Luận Văn Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài Triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Triều Nguyễn thiết lập và tồn tại trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố to lớn, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng, cùng với đó là sự xâm lược của tư bản phương Tây. Vì vậy, nhà Nguyễn cần có những chính sách trị nước cho phù hợp về mọi mặt từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội Để phát triển kinh tế, ổn định nền tài chính quốc gia, nhà Nguyễn đã tiến hành rất nhiều biện pháp khác nhau, trong đó thuế là một trong những chính sách quan trọng. Có thể khẳng định rằng, bất kỳ một nhà nước nào muốn tồn tại được đều cần đến thuế. Thuế chính là cơ sở kinh tế, là nguồn thu chủ yếu đảm bảo sự tồn tại của Nhà nước. Vì vậy, thuế ra đời là một tất yếu khách quan. Nó nhằm đảm bảo nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Thuế được Nhà nước sử dụng như một công cụ kinh tế quan trọng nhằm điều chỉnh kinh tế và các quan hệ trong phân phối thu nhập. Trong mọi thời điểm, thuế luôn phản ánh sự phát triển của nền kinh tế và trình độ quản lý xã hội của một Nhà nước. Thuế được xác lập trên nền tảng các vấn đề kinh tế và xã hội của người làm nghĩa vụ đóng thuế . Do vậy, thuế bao giờ cũng chứa đựng các yếu tố kinh tế - xã hội. Việc xác lập các loại hình thái thuế với các loại thuế suất khác nhau, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, song mức độ động viên thuế bao giờ cũng chịu sự ràng buộc và phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử. Trong đó, yếu tố kinh tế ràng buộc chính sách thuế và hệ thống thuế, trước hết phải kể đến thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia, đến cơ cấu kinh tế, thực tiễn vận động của cơ cấu kinh tế đó cũng như chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải kể đến phạm vi, mức độ chi tiêu của Nhà nước nhằm thực hiện các chức năng kinh tế của mình. Yếu tố xã hội, ràng buộc chính sách thuế, hệ thống thuế chính là các phong tục, tập quán của một quốc gia, cũng như kết cấu giai cấp và đời sống thực tế của các thành viên trong quốc gia đó ở từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, của quan hệ sản xuất, của khoa học quản lý và trí tuệ con người, thuế ngày càng phát triển và được hoàn thiện, mang tính hệ thống hơn. Dưới triều Nguyễn, nhiều loại thuế đã được đặt ra song về cơ bản có ba loại thuế chính: thuế thân, thuế ruộng và thuế tạp dịch. Trong đó, thuế thân được thi hành rộng rãi trong nhân dân khắp cả nước. Mặc dù là một trong ba loại thuế rất quan trọng, được thi hành phổ biến, nhưng cho tới nay chưa có một công trình nào nghiên cứu tập trung, hệ thống về vấn đề này. Đây là một trong những lý do tôi chọn vấn đề này làm đề tài khoá luận. Việc nghiên cứu chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn sẽ làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử quan trọng trong mảng lịch sử kinh tế hiện đang ít được quan tâm, đó là: cơ sở ban hành chính sách thuế thân, chủ trương, biện pháp, phương thức đánh thuế, cách tổ chức và quản lý việc thu thuế của nhà Nguyễn. Từ đó thấy được mối quan hệ giữa sự phát triển của nền kinh tế với các bộ phận tài chính có sự điều tiết, chi phối của Nhà nước thông qua chính sách thuế. Đồng thời rút ra những đặc điểm, bản chất của thuế dưới chế độ phong kiến và lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ XIX. Hơn nữa, trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu này, có thể tham khảo cho việc hoạch định chính sách thuế trong giai đoạn mới, tiến tới xây dựng một chính sách thuế phù hợp với nền kinh tế nước ta và động viên được sức đóng góp hợp lý của nhân dân ta cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, qua nghiên cứu giúp cho nhân dân ta hiểu thêm về thuế, nhận thức thuế là nghĩa vụ mà nhân dân phải đóng cho Nhà nước; góp phần giáo dục, động viên, khuyến khích nhân dân ta tham gia đóng góp xây dựng các luật thuế và động viên các đối tượng chịu thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo luật định. Với ý nghĩa trên đây, Tôi mạnh dạn chọn đề tài “Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884” làm đề tài cho khóa luận tốt nghiệp của mình.
    2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Triều Nguyễn là một đề tài lịch sử hấp dẫn, từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên cơ sở tìm tòi và nhận thức chủ quan của người viết, có thể nói rằng đây là một đề tài chưa được nghiên cứu chuyên sâu trong bất kỳ một công trình cụ thể nào. Qua quá trình thống kê, sưu tầm tư liệu, Tôi thấy có một số nguồn tư liệu đề cập tới vấn đề này: Dưới thời phong kiến phải kể đến một số tác phẩm sử học chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam thực lục (10 tập), Minh Mệnh chính yếu (3 tập), Quốc triều chính biên toát yếu và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn Trước hết, “Đại Nam thực lục” là bộ biên niên sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới thời Tự Đức, sau đó được bổ túc vào thời Duy Tân và Khải Định, ghi chép những sự kiện quan trọng trên khắp đất nước ta. Tác phẩm này cung cấp những tư liệu lịch sử quan trọng và khá toàn diện về tình hình thuế thân dưới triều Nguyễn, cũng như những thay đổi qua từng triều vua, từ đó có sự đối chiếu, so sánh với các triều đại trước. Đây là một trong những nguồn tư liệu gốc chính mà tôi sử dụng chủ yếu trong quá trình làm khóa luận. Tuy nhiên, do cách viết dưới hình thức biên niên cho nên những vấn đề nghiên cứu thường nằm tản mạn trong những tập sách, chưa có sự so sánh, đánh giá và rút ra bản chất của thuế thân dưới triều Nguyễn trong từng giai đoạn cụ thể. Bộ sách thứ hai là “Minh Mệnh chính yếu” gồm 3 tập với 25 quyển. Bộ sách là tập hợp tất cả những văn kiện chính yếu dưới thời vua Minh Mệnh (đầu thế kỷ XIX). Nó cho chúng ta thấy cái nhìn toàn diện về triều vua Minh Mệnh với những chính sách cai trị dân chúng của mình. Trong đó, quyển ái dân và quyển tài chính và thuế khóa có nhắc tới chính sách thuế thân của Nhà nước phong kiến Nguyễn giai đoạn này. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ đề cập đến các chỉ dụ, điều lệ do nhà nước ban hành mà chưa đi sâu vào phân tích, đánh giá về chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn. Một trong những bộ sách rất quan trọng phải kể đến đó là “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” gồm 262 quyển do Nội các triều Nguyễn biên soạn từ năm 1843 thời vua Thiệu Trị, và hoàn tất vào năm 1851 dưới thời vua Tự Đức. Bộ sách đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Trong tập III, (từ quyển 36 đến 68), Nxb Thuận Hóa, Huế, năm 2005, có một quyển là quyển 38 giúp chúng ta hiểu thêm về chính sách thuế thân đối với nhân dân dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX. Song, tác phẩm cũng chỉ mới dừng lại ở việc liệt kê các sự kiện mà chưa có bất kỳ sự phân tích và đánh giá nào. Tác phẩm “Quốc triều chính biên toát yếu” cũng là bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Đây là bộ sách ghi lại những điều chủ yếu và cơ bản trong các triều vua, bởi vậy bộ sách cung cấp cho chúng ta những nét đại cương cơ bản nhất về tình hình thuế thân của Nhà nước Nguyễn. Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều nguồn tư liệu gốc khác, tác phẩm cũng chỉ liệt kê một cách tản mạn các sự kiện có liên quan đến thuế thân dưới triều Nguyễn mà chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống về vấn đề này. Trong tác phẩm: “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “Quốc dụng chí” do Phan Huy Chú biên soạn vào thế kỷ XIX, cũng cho chúng ta biết các sự kiện về tình hình tài chính, thuế khoá của nhiều triều đại. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến thuế thân dưới triều Nguyễn nhưng chính sách thuế thân của các triều đại trước chính là cơ sở để người viết đối chiếu, so sánh với chính sách thuế thân của nhà Nguyễn sau này. Dưới thời Pháp thuộc, có một số công trình sử học như: tác phẩm “Việt Nam sử lược” của tác giả Trần Trọng Kim, Nxb Tân Việt, Sài gòn, 1954 (in lần thứ 5). Trong tác phẩm này, tác giả đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ đến năm 1902. Trong đó có các chương nghiên cứu về triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu trị và Tự Đức. Tác phẩm đã cho ta cái nhìn khái quát về mọi mặt tình hình Việt Nam dưới thời Nguyễn. Tình hình tài chính, thuế khoá dưới triều Nguyễn cũng được nhắc đến một cách sơ lược nhất. Tuy nhiên, vấn đề thuế thân vẫn chưa được đề cập đến trong tác phẩm. Tác phẩm “Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858” của Giáo sư Trần Văn Giàu, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958. Trong cuốn sách này tác giả đã nghiên cứu khá toàn diện mọi mặt về chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858, từ chính trị đến kinh tế - tài chính và ngoại giao. Trong phần tài chính, tác giả cũng có đề cập một cách rất sơ lược đến chính sách thuế thân của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX. Bước sang thập niên 60 của thế kỷ XX, tác giả Phan Huy Lê cùng một số nhà nghiên cứu khác đã biên soạn cuốn giáo trình “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, tập III: từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1960. Tác phẩm này bao gồm 3 phần biên soạn lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX. Trong phần III, tác giả đã đề cập đến “chính sách nội trị phản động của nhà Nguyễn – tình hình chính trị và kinh tế trong nước”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn của cuốn giáo trình, chính sách thuế khóa nói chung và chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn một cách khái quát nhất. Năm 1971, Nguyễn Thế Anh trong tác phẩm “Kinh tế xã hội việt Nam dưới các vua triều Nguyễn”, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn, có trình bày khá tổng quát các vấn đề kinh tế - xã hội dưới triều Nguyễn. Trong tác phẩm này, tác giả cũng ít nhiều đề cập đến vấn đề nhân khẩu, thể lệ thuế Sau năm 1975, vấn đề nhà Nguyễn nói chung đã thu hút được nhiều người quan tâm nghiên cứu và cũng đã cho ra đời một số công trình mới. Trong cuốn “Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” của tác giả Vũ Huy Phúc, xuất bản năm 1979, trong phần mục lục cuối sách, tác giả cũng có đề cập đến vấn đề dân số và chính sách thuế thân của nhà nước phong kiến Nguyễn. Tác phẩm “Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn” của tác giả Trương Hữu Quýnh, Đỗ Bang, Nxb Thuận Hoá, Huế, xuất bản năm 1997. Tác phẩm đã vẽ lại bức tranh cụ thể về tình hình nông nghiệp và đời sống nông dân dưới các triều vua Nguyễn. Trong đó, có một mục nhỏ đề cập đến chính sách thuế thân của triều Nguyễn, được minh chứng bằng các con số sinh động. Cũng trong thời gian này, tác giả Trương Hữu Quýnh (chủ biên) đã biên soạn tác phẩm “Đại cương lịch sử Việt Nam”, tập I (từ khởi thủy đến năm 1858), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997. Tiếp sau đó, tác giả Đinh Xuân Lâm chủ biên viết “Đại cương lịch sử Việt Nam”, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998. Đây là hai bộ giáo trình cung cấp cho chúng ta những kiến thức cơ bản nhất về các đời vua nhà Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - chính trị - quân sự - văn hóa – ngoại giao. Tuy nhiên, cũng như các cuốn giáo trình khác, chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn cũng chỉ được nhắc đến một cách mờ nhạt, ít ỏi. Năm 2001, hai tác giả Hồ Xuân Phương và Nguyễn Công Nghiệp đã biên soạn và cho xuất bản cuốn sách “Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ”, Nxb Tài chính, Hà Nội. Tác phẩm đã tái hiện gần như đầy đủ những thăng trầm, đổi thay của nền tài chính nước nhà từ thế kỷ X đến nay. Tuy nhiên, đó mới là những nét cơ bản nhất mang tính đại cương. Trong đó, các tác giả cũng nhắc tới chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn một cách giản lược nhất. Cùng năm này, tác giả Phan Khoang cũng đã cho xuất bản tác phẩm sử học “Việt sử xứ Đàng Trong” , Nxb Văn Học, Hà Nội. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn nhưng tác giả cũng dành một phần nhỏ nói khái quát về chính sách thuế thân ở Đàng Trong từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Đây chính là cơ sở để tôi đối chiếu, so sánh với chính sách thuế thân của nhà Nguyễn sau này. Năm 2005, “Lịch sử nhà Nguyễn – một cách tiếp cận mới” được xuất bản (Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội). Đây là một công trình tập hợp nhiều bài nghiên cứu của các nhà sử học và nhiều nhà giáo giảng dạy lịch sử Việt Nam thời đại nhà Nguyễn (1802 - 1945). Sự tồn tại của nhà Nguyễn suốt 143 năm trong dòng chảy dân tộc đã gây không ít tranh cãi trong giới sử học nói riêng và trong giới khoa học xã hội Việt Nam nói chung. Từ cách tiếp cận khác nhau đã tạo ra cái nhìn và đánh giá vai trò của triều Nguyễn cũng khác nhau. Tác phẩm giúp người đọc có cái nhìn khách quan về lịch sử triều Nguyễn, tuy nội dung chính sách thuế thân không được tác phẩm đề cập nhiều song cũng giúp tôi có những quan điểm nhìn nhận đúng đắn, khách quan hơn về triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ngoài các công trình chuyên biệt còn có rất nhiều giáo trình được xuất bản cũng phần nào đề cập một cách gián tiếp đến vấn đề thuế khóa nói chung và thuế thân triều Nguyễn nói riêng như: “Tiến trình lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quang Ngọc chủ biên; “Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến 1858” do Trương Hữu Quýnh chủ biên Tóm lại, trong các công trình nghiên cứu trên, vấn đề thuế thân dưới triều Nguyễn mới chỉ được đề cập một cách rải rác, chưa có hệ thống, chưa có một công trình chuyên biệt nghiên cứu. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề này, kế thừa những thành quả của những người đi trước, tôi mong muốn nghiên cứu vấn đề “Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884” một cách hệ thống và toàn diện.

    3. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
    3.1 Đối tượng Khóa luận tập trung đi sâu nghiên cứu về một đối tượng cụ thể, đó là: “Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884”
    3.2 Phạm vi
    Về không gian: với phạm vi của một khóa luận tốt nghiệp, đề tài chỉ tập trung nghiên cứu về thuế thân, được áp dụng trong cả nước dưới một triều đại cụ thể là triều Nguyễn. Về thời gian: Khóa luận tập trung nghiên cứu tình hình thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884, tức là từ khi thành lập vương triều năm 1802 dưới triều Gia Long đến trước khi thực dân pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta năm 1884.
    3.3 Nhiệm vụ Đề tài tập trung làm rõ những vấn đề sau: Thứ nhất, khóa luận nghiên cứu những nét khái quát nhất về thuế thân trước 1802, để hiểu được cơ sở nền tảng của chính sách thuế thân dưới triều Nguyễn. Đây chính là sự kế thừa từ các giai đoạn trước và phát triển ở mức độ cao hơn. Thứ hai, khóa luận tập trung nghiên cứu về thuế thân dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1884. Trên cơ sở đó rút ra một vài nhận xét, đánh giá về chính sách thuế thân triều Nguyễn. Thứ ba, thông qua việc nghiên cứu tình hình thuế thân dưới triều Nguyễn, tôi có dịp để tìm hiểu, so sánh với các loại thuế khác cùng thời như: thuế ruộng, thuế tạp dịch

    4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
    4.1 Nguồn tư liệu Để nghiên cứu đề tài “Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884”, tôi đã dựa vào một số nguồn tư liệu chủ yếu sau đây: - Tư liệu gốc: Nguồn tư liệu gốc chủ yếu là các bộ sử do triều Nguyễn biên soạn, trong đó quan trọng nhất là các bộ sử: “Đại Nam thực lục” được Nxb Giáo dục, Hà Nội xuất bản năm 2007; bộ “Minh Mệnh chính yếu” được Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội xuất bản năm 1994; bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” được tập thể tác giả Viện sử học dịch và Nxb Thuận Hóa, Huế xuất bản năm 2005; Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô sỹ liên và các sử thần triều Lê biên soạn; “Lịch triều hiến chương loại chí” do Phan Huy Chú biên soạn - Các công trình chuyên khảo về triều Nguyễn, các bài báo trên tạp chí khoa học có liên quan đến nội dung đề tài. - Một số thông tin, tư liệu về lịch sử triều Nguyễn trên Internet.

    4.2 Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã sử dụng kết hợp hai phương pháp chính là phương pháp lịch sử và phương pháp logic trên nền tảng phương pháp luận sử học macxít, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng. Trong quá trình nghiên cứu, tôi còn sử dụng phương pháp sưu tầm, phân loại tư liệu, phương pháp phân tích, so sánh, thống kê và đánh giá sự kiện.

    5. Đóng góp của khóa luận Nghiên cứu đề tài “Thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884”, tôi mong muốn có một vài đóng góp nhỏ về nghiên cứu triều Nguyễn như sau: Thứ nhất, khóa luận góp phần khôi phục lại bức tranh hoàn chỉnh về tình hình thuế thân dưới triều Nguyễn, phân tích, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của thuế thân dưới triều Nguyễn, đồng thời qua đó đánh giá về vai trò, trách nhiệm của triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Thứ hai, đề tài còn là nguồn tư liệu tham khảo cho cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập về lịch sử triều Nguyễn.

    6. Bố cục của khóa luận Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, nội dung khóa luận chia làm 3 chương với bố cục như sau:
    Chương 1:
    Khái quát về thuế thân trước 1802
    Chương 2:
    Tình hình thuế thân dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1884
    Chương 3:
    Đặc điểm, tác động của thuế thân đối với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội triều Nguyễn từ 1802 đến 1884
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...