PHẦN MỞ ĐẦU I/ Lý do chọn đề tài: Với nền kinh tế Việt Nam đang phát triển như hiện nay, sự tồn tại và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp “mạnh”–“yếu” khác nhau đã buộc các doanh nghiệp phải thực sự biết mình là ai, đứng ở vị trí nào và phải hiểu về đối thủ cạnh tranh của mình. Vậy, ai sẽ “bắt mạch” các doanh nghiệp này để đưa ra thông tin trung thực, khách quan, góp phần trợ giúp cho hoạt động thương mại, hợp tác và đầu tư? Lúc này, sự ra đời của một tổ chức có thể đánh giá được khả năng hoạt động và độ tin cậy của một doanh nghiệp là rất cần thiết. Và đó cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức Định mức tín nhiệm (ĐMTN). Ở Việt Nam từ trước đến nay, ngoài cơ quan Nhà nước, ít có một tổ chức nào “dám” đánh giá uy tín của một doanh nghiệp. Đó là một thói quen bao cấp làm ảnh hưởng không ít đến bộ mặt của nền kinh tế đất nước, là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa dám đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Tất nhiên, khi luồng vốn chạy vào trong nước ít, với thị trường vốn nội địa còn non yếu thì hoạt động của các NHTM ở Việt Nam cũng khó lòng mà phát huy hết năng lực của nó để phát triển mạnh mẽ và ổn định. Như vậy, tổ chức ĐMTN ra đời sẽ thúc đẩy cho sự lưu thông và phát triển của thị trường vốn, giúp các NHTM hoạt động tốt hơn, huy động được vốn và cho vay một cách hiệu quả nhất. Tóm lại, việc cung cấp những thông tin tín dụng, xếp hạng và đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp là một công việc hết sức cần thiết. Nó gắn liền với mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, tài chính và xã hội, giúp xây dựng hình ảnh và độ tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập. Chính vì thế nên khi thực hiện chuyên đề này, em đã chọn đề tài:“Tiềm năng và vai trò của Định mức tín nhiệm đối với hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam”. Hi vọng qua chuyên đề có thể mang đến cho quí thầy cô và các bạn có được một cái nhìn chung về ĐMTN. Từ đó để thấy được những tiềm năng và vị trí của ĐMTN trong nền kinh tế khi đất nước ta chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới: Hội nhập và phát triển. II/ Mục tiêu nghiên cứu: Từ việc nhìn thấy được sự cần thiết của ĐMTN trong nền kinh tế, chuyên đề sẽ giới thiệu một cách khái quát những vấn đề liên quan về ĐMTN và các hoạt động của nó ở Việt Nam như thế nào khi chỉ vừa mới được hình thành gần đây. Bên cạnh đó, chuyên đề còn cho chúng ta thấy bức tranh tổng quan về hoạt động của NHTM ỏ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, các mối quan hệ giữa NHTM và các tổ chức ĐMTN từ việc phân tích những tiềm năng và tầm quan trọng của ĐMTN trong nền kinh tế. Đặc biệt là vai trò của nó đối với hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những khó khăn đang tồn tại trong việc xây dựng các tổ chức ĐMTN ở Việt Nam, từ đó đề ra một số giải pháp cho sự hình thành và phát triển của loại hình này trong giai đoạn hiện nay. III/ Phương pháp nghiên cứu: 1/ Phương pháp thu thập số liệu: Các số liệu thứ cấp được thu thập từ sách, báo, các tạp chí ngân hàng, tạp chí kinh tế và qua internet 2/ Phương pháp phân tích và xử lý số liệu: Bằng nhận định riêng của bản thân, dựa vào những kiến thức đã học kết hợp với các phương pháp phân tích số liệu từ thống kê ứng dụng, phương pháp so sánh và các phép toán thông thường để tổng hợp, giải thích và nhận xét các vấn đề. IV/ Phạm vi nghiên cứu: Tác động của ĐMTN đối với nền kinh tế là rất lớn và sâu rộng, trên nhiều mặt khác nhau. Tuy nhiên, trong chuyên đề này em chỉ tập trung phân tích vào khía cạnh là vai trò của ĐMTN đối với hoạt động của hệ thống NHTM ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đánh giá và phân tích hoạt động của hệ thống NHTM ở Việt Nam cũng chỉ được dựa trên việc tổng hợp các số liệu của một số ngân hàng tiêu biểu từ nền kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 2000 trở lại đây. Tuy nhiên, qua đó cũng sẽ giúp cho người đọc có một cái nhìn cụ thể hơn về tình hình hoạt động của NHTM Việt Nam trong thời gian qua cũng như vai trò của ĐMTN đối với nó.