Thạc Sĩ Thực trạng và những yếu tố tác động đến nghèo ở tỉnh Ninh Thuận

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 31/12/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Lời mở đầu
    ​​
    Ninh Thuận là một tỉnh nghèo nhất vùng Đông Nam bộ. Cái nghèo ở vùng này còn kèm theo sự khắc nghiệt của tự nhiên, nắng nóng gây khô hạn quanh năm mà cũng thường xuyên chịu lũ lụt nặng nề. Cho nên người ta thường gắn nguyên nhân của nghèo với điều kiện khí hậu mà quên đi những yếu tố quan trọng khác. Chẳng hạn như sự thiếu hụt đất đai dùng cho canh tác, tình trạng thiếu việc làm, quy mô hộ gia đình lớn, trình độ học vấn thấp Nếu có quan tâm thì người ta cũng không biết được tác động của từng yếu tố như vậy là bao nhiêu, yếu tố nào là quan trọng hơn
    Trong xu hướng của sự phát triển, vấn đề nghèo đói ở Ninh Thuận là mối quan tâm lớn của nhiều nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và tổ chức ActionAid Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về nghèo được thực hiện ở Ninh Thuận mà có sử dụng phương pháp định lượng. Những con số định lượng được xem là đầy đủ nhất chỉ có trong các báo cáo hàng năm của Sở LĐTBXH thường tập trung xác định số lượng người nghèo để thực hiện công tác cứu trợ. Thực tế trên cho thấy
    sự cần thiết của một nghiên cứu định lượng chỉ ra được mức độ nghèo khổ thông qua phân tích mức sống. Nghiên cứu cũng cần chỉ ra những yếu tố nào gây nghèo và định lượng tác động độc lập của chúng đến khả năng nghèo. Và nghiên cứu “Thực trạng và những yếu tố tác động đến nghèo ở tỉnh Ninh Thuận” ra đời.
    Mục tiêu của nghiên cứu bao gồm ba phần: Phần thứ nhất là đánh giá tình trạng nghèo thông qua các đặc điểm của hộ như nghề nghiệp, học vấn, dân tộc đồng thời phải chỉ ra được mức độ nghèo của các hộ gia đình ở Ninh Thuận thông qua các chỉ tiêu chuẩn về mức sống như nhà ở, nguồn nước, điện, nhà vệ sinh . Phần thứ hai là xác định được những yếu tố có tác động đến nghèo và định lượng tác động độc lập của từng yếu tố đó. Cuối cùng là cung cấp một số gợi ý cho chính sách từ kết quả phân tích. Riêng về mặt ứng dụng, nghiên cứu này ngoài việc cung cấp những gợi ý làm cơ sở cho việc lựa chọn chiến lược phát triển, nó còn tổng hợp lại phương pháp dùng để định lượng nghèo. Đồng thời nghiên cứu cũng gián tiếp chỉ ra các hướng nghiên cứu kế tiếp để những nghiên cứu sau lựa chọn nhằm đạt được hiệu quả ứng dụng cao.
    Trong nghiên cứu này, tác giả dùng phương pháp mô tả thống kê và lập mô hình kinh tế lượng để phân tích nghèo. Bộ số liệu dùng trong nghiên cứu được điều tra lấy mẫu trực tiếp ở Ninh Thuận. Phần mềm SPSS11.5 và Eview3.0 được sử dụng để lập bảng biểu và chạy mô hình.
    Nghiên cứu gồm có ba chương. Chương 1 trình bày những nét tổng quan về nghèo đói. Trong phần này, ngoài những khái niệm, còn có điểm qua thực trạng nghèo khổ của các nước trên thế giới và Việt Nam. Chương 2 là phần quan trọng nhất của luận văn, phần này giới thiệu phương pháp nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu. Trong đó, mô hình hồi quy bội được sử dụng để ước lượng tác động của nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình ở Ninh Thuận; mô hình logistic được dùng để phân tích tác động độc lập của các yếu tố đến xác suất nghèo của một hộ gia đình ở Ninh Thuận. Chương 3 là phần kết của luận văn, nêu ra một số gợi ý để lựa chọn cho chiến lược giảm nghèo ở địa phương. Phần này tuy được xem như kết của luận văn này nhưng mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo trên cơ sở kết quả có được. Chẳng hạn như vấn đề chăn nuôi trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn, khả năng phát triển dịch vụ du lịch, tác động của di cư đến nghèo, ảnh hưởng của giáo dục bậc đại học, hay cải cách hành chính ở Ninh Thuận. Đây là những chủ đề vừa mang tính thực tiễn cao mà cũng không kém phần lý thú.
    Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hộ nghèo và giáp ranh nghèo ở Ninh Thuận
    rất cao. Kết quả này phù hợp với một nghiên cứu nghèo có sự tham gia của người dân của Ngân hàng thế giới (PPA Ninh Thuận, 2003) khi cho rằng tỷ lệ nghèo tính theo các báo cáo của Sở LĐTBXH là chưa hợp lý. Một điều có thể gây ngạc nhiên là tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã Phan Rang lại ở mức cao thứ hai. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn hợp lý vì thị xã Phan Rang cũng bao gồm nhiều khu vực mà ở đó mức sống người dân không khác ở các huyện bao nhiêu. Chỉ số khoảng cách nghèo là 7,97% cho biết trung bình các hộ nghèo ở Ninh Thuận cần gia tăng thu nhập bằng con số này mới có thể vượt khỏi ngưỡng nghèo.
    Trong số những hộ nghèo thì những hộ làm nông và làm thuê chiếm tỷ lệ cao, tương ứng lần lượt là 51,9% và 30,6%. Trình độ học vấn chung rất thấp, khoảng 5 năm đi học, tức chưa hết tiểu học. Đặc biệt học vấn nhóm người nghèo còn thấp hơn rất nhiều, khoảng 3,8 năm đi học. Chi phí cao là trở ngại đối với các hộ nghèo, ngoài ra các em con hộ nghèo ít được đi học vì phải lao động để kiếm tiền. Quy mô hộ gia đình ở Ninh Thuận thuộc vào hạng cao. Cao nhất vẫn là các hộ gia đình nghèo, trung bình một hộ có 5,72 người. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ phụ thuộc trong nhóm này ở mức cao, là 2,47 người/hộ.
    Các hộ gia đình trong mẫu đều có nhà nhưng đa phần không kiên cố, 61,5% hộ sống trong nhà mà mái lợp bằng lá hoặc tôn, 28,1% hộ sống trong nền nhà bằng đất, tức không có vật liệu nào để lát. Nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt ở Ninh Thuận rất đa dạng và không có sự phân biệt giữa người nghèo với người giàu trong khả năng tiếp cận nguồn nước. Đáng lưu ý là tỷ lệ 36,3% hộ dân sử dụng nước sông, suối làm người nước chính. Một đặc điểm khá ngộ nghĩnh là có rất nhiều hộ gia đình ở Ninh Thuận không có nhà vệ sinh mà không phân biệt giàu nghèo, con số 59,8% đã cho thấy điều này. Về nguồn điện, có 92,4% hộ được sử dụng điện. Đây là con số tương đối khả quan nhưng chưa phản ánh được tổng thể do thiếu các hộ ở vùng sâu, vùng cao.
    Có ít hơn một nửa hộ nghèo có đất. Mà nếu có thì diện tích cũng rất nhỏ và thường là cho thuê hoặc không canh tác. Nhiều hộ nghèo được vay vốn nhưng số vốn nhỏ và không dùng cho sản xuất nên hầu như không trả được nợ. Theo đánh giá của chính các hộ thì ít đất và thiếu vốn là hai khó khăn lớn nhất đối với quá trình canh tác cũng như làm ăn của họ.
    Kết của cả hai mô hình kinh tế lượng đều cho thấy tình trạng đói nghèo ở Ninh Thuận chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ năm yếu tố là: việc làm, sở hữu đất đai, khả năng tiếp cận vốn chính thức, vấn đề dân tộc thiểu số, quy mô hộ và giới tính của chủ hộ. Mô hình hồi quy những yếu tố tác động đến chi tiêu cho thấy một hộ có việc làm sẽ có chi tiêu bình quân đầu người cao hơn 50% so với hộ không có việc làm. Một hộ có đất canh tác sẽ có chi tiêu bình quân cao hơn khoảng 27% so với hộ không có đất. Hộ được vay vốn sẽ có cơ hội tăng chi tiêu của mình lên khoảng 13%. Hộ có chủ hộ là nam giới thì chi tiêu bình quân sẽ cao hơn hộ có chủ hộ là nữ khoảng 22%. Tương tự, mô hình logistic cho thấy xác suất nghèo của những hộ có việc làm, có đất, có vay vốn sẽ có khả năng nghèo thấp hơn so với trường hợp ngược lại; những hộ là dân tộc thiểu số, quy mô gia đình lớn, chủ hộ là nữ sẽ có nhiều khả năng nghèo. Ví dụ, xác suất nghèo ban đầu của một hộ gia đình ở Ninh Thuận là 30%, khi các yếu tố khác không thay đổi, nếu hộ có việc làm thì xác suất nghèo sẽ chỉ còn 7,8%. Còn nếu quy mô hộ tăng thêm một người thì xác suất rơi vào cảnh nghèo của hộ này sẽ lên đến 39%.
    Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi gợi ý rằng những chính sách nhằm vào người nghèo nên có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp để làm tăng cơ hội có việc làm, tăng cơ hội được sử dụng đất để canh tác, tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn chính thức, giảm những khác biệt giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, giảm quy mô hộ và giảm những gánh nặng bất công dành cho phụ nữ. Việc lựa chọn chính sách sẽ theo thứ tự ưu tiên như trên nếu nguồn lực hạn chế không đủ để thực hiện toàn bộ. Từ đây chúng tôi cũng gợi ý rằng để phát triển kinh tế trong tương lai, Ninh Thuận cũng cần quan tâm nhiều đến những vấn đề này. Đây cũng là vùng đất cho những nghiên cứu sau tập trung vào để có thể được ứng dụng một cách hiệu quả.
    Cũng như bất kỳ một nghiên cứu nào, nghiên cứu nghèo đói cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi là ở chỗ vấn đề nghèo đang được sự quan tâm rất lớn của người dân nên nghiên cứu viên dễ dàng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu. Hơn nữa là tài liệu tham khảo khá phong phú, từ lý thuyết cơ sở đến thực tiễn, cả trong và ngoài nước. Khó khăn gặp phải thường xảy ra trong quá trình thực hiện điều tra phỏng vấn. Thiếu nguồn lực để thực hiện điều tra một cách đầy đủ. Mẫu điều tra không được thực hiện ở vùng núi cao hoặc vùng quá sâu. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính đại diện của số liệu điều tra.Với những thuận lợi cũng như khó khăn nêu trên,
    tác giả đã nỗ lực hết sức để hoàn thành bài viết này. Kết quả nghiên cứu là một đóng góp nhỏ về mặt thực tiễn nghèo đói ở địa phương. Từ đó, tác giả hy vọng rằng các nhà hoạch định chiến lược phát triển ở Ninh Thuận sẽ có cơ sở rõ ràng khi quyết định lựa chọn chiến lược.
    Cuối cùng, tác giả rất mong nhận được những ý kiến trao đổi và đóng góp.
    Kết cấu luận văn
    LỜI MỞ ĐẦU
    Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA NGHÈO ĐÓI
    Chương 2: PHÂN TÍCH KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VỀ THỰC TRẠNG NGHÈO ĐÓI VÀ NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
    Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ NÂNG CAO MỨC SỐNG DÂN CƯ Ở NINH THUẬN
    KẾT LUẬN
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...