không gian có núi cao, trời rộng của vùng rừng núi phía Bắc, nơi từ đó nhìn xuống, dòng Nho Quế chỉ còn “bé như một sợi chỉ dưới chân núi Mã Pí Lèng”. Một không gian đầy hoa lá rừng; có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong với những viên đá cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác quẩy tấu xuống chợ, những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy màu sắc; những đêm trăng sóng sánh huyền ảo; những cụm mần tang mọc trong thung lũng; lễ hội gầu tào với điệu hát gầu Plềnh mê đắm của những cô gái, những chàng trai người Mông trên đỉnh núi
    Tôi đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đã lâu, từ hồi chúng tôi cùng là sinh viên. Khi đó chị gửi đăng những truyện đầu tay của mình cho chuyên mục Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong. Những truyện ngắn viết về bà tôi, em tôi, hay thoáng chút tình yêu đôi lứa ở vùng cao nguyên đá ấy với một phong vị riêng đã khiến người đọc hy vọng ở một cây bút trẻ hứa hẹn những bước đi vững chắc sau này. Ai đó nói có thể quên đi nhiều thứ trong truyện của chị; nhưng với tôi, khi đọc truyện của Đỗ Bích Thúy, thì cứ có cảm giác như đang được cùng chị đặt chân tới một không gian văn hóa độc đáo của những tiếng đàn môi, tiếng khèn gọi bạn tình; được sống, được nghĩ và được sẻ chia cùng với người Mông muôn đời ẩn mình phía sau những dãy núi ngập trong làn sương trắng Nhất là khi cầm đọc cuốn truyện ngắn mới xuất bản này
    Đó là chuyện của hai bản Pụ Dín, Pụ Cháng và con chó khoang tên Mốc trong truyện ngắn Ngoài cửa trời chưa sáng. Từ Pụ Dín nhìn qua mấy quả núi mới thấy được khói nương Pụ Cháng. Xa thế, nhưng cũng gần, vì hai bản có nhiều người là anh em, họ hàng với nhau. Nhưng mọi chuyện bắt đầu từ khi Pụ Cháng có lưới điện kéo về, và từ đâu xuất hiện một người đàn ông râu rậm kéo vợ tới mở quán thịt chó. “Bao đời nay, người Pụ Cháng, Pụ Dín nuôi chó giữ nhà, giữ nương, coi như bạn. Chó lớn lên cùng với người. Có con chó giữ cửa, người lớn đi làm cứ để trẻ ở nhà không phải lo gì Vậy mà bây giờ Pụ Cháng lại để người lạ đến giết chó như giết gà thế thì Pụ Dín không chịu được rồi ” (Trang 411). Nhà Pao có con Mốc, từ đời ông bà để lại, nó khôn lắm. Pao quý nó, coi như đứa em của mình vậy. Một chiều nọ, Pụ Dín có 2 người khách lạ, là đàn ông, một già một trẻ, tìm đường vào nhà trưởng bản hỏi mua chó. Trưởng bản đã trả lời rằng Pụ Dín không có chó để bán. Hỏi mua chó ở Pụ Dín cũng như hỏi mua người vậy. Nhưng người khách trẻ khéo miệng nói rằng ở làng cháu bây giờ trộm cắp nhiều quá, cần con chó để giữ nhà, mà chó của Pụ Dín thì nổi tiếng khôn ngoan Già bản nghe vậy, rồi thêm vài lần khách đến ngồi thuyết phục nữa, thế là xuôi xuôi trong bụng và đi bàn với mấy trưởng họ để giúp người làng bên. Dắt được con chó Pụ Dín rồi, khách mừng ra mặt, và không quên biếu lại ít tiền. Được một lần. Rồi khách quay lại nhiều lần nữa. Lần nào cũng mang theo bao nhiêu quà. Người già thì được thuốc lào. Trẻ con thì tha hồ ăn kẹo. Khách dần trở thành người quen, đến mức thấy khách quay trở lại là nhiều người tự dắt chó đến. Ai cũng đều được khách biếu tiền, bằng với việc đem bán mấy quẩy tấu ngô
    Chỉ còn nhà Pao. Bố Pao đã định mấy lần, vì lần nào khách đến Pụ Dín cũng đều đến nhà thăm và cho quà. Nhưng Pao thương con Mốc quá, nên đã mở cửa buồng cho Mốc vào ngủ dưới chân giường.
    Bố Pao bị ngã, chỗ nào cũng đau. Nghe vậy, người khách trẻ đến mang cho mấy thứ thuốc. Khách ở lại nhà, chăm sóc bố Pao ốm, và cùng Pao lên rừng, vác chuối cho Pao. Đến khi khách xin phép ra về, sau nhiều đêm không ngủ ngồi xoa đầu và rì rầm tới sáng, Pao dắt con Mốc ra trao vào tay khách. Pao nói với Mốc rằng, “Mày phải đi trả ơn cho tao với bố thôi. Sướng khổ gì thì cũng nghe người ta ”.
    Mốc đi rồi. Pao hiện nỗi buồn lên mặt. Hai, ba hôm sau, Pao nói với bố là đi đám cưới dưới Pụ Lâu nhưng thực tình là trốn bố theo mấy đứa bạn xuống Pụ Cháng chơi. Lâu nay cứ thấy ở Pụ Cháng đông vui quá. Đèn điện sáng chưng suốt đêm không tắt. Khi mặt trời đã tắt ở Pụ Cháng, Pao mới chú ý tới những chiếc bóng đèn sáng chói mắt suốt đêm. Bọn Pao đi ngang qua cái quán, chợt Pao nghe thấy tiếng người khách trẻ: “Đêm nay thế nào cũng có xe qua, làm sẵn một con bây giờ nhỉ? Con khoang nhé, con này xịn nhất từ trước tới nay ”. Pao nhào vội đến, quẳng chiếc quẩy tấu vào mấy người đang đè ngửa con Mốc để buộc chân Con Mốc vùng ra, lao qua rãnh nước
    Nhưng đây vẫn chưa phải là truyện ngắn hay nhất trong tập sách này. Cũng không phải là truyện mà tác giả tâm đắc. Tôi còn nhớ khi nhận được đề nghị tự chọn một truyện ngắn mà mình tâm đắc nhất để tham gia vào tập 20 truyện ngắn tâm đắc nhất của 20 cây bút trẻ (NXB Thanh Niên), Đỗ Bích Thúy đã dứt khoát chọn Ngải đắng ở trên núi. Chị nói với tôi rằng, đó là câu chuyện viết từ thời sinh viên, ngồi khoanh chân trên chiếc giường tầng trong ký túc xá, úp mặt vào tường, viết trên chiếc bàn thật nhỏ. Ngồi giữa Hà Nội ồn ào, chị gửi gắm vào truyện ngắn này cả một tình yêu với thiên nhiên, con người nơi chị sinh ra; nỗi day dứt hoài niệm về những tháng năm nghèo khó; thậm chí, với chị, truyện ngắn ấy gánh được cả linh hồn, hơi thở, màu sắc, mùi vị của miền núi cao
    21 truyện ngắn trong tập sách này của Đỗ Bích Thúy không phải là những mối tình hiện đại thời internet, cũng không phải là những lát cắt chuyển tải ngổn ngang bức xúc nóng bỏng mà xã hội hiện đại quan tâm. Với một giọng điệu nhẹ nhàng, với những câu văn giản dị mà thật đẹp - Đỗ Bích Thúy qua tập truyện ngắn của mình đã cho người đọc trở về với thiên nhiên Tây Bắc thật lộng lẫy, đồng thời cũng đưa ra nhiều điều để chúng ta cùng suy tưởng
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...